Kẻ Trộm Sách

Chương 26: Người huýt sáo



Gồm có:

Quyển sách trôi sông – những tay cờ bạc – một linh hồn bé bỏng – hai lần cắt tóc – thời niên thiếu của Rudy – những kẻ thua cuộc và những bản phác thảo –một người huýt sao và đôi giày – ba hành động ngu ngốc – và một thằng bé hoảng sợ với đôi chân tê cóng.

QUYỂN SÁCH TRÔI SÔNG

(Phần I)

Có một quyển sách đang trôi xuôi dòng sông Amper.

Một thằng bé đã nhảy xuống, đuổi kịp quyển sách ấy rồi giữ lấy nó trong bàn tay phải của nó. Thằng bé toe toét cười.

Nó đứng trong dòng nước lạnh giá của tháng Mười hai ngập đến ngang hông.

“Một nụ hôn thì thế nào đây hả, Đồ con lợn?” thằng nhóc hỏi.

Bầu không khí xung quanh có hơi lạnh đáng yêu, kỳ diệu và khiến bạn buồn nôn, ấy là còn chưa nói đến cái buốt nhói rất cụ thể của nước, được phủ dày từ những ngón chân lên đến bờ môi của thằng bé.

Một nụ hôn thì thế nào đây hả?

Một nụ hôn thì thế nào đây hả?

Rudy tội nghiệp.

š MỘT THÔNG TIN NHỎ VỀ RUDY STEINER ›

Nó không đáng phải chết theo cái cách mà nó đã chết.

Trong những nhỡn ảnh của bạn, bạn nhìn thấy mấy trang sách lộn xộn vẫn ken vào giữa các ngón tay của thằng bé. Bạn nhìn thấy một mái tóc vàng đang run rẩy vì lạnh. Thế là bạn liền đưa ra một kết luận ban đầu, cũng như tôi, rằng Rudy đã chết vào chính ngày hôm ấy, vì bị giảm thân nhiệt. Nhưng không. Những hồi ức như thế chỉ có thể nhắc tôi nhớ rằng thằng bé không đáng phải hứng chịu cái số phận oan nghiệt sẽ xảy đến với nó gần hai năm sau đó.

Dù thế nào đi nữa, thì rước một thằng bé như Rudy đi cũng là một sự ăn cướp trắng trợn – nó có quá nhiều sự sống, quá nhiều điều đáng để nó sống – vậy mà làm thế nào đó, tôi vẫn đoán chắc rằng thằng bé đã rất thích nhìn đống gạch đá kinh khiếp và bầu trời căng phồng lên vào đêm nó chết. Nó đã khóc, đã quay đầu lại và mỉm cười, lòng ước giá như nó có thể nhìn thấy kẻ trộm sách đang chống tay và quỳ gối trên mặt đất, bên cạnh cái xác vô hồn của nó. Nó hẳn đã rất vui sướng khi chứng kiến cô bạn nó hôn lên đôi môi bụi bặm, bầm dập của mình.

Phải, tôi biết điều đó.

Từ thẳm sâu trong trái tim đập cùng bóng tối của tôi, tôi biết điều đó. Thằng bé hẳn là rất thích như thế.

Bạn hiểu chứ?

Ngay cả thần chết cũng có một trái tim.

NHỮNG TAY CỜ BẠC

(Viên xúc xắc bảy mặt)

Dĩ nhiên, tôi đang cư xử một cách thô lỗ, tôi đang làm hỏng phần kết thúc, không chỉ phần kết thúc của quyển sách, mà cả kết thúc của cái đoạn cá biệt này trong sách nữa. Tôi đã mang đến trước cho bạn hai sự việc, bởi tôi không thích thú gì với việc dựng nên những điều bí ẩn. Mấy điều bí ẩn đó làm tôi phát ngấy lên được. Chúng làm tôi bận rộn với những việc lặt vặt. Tôi biết điều gì đã xảy ra và bạn cũng thế. Chính cái âm mưu đã thúc đẩy chúng ta đến những sự việc đó mới làm tôi bực tức, rối trí, quan tâm và kinh ngạc.

Có rất nhiều điều để suy nghĩ.

Rất nhiều câu chuyện.

Dĩ nhiên rồi, có một quyển sách nhan đề là Người huýt sáo mà chúng ta thật sự cần phải thảo luận, cùng với việc làm thế nào mà nó lại trôi xuôi dòng sôi Amper trong khoảng thời gian gần đến kỳ lễ Giáng sinh năm một94một. Trước tiên chúng ta phải giải quyết tất cả những chuyện này đã, bạn có nghĩ thế không?

Vậy là đâu vào đấy rồi nhé.

Chúng ta sẽ làm thế trước.

Nó được bắt đầu với trò cờ bạc. Hãy gieo một con xúc xắc với việc giấu một người Do Thái và đây là cách mà bạn sẽ sống. Nó sẽ trông giống như thế này đây.

CẮT TÓC: GIỮA THÁNG TƯ NĂM 1941

Ít nhất thì cuộc sống cũng bắt đầu có vẻ giống như bình thường, dù có nhiều áp lực hơn. Hans và Rosa đã cãi nhau trong phòng khách, ngay cả khi việc này diễn ra một cách im lặng hơn nhiều so với trước đây. Liesel, như thường lệ, là người đứng quan sát.

Nguồn gốc vụ cãi nhau bắt đầu từ đêm hôm trước, dưới tầng hầm, nơi Hans và Max đang ngồi cùng với mấy thùng sơn, những từ ngữ và vài tấm phủ che bụi. Max hỏi xem liệu Rosa có thể cắt cho tóc anh gọn đi một chút được không. “Nó bắt đầu chọc vào mắt cháu rồi,” anh nói, và Hans đáp, “Bác sẽ xem mình có thể làm được gì.”

Giờ thì Rosa đang lục lọi mấy cái ngăn kéo. Những từ ngữ của bà được ném trả lại về phía Bố cùng đám rác rưởi trong đó. “Cái kéo chết tiệt ấy ở đâu rồi kia chứ?”

“Không có trong ngăn kéo dưới à?”

“Tôi đã kiểm tra ngăn ấy rồi.”

“Có thể bà đã không nhìn thấy nó chăng.”

“Trông tôi có giống như một con mụ mù lòa không?” Bà nghển cổ lên và cất tiếng rống: “Liesel!”

“Con ở đây.”

Hans co rúm người lại. “Khốn kiếp thật, con mụ đàn bà này, sao bà không làm tôi điếc luôn đi cho rồi!”

“Im đi, Đồ lợn!” Rosa tiếp tục lục lọi ngăn kéo và nói với đứa bé gái. “Liesel, cái kéo đâu mất rồi?” Nhưng Liesel cũng không biết. “Đồ con lợn, mày thật là vô dụng, có biết không hả?”

“Đừng có lôi con bé vào chuyện này.”

Có thêm nhiều từ ngữ được trao đổi qua lại, từ người đàn bà với mái tóc như dây chun đến người đàn ông có cặp mắt màu bạc, cho đến khi Rosa đóng sầm ngăn kéo lại. “Đằng nào thì tôi cũng sẽ cắt hỏng bét cả thôi.”

“Cắt hỏng à?” Khi đó trông Bố như đã sẵn sàng giật phăng mái tóc của mình ra, nhưng giọng nói của ông lại như một lời thì thầm chỉ vừa đủ để nghe thấy. “Tên quái nào sẽ nhìn thấy mái tóc ấy cơ chứ?” Ông mấp máy môi để chuẩn bị lên tiếng lần nữa, nhưng lại bị phân tâm bởi dáng người như phủ đầy lông vũ của Max Vandenburg, người đang đứng một cách lịch sự và đầy bối rối nơi ngưỡng cửa. Anh đã mang theo cái kéo của mình và tiến lên trước, và anh không đưa nó cho Hans hay Rosa, mà đưa cho đứa bé gái mười hai tuổi. Con bé là lựa chọn bình tĩnh nhất dành cho anh lúc này. Miệng anh run lên một chút trước khi anh hỏi, “Em sẽ giúp anh chứ?”

Liesel cầm lấy cái kéo và mở nó ra. Cây kéo có những chỗ đã rỉ sét và những chỗ vẫn còn sáng bóng. Con bé quay sang Bố, và khi ông gật đầu, nó theo Max xuống tầng hầm.

Người Do Thái ngồi trên một thùng sơn. Một tấm che bụi nhỏ được bọc quanh anh. “Em muốn cắt hỏng bao nhiêu chỗ cũng được,” anh bảo con bé.

Bố ngồi lại ở những bậc cấp.

Khi cắt những sợi tóc như lông chim của anh, con bé thấy ngạc nhiên vì âm thanh do cây kéo phát ra. Không phải là tiếng kéo lách cách, mà là tiếng ken két của mỗi lưỡi kéo khi nó gặt từng túm tóc ra.

Khi công việc đã hoàn thành, với một mái tóc có vài chỗ xấu xí, vài chỗ quanh co lởm chởm, con bé đi lên tầng trên với mái tóc của Max trong tay mình và ném chúng vào bếp lò. Nó nhóm một que diêm lên và nhìn chỗ tóc ấy quăn ại rồi chìm xuống trong màu cam và màu đỏ.

Một lần nữa, Max lại xuất hiện ở ngưỡng cửa. Lần này anh đứng trên những bậc cấp. “Cảm ơn, Liesel.” Giọng nói của anh rất cao, và khản đặc, đâu đó trong giọng nói ấy ẩn chứa một nụ cười.

Lúc anh nói cũng là lúc anh biến mất, để quay trở lại lòng đất.

TỜ BÁO: ĐẦU THÁNG NĂM

“Có một người Do Thái trong tầng hầm nhà cháu.”

“Có một người Do Thái. Trong tầng hầm nhà cháu.”

Khi đang ngồi trên sàn căn phòng đầy sách trong nhà ông thị trưởng, Liesel Meminger đã nghe thấy những lời ấy. Một cái túi đựng đồ giặt ủi đang ở bên cạnh nó và dáng người ma quái của vợ ông thị trưởng đang ngồi ngật ngưỡng ở chỗ cái bàn Liesel đang đọc quyển Người huýt sáo, con bé cầm quyển sách trước mặt, mở ra ở trang hai mươi hai và hai mươi ba. Liesel nhìn lên. Nó tưởng tượng ra cảnh mình bước tới, nhẹ nhàng vén mấy món tóc lơ thơ của người đàn bà ấy sang một bên rồi thì thầm vào tai bàn

“Có một người Do Thái trong tầng hầm nhà cháu.”

Khi quyển sách run rẩy trong lòng con bé, thì cái điều bí mật ấy như đã ngồi đè lên miệng nó. Nó xoay xở được một tư thế rất thoải mái. Nó ngồi bắt chéo chân.

“Lúc này lẽ ra cháu phải đang trên đường về nhà.” Lần này, con bé đã thực sự lên tiếng. Đôi tay nó đang run rẩy. Mặc cho tia nắng đằng xa, một ngọn gió nhẹ vẫn thổi luồn qua khe cửa sổ, cùng những giọt mưa rơi vào phòng như mùn cưa.

Khi Liesel đặt quyển sách lên giá, cái ghế của người đàn bà cọ quẹt trên sàn nhà, rồi bà ấy bước tới gần nó. Lúc nào kết thúc cũng giống như thế này. Những quầng nếp nhăn nhẹ nhàng tiếc nuối trên gương mặt bà sưng lên một thoáng khi bà ta vươn người tới trước và lấy quyển sách ra.

Bà đưa nó cho đứa bé gái.

Liesel né sang một bên.

“Không,” con bé nói, “cảm ơn bà. Ở nhà cháu đã có đủ sách rồi. Có lẽ để dịp khác. Cháu đang đọc lại một quyển khác với bố. Quyển mà cháu đã ăn trộm từ chỗ đống lửa vào đêm hôm nọ, bà biết đấy.”

Vợ ông thị trưởng gật đầu. Nếu có một điều có thể nói về Liesel Meminger, thì việc trộm cắp của con bé không phải là vô cớ. Nó chỉ ăn trộm những quyển sách mà nó cảm thấy cần phải có. Hiện thời nó đã có đủ sách. Nó đã đọc quyển Người bùn bốn lần và đang đọc lại quyển Cái nhún vai. Ngoài ra, mỗi đêm trước khi đi ngủ, con bé lại mở một quyển sách hướng dẫn đào huyệt đúng cách ra. Được vùi sâu trong quyển sách này là quyển Người đứng nhìn xuống. Con bé đọc những từ ngữ trong đó thành tiếng và chạm vào những con chim. Nó lật giở những trang sách một cách ồn ĩ, chậm chạp.

“Tạm biệt bà, bà Hermann.”

Con bé ra khỏi thư viện, bước vào hành lang lót sàn gỗ rồi đi ra khỏi ngưỡng cửa kỳ quặc của ngôi nhà. Theo thói quen nó đứng lại trên bậc cấp một lúc, ngắm nhìn Molching đang nằm bên dưới mình. Chiều hôm ấy, cả thị trấn như được bao phủ trong một màn sương mù màu vàng, màn sương ấy vuốt ve những mái nhà như thể chúng là vật nuôi trong nhà, và tỏa ngập trên khắp những con phố như nước tắm vậy.

Khi bước đi trên phố Munich, kẻ trộm sách ngoặt tới ngoặt lui giữa những người đàn ông và đàn bà cầm ô – một đứa bé gái mặc áo mưa đi hiên ngang không xấu hổi từ thùng rác này sang thùng rác khác. Đều đặn như một con lắc đồng hồ.

“Kia rồi!”

Con bé cười với những đám mây màu đồng, để ăn mừng, trước khi thò tay vào và lấy một tờ báo nhàu nhĩ ra. Dù trang trước và trang sau của tờ báo đã lấm lem những vết mực loang, con bé vẫn gấp tờ báo thật phẳng làm đôi rồi kẹp nó vào dưới cánh tay. Suốt vài tháng qua, ngày thứ Năm nào cũng giống như thế này.

Ngày thứ Năm là này đi giao và nhận đồ giặt ủi cuối cùng còn sót lại với Liesel cho đến lúc này, và thường thì ngày này có thể mang lại một vài lợi ích nào đó. Con bé không bao giờ có thể kìm được cảm giác chiến thắng mỗi khi nó tìm thấy một tờ Tin nhanh Molching, hay bất kỳ ấn phẩm nào khác. Việc tìm thấy một tờ báo sẽ khiến ngày hôm đó trở nên tốt đẹp. Nếu đó là một tờ báo có phần ô chữ chưa được giải, thì sẽ là một ngày tuyệt vời. Con bé sẽ đi về nhà, đóng cánh cửa sau lưng nó lại rồi mang tờ báo xuống hầm cho Max Vandenburg.

“Ô chữ thế nào?” anh ta sẽ hỏi nó.

“Chưa giải.”

“Tuyệt lắm.”

Người Do Thái sẽ nở một nụ cười khi anh nhận lấy tờ báo và bắt đầu đọc trong ánh sáng lờ mờ dưới tầng hầm. Thường thì Liesel sẽ quan sát anh khi anh tập trung vào việc đọc tờ báo, hoàn tất ô chữ rồi sau đó bắt đầu đọc lại tờ báo một lần nữ, từ trước ra sau.

Khi thời tiết trở nên ấm hơn, thì lúc nào Max cũng ở dưới tầng hầm. Vào ban ngày, cánh cửa dẫn xuống tầng hầm được để ngỏ cho chút ánh sáng từ phía hành lang lọt xuống chỗ anh. Bản thân hành lang ấy cũng không hẳn là được tắm trong ánh nắng mặt trời, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt, thì bạn phải nhận lấy những gì mình có thể có được. Chút ánh sáng vẫn còn tốt hơn là chẳng có tí ánh sáng nào, và họ phải tiết kiệm. Dầu lửa vẫn chưa đến mức cạn kiệt, nhưng tốt nhất là sử dụng nó càng ít càng tốt.

Liesel thường ngồi trên vài tấm phủ che bụi. Con bé sẽ đọc sách trong lúc Max hoàn tất những ô chữ đó. Hai người ngồi cách nhau vài mét, rất hiếm khi trò chuyện, và trong hầm chỉ có âm thanh của những trang giấy được lật giở. Con bé cũng hay để lại những quyển sách của nó cho Max đọc khi nó đến trường. Ở nơi mà Hans Hubermann và Erik Vandenburg cuối cùng cũng sum họp với nhau bằng âm nhạc, thì Max và Liesel được kết nối với nhau bởi sự thu gom một cách thầm lặng những từ ngữ.

“Chào Max.”

“Chào Liesel.”

Họ sẽ ngồi xuống và đọc.

Có những lúc, con bé quan sát người thanh niên ấy. Nó quyết định rằng chân dung anh sẽ được tóm tắt lại một cách hoàn chỉnh nhất như là một bức tranh được vẽ bằng những màu tái. Nước da màu be. Mỗi con mắt là một đầm lầy. Và anh thở như một kẻ trốn chạy. Một cách tuyệt vọng nhưng lại vô thanh. Chỉ có lồng ngực anh mới cho anh chút biểu hiện của một người còn sống.

Với mật độ ngày càng thường xuyên, Liesel hay nhắm mắt lại và yêu cầu Max đố nó những từ mà con bé vẫn tiếp tục trả lời sai, và nó sẽ nguyền rủa nếu những từ ngữ ấy vẫn tìm cách trốn tránh nó. Sau đó con bé sẽ đứng lên và sơn những từ ngữ ấy lên tường, ở bất cứ chỗ nào, đến hơn chục lần. Max Vandenburg và Liesel Meminger sẽ cùng nhau hít vào mùi của sơn và xi măng.

“Tạm biệt Max.”

“Tạm biệt Liesel.”

Ở trên giường, con bé nằm thao thức, hình dung ra người thanh niên dưới tầng hầm. Trong những nhỡn ảnh trước khi ngủ của con bé, anh luôn mặc đầy đủ quần áo mà ngủ, vẫn còn mang cả giày, phòng khi cần phải trốn đi một lần nữa. Anh ngủ với một con mắt vẫn còn thức.