Hồi Ức Của Một Linh Hồn

Chương 40



Chap 40 : Ngôi nhà giữa nơi hoang vu...

Căn nhà hơi nhỏ, cũ kĩ và ẩm mốc. Cái kiến trúc cũng khá kì lạ khi các cửa được xây hoàn toàn ngược so với hướng mặt trời, giống như là để hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vậy. Tuy là ban ngày nhưng trong nhà lại tối vô cùng, âm u và hơi lạnh lẽo mặc dù nhiệt độ ngoài trời lúc này phải đến 40 độ, mới chỉ nhìn sơ từ phía bên ngoài nhưng không hiểu sao tibu thấy sống lưng mình bắt đầu buốt từ dưới lên trên rồi.

Tiếng dép cọc cạch dần rõ hơn, và tiến về phía hai đứa. Một lão ông râu bạc phơ, chẳc khoảng ngoài 70 đầu thì quấn khăn, mặc một cái áo dài bằng vải thô màu trắng kéo dài đến tận đầu gối, nó cũng gần giống như áo dài nhưng lại khác về kiểu cách và các chi tiết nhỏ nhặt khác. Ông lão chợt ho nhẹ một tiếng, nhìn hai thằng rồi quay về phía tibu hỏi nhỏ:

- Mấy đứa bây tìm ai?

- Dạ, chào ông. Tụi con có việc nên đến đây, nhưng khu này hẻo lánh quá nên không có quán ăn và quán nước nào. Ông cho tụi con nhờ một bữa, rồi tụi con sẽ trả tiền ạ

- Hừ.. vậy hả. Tiền? Tao không cần tiền, nhưng nếu chúng mày khát và đói thì vào đây, tao giúp cho một bữa.

Rồi hai tibu và beo đưa mắt nhìn nhau trong một thoáng, sau đó quay lại nói với ông lão:

- Dạ, cám ơn ông.

Cái điều kì lạ là mặc dù cái nóng như lửa đốt bên ngoài, nhưng khi vừa bước vào trong đã có một cái luồng không khí hoàn toàn khác, nó khiến hai thằng phải rùng mình. Nó không phải cái không khí mát lạnh thông thường, mà cái lạnh đi kèm với một chút rùng rợn như là khí của cõi âm vậy...

Hai thằng vừa vào nhà là cúi chào người còn lại, một bà lão cũng trạc tuổi ông già. Tuy nhiên gương mặt lại phúc hậu và rất là thân thiện

- Chào bà, tụi con là người chỗ khác đến, tới đây để xin bà ly nước và bữa cơm ạ

- Ừ mấy đứa ngồi đây, bà đi lấy nước cho. Đi cả ngày chắc vất vả lắm phải không, thấy đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Ngồi nghỉ ngơi đi hai cháu.

- Dạ cám ơn bà!

Đến lúc này tibu mới có thời gian để đảo mắt một vòng và nhìn xung quanh, căn nhà có khoảng ba phòng, phía trong bà lão đi vào chắc có lẽ là bếp và phòng ngủ. Ngay căn phòng tibu đứng là phòng khách, không có bộ bàn ghế nào, chỉ có một tấm gỗ vuông để ngồi lên đó, chắc có lẽ từ lâu lắm rồi vì mũi gổ khá là cũ kĩ.

Tibu giật mình ...... bàn thờ được đặt ngay phía trước cửa vào, không bài vị cũng không có hình ảnh, mà trên đó chỉ có những chữ ngoằn ngoèo như là tiếng phạn. Hai bên ở phía trên cao được khắc những hình thể khá là kì quái, nhìn kĩ lại thì tibu nhận ra là hai biểu tượng của nền văn hóa chăm : Linga và Yoni.

(Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ rất nhiều năm về trước, mà xuất xứ là từ Ấn Độ. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi âm vật của đàn bà là nguốn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần Mẹ còn có thần Nam, biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật.)

Điều kì lạ là mặc dù Linga và yoni là biểu tượng của văn hóa Chăm nhưng người dân không ai thờ trong nhà, mà nó chỉ hiện diện trên nhưng kiến trúc và nhà thờ cúng của Chăm.

Ở giữa bức tường là một hình thể rất kì lạ mà không thể diện tả được, những đường nét không có quy luật nào được khắc trên tường ôm lấy một hình lục giác, phía trong là hình một cái đầu giống phật nhưng hai con mắt rất là dữ dằn, nó cực kì có hồn, tibu bị nó cái hình đó cuốn hút bởi vì đôi mắt trong hình, bỗng chốc tibu thấy có một chút sợ hãi...

Không nhang khói nhưng có một mùi hương xộc vào mũi tibu, lúc đầu thì hơi khó chịu vì nó hơi hắc hắc, khiến sống mũi đau buốt và rát nhưng lúc sau lại khiến người cảm thấy khoan khoái và dễ chịu, mặc dù đã mệt mỏi cả ngày nhưng chỉ một lúc là tibu thấy người mình nhẹ nhõm vô cùng.

Dưới chân bệ thờ có một mỏm đá nhô lên, hình vuông và khá nhỏ, trên đó có một vài dòng chữ bằng tiếng Chăm nên tibu không thể đọc được. Đang tập trung xem xét về căn nhà thì bà lão mang nước ra cho hai thằng uống, rối rít cám ơn rồi hai thằng mệnh ai người đó uống hết một mạch.

Tibu để ý từ đến khi hai thằng vô nhà cho đến lúc này, hai ông bà không hề mở miệng nói chuyện với nhau một tiếng nào cả. Có một cái gì đó rất bí ẩn và kì lạ ở căn nhà cũ kĩ và hoang vu này, hoặc cũng có thể là cái cách sống và văn hóa ở một nơi xa xôi so với nơi tibu sinh sống nó làm cho cả hai thằng đều choáng ngợp và chưa quen với điều đó được.

Hì hà hì hục, miệng và đầu hai thằng cắm vào cái tô cơm khô không khốc với một chút nước mắm, rau cùng một số gia vị lạ miệng khác. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no, hai thằng ăn như chưa bao giờ được ăn, dù chỉ là cơm canh đạm bạc nhưng lại hơn bất kì thứ sơn hào hải vị nào.

Ăn hết phần của mình, bụng thì no rồi nhưng miệng vẫn còn thòm thèm, có lẽ hai thằng đói lả vì nhịn cả ngày một phần là do đường xá xa xôi nên cơ thể bị mất sức. No nê xong, hai thằng nằm kềnh lên tấm gỗ ngủ thiếp đi, có lẽ vì mệt...

Trời đã về chiều, tibu giật mình tỉnh dậy và hơi hoảng hốt vì ông lão đang ngồi nhìn mình chằm chằm, như hù dọa một đứa con nít bằng cái đôi mắt đáng sợ...

- Dạ … dạ tụi con mệt nên ngủ thiếp đi lúc nào không biết, ông không ngủ trưa ạ.

Miệng nói chuyện với ông già, còn chân tibu thì đạp Beo liên tục để nó tỉnh dậy, nhưng khổ nỗi nó ngủ say như trâu, đạp mãi lay mãi cũng không chịu thức dậy. Rồi ông già cũng lên tiếng

- Ừ, tao không có thói quen nghỉ trưa. Mà tụi mày đến khu này có việc gì, khu này heo hút lắm, có gì đâu mà đến đây.

- Dạ... dạ con cũng chẳng dấu ông , con đến đây là để tìm thầy Chàm, con có vài chuyện nên muốn tìm hiểu về bùa ngải của người Chăm, thực sự con không phải là người mê tín, con rất thực tế. Nhưng vẫn muốn tìm hiểu xem sự thật là như thế nào.

Ông già nghe xong thì cười nhẹ vài tiếng rồi nói

- Mày không phải là những người đầu tiên đến khu này đâu con. Cái chuyện tín ngưỡng tin là sẽ có thật, còn không tin thì sẽ không có nhưng tuyệt nhiên đừng coi thường nó, có ngày oan mạng đấy con ạ.

- Dạ, con biết. Nhưng ông có biết thầy Chàm không ạ?

Ông lão im lặng một lúc rồi lắc đầu

- Tao chỉ biết một chút về các thầy Chăm mà thôi

- Con muốn biết lắm, ông kể cho con nghe được không? Tibu sốt sắng hỏi.

Ông già lão đăm chiêu một hồi rồi bắt đầu nói

- Người Chăm có xuất xứ từ rất lâu đời, văn hóa chăm cũng thế. Kể từ thời xa xưa đã tồn tại các thầy cúng , pháp sư song song với các vị vua, các quan văn bá võ trong triều đình. Nguồn gốc từ các vị pháp sư xuất phát từ một vị thần có đôi mắt quỷ, giống như là Atula hoặc thần chiến tranh và được gọi là Ta rok.

Trong các kiến trúc cổ của Chămpa, nếu để ý sẽ thấy một số chỗ kín đáo trong các kiến trúc có hình của vị thần này, và tuyệt nhiên đằng sau lớp kiến trúc cổ kính đó có ngải ở trong, mục đích là để tòa kiến trúc mãi trường tồn với thời gian và để không ai xâm phạm nó được.

Tibu sốt ruột lên tiếng hỏi giữa chừng

- Dạ vậy thì có loại bùa ngải nào sử dụng được trên con người không?

- Từ từ đã nào, tao vẫn đang nói mà. Ông lão gằn giọng.

Đến bây giờ là hàng ngàn năm trôi qua rồi, nhưng các pháp sư vẫn tồn tại trong cộng đồng người Chăm, họ tự ngấm ngầm truyền cho các thế hệ sau các cách tạo ngải của mình.

Có ba loại pháp sư, một là sở hữu cơ thể của con người, loại thứ hai là sở hửu linh hồn của con người và cuối cùng là tạo ra các biến cố cũng như tai họa trong cuộc đời một con người.

Tuy nhiên đối với các pháp sư chuyên làm ngải để gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của con người : sinh, lão , bệnh, tử thì sẽ phải hiến tế những gì họ thương yêu nhất khi bắt đầu trở thành một thầy pháp, đó có thể là người yêu hoặc thậm chí là con cái. Và họ lần lượt được gọi là : Thầy tế, thầy đạo và thầy pháp.

- Dạ vậy nếu lỡ bị trúng ngải thì sao ạ? Ông có biết cách phá nó không

- Mày có bạn bị trúng ngải hay sao mà hỏi? À chắc đó là lý do mày đến đây đúng không?a

- Dạ, mong ông giúp tụi con

- Mỗi người tạo ngải đều có cách phá nó, nhưng họ sẽ không bao giờ làm vì nó ảnh hưởng đến lời thề trước khi trở thành một pháp sư Chăm.

- Vậy không có cách nào hết hả ông? Tibu lo lắng

- Chỉ có một cách là tự mình phá nó, nhưng cái cách thức thì không ai biết được cả, vì nó liên quan đến văn hóa xa xưa rồi, có thể liên quan đến Ta rok,vị thần của các pháp sư nữa.Vì đó chính là căn nguyên để làm nên một loại ngải.

- Cám ơn ông, vậy là ông không biết thầy Chàm ạ?

- Ừ tao không biết.

- Chắc tụi con xin phép về luôn, chứ cũng gần tối rồi ạ.

- Tối nay tụi mày ngủ đây đi, không có xe đâu, muốn đến chỗ bắt xe thì phải đi bộ hơn 30km, trưa mai sẽ có xe chở cá đi ngang qua đây. Đến lúc đó rồi bắt xe.

Suy nghĩ một hồi, thấy cũng có lý tibu đành gật đầu đồng ý. Trong lòng có một cái gì đó hơi bất an, và tibu hy vọng trực giác của mình đang sai. Chỉ biết rằng, khi nhìn qua bên cạnh tibu thấy Beo vẫn đang say sưa ngủ như một con trâu và chưa chịu dậy...