Hoàng Lan Trong Mưa

Chương 13: Tạm biệt hoàng lan



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

chapter content



Mưa chiều rơi vội vã, nhòa ướt kính chắn của chiếc Jaguar. Hoàng Nam và Phương Thảo vẫn ngồi lặng im không ai nói với nhau một lời nào. Hoàng Nam đương nhiên là không có gì để nói, vẻ mặt hắn cũng trầm tĩnh khiến người ta chẳng thể hình dung được hắn đang suy nghĩ điều gì.

Phương Thảo thể hiện sự buồn rầu rõ rệt, có vẻ như cô đang giận hờn với cả cơn mưa bất chợt này. Loay hoay với cảm xúc khó chịu ở trong đầu nãy giờ, liền quay sang Hoàng Nam tiếp tục trách móc:

“Là tại anh lôi tôi đi nên mới xảy ra chuyện như thế!”

“Cô..!” Hoàng Nam gắt: “Biết vậy sao cô không xuất hiện sớm hơn?”

“Anh gắt cái gì chứ!” Phương Thảo cắn môi, hai bên chân mày chùng xuống, đôi mắt trầm tư, khẽ nói: “Ai ngờ được cái tên lạnh lùng vô tâm ấy lại có người thích cơ chứ!”

“Hư, mâu thuẫn nhỉ? Không phải cô cũng đang thích hắn sao?” Hoàng Nam nói giọng khinh khỉnh.

Quay ra nhìn làn nước tràn trên tấm kính chắn ca bô, như chợt nhớ ra điều đang thắc mắc hắn quay lại hỏi:

“Rút cuộc là vì điều gì mà các cô lại thích cậu ta đến thế?”

“Tôi không biết!” Phương Thảo trả lời hồn nhiên: “Chỉ nhớ là hồi xưa anh ta rất đáng yêu!”

“Hồi xưa? Là hồi lớp 3 hay lớp 4?” Hoàng Nam hỏi giọng giễu cợt.

Phương Thảo không nhìn hắn, tiếng mưa thao thức chảy về trong quá khứ, cô mặc nhiên đáp:

“Có thể lớp 3… mà cũng có thể là lớp 4. Tôi chỉ nhớ là hồi đó anh ta rất đẹp!”

“Loạn thật! Bây giờ trẻ con lớp 4 cũng biết thích trai đẹp.”

Thực sự không quan tâm tới thái độ của người đàn ông ngồi cùng xe với mình, nhưng những lời nói của anh ta cũng khiến cô phải suy nghĩ. Cô không biết sức mạnh nào từ người đàn ông kia lại thôi thúc cô quyết tâm thi vào cùng lớp với anh ta. Chỉ biết là trong suốt mười năm không gặp hình ảnh của anh ta luôn tồn tại trong trái tim nhỏ bé của cô. Ngày nhập trường mặt cô nóng ran, tay cứ giữ ở trước ngực như sợ trái tim sẽ nhảy ra ngoài. Cô mặc bộ váy mà cô lựa chọn cả một mùa hè, chạy đến trước mặt anh ta mỉm cười tươi tắn. Cô cứ nghĩ anh ta sẽ lập tức nhận ra cô, xúc động mà ôm cô vào lòng. Vậy mà… anh ta vẫn đứng im đó, mặt lạnh như băng không chút cảm xúc, anh ta không nhận ra cô, cũng chẳng thèm nói với cô một câu “Chào bạn!”…

Anh ta đi qua cô như người dưng nước lã, cô đau đến mức chân chùng xuống không còn đủ sức lực để chạy tới kéo anh ta lại cho một cái bạt tai như cô đã dự định lúc ban đầu. Mười năm cái vẻ mặt hiền từ của anh ta vẫn không hề thay đổi, chỉ duy sự vô cảm trong ánh mắt thì đã khác xưa. 

Cô chờ đợi một ngày ký ức của anh ta về cô sẽ khôi phục, nhưng anh ta luôn đến trước giờ học năm phút và về ngay khi chuông réo năm giây. 

“Tên vô tâm kia để xem đến khi nào anh mới nhận ra tôi!” Cô nói một mình và nhìn theo bóng anh ta khuất dần.

Chuyện đầu tiên mà cô nhớ về anh ta là một buổi chiều nắng óng ả của mười bốn năm về trước…

Bên cái xóm chợ ồn ào của năm ấy là tiếng trống giục tan trường, những đứa trẻ nô nức tung tăng ra gặp bố mẹ đang chờ đón chúng.

Đứng dưới tán cây đa lớn xõa bóng mát ra đường đê chỉ còn hai đứa trẻ. Lê Phong vì bố đi dạy học tận trên Hà Nội nên chưa có người tới đón, còn Trần Phương Thảo bố cũng đi làm trên huyện vì phải giải quyết một vụ gây rối mà chưa kịp về. Trường học ở quê chỉ cách nhà một con đồng, ngày thường hai đưa quỷ ngụy vẫn đi qua cả ngôi trường này. Phong làm vẻ chững chạc nói:

“Chúng mình về đi! Để anh đưa em về!” Số là hắn lớn hơn cô bé kia vài tháng, ở nhà lại hay bị trêu là có hôn ước nên vẫn thường ra dáng đàn anh.

Phương Thảo bĩu môi, khẽ giúi cái cặp cho hắn, lười nhác nói:

“Anh xách cặp cho em nhé!”

“Cặp của em mà, em tự xách đi!

Phong vừa nói vừa nhìn sang, vẫn thấy Phương Thảo còn bĩu môi giúi thêm cái cặp sách mấy lần nữa. Cô bé nói:

“Mọi người nói sau này anh là vị hôn thê của em, em thấy bố cũng hay xách đồ giúp mẹ, bố anh cũng hay xách đồ giúp mẹ anh vậy nên anh xách cặp cho em đi!”

Còn có chuyện này nữa sao?

Phong đương nhiên rất khó chịu nhưng không biết phải cãi như thế nào, đành lúi húi xách cặp sách đi trước. Phương Thảo theo phía sau nụ cười ranh mãnh.

Nụ cười này theo sau cô suốt bốn năm học cũng Phong, tuy là sau này bắt chước theo lũ bạn cô không còn gọi Phong là anh nữa, nhưng trong trí nhớ của cô cậu ta luôn là một người tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ cô không cần lý do. Hình ảnh của cậu ta luôn đẹp như thế trong suốt mười bốn năm và…



“Này cô còn chưa chịu xuống xe…” 

Chiếc xe đã quay về trước cổng nhà tôi, giọng Hoàng Nam nói khá to trên chiếc xe mui trần khiến cả tôi đang đứng trên ban công tầng hai cũng còn nghe rõ.

Mưa đã tạnh từ lâu, sau nụ hôn lãng mạn cả người Bảo Nhi đã ướt sũng nên tôi phải đưa cô ấy về nhà thay đồ. Cô Tâm Phương có vẻ không vui nên Bảo Nhi ở lại nhà luôn.

Mẹ tôi và mẹ Phương Thảo còn chưa về, Hoàng Nam vào chào bố tôi và em Sương rồi cũng về luôn. Chỉ còn lại một mình Phương Thảo đứng dưới sân, hai mắt cứ trân trân nhìn tôi, đúng là cái anh mắt này giờ tôi cảm thấy có chút quen thuộc. Tôi tự cười mình, cũng thấy có lỗi một chút với cô ấy, chính cái ánh mắt hờn dỗi này của cô ta đã khiến tôi phải nhường nhịn cô ta suốt bốn năm. Trong ký ức của tôi cô ấy vẫn như cô em gái Phương Thảo của cái ngày cô ấy giúi cặp sách vào tay tôi.

Phương Thảo đứng đó một hồi lâu vẫn dùng cái vẻ mặt đó nhìn tôi, bất quá tôi cũng dùng ánh mắt thách thức nhìn lại. Chẳng thể ngờ cái nhìn đó của tôi lại khơi dậy sự tức giận trong lòng cô ấy. 

Nắm chặt hai nắm tay, bước chân không lưỡng lự, cô ấy đi xuyên qua phòng khách, rồi cầu thang, đi thẳng lên ban công tầng hai. Tôi thất sắc, tinh thần cố trấn tĩnh đón nhận một một đợt phản công…

Tôi vừa quay lại còn chưa kịp phản ứng gì…

Bốp…

Tôi xa xẩm mặt mày. Là cô ta vừa tát tôi một cái đau điếng, mà là tát thật, tát thật đấy. Tôi còn chưa kịp định thần, toan mắng cho cô ta một trận về cái hành động phi lý và đối xử bạo hành với nam nhân thì đã nghe những âm thanh nấc nấc thổn thức.

Híc… híc… hu… hu… huhu.

Cô ta khóc, khóc thật, bằng chứng là đang chảy nước mắt. Tôi thần người, đầu óc còn đang ong ong.

Cô khóc cái gì chứ? Vô lý đánh con nhà người ta rồi khóc là xong à?

Tôi mới chỉ kịp nghĩ còn chưa nói ra được. Nhìn cô ta khóc cũng tội nghiệp quá trời. Tôi vốn là người yếu đuối, ngày xưa cũng như vậy, mỗi lần cô ta không đồng ý là khóc nhè, cuối cùng thì tôi cũng phải đành chiều ý. Lần này dù bực bội đến sôi máu tôi cũng không thể mắng cô ta được nửa lời.

“Anh đúng là cái đồ vô tâm!” Phương Thảo vừa mắng tôi vừa nấc.

Lạch cạch…

Tiếng cửa cổng mở, mẹ tôi và mẹ Thảo cũng vừa về đến. Tôi giật thót mình, Phương Thảo vẫn còn đang thút thít, giờ để mọi người nhìn thấy chẳng phải sẽ nghĩ tôi bắt nạt cô ta sao? Tôi ghìm giọng nói:

“Mẹ tôi về rồi đấy! Cô nín đi được chưa?”

Nói dứt lời tôi cũng cất bước đi vội, thực ra là tôi không muốn bị liên lụy, đành bỏ qua cho cô ta một cái tát không rõ nguyên cớ ấy.

Phương Thảo cũng ngừng khóc khẽ lấy tay áo gạt lệ trên má, tôi dừng lại ở cửa quay lại nhìn cô ấy từ phía sau một lần rồi quay xuống phòng khách.

Gặp tôi ở dưới phòng mẹ vẫn giữ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt. Tôi lịch sự chào mẹ của Phương Thảo và hỏi han xã giao vài việc trong quê. Phương Thảo cũng vừa xuống đến nơi. Cô ấy vừa mở miệng chào thì mẹ đã ân cần nắm lấy tay, hỏi chuyện vô cùng thân thiết. 

Oán niệm trong lòng tôi lại dâng trào, chỉ thiếu nước nói với mẹ. “Cô ta vừa mới đánh con trai mẹ đấy!”

Mà mẹ cũng thật quá đáng, chưa bao giờ mẹ nắm tay Bảo Nhi của tôi thân thiết như thế.

***

Sau hôm trở về từ quán Dạ Lan, ông Hùng lập tức đã trở mặt bắt gia đình tôi phải thanh toán số tiền nợ và lãi gần ba tỷ đồng. Mẹ gọi người đến xem nhà vì cũng không còn cách nào khác, nhưng chẳng hiểu là vì vận đen bám lấy gia đình tôi hay là vì lý do nào khác mà khách đến xem nhà đều trả giá chỉ bằng một nửa giá trị thực của căn nhà. Cuối cùng bố mẹ cũng đành phải nhắm mắt bán ngôi nhà đi. Sau này tôi mới biết thì ra cũng chính là do ông Hùng đã cố tình khống chế, tung tin xấu với những người đến xem nhà để hạ giá, và cũng chính ông ta đã cho người tới mua lại căn nhà của chúng tôi.

Ngày cuối đông năm ấy, mọi người lục đục chuẩn bị đón tết, con gia đình chúng tôi lục đục chuẩn bị chuyển nhà. Tiền bán nhà chỉ đủ trả nợ và mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành cách trung tâm hà nội gần bốn mươi ki lô mét.

Tội nhất là em Sương, nó buồn rầu thu dọn những cánh sao phản quang bé nhỏ gắn trên phòng mà không dám khóc. Lần đầu tiên tôi cảm thấy Sương đã lớn, đã biết thông cảm với những khó khăn của gia đình.

Tôi mở cửa, rón rén bước vào phòng, lặng lẽ xếp mấy cuốn tập và mấy bức ảnh vào chiếc hộp cát tông giúp nó. Em Sương không quay lại, bờ vai nó nặng trĩu, hẳn là nó đang khóc, tôi sợ nếu tôi an ủi nó sẽ òa khóc nên cứ giả vờ như không nhìn thấy gì cả. Xếp thêm vài cuốn truyện tranh nó yêu thích vào trong hộp, tôi khẽ nhắc để an ủi:

“Anh đến nhà mới rồi, tuy không được rộng lắm nhưng vẫn có một phòng nhỏ xinh dành cho em!”

Vạt áo lau ngang má, nó ngàn ngạt trả lời:

“Vâng ạ!”

Hai cái bím tóc vẫn khẽ run run, tôi nhìn mà không kìm lòng được.

“Anh còn một số đồ ở phòng chưa dọn xong!” Tôi lấy cớ để đi ra ngoài.

“Vâng!” Sương chỉ trả lời có một câu.

Tôi rảo bước nhanh ra khỏi phòng, khẽ khép cánh của lại, đứng lặng ở đó một lúc lâu, trong phòng có tiếng nấc nhẹ của em Sương. Tôi không chịu được nữa nước mắt cũng vô thức mà rơi ra.

Ngoài trời gió lạnh thổi từng cơn, tôi thu hai vạt áo Jacket buồn bã trở về phòng. Cẩn thận xếp mấy tấm ảnh chụp chung với Bảo Nhi vào chiếc hộp gỗ thông nhỏ rồi bỏ vào giữa va li đồ kéo xuống dưới phòng khách. Chúng tôi chỉ mang theo vài món đồ đạc thiết yếu, tư trang và kỷ vật của ông bà ngoại nên bố mẹ đã chuẩn bị xong hết cả. Em Sương vẫn còn ở trên phòng, có thể con bé đang thút thít khóc một mình. Tôi toan đi lên gọi thì đã thấy nó kéo chiếc va li nhỏ xíu và lôi tha mấy cái hộp ra cửa phòng. Con bé không khóc nhưng hai mắt đã đỏ hoe. Tôi vội chạy lên đỡ cho nó. Mẹ im lặng vội vã mang đồ ra chiếc xe ba gác đang chờ ngoài cổng. Tôi biết là mẹ cũng đang cố giấu đi nước mắt.

Tôi và bố phụ em Sương chuyển đồ ra xe. Từ sáng đến giờ tôi không thấy Bảo Nhi sang, tôi đoán là mẹ cô ấy lại cấm không cho sang. Dạo này ngoài những lúc gặp ở trường tôi và Bảo Nhi không còn được tự do nói chuyện ở nhà như hồi trước nữa.

Bóng hoàng lan che rợp góc phố heo hút bé nhỏ, tôi ngước mắt nhìn về phía ban công nơi Bảo Nhi đang đứng lặng ở đó, tay trái khẽ bịt miệng, gió đông cuốn bay mái tóc bồng bềnh. Cô ấy đang khóc. 

Tôi không cầm lòng được, cố cúi xuống bỏ chiếc vali của em Sương lên sau chiếc xe ba gác.

“Anh chị còn đồ gì nữa không?” Chú lái xe hỏi mẹ.

“Không chú ạ! Phiền chú đợi lâu quá!” Mẹ ái ngại đáp lời. 

“Không sao, nhà anh chị chuyển đồ thế này là còn nhanh, tôi thường đi chở cho mấy nhà chuyển nhà, có buổi phải đợi cả nửa ngày!” Bác ấy đáp rồi nổ máy.

Em Sương còn chưa lên xe, nó đứng lặng nhìn vào ngôi nhà thân thuộc của chúng tôi hai mắt đỏ hoe lại tiếp tục rơi nhòa lệ. Tôi mếch nó lên xe, nó ngoan ngoãn dựa vào lòng mẹ, cánh tay áo giơ lên khẽ lau nước mắt.

Tôi ngoái về phía ban công nhà Bảo Nhi đã không thấy cô ấy đứng ở đó nữa, chắc cô ấy không chứng kiến được cảnh này nên đã vào phòng, gục xuống gối mà khóc. Tôi khẽ cắn môi nhìn lên bóng hoàng lan quen thuộc.

Tôi còn chưa kịp lên xe đã nghe tiếng cổng sắt bên nhà Bảo Nhi mở tung ra, bất giác quay lại thì chính là Bảo Nhi. Cô ấy từ trong nhà chạy thẳng đến ôm chầm lấy tôi, nước mắt đã chảy tràn hai bên má, hơi thở nóng ấm thổn thức. Bảo Nhi không nói được lời nào cứ ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng không nhớ nổi là bố mẹ đang ngồi ngay trên xe bên cạnh, liền vòng tay ôm chặt lấy cô ấy, chúng tôi đứng đó chẳng biết là đã bao lâu.

Ánh mắt Bảo Nhi là cả sự lo lắng bao trùm. Tôi cúi sát vai Bảo Nhi khẽ an ủi:

“Chỉ là bốn mươi cây số thôi mà! Chiều nào anh cũng sẽ đưa em về! Ba vạn buổi hoàng hôn nhất định anh không quên đâu!”

Bảo Nhi khẽ cười yếu ớt cho tôi an lòng, một xíu rồi giọng lại nức nở:

“Em yêu anh!” Cô ấy nhón chân để ôm sát tôi hơn.

Lần đầu tiên gặp cô ấy nơi này, cũng chính cái nhón chân che ô của cô ấy đã khiến lòng tôi xao động, hình ảnh ấy đã in đậm trong trí nhớ của tôi. Bẩy năm cô ấy nhón chân và khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng gần gũi. Tôi ôm Bảo Nhi vào lòng nói bảng cả trái tim nồng nàn của tuổi hai mươi:

“Anh yêu em! Bảo Nhi!”

Bác lái xe cũng không nỡ phá ngang giấy phút lưu luyến của hai chúng tôi. Bên nhà cô Tâm Phương đứng khoanh tay dựa vào hèm cửa nhìn ra, cô ấy có vẻ buồn trầm mặc.

Gió đông thổi qua không biết đã bao xa…

…Chiếc xe ba gác xoành xoạch băng vào trong làn gió lạnh buốt. Bảo Nhi vẫn chầm chậm bước theo đến khi tôi không còn nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn của cô ấy nữa.

Mẹ ôm em Sương vào lòng, tâm trạng rồi bời, dường như không còn muốn nói chuyện của hai chúng tôi. Bảo Nhi chưa biết chuyện mẹ không thích cô ấy, tôi cũng không muốn cô ấy buồn nên chưa dám nói ra.

Bố cũng chìm sâu trong suy tư trầm mặc, có lẽ bố cảm thấy lòng mình nặng nề hơn ai hết. Những chuyện đã xảy ra hôm nay nguyên nhân đều bắt đầu từ sai lầm của bố. Bố cứ nhìn vô định về phía con đường phía trước, mái tóc lốm đốm hoa râm phất phơ bay trong gió. Tôi chạnh lòng dựa vào lưng bố mới cảm nhận thấy người bố đang khẽ run run.

Chiếc xe ba gác đưa gia đình tôi trở về miền quê yên ả, nơi xa vời với những sóng gió phố thị, và cuộc đời tôi sóng gió mới chỉ bắt đầu…