Hoàng Nhan Đoạt Phách

Chương 5: Thăm tình hình, mỹ phụng cải nam trang



Thái Nhị Ma sửng sốt rồi niềm nở cười nói:

Phải rồi.

Hắn vội lấy cái nón rách nát đội trên đầu xuống hai tay dâng lên.

Lãng Đãng công tử đón lấy nón đội vào, khẽ hắng dặng một tiếng, đứng ngay người lên, hai tay nắm hai bên quang gánh, cất gánh ngất ngưởng bước đi, miệng hát khúc tiểu điệu theo mé quảng trường tiến ra đường lớn.

Chàng đi trên đại lộ, bỏ lại phía sau quảng trường đông đảo.

Tiếp theo một tiếng thét vang pha lẫn với những tiếng kinh ngạc.

Gã quay đầu nhìn lại thấy trên lôi đài, thiếu nữ áo đen đang cúi xuống lượm kiếm, tên tổng quản áo lam đứng bên chắp tay như người xin lỗi.

Lãng Đãng công tử ngó thấy không khỏi cười thầm trong bụng tự nhủ:

Diễn kịch khá đấy!

Quan lão tam ngồi trên lưng ngựa đảo mắt nhìn quanh bỗng la lên:

Ồ kia! Lão đại, lão nhị! Các vị hãy nhìn coi.

Quan lão đại và quan lão nhị nhìn theo đều không khỏi kinh ngạc.

Nguyên ba anh em nhà này đã ngó thấy dưới gốc dâu ở góc tây bắc, thanh niên mặc áo vải xanh đang chia củ cải cho bọn trẻ nít.

Quan lão tam ra chiều cao hứng vẫy tay nói:

Đúng là thằng lỏi đó không sai. Đi!

Hắn chưa dứt lời đã từ trên lưng ngựa nhảy vọt ra lao về phía tây bắc hạ xuống dưới gốc dâu.

Quan lão đại và quan lão nhị không dám chần chờ cũng từ trên lưng ngựa song song nhảy vọt ra.

Quan lão tam đến gốc dâu trước, không khỏi thộn mặt ra nhìn.

Tuy đây không phải là lần đầu hắn ngó thấy người mặt rỗ, nhưng lúc này và nơi đây hắn nhìn người mặt rỗ rất khó chịu.

Quan lão đại và quan lão nhị song song rượt tới, hỏi ngay:

Chuyện gì vậy? Lão tam!

Quan lão tam tựa hồ không nghe thấy giơ tay ra trỏ nói:

Ngươi... Ngươi?

Thái Nhị Ma cầm nắm củ cải giơ lên như vật quý báu nói:

Đây là của nhà trồng ở dưới đất, vỏ mỏng thịt non, vừa ngon vừa giòn, tiêu đàm hóa thực, ăn vào sáng mắt, trị cả hàn nhiệt. Nhị Ma này quyết chẳng nói sai. Không ngon là không lấy tiền...

Gã nói tới đây đột nhiên dừng lại. Nguyên gã nói tới tiền mớ chợt nhớ ra món củ cải này đã để cho người ta lấy ba lạng bạc, không thể bán lần thứ hai được.

Quan lão tam tức quá, muốn chạy lại đánh tên mặt rỗ một bạt tai.

Quan lão đại biết tính tình tam đệ vội chạy lại cản đường. Hắn nhìn Thái Nhị Ma hỏi:

Phải chăng huynh đệ là Thái Nhị Ma?

Thái Nhị Ma đáp:

Phải rồi. Thái Nhị Ma chính là tiểu nhân.

Quan lão nhị lại hỏi:

Cái gánh của tiểu huynh đệ đâu rồi?

Thái Nhị Ma đáp:

Lệnh Hồ công tử gánh đi rồi.

Quan lão đại sửng sốt hỏi:

Sao?

Thái Nhị Ma đáp:

Lệnh Hồ công tử dặn tiểu nhân sau khi dời khỏi nơi đây thì đem củ cải chia cho bọn tiểu quỷ này. Nếu ba vị cũng muốn...

Quan lão nhị đưa mắt nhìn quanh đột nhiên dùng phép truyền âm nói:

Con nhỏ sắp đi rồi. Hãy đuổi theo thị là điều khẩn yếu.

Quan lão đại và Quan lão tam quay đầu nhìn ra quả nhiên thấy thiếu nữ áo đen đang cầm dây cương do ả nữ tỳ đưa cho để lên đường.

Ba anh em họ Quan đưa mắt cho nhau, bỏ mặc Thái Nhị Ma, xoay mình chạy đi lấy ngựa.

Mọi người tên quảng trường thấy thiếu nữ áo đen và Quan gia huynh đệ ở Thái Nguyên bỏ đi hết, chẳng còn gì đáng lưu luyến, cũng lục tục giải tán.

Cuộc đả lôi đài bữa nay đến đây kể như kết thúc.

Tối hôm ấy vào lúc lên đèn, ở hậu viện Bình An khách điếm đột nhiên xuất hiện một quái khách che mặt mình mặc áo xanh, không phát ra một tiếng động.

Quái khách áo xanh nhảy vào hậu viện, đảo mắt nhìn quanh rồi nhón gót chạy đến dưới cửa sổ ở phòng số năm.

Trong phòng số năm ánh đèn thấp thoáng, tiếng người nói chuyện rì rào. Phòng này có hai nữ khách nhỏ tuổi trú ngụ.

Thanh y quái khách đưa tay khẽ gõ cửa, hạ thấp giọng xuống hỏi:

Cô nương còn chưa ngủ ư?

Tiếng nói trong nhà liền dừng lại. Đèn lửa thổi tắt đi. Tiếp theo trong phòng có thanh âm lạnh lẽo của thiếu nữ quát hỏi:

Ai đó! Ai ở bên ngoài?

Thanh y quái khách khẽ đáp:

Tại hạ ở Dương trạch tới.

Thiếu nữ ở trong phòng ủa một tiếng hỏi:

Chuyện gì?

Thanh y quái khách đáp:

Tệ trang chúa bảo Quan gia huynh đệ ở Thái Nguyên ngủ ở Long Trung khách điếm phía đối diện. Lão nhân gia muốn hỏi cô nương có dọn vào trong trang không?

Thiếu nữ trong phòng đáp:

Các hạ về bẩm lại lệnh trang chúa là bọn tiện thiếp tạ ơn lão nhân gia có dạ quan hoài. Ba anh em nhà họ Quan trú ở phía đối diện tiểu muội biết rồi.

Thanh y quái khách hỏi:

Cô nương có dọn vào trang không?

Thiếu nữ đáp:

Không cần.

Thanh y quái khách khẽ đằng hắng một tiếng hỏi:

Cô nương còn sai bảo điều gì nữa không?

Thiếu nữ trong phòng đột nhiên hạ thấp giọng xuống hỏi:

Lúc ban ngày bản cô nương đi rồi có thấy Lãng Đãng công tử xuất hiện không?

Thanh y quái khách ngẫm nghĩ một chút rồi đáp:

Nghe nói y đến rồi nhưng chưa lên đài. Tệ trang chúa rất băn khoăn về nước cờ này, chẳng hiểu có đem lại hiệu quả gì không? Vì một gã tiểu tử tuyệt vô hứng thú mà phí một món tiền lớn...

Thiếu nữ trong phòng có ý không bằng lòng nói:

Trang chúa các ngươi chỉ biết xót tiền.

Thanh y quái khách khẽ thở dài đáp:

Đúng thế thật, bọn nô tài vì vụ này đã khuyên giải lão nhân gia nhiều lần, nhưng tục ngữ nói đúng: “Giang sơn dị cải, bản tính nan di...”.

Thiếu nữ trong phòng hắng dặng nói:

Ngươi về bảo lão: “Hết bao nhiêu tiền bạc đã có người chịu hết không thiếu một đồng. Lãng Đãng công tử mà chưa xuất hiện ngày nào thì lôi đài còn để ngày ấy.”

Thanh y quái khách “dạ” một tiếng.

Thiếu nữ trong phòng lại nói:

Không còn việc gì nữa. Ngươi về đi thôi.

Thanh y quái khách đáp:

Tiểu nhân đi đây. Cô nương hãy thận trọng.

Dứt lời quái khách lui ra len lén qua tường hoa ra ngoài.

Quái khách đi vào trong ngõ hẻm tối tăm ở phía sau khách điếm bỏ tấm khăn che mặt, mặc áo trường bào, liền biến thành một văn sĩ đứng tuổi rất nho nhã.

Quái khách hóa trang rồi vừa quanh ra phía trước khách điếm vừa nghĩ thầm:

Té ra họ dựng lôi đài vì mục đích dẫn dụ Lệnh Hồ mỗ xuất hiện để đến làm nữ tế ở Dương phủ. Ha ha! Chuyện này thật dễ dàng. Ngày mai ta nhất định lên đài để bọn họ hoan hỉ là xong.

Hôm sau trong thành Tương Dương chỗ nào cũng đồn đại một nguồn tin ít ai tin được: Quan gia tam huynh đệ ở Thái Nguyên bản lãnh đều không phải tầm thường mà chết ở hậu viện trong Long Trung khách điếm. Cả ba người hiển nhiên chết về lợi kiếm.

Kiếm thương đều ở chính giữa hai hàng lông mày.

Tin tức này lọt vào tai Lệnh Hồ Bình trong khách điếm Bình An ở phía đối diện khiến Lãng Đãng công tử giật mình kinh hãi.

Chàng không ngờ thân thủ con a đầu ở Thư gia lại ghê gớm đến thế, có thể bản lãnh thị còn cao hơn chàng. Cứ tình hình này thì kiếm thuật của thị nhất định chẳng kém gì. Chàng định bụng sau này mà chạm trán thị là phải thận trọng.

Điều khiến chàng căm hận là tin tức Quan gia huynh đệ ở Thái Nguyên chết phơi thây đồn tới đồn lui hoài. Sau đó người ta còn đổ trách nhiệm này lên đầu chàng.

Lãng Đãng công tử được nghe đoạn đối thoại giữa hai người.

Một người hỏi:

Đây chắc lại là kiệt tác của Lãng Đãng công tử?

Người khác đáp:

Cái đó lại còn phải bàn!

Người này nói:

Thủ đoạn gã tàn độc thật.

Người kia đáp:

Không thế sao gọi là Lãng Đãng công tử?

Người này hỏi:

Tin đó đưa tới Kỳ Sĩ Bảo thì làm thế nào?

Người kia hỏi lại:

Đưa tới Kỳ Sĩ Bảo thì đã sao? Tàn độc ư? Ha ha! Đối với vị công tử đó, vụ này chỉ là cơm bữa.

Người này hỏi:

Thật khó hiểu anh chàng công tử tuổi trẻ kia sao lại hiếu sát như vậy?

Người kia đáp:

Trước nay Kỳ Sĩ Bảo chuyên làm bốn điều đại đức để tiêu biểu với võ lâm thiên hạ là: Cứu tế những kẻ quá cô đơn, trừ diệt quân gian ác hung dữ, điều trị những chứng bệnh nguy nan, tuyên dương nghĩa cử của người từ thiện. Nay nhị thiếu bảo chúa của họ làm việc này tuy chẳng phải phường gian ác thì cũng loại hung bạo, chẳng lẽ lờ đi không hỏi đến?

Người kia đáp:

Về điểm này ông bạn lầm rồi.

Người này hỏi:

Tiểu đệ lầm ở chỗ nào?

Người kia đáp:

Kẻ hung bạo làm điều tàn ác. Đằng này Lãng Đãng công tử trừ diệt kẻ tàn ác. Quan gia huynh đệ ở Thái Nguyên, Tái Bắc Nhân Hùng, Lân Hương Tú Sĩ, Thương Ưng Tử trong Võ Đang Bát Tử đều là những kẻ gây nên thập ác không thể tha thứ. Lãng Đãng công tử giết những hạng này mà không phải ư?

Người này nói:

Té ra là thế.

Người kia nói:

Tuy lão huynh nói cũng có phần đúng nhưng Lãng Đãng công tử hãy còn nhỏ tuổi mà hành động như vậy là đa sát...

Người này hỏi:

Lão huynh tính bữa nay Lãng Đãng công tử có đến đả lôi đài của Dương gia ở ngoài cửa tây thành không?

Người kia đáp:

Tiểu đệ cũng nghĩ không ra vì lẽ gì chưa thấy y xuất hiện.

Người này nói:

Bây giờ chúng ta phải đi ngay để chiếm chỗ đứng.

Lệnh Hồ Bình ra khỏi khách điếm gặp hai tên tương tự như hán tử áo ngắn ở Lâm Giang trà quán tự xưng là Long Trung Chi Hổ bữa trước. Tên này đứng ở góc đường nói chuyện ba hoa.

Chàng thấy hai người sắp trở gót ra ngoài thành liền bước lẹ đến vỗ vai một hán tử hỏi:

Ông bạn đi coi đả lôi đài đấy ư? Chúng ta đi với nhau cho có bạn.

Hai người thấy chàng ăn mặc theo kiểu nho sinh cũng không để ý.

Một hán tử buột miệng hỏi:

Huynh đài cũng thích thú chuyện này ư?

Lệnh Hồ Bình mỉm cười đáp:

Chỗ nào có Lãng Đãng công tử xuất hiện là tiểu đệ nhất định đi coi. Nhất là chuyện đả lôi đài vừa mới mẻ vừa hấp dẫn, dĩ nhiên tiểu đệ không thể khiếm khuyết.

Hán tử kia cũng cười nói:

Nếu vậy chúng ta chí đồng đạo hợp. Bọn tại hạ cũng đi coi Lãng Đãng công tử

đây.

Lệnh Hồ Bình hắng dặng một tiếng đáp:

Tiểu đệ rất hân hạnh.

Hán tử kia không khỏi sửng sốt hỏi:

Hân hạnh ư? Huynh đài nói vậy là nghĩa làm sao? Chẳng lẽ...

Lệnh Hồ Bình vừa cười vừa đáp:

Được đi theo hai vị nói chuyện tâm đầu há chẳng là một điều hân hạnh?

Hán tử kia “Ủa” một tiếng cười nói:

Huynh đài nói nghe thú quá...

Ba người vừa chuyện trò vui vẻ vừa đi về phía tây. Lúc gần tới cửa bỗng nghe phía sau có tiếng vó ngựa vọng lại.

Ba người tránh sang một bên quay đầu nhìn lại.

Người kỵ mã đi trước là thiếu niên thư sinh cưỡi thanh câu vó trắng. Người đi sau cũng là một thiếu niên nhưng coi cách ăn mặc dường như là thư đồng của thư sinh đi trước.

Cả chủ bộc đều môi hồng răng trắng, cặp mắt đen láy, phong tư tuấn mỹ.

Hai người kỵ mã đi qua rồi, hán tử áo ngắn, thân hình tương đối nhỏ bé và gầy hơn, khen không ngớt miệng:

Quả nhiên là ngọc nhân hiếm có.

Lệnh Hồ Bình chỉ cười chứ không nói gì. Chàng nghĩ bụng:

Đôi người ngọc này mà xuất hiện bằng bộ mặt khác phải khiến cho hai gã này lác mắt.

Nguyên chàng nhìn đôi ngựa đã nhận ra hai thiếu niên chính là chủ tỳ ở Thư gia hóa trang.

Chỉ trong khoảnh khắc, ba người đã tới quảng trường ngoài cửa tây thành.

Lệnh Hồ Bình đảo mắt nhìn thấy đôi chủ tỳ kia đang đứng ở góc đông nam đảo mắt nhìn quanh dường như để kiếm ai. Chàng liền nhìn hai hán tử áo ngắn chắp tay

cười nói:

Hai vị huynh đài! Tiểu đệ xin kiếu.

Hai hán tử áo ngắm đồng thời sửng sốt hỏi:

Huynh đài chẳng đã nói...

Lệnh Hồ Bình mỉm cười ngắt lời:

Nếu tiểu đệ cứ đứng đây hoài thì hai vị không có cơ hội được ngó thấy Lãng Đãng công tử.

Chàng nói rồi mỉm cười đi ngay, bỏ hai hán tử áo ngắn ngơ ngẩn giương mắt lên mà nhìn.

Lệnh Hồ Bình đi về góc đông nam đến trước mặt hai chủ tỳ kia khom lưng nói:

Kính cẩn thỉnh an Thư tướng công.

Thư Mỹ Phụng ngồi trên lưng ngựa ngơ ngác nhìn chàng ấp úng hỏi:

Phải chăng... ngươi là... người của Dương trang chúa sai đến đây?

Lệnh Hồ Bình đứng ngay người, ngửng đầu lên mỉm cười hỏi lại:

Dương trang chúa nào?

Thư Mỹ Phụng đảo cặp mắt sáng như sao đột nhiên sa sầm nét mặt vung roi lên quát hỏi:

Ngươi điên rồi chăng? Ai là Thư tướng công của ngươi? Bước ngay! Nếu còn đứng đó, đừng trách ngọn roi của bản... bản công tử... vô tình.

Lệnh Hồ Bình vẫn mỉm cười đứng yên không nhúc nhích đáp:

Tại hạ bước ngay cũng được, nhưng muốn... tướng công nói rõ trước.

Thư Mỹ Phụng trừng cặp mắt tức giận lên quát hỏi:

Ta với ngươi không quen biết nhau có gì mà nói? Cút đi!

Lệnh Hồ Bình vẫn tươi cười ung dung đáp:

Tại hạ đã từng nếm mùi “Cõng nồi rang cho người”. Bây giờ tại hạ muốn mời các hạ nếm mùi vị này.

Thư Mỹ Phụng đột nhiên thộn mặt ra ngập ngừng hỏi:

Té ra ngươi là...

Lệnh Hồ Bình không đáp, ngửa mình đột nhiên vọt lên cao ba trượng. Người chàng lơ lửng trên không vọt đi như dây khói nhẹ vượt qua đám đông lao về phía lôi đài.

Thấy có người lên đài, toàn trường nổi tiếng hoan hô vang dội.

Lệnh Hồ Bình phất phơ hạ xuống trước đài. Tiếng hoan hô đột nhiên im bặt.

Nguyên mọi người đã nhìn thấy nhân vật lên đài ung dung cầm sợi dây lưng màu vàng thắt vào lưng. Nhân vật này dám khiêu chiến với đệ tam quan khiến cho ai nấy đều kinh dị.

Sự thực không phải thế.

Sở dĩ mọi người thộn mặt ra vì chẳng ai nhìn rõ chàng dùng thủ pháp gì mà sợi dây lưng lọt vào tay chàng lúc nào.

Trên đài Lệnh Hồ Bình thắt sợi dây vàng rồi chẳng hỏi gì đến Huỳnh y tổng quản đứng ở góc đài, đã xoay mình xuống dưới vừa cười vừa chắp tay xá bốn mặt dõng dạc hô:

Đa tạ các vị bằng hữu hoan đã hô cổ võ...

Mọi người trông rõ mặt nhân vật đăng đài lại một phen thộn mặt ra.

Nguyên Lệnh Hồ Bình tinh thâm thuật dịch dung nhưng kiểu này chàng không thích. Chàng chỉ thoa làn phấn mỏng trá hình thành văn sĩ trung niên. Khuôn mặt cùng ngũ quan chưa từng thay đổi. Lúc chàng bay lên đài đã lau sạch làn phấn mỏng và hiện giờ lộ bộ mặt thiếu niên anh tuấn cho mọi người coi.

Dưới đài xôn xao mỗi người nói một câu:

Lãng Đãng công tử!

Lãng Đãng công tử!

Ta dám đánh cuộc: Vị này chính là Lãng Đãng công tử Lệnh Hồ Bình...

Hội trường khác nào nồi nước lạnh đột nhiên sôi sùng sục. Tiếng ca ngợi, tiếng la hét, tiếng hô hoán nổi lên ầm ầm, náo loạn gần như đám điên khùng.

Lệnh Hồ Bình mỉm cười từ từ quay lại nhìn Huỳnh y tổng quản hỏi:

Tại hạ xin đại tổng quản hãy giải thích đài quy cho nghe được chăng?

Bọn người dưới đài thấy trên đài đã thành cuộc đối lập tự nhiên mất hết huyên náo, trở lại im phăng phắc.

Đối diện với Lệnh Hồ Bình là Huỳnh y tổng quản lối sáu mươi tuổi. Người lão cao và gầy, mặt nhỏ và dài. Cặp lông mày hình thanh kiếm, đôi nhãn thần lạnh như sương. Ai ngó thấy cũng nhận ra là một cao thủ nội ngoại kiêm tu.

Huỳnh y tổng quản ngắm nghía Lệnh Hồ Bình từ đầu xuống gót chân rồi từ từ

chắp tay hỏi lại:

Các hạ là Lệnh Hồ công tử?

Lệnh Hồ Bình nở nụ cười, lạnh lùng nói:

Xin giải thích đài quy.

Huỳnh y tổng quản hắng dặng đáp:

Phải lắm! Về đài quy chắc công tử đã nghe rồi. Bất luận dùng binh khí gì cũng được. Nếu sử dụng ám khí thì phải...

Lệnh Hồ Bình lắc đầu ngắt lời:

Không phải tại hạ muốn hỏi vụ này...

Huỳnh y tổng quản ngạc nhiên hỏi:

Vậy công tử muốn...

Lệnh Hồ Bình nói ngay:

Bữa nay vạn nhất mà Lệnh Hồ mỗ qua được cửa quan này thì thưởng bằng cách

nào?

Huỳnh y tổng quản tựa hồ không tin ở lỗ tai mình. Vì cuộc đả lôi đài chia làm mấy cửa quan cách thưởng thế nào chẳng ai không hiểu. Chẳng lẽ Lệnh Hồ Bình biết rồi còn giả vờ hỏi vặn?

Nhưng lão biết dù đối phương định làm khó dễ cũng chẳng thể không nói được. Lão làm bộ không nghĩ ngợi gì chắp tay đáp:

Tệ trang chúa đã cao niên, sản nghiệp thiếu người quản cố...

Lệnh Hồ Bình ngắt lời:

Đại tổng quản đừng dài dòng nữa được không? Tại hạ mong tổng quản nói huỵch toẹt ra.

Huỳnh y tổng quản dầy công hàm dưỡng, quả nhiên đổi giọng đáp:

Nếu công tử thông qua được cửa quan của lão phu thì tệ trang chúa nguyện ý gả tôn nữ cho, đồng thời phó thác hết sản nghiệp vào tay. Vụ này cả trời lẫn người cùng chứng giám, quyết chẳng ăn lời.

Lệnh Hồ Bình chăm chú nhìn lão hỏi:

Không thể thay đổi điều kiện được ư?

Huỳnh y tổng quản chưa hiểu câu này có ý nghĩa gì, vẫn không do dự, gật đầu

đáp:

Đúng thế!

Lệnh Hồ Bình nhẹ buông tiếng thở dài, cười gượng nhún vai nói:

Nếu vậy đành để chờ bậc cao minh khác.

Chàng nói rồi tay cởi dây lưng đoạn đưa trả lại.

Huỳnh y tổng quản thộn mặt ra đương trường. Lão nghĩ bụng:

Ta nói lầm lỡ điều gì chăng? Nhưng có câu nào sơ sót đâu? Gã tiểu tử này... không nói vì nguyên nhân gì, ta cũng chẳng thể để gã rời khỏi lôi đài này một cách dễ dàng.

Lão nghĩ vậy khoa chân bước tới gượng cười chắp tay hỏi:

Công tử có thể nói rõ vì lẽ gì đã lên đài lại đột nhiên muốn bỏ đi chăng?

Lệnh Hồ Bình ngửng đầu lên nghiêm nghị đáp:

Vì tại hạ đã minh thệ với Thư Mỹ Phụng cô nương, lệnh ái của Phong Vân Kiếm Khách Thư lão tiền bối ở Đồng Quan, nên việc vào làm rể quý phủ khó bề vâng mệnh. Giả tỷ quý phủ thay đổi được điều ước thì dù tại hạ chẳng biết tự lượng sức mình cũng xin thử tỷ đấu một phen. Bằng không hai món cá và bàn tay gấu chẳng thể nào lấy cả được. Tại hạ đành bỏ món cá chạy theo bàn tay gấu.

Bao nhiêu người dưới quảng trường nghe chàng nói đều lộ vẻ chán nản lên tiếng:

Thật đáng tiếc một trường náo nhiệt...

Giữa lúc ấy ở góc tây nam, Thư Mỹ Phụng đổi thoa cài trâm cũng nghe rõ, sắc mặt tuấn tú của nàng từ màu hồng đổi sang màu trắng, lại từ màu trắng biến thành màu xanh. Nàng tức quá nghiến răng khẽ thóa mạ:

Thật là quân chết đâm mặt dày, ăn càn nói rỡ.

Ả tiểu tỳ giả làm thư đồng đứng bên bưng miệng cười hích hích nói:

Tỳ tử lại mong chàng tâm khẩu như nhất rồi có một ngày lộng giả thành chân. Một vị cô gia như vậy đốt đuốc đi tìm cả năm cũng không thấy. Hơn nữa nay chính miệng chàng thốt ra...

Thư Mỹ Phụng quay lại quát:

Con a đầu này không muốn sống nữa chăng? Nói nhảm gì lắm thế?

Ả nữ tỳ rụt cổ lại, đồng thời im miệng...

Lúc này trên đài, Huỳnh y tổng quản nghe Lãng Đãng công tử đã có bạn gái mà bạn gái của chàng khéo sao lại đúng là ái nữ của lão chủ nhân chân chính. Thật là một

vụ ra ngoài sức tưởng tượng của lão, bất giác lão lẩm bẩm:

Nếu biết trước thế này thì chẳng cần dựng lôi đài làm gì cho tốn công.

Lão không rảnh để nghĩ đến chuyện khác liền đổi giọng thuận theo đối phương

hỏi:

Nếu vậy, theo ý kiến của công tử thì sau khi thông qua cửa quan này, công tử đòi điều kiện gì?

Lệnh Hồ Bình đáp:

Giản dị lắm! Chỉ cần cho Lệnh Hồ mỗ này làm Cẩm y tổng quản ở quý trang là được.

Huỳnh y tổng quản ngơ ngác hỏi:

Sao lại là Cẩm y tổng quản?

Lệnh Hồ Bình gật đầu đáp:

Phải rồi! Cẩm y tổng quản cũng là tổng quản trong các tổng quản.