Hàm Cá Mập

Chương 5



Hôm thứ năm, buổi sáng đầy sương mù - màn sương ẩm giăng giăng dày đặc đến nỗi cảm thấy được vị nồng nồng mằn mặn của nó. Những chiếc ô tô bò đi như rùa, đèn pha bật sáng loáng. Gần trưa sương mới tan, trên trời những đám mây xoăn tít đang thong thả trôi, và cao hơn nữa, phía trên những đám mây này là những đám mây ti đứng lặng không nhúc nhích.

Đến năm giờ chiều thì những đám mây, chả khác nào những bức tranh đố hóc búa, bắt đầu rã vụn ra thành nhiều mảnh kỳ quái. Những tia nắng mặt trời, lọt qua kẽ hở giữa chúng, chiếu thành những khoanh rực màu xanh lơ trên bề mặt xanh xám của đại dương.

Brody ngồi trên bãi tắm của thị trấn, khuỷu tay chống vào đầu gối để chiếc ống nhòm nằm trong tay khỏi rung. Không có ống nhòm thì khó khăn lắm anh mới phân biệt được chiếc tàu: một đốm trắng con con khi ẩn khi hiện trong sóng biển khơi. Tuy chiếc tàu chao đảo mạnh, nhưng ống kính giúp anh giữ nó khỏi tuột ra khỏi tầm nhìn. Brody ngồi đây đã gần một tiếng rồi. Anh căng thị lực lên, cố phân biệt cho được một cái gì đó trên boong tàu. Cuối cùng, anh chửi tục, thả ống nhòm khỏi tay, thế là nó treo lủng lẳng trên sợi dây da dưới cổ.

- Chào thủ trưởng. - Hendricks nói khi bước lại gần Brody.

- Chào cậu, Leonard. Sao cậu lại ở đây?

- Tôi phóng xe đi ngang qua, trông thấy ô tô của thủ trưởng. Thủ trưởng xem gì phía đằng kia thế?

- Tôi muốn tìm hiểu xem Ben Gardner đang làm gì ở đằng ấy, cái lão khỉ gió khỉ dây ấy!

- Đang đánh cá chứ còn làm gì nữa.

- Người ta trả công cho lão ta đấy, thế nhưng cái trò đánh cá ngu xuẩn như thế này từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa thấy bao giờ. Tôi ngồi đây đã cả tiếng đồng hồ rồi mà trên thuyền chẳng thấy một động tĩnh nào chứng tỏ là có người cả.

- Thủ trưởng cho phép nhòm một cái. - Brody đưa ống nhòm cho anh ta. Hendricks đưa ống nhòm lên mắt và đăm đăm nhìn vào chiếc tàu. - Thực là lạ quá nhỉ. Hắn ta ngồi đấy đã lâu chưa?

- Cả ngày rồi. Chiều hôm qua tôi đã nói chuyện với hắn, hắn bảo rằng sẽ nhổ neo lúc sáu giờ.

- Hắn có một mình thôi à?

- Không rõ. Hắn đã nói sẽ thử rủ thêm một anh chàng cùng đòi đi hình như tên là Danny thì phải. Nhưng thằng cha này đâu như đã đăng ký đi khám nha sĩ rồi. Hy vọng là hắn ta ra khơi không chỉ có một mình.

- Thủ trưởng có muốn thì ta sẽ ra xem. Từ giờ đến lúc mặt trời lặn còn ít ra là hai tiếng đồng hồ nữa.

- Cậu nghĩ cách gì mà mò ra tới tận đấy được?

- Tôi sẽ hỏi mượn canô của Chickering. Anh ta có chiếc "AquaSport" động cơ mười tám mã lực. Phóng nhanh thôi.

Brody cảm thấy rợn tóc gáy vì sợ. Anh bơi kém, và chỉ một ý nghĩ rằng bỗng chốc anh ở trong làn nước hoặc, xin cắn cỏ lạy trời, ở dưới làn nước, là đã làm cho anh "hồn vía lên mây" rồi, như lời mẹ anh vẫn thường nói: lòng bàn tay túa mồ hôi, miệng liên tục tợp tợp, dạ dày bắt đầu đau - một số người cũng có những cảm giác hệt như thế khi bay. Brody thường như mê thấy những mãnh ngư hung hãn trơn nhuồi nhuội từ dưới sâu vọt lên chỗ anh và xé anh thành từng mảnh, còn lũ hà bá thì la hét và cười ha hả.

- Thôi được, - anh nói. - Chúng ta chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Có thể trong khi ta ra được đến cảng thì Gardner đã có mặt ở đấy rồi. Nếu chưa thì cậu cứ chuẩn bị canô đi. Còn tôi ghé vào đồn gọi điện cho vợ hắn ta một cái... Để hỏi xem hắn có thông báo gì bằng vô tuyến không.

Cảng thị trấn Amity nhỏ: cả thảy chỉ có hai chục chỗ đỗ tàu, một cầu tàu tiếp dầu và một lầu gỗ có bán xúc xích nóng và sò rán trên những chiếc đĩa giấy. Các cầu tàu nằm trong cái vịnh nhỏ, có đập đá vươn dài ra đến giữa vịnh ngăn sóng biển khơi. Hendricks đứng trên canô, động cơ đã được khởi động, đang chuyện phiếm với một người đàn ông nào đó trên chiếc thuyền buồm du lịch hai mươi lăm bộ, đang cột ở cầu tàu bên cạnh. Brody đi dọc thành gỗ của bến tàu rồi xuống cũng theo chiếc thang ngắn.

- Chị ta nói gì? - Hendricks hỏi.

- Chẳng nhận được một lời nào của chồng cả. Cô ấy đã cố bắt liên lạc với chồng suốt nửa tiếng đồng hồ, nhưng Gardner, theo như dự đoán của vợ, hình như đã tắt máy vô tuyến liên lạc đi rồi.

- Anh ta ở ngoài biển có một mình?

- Chị vợ bảo là có một mình. Ông bạn cùng hội bị đau cái răng khôn, hôm nay phải đi nhổ.

- Nói mạn phép ông, tôi thấy thế thì lạ lắm, - người đàn ông trên chiếc thuyền buồm nói xen vào.

- Cái gì lạ?

- Ai đời lại tắt vô tuyến khi chỉ có một mình ngoài biển. Chẳng có ai làm như thế cả.

- Tôi cũng chả rõ. Ben nói là tất cả các cuộc điện thoại vô tuyến giữa các thuyền với nhau chỉ thêm quấy rầy anh ta lúc đang đánh cá. Có thể anh ta phát ngán và đã tắt đi rồi.

- Cũng có thể.

- Ta đi thôi, Leonard. Cậu ít nhiều cũng biết lái cái của này chứ?

Hendricks thả dây cáp đằng mui, đi dọc xuống đuôi tàu cởi dây thừng và ném lên boong. Sau đó anh lại bàn điều khiển và kéo cần về phía trước. Chiếc canô giật mạnh, thở hồng hộc. Hendricks đẩy cần tiếp nữa và động cơ bắt đầu chạy đều nhịp hơn. Đuôi tàu chúi xuống, mũi nhô lên. Khi họ đã vòng qua con đập chắn sóng, Hendricks ấn tay cầm hết cỡ về phía trước, và mũi tàu hạ xuống nước.

- Thật là thượng thặng, - anh ta nói.

Brody bíu vào quai sắt của bàn điều khiển.

- Có phao kiểu áo gilê không? - anh hỏi.

- Chỉ có phao kiểu gối thôi, - Hendricks đáp. - Loại phao này chắc sẽ chịu được anh, nếu như anh là cậu bé tám tuổi.

- Cám ơn.

Gió đã lặng, mặt biển thoáng gợn lăn tăn. Nhưng những con sóng nhỏ dẫu sao cũng vỗ vào mạn canô, và nó hết nghiêng phía bên này lại nghiêng sang bên kia, khiến Brody thấy cáu tiết. Anh lên tiếng:

- Cái canô của cậu sẽ tan thành từng mảnh bây giờ, nếu cậu không chịu giảm bớt tốc độ.

Hendricks mỉm cười vì khoan khoái về quyền lực tạm thời của mình đối với thủ trưởng.

- Đừng lo, thủ trưởng ơi. Nếu tôi giảm tốc độ, thì ta sẽ lênh phênh mãi trên sóng ấy. Có mà đến một tuần sau ta mới giáp mặt Gardner, dạ dày thủ trưởng sẽ nhào lên như thể có một đàn sóc nhảy nhót ấy.

Chiếc tàu của Gardner ở cách bờ khoảng ba bốn dặm. Khi đã tới gần hơn, Brody nhận ra nó khẽ lắc lư trên sóng. Thậm chí anh còn có thể đọc được hàng chữ đen trên sống đuôi: "Flicka".

- Nó đang buông neo, - Hendricks ngạc nhiên. - Mặc dù ở đây không phải cái độ sâu để thả neo. Dễ phải đến hơn trăm bộ.

- Quỷ tha ma bắt cậu đi, - Brody lên tiếng. - Chính đấy là điều tôi muốn nghe thấy ở cậu hơn cả.

Khi họ còn cách "Flicka" quãng năm chục yát, Hendricks giảm tốc độ, và chiếc canô từ từ tiến lại mạn tàu "Flicka". Brody leo lên đài dẫn. Anh vẫn chưa nhìn thấy ai. Trên côngxon cũng không thấy các cần câu quăng.

- Ben ơi! - anh gọi to. Không có tiếng đáp.

- Có khi hắn ở phía dưới, - Hendricks nói.

Brody lại gọi:

- Ben ơi!

Mũi chiếc "AquaSport" cả thảy chỉ cách đuôi chiếc "Flicka" có vài bộ. Hendricks quay cần về vị trí số không, sau đó bẻ ra sau, "AquaSport" dừng lại và khi con sóng tiếp theo dồn đến thì nó đụng vào dầm lan can của chiếc "Flicka". Brody nắm lấy lan can mép tàu.

- Ben ơi!

Hendricks đón lấy đuôi dây thừng, bước về phía trước và buộc nó vào cọc cáp phía mũi chiếc "AquaSport". Sau đó anh quăng dây thừng qua tay vịn của chiếc canô kia rồi buộc nút nó lại. Hendricks hỏi:

- Thủ trưởng muốn leo lên?

- Ừ.

Brody trèo sang tàu "Flicka", Hendricks theo sau. Họ dừng lại trong buồng tàu. Hendricks chui đầu vào cửa nắp phía trước.

- Cậu ở đây phải không, Ben? - Anh nhìn quanh, xoay đầu rụt khỏi cửa nắp và nói. - Anh ta không có ở đây.

- Tóm lại anh ta không có trên tàu. - Brody nói.

- Còn cái gì ở đằng kia nhỉ? - Hendricks vừa nói vừa đưa tay chỉ cái chậu gỗ ở góc đuôi tàu.

Brody bước lại phía cái chậu gỗ và cúi xuống. Mùi cá thối và mỡ cá hôi xộc vào mũi. Chậu chứa đầy lòng ruột và máu cá. Anh nói:

- Chắc là để làm mồi. Toàn lòng ruột cá với những thứ tạp nham. Những thứ này ném xuống nước để nhử cá mập đây. Anh ta chưa sử dụng tí nào. Chậu gần như còn đầy.

Một âm thanh bất ngờ làm Brody giật mình "Uýt-xki, ngựa vằn, hồi âm, hai, năm, chín, - một giọng nói vang lên qua tiếng lẹt xẹt của rađiô. - "Người đẹp" đây. Alô, Jake phải không?

- Giả thuyết của chúng ta không đúng, - Brody nói, - anh ta không tắt rađiô liên lạc.

- Tôi chịu không hiểu, thủ trưởng ạ. Cần câu quăng đâu cả rồi? Anh ta không có xuồng, vậy là anh ta không thể xuống xuồng được rồi. Anh ta bơi giỏi như cá, cho nên nếu có người ngã xuống biển thì phải trèo lên được ngay chứ.

- Cậu có thấy cái lao nào không?

- Nó hình thù ra sao ạ?

- Tôi cũng không rõ. Thì như cái lao ấy. Còn các thùng? Hình như các thùng dùng để làm phao tiêu thì phải.

- Ở đây chẳng có mấy thứ ấy.

Brody đứng bên lan can bao mạn phải, băn khoăn nhìn xuống mặt nước trước mắt anh. Con tàu khẽ lắc lư, thế là anh bíu tay phải vào thành tàu. Có cái gì khiến anh phải dè chừng, anh nhìn xuống dưới chân và trông thấy bốn vết lở lói của các vít gỗ, chỗ mà xưa nay vẫn có cái vấu hình mỏ vịt. Cái vít gỗ rõ ràng không được vặn ra bằng tuốcnơvít: gờ gỗ xung quanh các lỗ đã bị toét.

- Nhìn xem này, Leonard.

Hendricks sờ tay vào các lỗ vít. Rồi anh nhìn sang thành bên trái, nơi vấu mỏ vịt bằng thép mười insơ vẫn bám chắc trên gỗ. Anh cất tiếng hỏi:

- Thủ trưởng có nghĩ rằng thành bên phải này cũng có một cái vấu to đùng như thế kia không? Trời đất, phải có một sức lực như thế nào mới giật tung được nó ra chứ?

- Trông chỗ này này, Leonard, - Brody rê ngón tay trỏ lên mép ngoài tay vịn. Trên đó thấy rõ một vết xước chiều dài khoảng tám insơ, sơn bị tróc, trơ gỗ ra. - Cứ như là có ai đã khua giũa trên mặt gỗ này ấy.

- Hoặc là đã kéo dây cáp thép căng nghiến qua đây.

Brody đi vòng buồng tàu dọc sang thành bên trái và sờ thử mép ngoài lan can.

- Chỉ ở đấy có vết xước thôi, - anh nói. Đi đến mạn đuôi, anh chống tay lên lan can và đau đáu nhìn xuống nước.

Trong giây lát, cái nhìn không hồn của anh hướng vào sống đuôi con tàu. Cảnh trí dần dần hiện lên rõ nét: những vết lõm, những vết lõm sâu ở mảnh gỗ sống đuôi tạo thành nửa vòng tròn không đều bề rộng hơn ba bộ. Bên cạnh còn một hình nửa vòng tròn như thế. Ở tít phía dưới, sát mép nước có ba vết máu nhỏ. Lạy Chúa lòng lành, - Brody thầm nghĩ, - chả lẽ lại một nạn nhân nữa? Anh gọi:

- Lại đây, Leonard.

Hendricks đi lại đuôi tàu và nhìn xuống.

- Cái gì ở đấy?

- Nếu tôi giữ chân cậu, cậu có thể trườn người cong xưống và xem xét các vết lõm ở phía dưới ấy được không? Cũng nên xác định xem làm thế nào mà những vết này lại sinh ra ở đó.

- Thế thủ trưởng nghĩ thế nào về chuyện này?

- Hiện giờ thì chưa nghĩ gì cả. Nhưng phải có một nguyên nhân nào đó, mà tôi muốn biết là nguyên nhân nào. Nếu như chúng ta không làm sáng tỏ được điều gì, chúng ta sẽ dứt bỏ hết khỏi đầu và đi về nhà. Xong không?

- Xong, - Hendricks nằm lên dầm gỗ. - Thủ trưởng giữ cho chắc vào nhé…

Brody cúi người, nắm lấy chỗ mắt cá chân của Hendricks.

- Đừng lo, - anh nói và kẹp chắc đôi chân Hendricks vào hai bên nách rồi từ từ thẳng người lên. Hendricks cong người ra ngoài lan can.

- Tới không? - Brody hỏi.

- Hạ thấp xuống chút nữa. Tôi yêu cầu có chút xíu thôi, mà thủ trưởng nhúng cả đầu tôi xuống nước rồi.

- Xin lỗi. Giờ thế nào rồi?

- Bình thường, vừa vặn lắm. - Hendricks bắt đầu nghiên cứu các vết lõm. - Mà nếu bây giờ cá mập xuất hiện thì sao nhỉ? Nó sẽ giật tôi khỏi tay thủ trưởng đấy.

- Đừng nghĩ đến chuyện ấy. Cứ xem các vết xước đi.

- Tôi đang xem đây. - Vài phút trôi qua. - Cái con chết giẫm ấy, - Hendricks rủa. - Chỉ nghĩ đến cũng đã thấy kinh. Nào, thủ trưởng kéo tôi lên nhé. Tôi cần một con dao.

- Có cái gì thế? - Brody hỏi, khi Hendricks đã lại ở trên boong. Hendricks mở con dao díp của mình ra và nói:

- Tôi không rõ. Có cái miếng gì trăng trắng mắc trong một lỗ.

Brody lại kẹp hai chân của Hendricks dưới nách và thả anh ta ra ngoài thành tàu. Sử dụng dao đối với Hendricks lúc này thật khó, toàn thân anh run run vì căng thẳng. Cuối cùng anh lên tiếng:

- Ổn rồi. Lấy được rồi. Thủ trưởng kéo lên đi.

Brody lùi người lại, kéo Hendricks qua sống đuôi con tàu, cho tới khi chân anh ta chạm xuống mặt boong.

- Thủ trưởng xem này, - anh ta đặt vào lòng bàn tay Brody một chiếc răng hình tam giác trắng bóc. Nó dài không quá hai insơ. Các gờ cạnh sắc như lưỡi cưa. Brody quệt chiếc răng vào dầm gỗ, trên đó lưu lại vết khía. - Ôi, lạy Chúa, - anh lắc đầu nói rồi nhìn chăm chăm xuống nước.

- Đây là cái răng có đúng không nào? - Hendricks hỏi. - Lạy Đấng Toàn năng. Thủ trưởng có nghĩ là Ben đã làm mồi cho cá mập rồi không?

- Còn giả định cách nào khác được nữa? - Brody lại nhìn chiếc răng và bỏ nó vào túi. - Ta đi thôi! Chẳng còn việc gì ở đây nữa.

- Thế còn chiếc canô này của Ben?

- Ta sẽ để đây cho đến mai. Ngày mai sẽ có người đưa nó vào bến.

- Nếu thủ trưởng muốn, tôi có thể bắt nó vào bờ ngay bây giờ.

- Thế cậu bắt tôi lái chiếc kia à? Đừng có nghĩ đến chuyện ấy.

- Thì ta có thể buộc vào và kéo nó theo.

- Không. Sắp tối rồi, tối tăm như thế cần gì phải kéo ngay một lúc hai chiếc tàu vào bờ. Qua đêm nay cũng chẳng có chuyện gì xảy ra với chiếc tàu đâu mà sợ. Chỉ cần kiểm tra xem neo bám có chắc không thôi. Nào, rút lui. Từ giờ đến mai cũng chẳng ai cần đến chiếc tàu này... kể cả Ben Gardner.

Họ vào đến bến lúc trời đã bắt đầu tối. Harry Meadows với một người đàn ông nữa mà Brody không quen, đã đứng đợi họ.

- Quả thực ông có một linh cảm khá lắm. Harry ạ, - Brody vừa nói vừa leo cầu thang lên bến.

Meadows mỉm cười khoan khoái vì được tâng bốc.

- Cái nghề của tôi nó thế đấy, Martin ạ. - Ông ta khoát tay về phía người đàn ông đứng bên cạnh. - Matt Hooper, còn đây là cảnh sát trưởng Brody.

Hooper và Brody bắt tay nhau.

- Anh chính là chàng trai ở Woods Hole đấy à? - Brody hỏi, và ra sức ngắm anh ta thật kỹ trong ráng hoàng hôn mỗi lúc một đậm đặc. Anh ta còn trẻ, quãng hăm lăm, Brody nghĩ, và đẹp trai: khuôn mặt rám nắng, tóc màu sáng, da cháy nắng mặt trời. Anh ta vóc người cũng xấp xỉ như Brody, sáu bộ một insơ, nhưng cân đối hơn nhiều. Brody đoán anh ta nặng một trăm bảy chục pao, trong khi mình phải đến hai trăm pao. Bất giác Brody có cảm giác rằng Hooper có cái gì đó nguy hiểm đối với mình. Nhưng lại nhủ thầm được ngay, tuy vẫn hiểu rằng có lẽ đấy chẳng qua là cái cách anh tự trấn an cho lòng tự ái của mình; nếu có khi nào quan hệ giữa họ đi đến chỗ va chạm, anh sẽ thắng Hooper. Lúc đó sự chênh lệch về kinh nghiệm sống sẽ được việc.

- Đúng quá đi rồi, - Hooper đáp.

- Harry đã sử dụng những tri thức của anh nhờ hệ thống điện thoại liên tỉnh, - Brody nói. - Còn bây giờ thì chính anh lại có mặt ở đây?

- Tôi đã gọi anh ấy đến đấy, - Meadows trả lời. - Có thể anh ấy biết tìm hiểu đến ngọn ngành những gì đang diễn ra ở nơi đây.

- Harry này, thế mà ông không hỏi tôi chuyện đó, - Brody phán. - Thì tôi đã kể đầu đuôi cho ông nghe. Ông biết không, con cá nó đang bơi ở đằng kia kìa…

- Ông biết ý tôi định nói rồi đấy.

Brody cảm thấy trong người anh đang cuộn lên nỗi bực dọc. Việc Hooper đến đây, năng lực chuyên môn của anh ta chỉ mang lại những phức tạp mới, chỉ kéo theo sự phân chia quyền lực. Nhưng anh mau chóng đấu tranh với bản thân và kiềm chế sự bực dọc lại. Anh nói:

- Dĩ nhiên, Harry ạ. Mọi chuyện đều bình thường. Chẳng qua hôm nay tôi mệt lử cò bợ rồi đấy thôi.

- Thế trên cái canô kia có chuyện gì? - Meadows hỏi.

Brody đã toan thò tay vào túi lấy cái răng ra, nhưng anh lại thay đổi ý định. Anh không muốn cứ đứng trong tối trên bến tàu này mà kể lại sự tình.

- Ta về đồn đi, - anh nói, - ở đó tôi sẽ kể đầu đuôi.

- Ben ở lại trên canô cả đêm à?

- Có vẻ là như vậy, Harry ạ. - Brody quay về phía Hendricks, lúc này đang buộc chiếc canô. - Cậu về nhà chứ, Leonard?

- Vâng, tôi muốn sửa soạn cho mình tươm tất đã, trước khi bước vào ca trực.

Brody lên xe về đồn trước Meadows và Hooper. Đã gần tám giờ tối. Anh còn phải gọi điện về cho Ellen xem ở nhà có để phần gì không hay là anh phải tạt vào cửa hàng trên đường về nhà. Rồi lại còn phải gọi điện cho Sally Gardner - anh sợ việc đó lắm. Đầu tiên anh gọi cho Ellen. Té ra ở nhà còn thịt bò hầm, có thể hầm lên, chắc cũng không ngon lành gì lắm, nhưng cũng còn gọi là có món nóng. Sau đó anh tìm thấy số điện của Gardner trong danh bạ điện thoại.

- Sally phải không? Martin Brody đây, - thế rồi anh lại hối là đã quay số ngay lập tức mà chưa suy tính xem mình sẽ nói gì. Anh có phải kể tất cả cho cô ấy biết hay không? Có lẽ là không, không kể hết tất cả. Trước hết anh nên hỏi ý kiến Hooper đã. Để xem anh chàng này có thái độ ra sao đối với giả định của anh.

- Ben đâu, anh Martin? - giọng Sally đều đều, chỉ có âm hưởng hơi cao hơn bình thường.

- Tôi không rõ, Sally ạ.

- Không rõ là thế nào? Anh đã ra đấy cơ mà?

- Phải. Anh ấy không có trên tàu.

- Nhưng con tàu vẫn ở tại chỗ chứ?

- Vẫn tại chỗ.

- Anh đã lên tàu? Đã xem mọi chỗ? Cả trong hầm tàu?

- Phải. - Bỗng có hy vọng le lói lóe lên. - Anh Ben có xuồng không nhỉ?

- Không ạ, không có. Nhưng tại sao lại không có anh ấy ở đó? - Giọng Sally đã bắt đầu trở nên dữ dội.

- Tôi…

- Anh ấy ở đâu?

Brody nắm bắt được những gam giọng kinh hoàng. Anh hối tiếc là đã không đích thân đến nhà Gardner, mà chỉ gọi điện thế này.

- Cô có một mình thôi phải không, Sally?

- Không. Em còn con cái.

Dường như chị có bình tâm lại chút ít, nhưng Brody hiểu rằng sự bình tĩnh ấy chỉ là phút bình lặng trước cơn bùng nổ của nỗi tuyệt vọng sắp xảy đến, hễ chị nhận thức được rằng tất cả những nỗi lo sợ không lúc nào nguôi cả đêm lẫn ngày suốt mười sáu năm qua, mỗi khi Ben ra khơi đánh cá, tất cả những nỗi lo sợ ẩn giấu sâu kín trong đáy lòng và chưa bao giờ được thổ lộ thành lời, bởi vì với người ngoài thì chúng có vẻ ngô nghê tức cười và vô lý, thì nay bỗng là sự thật.

Brody cố nhớ ra lũ trẻ nhà Gardner. Đứa lớn hình như quãng mười hai tuổi, đứa thứ hai lên chín và đứa nhỏ khoảng lên sáu. Cậu bé lớn nhất như thế nào nhỉ? Brody không tài nào hình dung ra. Và hàng xóm láng giềng xung quanh có ai nhỉ? Khỉ thật! Tại sao anh không nghĩ tới chuyện này từ trước? À phải rồi, có Finley.

- Đợi một chút nhé, Sally! - và qua máy đàm thoại anh truyền lệnh ra phòng ngoài cho người cảnh sát đang trực: - Clements, liên lạc với Grace Finley và nói với cô ta hãy đến nhà Sally Gardner, không chậm trễ.

- Nếu cô ấy hỏi để làm gì?

- Cứ nói là tôi yêu cầu. Cứ nói là tôi sẽ giải thích sau, - anh lại cầm lấy điện thoại: - Xin lỗi Sally. Chắc tôi chỉ có thể nói với cô rằng chúng tôi đã tới đó, đã leo lên tàu, nhưng không tìm thấy Ben. Chúng tôi đã xem xét tất cả rồi.

Meadows và Hooper bước vào phòng làm việc của Brody. Anh ra hiệu mời họ ngồi.

- Anh ấy có thể ở đâu được ạ? - Sally Gardner nói. - Không thể nào anh ấy lại biến khỏi tàu ở giữa biển như vậy được.

- Đúng, không thể.

- Anh ấy cũng không thể ngã xuống biển được. Tức là có thể, nhưng lại lên ngay được.

- Tất nhiên.

- Hay là anh ấy lên một chiếc canô nào khác và đi khỏi đấy? Có lẽ động cơ hỏng, nên anh ấy buộc phải lên canô khác? Anh đã kiểm tra động cơ chưa?

- Chưa, - Brody lúng túng trả lời.

- Có lẽ là tại thế. - Giọng Sally vang lên mềm mại dịu dàng như giọng thiếu nữ, trong đó thấp thoáng một hy vọng yếu ớt. - Tại cái ắc qui nên dễ hiểu là tại sao anh ấy không liên lạc.

- Máy liên lạc vẫn làm việc, Sally ạ.

- Đợt chút nhé. Ai đấy? À, thì ra là cậu. - Một thoáng im lặng. Sally nói chuyện với Grace Finley. Rồi giọng Sally lại truyền tới tai Brody, - Grace nói là anh đã bảo cô ấy tới đây. Để làm gì thế?

- Tôi đã nghĩ…

- Anh cho rằng anh Ben chết rồi? Anh nghĩ rằng anh ấy bị chết đuối? - Niềm hy vọng đã tắt, và Sally òa lên khóc.

- Tôi lo như thế đấy, Sally ạ. Vào giờ phút này chúng tôi không còn giả định cách nào khác. Cô cho tôi nói vài lời với Grace nhé.

- Có đây, anh Martin? - anh nghe thấy trong máy giọng của Grace Finley.

- Xin lỗi là tôi đã phiền đến cô, nhưng vì không thể nghĩ ra được cách nào khác cả. Cô có thể ở đấy với Sally một lát được không?

- Em sẽ ở lại đây cả đêm.

- Thế thì rất tốt. Tôi sẽ cố gắng đến, lát nữa. Cám ơn nhé.

- Chuyện gì xảy ra thế anh Martin?

- Chúng tôi cũng chẳng hiểu ngọn ngành ra làm sao cả.

- Lại... cái con vật chết tiệt ấy?

- Có thể lắm. Chuyện ấy chúng tôi đang cố điều tra. Grace này, cô hãy làm ơn đừng nói gì với Sally về cá mập cả. Mới thế cũng đã khốn khổ lắm rồi.

- Được thôi, anh Martin ạ. Anh đợi chút nhé. Đợi một phút thôi, - Grace lấy tay che ống điện thoại, Brody nghe thấy câu chuyện rì rầm. Sau đó trong máy vang lên giọng của Sally Gardner.

- Sao anh lại làm thế, anh Martin?

- Làm gì cơ?

Hình như Grace Finley đang ra sức tước ống điện thoại khỏi Sally, bởi vì thấy Sally sẵng giọng:

- Để cho tớ nói đã nào, đồ khỉ gió! - Rồi sau đó Sally hỏi Brody: - Tại sao anh lại cử anh ấy đi? Tại sao lại cho anh Ben đi? - Giọng chị không to lắm, nhưng những lời nói làm đinh tai Brody.

- Sally, cô...

- Chuyện ấy đã có thể không xảy ra, - chị nói. - Anh đã có thể ngăn ngừa được cả.

Brody muốn quẳng ống nói xuống. Lặp lại cái cảnh đã diễn ra với mẹ cậu bé Kintner thì anh chẳng muốn tí nào. Nhưng anh phải biện hộ cho mình. Cô ấy phải biết rằng anh không có lỗi. Làm sao cô ấy lại có thể kết tội anh?

- Thôi đi, - anh nói. - Ben là một người đánh cá giỏi. Anh ấy biết mình đã dấn thân đi đâu chứ!

- Nếu như anh không...

- Thôi đủ rồi, Sally! - Brody cắt ngang. - Hãy bình tĩnh lại. - Anh gác điện thoại lên. Brody vừa giận dữ lại vừa hoang mang. Anh cáu tiết với Sally Gardner vì cô ta đã kết tội anh, vừa cáu với bản thân vì đã tỏ ra giận dữ với Sally. "Nếu như anh không..." - cô ta đã bắt đầu. Nếu như anh không cử Ben đi. Cô ta muốn nói như vậy. Nếu như, nếu như... Nếu như chính anh ra khơi tìm cá mập. Nhưng anh không phải là dân chài lưới. Cho nên anh mới cử Ben đi.

- Ông có nghe thấy không? - anh quay sang Meadows hỏi.

- Không nghe được hết. Nhưng cũng đủ hiểu: Ben Gardner là nạn nhân thứ tư.

- Tôi nghĩ là như vậy, - Brody gật đầu. Và anh kể cho Meadows và Hooper nghe chuyện anh với Hendricks đã ra tàu của Ben như thế nào. Hai lần Meadows ngắt lời anh để hỏi thêm. Hooper chỉ im lặng nghe, khuôn mặt hao gầy vẫn bình thản, còn đôi mắt màu xanh nhạt hướng thẳng vào Brody. Brody thọc tay vào túi quần. - Đây là cái chúng tôi tìm được, - anh nói. - Leonard đã lôi nó ra từ thành gỗ của tàu. - Anh chìa chiếc răng cho Hooper, và Hooper xoay xoay nó trong lòng bàn tay.

- Anh có ý kiến gì nào, Matt? - Meadows hỏi.

- Đó là loài trắng.

- Loại lớn?

- Vâng. Tôi nghĩ rằng phải đến mười lăm, hai mươi bộ. Một con cá khổng lồ. - Anh ta nhìn sang Meadows. - Cám ơn anh đã gọi tôi đến. Có lẽ tôi cả đời nghiên cứu cá mập, mà chưa trông thấy một con như thế bao giờ.

- Con cá mập này có thể cân nặng bao nhiêu? - Brody hỏi.

- Năm sáu nghìn pao.

- Ba tấn? - Brody đến mức phải rít lên.

- Thế anh nghĩ sao về trường hợp cuối cùng này? - Meadows hỏi.

- Cứ xét theo những điều thủ trưởng cảnh sát đây kể thì cá mập đã thịt cả ông Gardner rồi.

- Nhưng thịt thế nào mới được chứ? - Brody hỏi.

- Các giả thuyết có thể khác nhau. Có thể là Gardner đã ngã ra ngoài thành tàu, hoặc giả con cá đã lôi anh ta xuống nước, cái đó có nhiều khả năng hơn. Chân anh ta có thể bị mắc trong dây thừng buộc lao. Hoặc là con cá đã tóm lấy anh ta khi anh ta cong người qua thành tàu.

- Nhưng làm sao lại có cái răng ở gờ gỗ được?

- Cá mập đã tấn công tàu.

- Vì cái quái gì!

- Cá mập không phải loài thông minh cho lắm, sếp ạ. Nó được điều khiển bởi bản năng. Bản năng đói của nó rất mạnh.

- Nhưng con tàu dài ba chục bộ...

- Cá mập không nghĩ cái gì trước mặt nó. Nó trông thấy cái vật gì đó to...

- Nhưng không ăn được.

- Điều ấy thì nó không biết khi chưa nếm thử. Xin anh hiểu rằng ở ngoài đại dương nó không sợ ai cả. Những con cá khác cố lẩn trốn khỏi những con to hơn. Nó không biết sợ. Nó có thể thận trọng, chẳng hạn, khi có bên cạnh một con cá trắng khác, nhưng kích thước lớn hơn. Nhưng nó không biết sợ là gì.

- Loài này thường tấn công ai?

- Tất cả mọi người và mọi vật.

- Thế là thế nào: tất cả mọi người mọi vật?

- Chính thế đấy.

- Anh có thể giải thích vì sao nó lại lang thang ở vùng bờ biển của chúng ta đây lâu thế được không? - Brody hỏi. - Tôi không rõ anh có quen với nước ở đây, với dòng chảy...

- Tôi đã lớn lên ở đây.

- Ở đây? Ở Amity?

- Không, ở Southampton. Mùa hè nào tôi chả ở đây cả khi còn là học sinh phổ thông, cả tận khi làm nghiên cứu sinh.

- Mùa hè nào cũng vậy? Nghĩa là gốc gác anh không phải nơi đây... - Brody rất muốn nói chuyện bằng vai phải lứa với Hooper hoặc thậm chí với một vẻ kẻ cả nào đó đối với anh chàng thanh niên này, nhưng lại hóa ra đặc sệt giọng hợm mình mà vô tình dân chúng các thị trấn nghỉ mát vẫn hay dùng. Kiểu nói ấy tạo cho họ khả năng đối chọi lại thói ngạo mạn - điều này họ cảm thấy được - xuất phát từ cánh đi nghỉ giàu sang. Trong tư thế: "Chúng tôi là thường dân" có rất nhiều tính chất lấn át xã hội, một tính chất vẫn thường gắn sự giàu có với tính nhu nhược ẻo lả, sự giản dị với phẩm chất đứng đắn và sự nghèo khổ (đến một chừng mực nào đó) với tính chính trực. Tư thế này bị Brody coi là ngu ngốc và đáng ghét. Nhưng anh đã lờ mờ cảm thấy sự nguy hiểm xuất phát từ con người trẻ trung này, tuy anh không thể hiểu là tại sao và cũng chẳng qua theo bản năng anh chỉ nhập vào cung cách quen thuộc này để đối chọi lại với Hooper.

- Đừng có bới móc nhau làm gì, - Hooper bực dọc ngắt lời anh. - Đúng là tôi không sinh ra ở đây. Nhưng tôi đã ở vùng nước này khá nhiều và dựa trên những tư liệu ấy mà viết luận án. Tôi hiểu anh định hướng vào cái gì. Anh nói đúng đấy: nước ở đây không phải là môi trường tốt nhất đối với cá mập để có thể ở lâu.

- Thế thì tại sao nó không đi khỏi đây?

- Không thể giải đáp được câu hỏi đó. Hoàn toàn rõ ràng là tính cách của nó khác thường, mà cá mập vẫn có biết bao nhiêu những hành động lạ lùng, đến mức ngoại lệ lại trở thành quy tắc. Bất kỳ ai bạo phổi tranh luận, cố đoán trước cảnh xử sự của cá mập trong một tình cảnh cụ thể nào đó, chắc sẽ thua thôi. Không loại trừ khả năng là con cá mập này bị bệnh. Cá mập không có khả năng điều khiển những hành vi của chúng. Thêm vào đấy nếu lại có cái gì đó phân giải trong cơ thể phức tạp của nó, thì nó mất khả năng định hướng, tính cách nó nói chung lại càng không thể đoán trước được.

- Nếu một con cá ốm đã trở tính trở nết như thế, - Brody nói, - thì lúc khỏe nó mà vớ được ai thì còn chết.

- Tất nhiên. Nhưng bản thân tôi không nghĩ là nó bị bệnh. Có những nguyên nhân khác khiến nó ở lại đây. Chúng ta chỉ có thể dự đoán những nguyên nhân ấy mà thôi. Chỗ này có cả những yếu tố tự nhiên lẫn tính nết thất thường của nó.

- Có thể có những nguyên nhân nào vậy?

- Sự tăng hoặc giảm nhiệt độ nước, sự thay đổi hướng chảy ngầm hoặc thay đổi ăn uống. Những loài mà cá mập vẫn ăn di chuyển, thế là cá mập cũng di chuyển theo. Ví dụ như hai năm trước ở bờ biển bang Connecticut và Rhode Island đã diễn ra một chuyện mà cho đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm ra cách giải thích. Ở vùng nước ven biển bỗng xuất hiện cơ man nào là cá menhêđen. Toàn những đàn cá lớn. Hàng triệu con cá. Mặt nước giống như bị phủ một màng váng dầu. Cá nhiều đến mức người ta đánh cá không phải để kiếm tiền nữa. Liền sau menhêđen, ở ngay gần các bãi tắm xuất hiện những đàn rắn đẻn đông đảo, thức ăn của chúng là cá menhêđen. Ở Watch Hill (bang Rhode Island) người ta ào xuống sóng nước đang vỗ vào bờ và lấy cào để bắt rắn đẻn. Cào làm vườn ấy! Chỉ việc hốt chúng lên khỏi nước. Sau đó xuất hiện loài cá to hơn: cá ngừ lớn. Các tàu đánh cá thông thường vẫn ở ngoài khơi sâu, đã kéo lên được những con cá ngừ lớn nhất, cân nặng bốn, năm, sáu trăm pao ở quãng cách bờ trăm yát. Đôi khi ngay cả ở bến tàu. Thế rồi mọi sự chấm dứt. Cá menhêđen kéo đi, làm những loài kia cũng bỏ đi. Tôi đã ở đấy ba tuần lễ, cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra; nhưng chẳng hiểu gì cả. Mọi thứ phụ thuộc vào cân bằng sinh thái. Khi nào mất cân bằng thì xảy ra lắm sự lạ lùng.

- Còn trong trường hợp này thì chẳng qua là không giải thích nổi, - Brody nhận xét. - Con cá mập này đã kén chọn cho mình một khu vực diện tích một hai dặm vuông và rong ruổi trong khu vực này đã hơn một tuần rồi. Nó không bỏ bãi tắm để bơi đi đâu cả. Nó chẳng động đến ai ở East Hampton hoặc Southampton. Nó cần gì ở Amity?

- Tôi không rõ. Tôi cũng không tin là có người nào giải đáp được thỏa đáng cho ông.

- Minnie Eldridge có lời giải đáp đấy, - Meadows nói.

- Cũng tìm được người để hỏi ý kiến đấy nhỉ, - Brody phản ứng lại.

- Bà ta là ai? - Hooper hỏi.

- Trưởng trạm bưu điện, - Brody đáp. - Bà ta bảo rằng đấy là ý trời, đấy là trời trừng phạt vì những tội lỗi của chúng ta.

- Biết làm thế nào được, - Hooper mỉm cười, - giả thuyết của bà ta cũng có thể xem như ngang hàng với các giả thuyết khác.

- Điều này cũng có tính chất an ủi đối với chúng tôi, - Brody lên tiếng. - Nhưng dù sao thì anh đã định cho tiến hành việc gì để tìm ra lời giải đáp chưa?

- Có. Tôi sẽ lấy mẫu nước ở đây và ở East Hampton. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu xem các con cá khác xử sự ra sao, xem trong vùng nước này có những điều kiện đặc thù, đặc biệt nào không. Ngoài ra tôi còn thử tìm con cá mập này. À, mà trong tay chúng ta có chiếc tàu nào không nhỉ?

- Có, mặc dù rất đáng buồn khi thừa nhận điều này, - Brody trả lời. - Có canô của Ben Gardner. Ngày mai chúng tôi sẽ chở anh ra đó, anh có thể sử dụng chiếc tàu, ít ra là cho đến khi chúng ta dàn xếp ổn thỏa mọi thủ tục với vợ Ben. Anh có thực cho rằng anh sẽ bắt được cá mập ngay cả sau tai nạn của Ben Gardner không?

- Tôi không nói là tôi sẽ định bắt cá. Ngay đến chuyện thử làm tôi cũng không định - ít nhất là trong trường hợp chỉ có một mình.

- Vậy thì tóm lại anh định làm cái đếch gì ở đây?

- Tôi cũng không rõ. Tôi sẽ hành động tùy theo hoàn cảnh.

Brody nhìn thẳng vào mắt Hooper rồi nói:

- Tôi muốn phải giết được con cá này. Nếu anh không thể giúp được chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tìm người khác.

Hooper phá lên cười:

- Anh nói năng cứ như găngxtơ ấy. "Tôi muốn phải giết được con cá này". Nào, anh cứ ký hợp đồng đi. Anh tính thuê ai vào cái chân ấy?

- Tôi chưa biết. Ông xem thế nào, Harry? Ông cũng phải nắm được mọi việc. Chả lẽ trên hòn đảo chết tiệt này không có lấy một ngư dân nào có phương tiện, đồ nghề để đánh cá mập lớn hay sao?

- Hình như có một người, - Meadows nghĩ ngợi chừng một phút rồi trả lời. - Tôi có biết chút ít về người ấy, hình như bác ta tên là Quint, bác ta vẫn hay cập vào bến tàu tư ở đâu đó quanh đây. Nếu ông muốn thì tôi có thể tìm hiểu thêm về bác ta.

- Cứ làm đi, Harry, - Brody nói. - Có vẻ bác ta thích hợp đấy.

- Gượm đã, sếp ơi, - Hooper xen vào. - Anh muốn trả thù con cá bằng bất cứ giá nào. Nhưng thực ra cá mập không phải là chính cái ác. Nó không phải là kẻ giết người. Nó là nô lệ cho những bản năng của chính nó.

- Nghe này, anh... - Nỗi giận dữ do sự lép vế và tuyệt vọng gây ra đã dâng lên trong lòng Brody. Anh hiểu rằng Hooper nói đúng, nhưng anh còn hiểu rằng trong hoàn cảnh này, dù Hooper đúng hay không đúng chẳng quan trọng lắm. Cá mập đã trở thành kẻ thù. Nó đã xuất hiện ở vùng bờ biển của họ và đã giết hại hai người đàn ông, một phụ nữ và một em nhỏ. Dân chúng Amity nhất quyết đòi hỏi con cá phải chết. Họ cần được trông thấy xác nó, để cảm thấy mình an toàn, để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Hơn ai hết Brody quan tâm thiết thân đến việc này, cái chết của con cá mập đối với anh sẽ là một sự giải tỏa, thanh lọc. Hooper đã làm anh chạm nọc, khiến Brody bật khỏi trạng thái ổn định. Tuy nhiên anh vẫn nén giận xuống. Anh nói:

- Xin lỗi.

Chuông điện thoại reo.

- Thủ trưởng có điện thoại. - Clements nói. - Ông Vaughan gọi.

- Rõ khỉ, lại còn thêm lão ấy nữa. - Brrôđi cáu kỉnh ấn cái nút có đèn sáng trên máy đàm thoại rồi nhấc ống nghe.

- Vâng, anh Larry ạ.

- Chào cậu, Martin. Dạo này sinh sống thế nào? - Giọng Vaughan tỏ ra thân thiện. "Có lẽ, còn cực kỳ thân thiện nữa là khác, - Brody nghĩ bụng. - Xem ra ông ta đã tợp vài ly rượu rồi".

- Tốt hết chỗ nói, anh Larry ạ.

- Muộn thế này mà cậu còn ở chỗ làm việc cơ à? Tôi mới gọi điện về nhà cậu.

- Một khi đang làm cảnh sát trưởng mà cứ hai chục phút lại có hai trong số cử tri của mình mất mạng, thì cũng bấn việc.

- Tôi có nghe chuyện Gardner.

- Cụ thể là gì?

- Là anh ta bị mất tích.

- Tin tức ở ta lan truyền chóng thật.

- Cậu nghĩ là lại do cá mập à?

- Lại còn nghĩ gì nữa! Tôi chắc hẳn là như thế.

- Martin này, cậu định làm gì nào? - Vaughan đồng thời vừa hỏi vừa đòi được biết.

- Một câu hỏi hay, anh Larry ạ. Chúng tôi đang làm tất cả những gì trong tầm sức lực của mình. Đã đóng cửa các bãi tắm, chúng tôi...

- Tôi biết chuyện đó như mọi chuyện khác.

- Ý ông muốn nói cái gì thế?

- Đã bao giờ cậu phải rao bán cho những người khỏe mạnh bất động sản ở biệt khu của người hủi chưa?

- Chưa cất công bao giờ, - Brody mệt mỏi đáp.

- Tôi phải hủy bỏ hợp đồng hàng ngày. Người ta cứ từ chối không thuê nữa. Tính từ hôm chủ nhật chưa có một khách hàng nào đến chỗ tôi cả.

- Thế ông muốn gì ở tôi?

- Cậu biết đấy, tôi đã nghĩ... Có lẽ chúng ta quá phóng đại mọi chuyện.

- Ông cứ đùa dai. Hãy nói xem ông định ú tim trò gì với tôi nào.

- Ấy không, Martin. Xin cậu bình tĩnh. Chúng ta hãy bàn bạc một cách tỉnh táo.

- Tôi đang tỉnh táo phán xét. Còn ông thì hình như là không.

Im lặng kéo dài chừng một phút, sau đó Vaughan tiếp tục:

- Chỉ mở cửa các bãi tắm vào các ngày lễ có được không nhỉ?

- Việc ấy bị loại trừ. Tuyệt đối loại trừ.

- Hãy lắng nghe tôi nói nhé...

- Không, ông hãy lắng nghe tôi ông Larry ạ. Tôi đã lắng nghe ông rồi, sau đó chết thêm hai người nữa. Khi nào ta bắt được con cá kia, khi nào giết được nó thì ta sẽ mở cửa các bãi tắm. Hiện giờ hãy tạm quên chuyện đó đi.

- Hay là ta quây lưới?

- Còn lưới gì nữa?

- Tại sao ta không chăng lưới thép dưới nước, ngăn bãi tắm lại? Có ai đó đã bảo với tôi rằng ở Australia người ta làm như vậy mà.

"Chắc là ông ta đang say", - Brody nghĩ thầm.

- Larry này, đường bờ biển của ta thẳng. Ông muốn căng lưới suốt hai dặm rưỡi dọc các bãi tắm ư? Hay lắm. Nhưng ông có tiền không. Cứ cho là thoạt đầu cần một triệu đôla đi.

- Hay là cắt người canh chừng? Chúng ta có thể thuê người đi canô tuần tiễu dọc các bãi tắm.

- Như thế rõ ràng là vẫn chưa đủ, Larry ạ. Ông làm sao thế? Các bạn hàng của ông lại dồn sức thúc ông à?

- Bạn hàng của tôi không phải là việc cậu lo. Hãy vì Chúa, ông bạn ơi, thị trấn có nguy cơ rơi vào thảm họa.

- Tôi biết chứ, - Brody mềm mỏng trả lời. - Và theo như chỗ tôi hiểu, thì chúng ta không thể làm gì được hết. Chúc ngủ ngon! - Và anh ngắt máy.

Meadows và Hooper đứng dậy. Brody tiễn họ ra, và khi họ đã mở cửa rồi thì Brody bỗng quay về phía Meadows.

- Harry này, anh bỏ quên bật lửa ở chỗ tôi. - Meadows định nói cái gì đó, nhưng Brody đã lên tiếng trước: - Quay lại mà lấy bật lửa đi, không lại mất thêm cái nữa bây giờ. - Rồi anh gật đầu với Hooper. - Hẹn gặp lại.

Khi họ lại vào phòng làm việc của Brody rồi, Meadows với vẻ thắc mắc lôi chiếc bật lửa của mình ở trong túi ra.

- Thì ra anh muốn thông báo điều gì đó với tôi?

Brody khẽ khép cửa lại.

- Anh có thể tìm hiểu được đám cùng cánh làm ăn của Larry không?

- Tôi nghĩ là có thể được. Mà anh cần để làm gì?

- Kể từ khi có cái tai họa kia giáng xuống, Larry không chịu cho tôi thực hiện một biện pháp nào, ông ta quyết không cho tôi đóng cửa các bãi tắm. Ngay cả bây giờ, sau khi đã có ngần ấy người chết rồi, ông ta vẫn muốn tôi mở cửa các bãi tắm vào Ngày Độc lập. Mới rồi ông ta còn buột mồm nói ra: ông ta bị sức ép của đám cùng làm ăn với ông ta. Tôi đã nói với anh rồi.

- Rồi sao nữa?

- Tôi nghĩ cánh ta cũng nên biết xem kẻ nào có ảnh hưởng như vậy đối với Larry. Nếu ông ta không làm thị trưởng thì tôi cũng chẳng cần quái gì. Vậy nếu có ai đó chỉ đạo ông ta thì phải xem những kẻ ấy thuộc hạng người gì.

- Được rồi, Martin ạ, - Meadows thở một hơi dài. - Tôi sẽ làm tất cả những gì thuộc sức mình. Tuy rằng sục vào công chuyện của Larry Vaughan cũng chẳng khoái gì cho lắm.

- Đúng rồi, nhưng có phải chỉ mình anh bây giờ là đang ở vào thế bí đâu.

Brody tiễn Meadows đến cửa rồi lại quay vào ngồi xuống bên bàn. Vaughan nói đúng ở một điểm, anh nghĩ: những dấu hiệu của việc Amity đang ở bên mép thảm họa, biểu lộ ra ở mọi sự. Nó không chỉ liên quan đến việc bán bất động sản, về mặt này thì sự thể tồi tệ lắm rồi. Evelyn Bixby, vợ của một cảnh sát viên dưới quyền Brody đã mất việc ở công ty bán bất động sản và bây giờ thì làm phục vụ viên ở cái quán nào đó trên đường 27.

Hai cửa hàng mới chuyên về y phục phụ nữ hợp thời trang đã hoãn việc mở cửa đến mùng ba tháng bảy, cả hai chủ hiệu đều thấy cần gọi điện cho Brody báo rằng nếu mùng ba tháng bảy mà các bãi tắm vẫn không mở cửa thì họ cũng sẽ không mở các cửa hàng của mình. Một chủ hiệu còn tính đến chuyện hay là chuyển sang bên East Hampton. Cửa hàng bán đồ thể thao đã loan báo việc bán tống bán tháo, mặc dù thông thường cửa hàng chỉ làm việc ấy sau ngày lễ Lao động. Đối với Brody thì trong tình thế này ở Amity, điều vui mừng duy nhất là việc bar "Saxon’s" không đắt khách lắm, nên người ta đã sa thải Henry Kimble. Và bởi lẽ anh ta không còn làm cái chân phục vụ bar nữa, nên bây giờ trong phiên trực anh ta thức là chủ yếu.

Ngay từ tinh mơ sáng thứ hai - ngày đầu tiên đóng cửa các bãi tắm, Brody đã cử hai cảnh sát viên đến đấy. Giữa họ với những người lăm le muốn tắm bằng bất cứ giá nào đã xảy ra không ít va chạm. Một người đàn ông tên là Robert Dexter còn lớn tiếng tuyên bố về quyền được tắm ở khu vực của riêng mình được Hiến pháp công nhận và đã toan suỵt chó xông vào cảnh sát viên, khiến anh này phải rút súng ngắn, vì anh đang thực thi công vụ và đe sẽ bắn chết con chó. Một cuộc xô xát khác diễn ra ở bãi tắm của thị trấn, khi một luật gia từ New York tới lên tiếng đọc Hiến pháp Hoa Kỳ cho anh cảnh sát và một đám thanh niên ồn ào nghe.

Thế nhưng chuyện tắm thì dù sao cũng không ai xuống tắm cả. Brody biết đích xác như thế.

Sáng hôm thứ tư có hai cậu bé thuê thuyền và ra cách bờ độ ba trăm yát, ở ngoài đó gần một giờ đồng hồ để quẳng lòng ruột gà và đầu vịt xuống nước. Trên con tàu đánh cá đi ngang qua, người ta trông thấy và báo qua máy vô tuyến cho Brody.

Brody gọi điện cho Hooper, cả hai cùng đi trên chiếc "Flicka" ra và kéo hai cậu bé vào bờ. Họ tìm thấy trên thuyền của hai cậu bé một cái lao buộc liền với một dây chão vải bình thường dài khoảng hai trăm yát, đầu kia quàng chặt vào mũi xuồng bằng kiểu nút buộc của những người đi biển. Hai cậu nói là họ muốn móc câu liêm vào cá và "lao vút đi trên thuyền, như trên xe trượt tuyết, đến tận Nantucket". Brody cảnh cáo hai cậu bé rằng nếu chúng còn bày ra những trò đại loại như thế thì anh sẽ bắt chúng về tội mưu toan tự sát.

Đã bốn lần người ta gọi điện đến đồn cảnh sát báo là trông thấy cá mập. Trong một trường hợp thì hóa ra là một khúc gỗ trôi. Trong khi trường hợp khác, theo lời khẳng định của người dân chài được phái đi kiểm tra thông báo nhận được, đó là những đám cá con nô giỡn trong nước. Còn trong trường hợp thứ tư thì chẳng phát hiện thấy gì cả.

Chiều hôm thứ ba, khi trời vừa mới sâm sẩm tối lại có điện cho Brody.

Người gọi muốn giấu tên, nói rằng một người đàn ông ở bãi tắm thành phố lại ném mồi xuống nước cho cá mập. Té ra, đó không phải là đàn ông, mà là một người đàn bà, mặc áo choàng đàn ông, - Jessie Parker, làm nghề bán hàng ở cửa hàng văn phòng phẩm. Thoạt đầu chị ta cứ chối, nhưng rồi sau thú nhận là đã ném một túi giấy xuống nước. Trong đó có ba chai rượu Vecmut đã rỗng.

- Sao chị không ném nó vào thùng rác? - Brody hỏi.

- Tôi không muốn anh công nhân đổ rác lại tưởng là tôi say rượu.

- Thế thì sao chị không quẳng vào thùng rác của người khác?

- Thế thì lại không tốt, - chị ta đáp. - Thùng rác... Đó cũng là của riêng đấy chứ, có phải không ông?

Brody khuyên chị ta từ nay về sau hãy xếp những chai rỗng vào một cái túi giấy bóng, sau đó cho vào một cái túi giấy to và dùng búa đập cho kỹ. Lúc ấy thì sẽ không ai biết đây là những chai gì nữa.

Brody nhìn đồng hồ. Đã qua tám giờ. Đến nhà Sally Gardner thì cũng muộn rồi. Có lẽ cô ấy đã đi ngủ. Grace Finley đã cho cô ấy viên thuốc nào đó hoặc là rượu uýt-xki, và Sally đã thiếp đi. Brody gọi điện đến trạm canh gác bờ biển ở Montauk và báo cho người trực ở đó về việc Ben Gardner. - Người ấy trả lời là hễ khi nào rạng thì anh sẽ cho canô đi tìm xác.

- Cám ơn, - Brody đáp lại. - Tôi hy vọng là anh sẽ phát hiện được nó trước khi nó bị ném lên bờ. - Brody bỗng giật mình thảng thốt vì chính những lời nói của mình. "Nó" đấy là Ben Gardner, bạn anh. Sally sẽ nói sao, nếu cô ta nghe thấy anh gọi chồng cô là "nó"? Cứ như thể không hề có mười lăm năm kết bạn, Ben Gardner không còn nữa. Chỉ còn "nó", và phải tìm nó trước khi cái mớ lầy nhầy đẫm máu ấy dạt lên bờ.

- Chúng tôi sẽ cố, - người trực nhật trả lời. - Thật là hết hơi! Tớ cũng thông cảm với các cậu. Mùa hè ở chỗ các cậu như thế kia mà, không tị sao được.

- Chỉ còn biết hy vọng rằng đấy không phải là mùa hè cuối cùng của chúng tôi. - Brody nói rồi đặt điện thoại lên giá. Sau đó anh tắt đèn trong phòng làm việc đóng cửa lại rồi ra xe.

Sau khi đã quặt về nhà, Brody trông thấy ánh sáng màu vàng đục hơi pha xanh lơ quen thuộc ở các cửa sổ phòng khách. Lũ trẻ đang xem vô tuyến. Anh bước qua cửa trước, gí công tắc đèn ngoài bậc tam cấp và nhìn vào phòng khách tranh tối tranh sáng. Cậu con trai cả Billy đang nằm dài trên đivăng, chống khuỷu tay. Martin, đứa giữa mười hai tuổi, đang ngả ngớn trên chiếc ghế bành mềm, đôi chân trần gác lên chiếc bàn để tạp chí. Thằng Sean lên tám ngồi dưới đất tựa người vào đivăng và đang vuốt ve con mèo.

- Ở nhà thế nào? - Brody hỏi.

- Bình thường, bố ạ, - Billy đáp, mắt vẫn không rời cái máy thu hình.

- Mẹ đâu?

- Ở trên gác ấy ạ. Mẹ dặn bảo bố là bữa ăn sắp ra cho bố ở dưới bếp ấy.

- Tốt lắm. Muộn rồi đấy, Sean. Sắp tám rưỡi rồi.

- Con đi ngủ đây, bố ạ, - Sean nói.

Brody xuống bếp, mở tủ lạnh lấy ra lon bia. Trên bàn ăn trong chiếc chảo còn chỗ thịt bò ninh để phần. Thịt màu xám xám nâu nâu bạc nhạc, nước xốt đã nguội tanh. "Bữa ăn tối đây đấy", - Brody nghĩ thầm. Anh quyết định làm mấy miếng bánh mì kẹp nhân. Trong tủ lạnh còn vài miếng bít tết, một gói chân gà, độ chục quả trứng, một lọ dưa chuột ngâm và mười hai cái hộp sắt có nước xôđa sủi bọt. Cuối cùng anh tìm thấy một mẩu pho mát đã khô, các góc quăn lại, anh bẻ nó ra và đút vào mồm. Ngẫm nghĩ một lát xem có nên hâm lại thịt hay không, rồi anh nói thành tiếng: "Thôi, mặc xác!" Anh lấy hai lát bánh mì, quết mù tạt lên, gỡ con dao thái thịt từ cái thớt ở trên tường xuống và cắt một miếng thịt bò dày. Anh đặt miếng thịt lên một lát bánh mì, xếp mấy miếng dưa chuột ngâm lên trên, rồi lấy một lát bánh mì khác kẹp lại. Xếp tất cả những thứ ấy lên đĩa, cộng thêm lon bia, thế là anh mang lên gác vào phòng ngủ.

Ellen đang ngồi trên giường đọc tạp chí "Cosmopolitan".

- Anh đấy à? - chị nói. - Ngày hôm nay anh có vất vả lắm không? Anh chẳng gọi điện nói gì cho em cả.

- Vất vả. Bây giờ thì ngày nào cũng vất vả. Em đã nghe chuyện Ben Gardner chưa? Ngay lúc đang nói với em đây, anh cũng chỉ có thể phỏng đoán điều gì đã xảy ra với anh ta, - anh đặt cái đĩa và lon bia lên bàn trang điểm rồi ngồi xuống mép giường để cởi giầy.

- Em có nghe. Grace Finley đã gọi điện cho em, hỏi em có biết bác sĩ Craig ở đâu không. Ở phòng thường trực đăng ký người ta không chỉ được cho cô ấy là bác sĩ Craig ở đâu, mà Grace thì muốn cho Sally uống thuốc ngủ.

- Thế em có đi tìm ông ta không?

- Không. Em sai thằng Sean đi đem thuốc Seconal cho cô ấy.

- Lại Seconal nào nữa?

- Thuốc ngủ ấy mà.

- Anh không biết là em vẫn uống thuốc ngủ.

- Cũng không hay uống lắm. Rất hãn hữu thôi.

- Em lấy ở đâu ra?

- Bác sĩ Craig kê cho em, hôm em đến khám về thần kinh ấy mà. Em có nói với anh rồi.

Brody quẳng giày vào góc phòng đứng dậy cởi quần dài ra rồi cẩn thận vắt nó bên thành ghế. Sau đó anh cởi áo sơ mi treo lên mắc trong tủ quần áo và an tọa trên giường trong bộ quần đùi áo may ô, anh bắt đầu đánh chén. Thịt khô và lắm gân. Anh chỉ cảm thấy vị ngon của mù tạt.

- Anh có tìm thấy thịt bò không? - Ellen hỏi.

Mồm Brody đã nhồi đầy, nên anh chỉ gật đầu.

- Thế anh ăn cái gì đấy?

- Thịt bò.

- Anh đã hâm nóng lên chưa?

- Chưa. Thế này cũng được rồi.

Ellen bĩu môi không hài lòng.

Brody yên lặng ăn. Ellen thì lật giở các trang tạp chí. Mấy phút trôi qua, khi Ellen đã lật đến trang cuối cùng rồi, chị đặt tạp chí lên đầu gối.

- Trời ạ! - chị thốt ra.

- Cái gì thế?

- Em đang nghĩ về Ben Gardner. Khủng khiếp quá. Bây giờ không biết Sally sẽ làm sao đây?

- Anh cũng chả biết. Anh lo cho cô ấy quá. Cô ấy có tiền nong gì lắm không nhỉ? Đã bao giờ em nói chuyện ấy với cô ta chưa?

- Chưa bao giờ. Cô ấy lấy đâu ra tiền? Em nghĩ có lẽ cả năm chả bao giờ cô ấy mua cho con cái quần áo mới nào cả. Cô ấy cứ ước mong giá được mua thịt thường xuyên hơn cái cảnh tuần một lần, và khỏi phải cứ ăn mãi món cá mà Ben đánh về. Chắc cô ấy sẽ nhận được ít nhiều tiền bảo hiểm xã hội?

- Chắc có nhưng không nhiều. Còn lẽ các hội từ thiện nữa.

- Không đời nào cô ấy chịu đâu. - Ellen nhận xét.

- Em biết đấy, sĩ diện bây giờ chính là cái điều cô ấy không thể cho phép mình được nữa. Giờ thì đến cá cũng chả có mà ăn.

- Chúng ta có thể làm được gì không nhỉ?

- Chính chúng mình ấy à? Có thể làm gì được? Chúng mình cũng có giàu sang gì cho cam. Nhưng có lẽ thị trấn có thể giúp cô ấy được. Anh sẽ nói với Vaughan.

- À mà công việc của anh có tiến triển gì không?

- Em muốn hỏi là đã bắt được con quái vật ấy chưa chứ gì? Chưa đâu, Meadows đã vời một nhà hải dương học, bạn ông ta ở Woods Hole đến. Tuy rằng anh cũng chẳng rõ anh ta có thể giúp được cái gì.

- Nom anh ta thế nào?

- Trẻ, bề ngoài khá dễ chịu. Có hơi kiêu căng một tí, cái ấy cũng chẳng có gì lạ. Hình như anh ta khá thông thạo vùng ta.

- Thú vị nhỉ. Ở đâu tới hả anh?

- Anh ta nói là từ hồi còn bé đã hay đến Southampton rồi. Mùa hè nào cũng nghỉ ở đấy.

- Anh ta có đi làm không?

- Anh cũng không rõ. Chắc là anh ta sống với bố mẹ. Có vẻ như anh ta thuộc hạng ấy.

- Thuộc hạng nào.

- Hạng những người đi nghỉ. Bố mẹ giàu có. Nền nếp giáo dục đến nơi đến chốn. Em thông thạo cái hạng ấy quá rồi còn gì.

- Anh đừng cáu. Em chỉ hỏi vậy thôi.

- Anh không cáu. Chẳng qua anh chỉ nói rằng em thông thạo cái hạng ấy lắm rồi. Thì em từ môi trường của họ ra mà lại.

Ellen khúc khích cười:

- Từ môi trường của họ. Bây giờ em chỉ là đồ gái già thôi. Không hơn không kém.

- Đừng có nói ngớ ngẩn, - Brody bác lại. - Hễ em mặc quần áo tắm, thì đa số các ả mỹ miều đến đây mùa hè chẳng đáng xách dép cho em. - Anh lấy làm khoan khoái vì chị thích được nghe anh khen, anh cũng thấy khoan khoái khi nói những lời khen với Ellen. Những lời khen này đối với họ đã trở thành một cái gì đó nghi thức rồi, những đoạn dạo đầu của tình yêu. Hình dáng Ellen đang nằm trên giường gợi cho Brody sự thèm muốn. Tóc chị xõa xuống vai, ở chỗ xẻ sâu xuống của chiếc áo ngủ lộ ra hai bầu vú, sát đến tận nụ hoa. Anh nói:

- Anh vào bây giờ đây. Anh đi đánh răng cái đã nhé.

Từ buồng tắm quay vào, anh vẫn còn cảm thấy sự kích thích. Anh bước lại bàn trang điểm để tắt đèn.

- Anh biết không, - Ellen nói, - em nghĩ rằng nên để cho lũ trẻ nhà ta đi học đánh tennis.

- Để làm gì? Chúng nó thích chơi tennis à?

- Không, nhưng đấy là một môn thể thao tốt, học được thì càng tốt chứ sao. Nếu chơi tennis giỏi thì có thể gia nhập bất cứ câu lạc bộ nào và gần gũi được với những người cần thiết. Bây giờ đúng là thời kỳ cho chúng nó học chơi.

- Thế chúng nó sẽ học ở đâu?

- Em đang nghĩ đến câu lạc bộ "Field".

- Chúng mình đâu có phải là hội viên của câu lạc bộ "Field".

- Em cho là chúng mình có thể làm hội viên được. Một số bạn cũ của em là hội viên của câu lạc bộ này. Họ có thể giới thiệu chúng ta.

- Dẹp chuyện ấy đi.

- Tại sao lại thế?

- Tại vì chúng ta không đủ tiền cáng đáng. Anh cam đoan là chỉ riêng việc gia nhập cũng phải mất một nghìn đôla rồi, rồi hàng năm lại phải nộp ít nhất là vài trăm. Chúng mình đâu có nhiều tiền đến thế.

- Ta có tiền tiết kiệm.

- Nhưng không phải để học đánh tennis. Thôi nhé, không nói chuyện ấy nữa, - anh vươn người về phía công tắc đèn.

- Cái đó còn có ích cho lũ trẻ.

Brody chống tay lên bàn.

- Em này, chúng ta không thuộc giới đánh tennis. Ở đấy chúng ta sẽ là người lạ.

- Làm sao anh biết được? Đã bao giờ chúng ta thử vào câu lạc bộ đâu.

- Thôi, hãy gác chuyện này lại. - Anh tắt đèn rồi đi lại giường, lật chăn ra và nằm vào với Ellen. - Với lại, - anh vừa nói tiếp vừa sục mũi vào cổ chị, - có một môn thể thao khác hợp gu anh hơn.

- Lũ trẻ còn chưa ngủ đâu.

- Chúng nó đang xem vô tuyến. Bây giờ đến bom nổ, chúng nó cũng không nghe tiếng nữa là. - Anh hôn vào cổ chị và bắt đầu đưa tay xuống đùi chị.

Ellen ngáp. Chị nói:

- Em buồn ngủ quá. Em đã uống thuốc từ trước lúc anh về.

Brody ngừng rờ tay.

- Em uống làm quái gì?

- Đêm hôm qua em khó ngủ, nên mới làm một viên.

- Em nên vứt những viên thuốc chết tiệt ấy đi, - anh hôn vào má chị. Anh muốn hôn vào môi, nhưng đúng lúc ấy chị lại ngáp.

- Xin lỗi, - chị nói. - Em sợ sẽ chẳng ra sao đâu.

- Ra trò chứ. Chỉ đòi hỏi em giúp cho một tí thôi.

- Thôi, em mệt quá. Còn anh... nếu muốn. Em sẽ cố gắng để không ngủ thiếp đi.

- Ấy không, - Brody nói và lăn sang phần giường của mình. - Anh không thích mang tiếng hiếp cái xác không hồn.

- Làm gì mà anh quá lời thế?

Brody không đáp. Anh nằm ngửa, nhìn chăm chăm lên trần. Anh cảm thấy sức căng vẫn còn, nhưng sự thèm muốn đã qua đi và thay vào đó là một nỗi đau âm ỉ.

Một phút sau Ellen hỏi:

- Anh bạn của Harry Meadows tên là gì nhỉ?

- Hooper.

- Có phải David Hooper không?

- Không, hình như tên anh ta là Matt.

- Đã từ cái dạo nào em có biết một người tên là David Hooper. Em nhớ. - Chị không kịp nói hết câu thì mi mắt đã ríu lại, và chị thở sâu chìm vào giấc ngủ.