Kẻ Trộm Sách

Chương 59



NHỮNG LỜI THÚ NḤẬN

Khi những người Do Thái đã đi khỏi, Rudy và Liesel buông nhau ra, kẻ trộm sách không nói gì cả. Chẳng có câu trả lời nào cho những câu hỏi của Rudy hết.

Liesel cũng không đi về nhà. Con bé bước đi một cách cô độc đến trạm xe lửa và chờ bố nó ở đó trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Ban đầu, Rudy đứng cùng với nó, nhưng vì vẫn còn nửa ngày nữa Hans mới về đến nhà, nên nó đã gọi Rosa đến. Trên đường quay lại nhà ga, thằng bé đã kể cho bà nghe chuyện đã xảy ra, và khi Rosa đến nơi, bà chẳng hỏi đứa bé gái điều gì cả. Bà đã ghép được những mảnh ghép hình vào với nhau rồi, và chỉ đứng bên cạnh con bé, và cuối cùng là thuyết phục nó ngồi xuống. Họ ngồi đợi cùng nhau.

Khi Bố thấy họ, ông thả rơi cái túi của mình xuống, ông đá vào cái bầu không khí của Bahnhof[1].

[1] Nhà ga (Tiếng Đức)

Đêm đó không ai trong số họ dùng bữa tối cả. Những ngón tay của Bố cào cấu cây đàn xếp, ám sát hết bài hát này đến bài hát khác, dù ông có cố gắng đến như thế nào đi nữa. Mọi thứ đã không còn tốt đẹp nữa rồi.

Trong suốt ba ngày trời, kẻ trộm sách nằm lì trên giường.

Mỗi buổi sáng và chiều, Rudy Steiner đều gõ lên cánh cửa và hỏi xem con bé có vẫn còn ốm hay không. Đứa bé gái không ốm.

Đến ngày thứ tư, Liesel đứng trước cửa nhà hàng xóm của nó và hỏi xem liệu thằng bạn có thể quay lại chỗ những cái cây, nơi chúng đã phân phát bánh mì cùng nhau hồi năm ngoái hay không.

“Lẽ ra tớ đã nói với cậu sớm hơn,” con bé nói.

***

Như đã hứa, chúng bước đi thật xa, đến tận con đường dẫn đến Dachau. Chúng đứng giữa những cái cây. Có những hình thù dài ngoằng của ánh sáng và bóng tối. Đám quả thông kêu lạo xạo như những cái bánh quy vậy.

Cảm ơn cậu, Rudy.

Vì tất cả. Vì đã giúp ta ra khỏi con đường đó, vì đã ngăn tớ lại…

Con bé không nói ra điều nào trong số những điều này cả.

Tay nó đặt trên một cành cây tróc vỏ bên cạnh nó. “Rudy, nếu tớ nói cho cậu biết một điều gì đó, thì cậu có hứa là sẽ không nói một lời nào cho bất cứ ai nghe chứ?”

“Dĩ nhiên rồi.” Thằng nhóc có thể cảm nhận được sự nghiêm trọng nơi gương mặt của con bé, và sự nặng nề trong giọng nói của bạn mình. Nó ngả người lên cái cây bên cạnh con bé. “Chuyện gì thế?”

“Hãy hứa đi.”

“Tớ hứa rồi còn gì.”

“Hứa lại đi. Cậu không được kể cho mẹ cậu, cho anh cậu hay cho Tommy Muller nghe chuyện này. Không ai cả.”

“Tớ hứa.”

Nó tựa người vào thân cây.

Nhìn xuống đất.

Con bé thử vài lần để tìm được chỗ thích hợp để bắt đầu, nó đọc những câu được viết dưới chân mình, kết hợp những từ ngữ vào những quả thông và cái đống rác của những cành cây gãy.

“Cậu có nhớ lúc mà tớ bị thương khi chơi bóng đá,” con bé nói, “ở trên phố không?”

Con bé đã mất khoảng bốn mươi lăm phút để giải thích về hai cuộc chiến tranh, một cây đàn xếp, một tay đấm Do Thái và một cái tầng hầm. Dĩ nhiên là nó không quên bổ sung về điều đã xảy ra trước đó mấy ngày trên phố Munich.

“Đó là lý do vì cậu đến gần để nhìn cho rõ hơn,” Rudy nói, “với miếng bánh mì ngày hôm đó. Để xem anh ấy có ở đó không.”

“Đúng vậy.”

“Lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác.”

“Phải.”

Những cái cây rất cao và giống như hình tam giác. Chúng im lặng.

Liesel rút quyển Người lay từ ngữ ra khỏi túi và cho Rudy xem một trang của quyển sách. Trên trang đó là hình vẽ một thằng nhóc với ba chiếc huy chương vàng được treo quanh cổ nó.

“Mái tóc có màu vàng chanh,” Rudy đọc. Mấy ngón tay của thằng bé chạm vào những từ ngữ. “Cậu đã kể cho anh ấy nghe về tớ à?”

Ban đầu, Liesel không thể nói được. Có thể đó là sự gập ghềnh bất chợt của tình yêu mà con bé cảm thấy với thằng bạn. Hay con bé đã luôn yêu cậu ta? Rất có thể. Vì con bé như đã bị cấm khẩu, nó đã muốn cậu ta hôn nó. Nó đã muốn cậu ta kéo tay nó sang và ôm nó lại gần. Không quan trọng là ở đâu. Miệng nó, cổ nó, má nó. Làn da nó đã sẵn sàng cho cái hôn ấy, đã chờ đợi cái hôn ấy biết bao.

Vài năm trước, khi chúng chạy đua trên một sân đầy bùn nhão, Rudy là một bộ xương được lắp ghép vội vàng, với một nụ cười lung lay, lởm chởm. Chiều nay trong khu rừng, cậu là người cho bánh mì và những con gấu bông. Cậu là vận động viên đã ba lần chiến thắng của trung tâm Thiếu niên Hitler. Cậu là bạn thân nhất của nó. Và cậu chỉ còn cách cái chết của mình một tháng.

“Dĩ nhiên là tớ đã kể với anh ấy về cậu,” Liesel nói.

Con bé đang nói lời vĩnh biệt với bạn mình và nó thậm chí còn không hề hay biết chuyện ấy.

QUYỂN SÁCH NHỎ MÀU ĐEN CỦA ILASA HERMANN

Vào giữa tháng Tám, con bé nghĩ rằng mình sẽ đến nhà số 8 phố Grande để tìm phương thuốc cũ kỹ đó.

Để làm nó thấy khá hơn.

Đó là điều con bé nghĩ.

Ngày hôm đó thật ẩm ướt và nóng rực, nhưng những buổi đi tắm thì đã được định trước là dành cho buổi tối. Trong quyển Người lạ mặt cuối cùng, có một câu trích dẫn gần cuối quyển sách. Liesel nhớ đến nó khi đang đi ngang qua cửa hàng của mụ Diller.

š NGƯỜI LẠ MẶT CUỐI CÙNG, TRANG 211 ›

Mặt trời khuấy trộn quả đất. Cứ vòng quanh vòng quanh, nó khuấy trộn chúng ta, như một món hầm vậy.

Lúc đó, Liesel chỉ nghĩ về câu này bởi ngày hôm đó quá ấm áp đến mức bực bội.

Trên phố Munich, con bé nhớ lại những sự việc đã xảy ra ở đây tuần trước. Nó nhìn thấy những người Do Thái đang đi tới từ phía cuối đường, những dòng suối, những con số, và những nỗi đau của họ. Con bé quyết định rằng câu trích dẫn từ quyển sách của nó đã thiếu mất một từ.

Từ đó là một món hầm xấu xa, nó nghĩ thầm.

Nó xấu xa đến mức mình không thể chịu nổi.

Liesel băng qua cây cầu bắc ngang sông Amper. Dòng nước sông trông thật lộng lẫy và trù phú với màu ngọc lục bảo. Con bé có thể nhìn thấy những hòn đá dưới lòng sông, và lắng nghe được bài hát quen thuộc của dòng nước.

Thế giới này không xứng đáng với một dòng sông như vậy.

Con bé trèo lên ngọn đồi để đi đến phố Grande. Những ngôi nhà trông thật đáng yêu và đáng tởm. Con bé thấy thích thú với những cơn nhức nhối nho nhỏ nơi chân và phổi mình. Hãy đi nhanh hơn, con bé nghĩ thầm, và nó bắt đầu trỗi dậy, như một con quái vật trỗi dậy khỏi lớp cát. Con bé ngửi thấy mùi cỏ của khu nhà. Nó thật tươi mới và ngọt ngào, xanh ngắt và có màu vàng ở ngọn. Con bé băng qua khoảng sân mà không hề quay đầu lại lấy một lần, hay dừng lại dù chỉ một khắc, vì nỗi hoang tưởng.

Ô cửa sổ.

Những bàn tay vịn trên khung cửa, hai chân bắt chéo.

Những cái chân đáp xuống đất.

Những quyển sách và những trang giấy và một gương mặt hạnh phúc.

Con bé rút một quyển sách trên kệ ra và ngồi xuống sàn cùng với nó.

Bà ấy có đang ở nhà không? Con bé tự hỏi, nhưng nó không quan tâm đến việc Ilsa Hermann đang gọt khoai tây trong nhà bếp hay đang đứng ở bưu điện. Hay đang đứng đó, sửng sốt, ở phía trên nó, kiểm tra xem đứa bé gái đang đọc cái gì.

Đứa bé gái chỉ đơn giản là không còn quan tâm đến chuyện đó nữa.

Trong suốt một thời gian dài, con bé chỉ ngồi đó và nhìn.

Nó đã nhìn thấy em trai nó chết với một mắt mở, mắt kia vẫn còn mơ màng. Nó đã nói lời vĩnh biệt mẹ nó và hình dung ra cảnh bà chờ đợi trong cô quạnh một đoàn tàu quay về nhà, đoàn tàu đưa người ta tới sự quên lãng. Một người đàn bà bện bằng dây điện đã nằm xuống, tiếng thét của bà tràn ngập trên con đường cho đến khi nó ngã sang hai bên vỉa hè như một đồng xu đang lăn và thiếu sức đẩy. Một người đàn ông trẻ đã bị treo cổ bởi sợi dây thừng được bện từ tuyết ở Stalingrad. Con bé đã quan sát một người phi công lái máy bay ném bom chết trong một cỗ quan tài bằng kim loại. Nó đã nhìn thấy một người đàn ông Do Thái, người đã hai lần đưa cho nó những trang sách đẹp đẽ nhất đời nó, diễu hành đến trại tập trung. Và giữa tất cả những nhỡn ảnh đó, nó nhìn thấy Quốc trưởng, đang gào thét những từ ngữ của mình và chuyền chúng ra xung quanh.

Những hình ảnh đó là cả thế giới này, và nó bị khuấy trộn bên trong con bé khi nó ngồi đó với những quyển sách đáng yêu và những dòng nhan đề đẹp đẽ của chúng. Tâm can con bé như sôi dần lên khi nó nhìn thấy những trang sách tràn ngập từ ngữ với những đoạn văn và con chữ.

Lũ khốn khiếp, con bé nghĩ thầm. Chúng mày là một lũ khốn khiếp đáng yêu.

Đừng làm tao thấy hạnh phúc. Làm ơn đi, đừng đổ ngập tràn con người tao và để tao nghĩ rằng một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy đến từ bất cứ cái gì trong số này. Hãy nhìn những vết bầm tím của tao mà xem. Hãy nhìn chỗ trầy xước này mà xem. Chúng mày có nhìn thấy vết xước bên trong tao không? Chúng mày có nhìn thấy nó đang lớn lên ngay trước mắt chúng mày, đang ăn mòn tao hay không? Tao không muốn hy vọng về bất cứ điều gì thêm một chút nào nữa. Tao không muốn cầu nguyện rằng Max vẫn còn sống và được an toàn, hay cầu nguyện cho Alex Steiner nữa.

Bởi vì thế giới này không xứng với họ.

Con bé xé một trang sách ra khỏi quyển sách, rồi xé nó ra làm đôi.

Sau đó là một chương của quyển sách.

Không lâu sau, chẳng còn gì khác ngoài những đống rác từ ngữ được vứt bừa bãi giữa hai chân nó và xung quanh con bé. Những từ ngữ. Tại sao chúng lại phải tồn tại cơ chứ? Không có chúng, sẽ chẳng có bất cứ chuyện nào trong số những chuyện này xảy ra cả. Không có những từ ngữ, thì Quốc trưởng chẳng là cái gì cả. Sẽ không có những người tù nhân đi khập khiễng, không cần phải an ủi hay dùng những mánh khóe lừa gạt bằng lời nói để làm chúng ta cảm thấy khá hơn.

Những từ ngữ thì có gì tốt đẹp cơ chứ?

Lúc này con bé đã nói câu này ra thành tiếng, với căn phòng có ánh sáng màu cam. “Những từ ngữ thì có gì tốt đẹp cơ chứ?” Kẻ trộm sách đứng đó rồi cẩn thận bước đến cửa thư phòng. Sự phản kháng của nó rất nhỏ bé và hời hợt. Hành lang lộng gió đã bị ngấm vào sự trống rỗng làm bằng gỗ của ngôi nhà.

“Bà Hermann?”

Tiếng gọi ấy quay trở lại với con bé và cố dâng lên một lần nữa đến chỗ cánh cửa ra vào. Nó chỉ đi được nửa đường, rồi đáp một cách yếu ớt xuống hai tấm ván lót sàn dẹp lép.

“Bà Hermann?”

Những tiếng gọi của nói được chào đón bởi không gì khác ngoài sự im lặng, và con bé rất muốn tìm trong nhà bếp, vì Rudy. Nó cố ngăn mình làm thế. Con bé sẽ cảm thấy không ổn nếu ăn cắp thức ăn từ một người đàn bà đã để lại cho nó một quyển từ điển trên ô cửa sổ. Vậy đấy, và nó còn mới vừa phá hủy một trong những quyển sách của bà ấy nữa, hết trang sách này đến trang sách khác, hết chương sách này đến chương sách khác. Con bé đã hủy hoại đủ rồi.

Liesel quay lại thư phòng và mở một trong những cái ngăn kéo bàn ra. Nó ngồi xuống.