Kẻ Trộm Sách

Chương 46



š NHÀ BẾP: MỘT GIỜ CHIỀU ›

Còn hai giờ nữa là tới lúc chia tay: “Đừng đi, Bố ơi. Làm ơn đi mà.” Bàn tay đang cầm thìa của con bé run rẩy. “Đầu tiên thì chúng ta đã mất Max. Bây giờ con không thể mất luôn cả Bố nữa.” Đáp lại, người đàn ông vẫn còn ngà ngà hơi men cắm chặt hai khuỷu tay của mình xuống mặt bàn và che con mắt bên phải của ông lại. Bây giờ con đã là phụ nữ được một nửa rồi, Liesel.” Ông như muôn đổ gục xuống nhưng vẫn cầm cự được. Ông đã vượt qua được nó. “Hãy chăm sóc Mẹ, được chứ?” Đứa bé gái chỉ có thể hơi gật đầu một chút, để đồng ý. “Vâng, thưa Bố.”

Ông rời khỏi phố Thiên Đàng với một cái đầu váng vất hơi men và một chiếc vali.

Alex Steiner vẫn còn được ở lại thêm bốn ngày nữa. Ông ghé qua độ một giờ trước khi họ đến nhà ga và chúc Hans mọi điều tốt lành. Cả gia đình Steiner đã đến. Tất cả đều bắt tay ông. Barbra ôm lấy ông, hôn lên cả hai bên má ông. “Hãy sống sót trở về nhé.”

“Được, Barbra,” và cách mà ông nói câu này ra đầy tự tin. “Dĩ nhiên là tôi sẽ sống.” Thậm chí ông còn bật ra được một tiếng cười khan. “Nó chỉ là một cuộc chiến tranh thôi, bà biết đấy. Tôi đã sống sót một lần trước đây rồi.”

Khi họ đi ngược trên phố Thiên Đàng, người đàn bà như một sợi dây điện ở nhà bên bước ra và đứng trên vệ đường.

“Tạm biệt, bà Holtzapfel. Tôi xin lỗi vì chuyện đêm qua.”

“Tạm biệt, Hans, đồ con lợn say xỉn,” nhưng bà ta cũng mang lại cho ông thấy một dấu hiệu của tình bạn. “Hãy sớm quay về nhé.”

“Vâng, thưa bà Holtzapfel. Cảm ơn bà.”

Thậm chí bà ta còn đùa cợt thêm tí nữa. “Ông biết mình có thể làm gì với mấy câu cảm ơn của mình mà.”

Ở góc phố, mụ Diller quan sát trong tư thế phòng thủ từ cửa sổ cửa hàng mụ, và Liesel nắm lấy tay của bố nó. Con bé cứ nắm lấy bàn tay ấy suốt dọc trên con phố Munich, tới Bahnhof. Đoàn tàu đã ở đó rồi.

Họ đứng trên sân ga. Rosa ôm lấy ông trước.

Không có lời nào được nói ra cả.

Mái đầu của bà như được chôn vùi vào ngực ông, rồi biến mất.

Sau đó là đứa bé gái.

“Bố ơi?”

Không có gì cả.

Đừng đi, Bố ơi. Xin đừng đi. Hãy để họ đến bắt Bố nếu Bố ở lại.

Nhưng xin Bố đừng đi, làm ơn đừng đi.

“Bố ơi?”

š GA XE LỬA, BA GIỜ CHIỀU ›

Không giờ, không phút tính đến lúc chia tay: ông ôm lấy con bé. Để nói một điều gì đó, để nói bất cứ điều gì đó, ông nói qua vai nó. “Con có thể trông nom cây đàn xếp của Bố được không, Liesel? Bố đã quyết định không mang nó theo.” Bây giờ ông đã tìm thấy điều mà ông thực sự muốn nói. “Và nếu có thêm những đợt oanh kích nữa, hãy cứ đọc sách trong hầm trú ẩn nhé.” Đứa bé gái cảm thấy dấu hiệu của bộ ngực đang dần nhú lên của nó. Nó thấy đau khi chạm vào xương sườn ông. “Vâng, thưa Bố.” Cách đôi mắt ông một milimét, con bé nhìn chằm chằm vào sợi vải trên áo ông. Nó nói vào tai ông. “Bố sẽ chơi đàn cho cả nhà mình nghe bài gì đó khi Bố về nhà chứ?”

Sau đó, Hans Hubermann cười với con gái mình, và đoàn tàu đã sẵn sàng chuyển bánh. Ông vươn người ra và nhẹ nhàng ôm lấy gương mặt nó trong lòng bàn tay mình. “Bố hứa,” ông nói, và ông đi vào toa hành khách.

Họ nhìn nhau khi đoàn tàu chuyển bánh.

Liesel và Rosa vẫy tay chào tạm biệt.

Hans Hubermann ngày càng nhỏ dần, và lúc này tay ông không nắm gì khác ngoài không khí.

Trên sân ga, người ta biến mất xung quanh họ, cho đến khi chẳng còn ai nữa. Chỉ còn người đàn bà có hình cái áo choàng và đứa bé gái mười ba tuổi.

Trong vòng vài tuần lễ tiếp theo, khi Hans Hubermann và Alex Steiner đang ở những trại huấn luyện cấp tốc khác nhau, thì phố Thiên Đàng như sưng vù lên. Rudy không còn như trước nữa - nó không chịu nói một câu nào. Mẹ cũng không còn như trước nữa - bà không chửi rủa hay xỉ vả ai. Liesel, cũng thế, cũng cảm thấy những ảnh hưởng đến mình. Nó không còn khát khao ăn trộm một quyển sách, dù con bé có cố gắng thuyết phục mình rằng điều đó sẽ khiến nó cảm thấy khá hơn đến thế nào đi chăng nữa.

Mười một ngày sau khi Alex Steiner ra đi, Rudy quyết định rằng nó đã chịu đựng đủ rồi. Nó bước vội về phía cánh cổng và gõ lên cửa nhà Liesel.

“Kommst[1]?”

[1] Đi chứ?

“Ja[2].”

[2] Đi.

Con bé không quan tâm đến việc thằng bạn mình đi đâu hay đang toan tính điều gì, nhưng rõ ràng là thằng nhóc sẽ không đi néu không có nó đi cùng. Chúng đi hết phố Thiên Đàng, sang phố Munich và ra khỏi Molching. Chúng cứ đi như thế khoảng một giờ đồng hồ thì Liesel mới hỏi câu hỏi quyết định; cho đến tận lúc đó, thi thoảng nó chỉ liếc sang gương mặt đầy quyết tâm của Rudy, hay kiểm tra hai cánh tay cứng cáp và hai nắm tay cho vào túi áo của thằng bạn.

“Chúng ta đang đi đâu vậy?”

“Điều đó chẳng rõ ràng lắm sao?”

Phải khó khăn lắm con bé mới không mất bình tĩnh. “Để tớ nói cho cạu biết sự thật nhé - không, không rõ ràng lắm đâu.”

“Tớ đang đi tìm ông ấy.”

“Bố cậu ư?”

“Đúng.” Thằng nhóc đã suy nghĩ về việc này. “Thực ra là không. Tớ nghĩ là thay vào đó thì tớ sẽ tìm lão Quốc trưởng “

Những bước chân gấp hơn. “Tại sao?”

Rudy ngừng lại. “Bởi vì tớ muốn giết chết lão ta.” Thậm chí nó còn đi xa hơn để nói cho cả phần còn lại của thế giới biết điều này. “Các người có nghe thấy chưa, hả lũ khốn kiếp?” thằng bé hét lên. “Tôi muốn giết chết lão Quốc trưởng!”

Chúng lại đi tiếp khoảng vài dặm. Đó là lúc Liesel cảm thấy rằng phải quay lại. “Trời sắp tối rồi, Rudy à.”

Thằng bé vẫn bước tiếp. “Thế thì sao?”

“Tớ về đây.”

Rudy ngừng lại và nhìn nó như thể con bé đang phản bội lại mình vậy. “Đúng rồi, đồ trộm sách. Cứ bỏ tớ ở đây đi. Tớ cuộc là nếu có một quyển sách thối tha ở cuối con đường này thì câu sẽ đi tiếp. Có phải không hả?”

Trong một lúc không ai trong hai đứa lên tiếng cả, nhưng Liesel nhanh chóng tìm thấy đủ ý chí để lên tiếng. “Cậu nghĩ là chỉ có một mình cậu thôi sao, hả đồ con lợn?” Con bé quay mặy đi. “Và cậu chỉ mất có mỗi bố cậu mà thôi sao...?”

“Điều đó có nghĩa là gì?”

Liesel ngừng lại một khoảnh khắc để đếm.

Mẹ nó. Em trai nó. Max Vandenburg. Hans Hubermann. Tất cả bọn họ đều đã ra đi. Và thậm chí nó còn chưa bao giờ có một người cha thực sự.

“Có nghĩa là,” nó đáp, “tớ đi về nhà đây.”

Con bé đi một mình trong mười lăm phút, và ngay cả khi Rudy đến bên cạnh nó với hơi thở sau khi vừa mới chạy xong và hai má ướt đẫm mồ hôi, thì hai đứa cũng không nói lời nào với nhau suốt một giờ đồng hồ tiếp theo. Chúng chỉ đi về nhà cùng nhau, với những bàn chân đau nhói và những quả tim mệt mỏi rã rời.

Có một chương gọi là “Những trái tim rã rời” trong quyển Bài hát trong bóng tối. Một cô gái lãng mạn đã tự hứa sẽ trao thân mình cho một chàng trai trẻ, nhưng rồi cô phát hiện ra chàng ta đã ra đi cùng với người bạn thân nhất của cô. Liesel chắc rằng đó là chương Mười một. “Trái tim ta mới rã rời làm sao,” cô gái đã nói như thế. Khi đó cô ta đang ngồi trong một ngôi nhà thờ nhỏ, viết nhật ký.

Không, Liesel nghĩ như thế trong lúc nó bước đi. Trái tim của ta đây mới rã rời. Một quả tim mười ba tuổi lẽ ra không nên cảm thấy như vậy.

Khi về đến ngoại ô Molching, Liesel ném vài lời sang bên cạnh mình. Con bé đã có thể nhìn thấy sân Hubert Oval. “Có nhớ cái lúc mà chúng ta chạy đua ở đây không, Rudy?”

“Dĩ nhiên rồi, tớ cũng đang nghĩ về việc đó đây - cậu có nhớ là chúng ta đã cùng nhau ngã thế nào không?”

“Cậu nói là người cậu toàn cứt là cứt.”

“Đó chỉ là bùn thôi.” Lúc này thì thằng nhóc đã không kìm được sự phấn khởi của mình nữa. “Người tớ đã dính toàn cứt là cứt ở chỗ trung tâm Thiếu niên Hitler. Cậu lẫn lộn hết cả rồi, đồ con lợn.”

“Tớ chẳng lẫn lộn tí nào cả. Tớ chỉ đang nói với cậu điều cậu đã nói mà thôi. Điều ai đó đã nói và điều đã xảy ra thường là hai điều khác nhau, Rudy ạ, đặc biệt là những điều liên quan đến cậu.”

Như thế thì tốt hơn.

Khi chúng lại bước trên phố Munich, Rudy nhìn qua cửa sổ cửa hiệu của bố nó. Trước khi Alex ra đi, ông và Barbra đã bàn bạc với nhau xem bà ấy có nên tiếp tục giữ cho cửa hiệu hoạt động khi vắng mặt ông hay không. Họ đã quyết định là không, sau khi xét đến việc đằng nào thì gần đây công việc của cửa hiệu cũng thưa thớt nhiều, và ít nhất thì cũng có một thoáng sợ hãi đối với việc những đảng viên Quốc xã khiến người ta cảm thấy sự hiện diện của họ. Việc làm ăn chưa bao giờ tốt đẹp cho những kẻ kích động quần chúng cả. Gia đình họ sẽ phải phụ thuộc vào trợ cấp quân đội thôi.

Những bộ quần áo được treo trên sào, và mấy con ma-nơ-canh vẫn giữ nguyên những tư thế kỳ quặc của chúng. “Tớ nghĩ là cái con đằng kia thích cậu đấy,” một lúc sau Liesel lên tiếng. Đó là cách của nó để bảo với thằng nhóc rằng đã đến lúc đi tiếp rồi.

Trên phố Thiên Đàng, Rosa Hubermann và Barbra Steiner đứng cùng nhau trên vệ đường.

“Ôi, lạy đức mẹ Maria,” Liesel nói. “Trông họ có lo lắng không?” “Trông họ rất giận dữ.”

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi chúng về đến nơi, chủ yếu là câu hỏi hiển nhiên, “Hai đứa chúng mày đã ở chỗ quái nào vậy?”, nhưng sự giận dữ đã nhanh chóng nhường chỗ cho những cái thở phào nhẹ nhõm.

Barbra là người theo đuổi những câu trả lời. “Sao nào Rudy?”

Liesel đã trả lời thay cho thằng bạn. “Cậu ấy muốn đi giết chết Quốc trưởng,” con bé nói, và Rudy trông có vẻ thực sự hạnh phúc trong một khoảnh khắc đủ lâu để làm con bé cảm thấy hài lòng.

“Tạm biệt, Liesel.”

Vài tiếng đồng hồ sau, có một tiếng ồn trong phòng khách. Tiếng ồn vọng đến tận giường của Liesel. Con bé thức dậy và cứ nằm yên như thế, miên man nghĩ về những bóng ma và Bố và những kẻ xâm lược, và Max. Có tiếng của thứ gì đó bị mở ra, kéo lê đi, rồi sau đó chỉ còn lại sự im lặng mờ mịt. Im lặng luôn là sự cám dỗ mạnh mẽ nhất.

Đừng nhúc nhích.

Con bé nghĩ về việc này rất nhiều lần, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.

Chân nó mắng nhiếc sàn nhà.

Không khí luồn vào hai ống tay áo ngủ của nó.

Nó đi dọc theo bóng tối hành lang, về hướng sự im lặng đã từng là sự ồn ào, về phía sợi ánh trăng đang treo trong phòng khách. Con bé ngừng lại, cảm nhận được sự trần trụi của mắt cá và những ngón chân mình. Nó quan sát.

Con bé mất nhiều thời gian hơn nó tưởng để mắt nó quen với bóng tối, và khi mắt nó đã quen với bóng tối, thì con bé thấy rõ ràng Rosa Hubermann đang ngồi trên mép giường và ôm chặt cây đàn xếp của chồng bà vào ngực. Những ngón tay bà lượn lờ trên các phím đàn. Bà không cử động. Thậm chí trông bà như đã ngừng thở.

Hình ảnh đó tự tìm đến với đứa bé gái đang đứng nơi hành lang.

š MỘT HÌNH ẢNH ›

Rosa với cây đàn xếp.

Ánh trăng trong bóng tối.

Một thước rưỡi x cây đàn xếp x im lặng.

Liesel đứng yên đó và quan sát.

Nhiều phút đồng hồ nhỏ giọt trôi qua. Kẻ trộm sách rất muốn được nghe một nốt nhạc, dù vậy, nốt nhạc ấy vẫn không tới. Những phím đàn không được ai bấm cả. Cái ống bễ không thở. Chỉ có ánh trăng như một sợi tóc dài vương trên tấm màn, và chỉ có Rosa mà thôi.

Cây đàn xếp vẫn kẹt cứng nơi ngực bà. Khi bà gục đầu xuống, thì cây đàn chìm dần vào lòng bà. Liesel quan sát. Con bé biết rằng trong vài ngày sắp tới, Mẹ sẽ đi vòng quanh nhà với dấu ấn của một cây đàn xếp trên thân thể bà. Con bé cũng có một nhận thức rằng có một vẻ đẹp kỳ lạ ở điều mà nó đang chứng kiến, và nó đã chọn cách không làm điều ấy tan biến.

Con bé quay lại giường và ngủ thiếp đi với hình ảnh của Mẹ cùng âm vang của những bản nhạc câm lặng phát ra từ cây đàn xếp. Sau đó, khi nó thức dậy khỏi cơn ác mộng hằng đêm của mình và lại rón rén đi ra hành lang, thì Rosa vẫn ở đó, và cây đàn xếp cũng vậy.

Như một cái neo, cảnh tượng kéo con bé tới gần. Cơ thể của bà đang chìm dần. Trông bà như đã chết rồi.

Hẳn là bà không thể thở được trong tư thế đó, Liesel nghĩ thầm, nhưng khi con bé bước đến gần hơn, thì nó có thể nghe thấy âm thanh ấy.

Mẹ lại đang ngáy.

Ai cần những cái ống bễ cơ chứ, con bé nghĩ thầm, khi bạn đã có hai buồng phổi như thế?

***

Sau cùng, khi Liesel quay trở về giường, hình ảnh của Rosa Hubermann và cây đàn xếp vẫn không chịu từ bỏ nó. Cặp mắt của kẻ trộm sách vẫn mở thao láo. Con bé đang chờ đợi sự nghẹt thở của giấc ngủ đến với mình.