Giữa Sắc Trắng Thuần Khiết

Chương 2



Sau khi Ngô Ứng Đường đi, tôi tìm một quán ăn ở gần đó để giải quyết bữa trưa. Người Hồ Nam thích ăn cay, điểm này tôi đã có nghe qua lúc còn học ở Cambridge, nhưng chuyện khiến cho tôi bất ngờ chính là, ngay cả trong mỳ hoành thánh thì họ cũng bỏ ớt vào, lại còn là loại nhìn qua thì chỉ có chút xíu nhưng thực tế trộn vào thì cay không chịu nổi. Vừa nuốt xuống thì cơn cay như lửa đốt đã lan đến dạ dày. Nước mắt và ho khan cùng lúc tuôn ra.

Chủ quán và các thực khách bên cạnh đều bật cười. Họ nói tiếng Tương*, trái lại tôi có thể nghe hiểu được chút ít, ý đại khái chính là: Cô bé này lần đầu tiên ăn món ăn Hồ Nam, vẫn chưa thích ứng kịp nên bị sặc cay rồi.

*Tiếng Hồ Nam

Năm đó, Trần Kính Dư cầm bản đồ để tôi làm quen với các vùng. Khi chỉ đến Hồ Nam thì cô ấy dừng lại một chút: "Người Hồ Nam vô cùng tự hào về loại ớt của họ." Vừa dứt lời thì ngón tay vạch một đường, xiêu xiêu vẹo vẹo lướt vòng quanh Tứ Xuyên: "Điểm này giống với người Tứ Xuyên."

Tôi lập tức ghi nhớ vị trí địa lý của Hồ Nam và Tứ Xuyên, đồng thời cũng nhớ kỹ họ thích ăn cay.

Nhưng vẫn đánh giá quá thấp rồi.

Tôi ho đến mức đỏ bừng mặt mày, ho muốn văng cả lá phổi ra ngoài. Chủ quán có lòng tốt, cho tôi một bát nước mỳ miễn phí. Nước mỳ là một bát lá hoành thánh, màu trắng ngà như sữa, uống hết còn có vị mỳ hoành thánh. Ý tôi nói là loại chính thống, không bỏ ớt ấy.

Một bữa trưa, cả đời khó quên. Sau khi trả tiền, tôi còn cố ý ghi nhớ gương mặt của chủ quán, nghĩ thầm lần sau đến nhất định phải nhớ nói ông ấy đừng bỏ ớt nữa.

Buổi trưa, tôi lại đi lòng vòng. Khoảng gần một giờ, có người ở sau lưng kêu tôi, nghe có vẻ cách tôi một con đường.

"Trưởng quan, trưởng quan của chúng tôi kêu ngài qua đó."

Tôi quay đầu, là một trung úy, rất trẻ, mặc quân phục địa phương màu xanh xám. Sau khi anh ta nhìn thấy mặt tôi thì ngây người một chút. Tôi có thể nhìn mặt anh ta để đoán ra được anh ta đang nghĩ tới chuyện gì: Tại sao lại là nữ giới?

Sau khi về nước, tôi đã gặp kiểu tư tưởng chủ nghĩa đàn ông mất lịch sự, hệt như lễ giáo phong kiến cặn bã thời đất nước chưa được khai hóa này rồi. Tôi nhanh chóng suy nghĩ lát nữa nên phản bác anh ta như thế nào thì một giây sau đã thấy anh ta đứng nghiêm, cúi chào tôi, lặp lại một lần nữa: "Trưởng quan của chúng tôi mời ngài qua đó."

Hả?

Tôi không kịp chuẩn bị, nhanh chóng nuốt xuống những lời định thốt ra, lại nhìn theo phương hướng cậu ta chỉ thì nhìn thấy một con đường. Một sĩ quan hơi tựa vào xe jeep chuyên dụng ở nơi đó. Sau khi nhìn thấy tôi, khoe môi hơi nhếch lên: "Lục An, đã lâu không gặp."

Ồ.

Hóa ra là vậy.

Tất cả khó hiểu đầu đã tìm được lời giải thích.

Đây là lính của cô ấy.

Trên thực tế, đây là lần đầu tiên tôi và Trần Kính Dư gặp lại nhau sau rất nhiều năm. Hình ảnh đó, tôi vẫn luôn nhớ kỹ. Giống như chiếu phim, từng cảnh, từng cảnh.

Tôi đứng sững ở nơi đó, ngơ ngác nhìn Trần Kính Dư lộ ra nụ cười xinh đẹp, sau khi đứng thẳng người, chỉnh trang một chút thì từng bước, từng bước đi về phía tôi, giống như dáng vẻ của rất nhiều năm về trước ở bến tàu sông Thames, tôi nhìn cô ấy bước về phía mình.

Trần Kính Dư đứng vững trước mặt tôi, nhẹ nhàng nhếch môi lên rồi lại nhanh như chớp hạ xuống, mặt không thay đổi, nhìn tôi chằm chằm: "Trông thấy trưởng quan, không biết phải hành lễ à?"

Lúc cô ấy nói câu này, giọng điệu không hề chập trùng. Đã rất lâu rồi, tôi chưa từng được nhìn thấy một Trần Kính Dư nghiêm túc như vậy, đến mức khiến cho tôi bỗng luống cuống, tay chân loạn xạ đứng nghiêm, chỉnh trang quân phục, hành lễ với cô ấy: "Chào trưởng quan!"

Trần Kính Dư rất tùy ý trả lễ, sau đó híp mắt, nhìn tôi rất lâu.

Tôi bỗng trông thấy quân hàm thiếu tá và chức vị trên phù hiệu của cô ấy, lòng tôi lạnh đi từng chút một.

Thời gian cô ấy nhìn tôi càng lâu, tôi lại càng hiểu ra, cô ấy đã không còn là Trần Kính Dư mặc áo sơ mi trắng, nở nụ cười dịu dàng với tôi dưới bóng râm ở đại học King nữa rồi.

Trần Kính Dư đánh giá tôi, sau một lúc lâu, đột nhiên lại giơ tay lên trước trán tôi, huơ huơ một chút.

Tôi vô thức lùi lại một bước. Trần Kính Dư như không có việc gì xảy ra, rút tay về, đột nhiên thốt lên một câu: "Cao hơn một chút."

Tôi và Trần Kính Dư đã nhiều năm rồi chưa gặp nhau. Lần cuối cùng cô ấy gặp tôi, là khi từ Cambridge đến Đức. Lúc đó, tôi chỉ mới mười tám tuổi, đỉnh đầu miễn cưỡng cao hơn bả vai cô ấy một chút. Còn bây giờ, tôi và cô ấy chỉ kém nhau nửa cái đầu.

Tôi bật cười, nói: "Đã rất lâu rồi cậu chưa gặp mình, đương nhiên không biết mình đã cao lên rồi. Cũng giống như Ứng Đường không biết mình đã trưởng thành khác xa cái thời còn ở Cambridge."

Trần Kính Dư chen vào hỏi tôi: "Nói như vậy, cậu đã gặp Ứng Đường rồi à?"

Tôi gật đầu.

Trần Kính Dư nghiêng đầu, nhìn vào đôi mắt của tôi, lại liếc nhìn xuống đất, rồi thuận thế nhìn sang bên cạnh. Tôi khó hiểu với phản ứng của cô ấy. Cô ấy chỉ nói: "Ứng Đường được điều đến Quân đoàn số 8 rồi. Phương Tử San thành lập Sư đoàn 10, điều sĩ quan, cán bộ từ khắp các nơi đến tổ chức sư đoàn kiểu Đức."

Tôi bỗng nhớ đến cái dòng phó đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn số 8, Lục quân được viết trên phù hiệu của cậu ta: "Thiếu tá, phó đoàn trưởng, đây là được thăng chức à?"

Trần Kính Dư cười nhạt một chút: "Một tuần trước cũng giống như cậu."

Giống như tôi, vậy là thượng úy rồi, ít nhất cũng là trại trưởng. Tôi nghĩ đến hệ thống quân đội của nước mình, lúc nhìn lại Trần Kính Dư thì phát hiện dường như trong nụ cười của cô ấy có chút châm chọc. Nhưng tôi nghĩ không ra tại sao có trộn lẫn sự châm chọc bên trong. Ứng Đường lên chức, là một chuyện tốt, tôi chỉ nghĩ rằng mình nhìn nhầm rồi.

Chỉ là nghĩ đến tôi vừa mới gặp mặt cậu ta, còn nói chuyện chưa được bao nhiêu câu thì cậu ta đã vội vàng bỏ đi, khó tránh khỏi có chút đau lòng. Tôi hỏi Trần Kính Dư: "Cậu cảm thấy ba người chúng ta còn có thể gặp lại nhau không?"

Trần Kính Dư bình tĩnh đứng đó, khẽ nói: "Mình không biết."

Nghĩ cũng đúng, thời đại chiến loạn, gặp gỡ và chia ly, ai có thể nói rõ được, trái lại là do tôi đã quá ấu trĩ rồi. Tôi cười cười, chuyển chủ đề: "Cho nên, cậu là do quân bộ phái đến đón mình à?"

Cô ấy gật đầu, nói: "Buổi sáng nhận được mệnh lệnh, nhưng sau đó hội nghị mở trễ một chút." Cô ấy đang giải thích nguyên nhân tại sao bây giờ mới đến đây.

Tôi bày tỏ không sao. Cô ấy nói tiếp: "Đi thôi, sau này chúng ta còn có rất nhiều thời gian tâm sự, bây giờ mình phải dẫn cậu đi báo danh trước đã." Cô ấy nhìn quân phục của tôi: "Thuận tiện đổi quân phục khác cho cậu."

Tôi cúi đầu nhìn quân phục của mình, mới chỉ mặc chưa được hai tháng, vẫn còn mới tính. Lúc đang chuẩn bị ngẩng đầu hỏi Trần Kính Dư, chỉ nghe thấy cô ấy nói rất nhỏ: "Quân phục của quân Trung Ương xấu chết đi được."

Tôi "phì" cười, liếc cô ấy một chút: "Cái này không thể nói bậy được đâu. Nếu như bị cấp trên của cậu biết, chắc chắn sẽ xử phạt cậu."

Trần Kính Dư nhún vai, biểu cảm rất là vô tội: "Vậy cũng phải đợi ông ta bắt được tại trận rồi hẵng nói."

Cô ấy giơ tay ra hiệu với trung úy đang nghỉ ngơi cách đó không xa, vươn tay gỡ ba lô trên người tôi xuống, đi về phía xe jeep.

Nhóm chuyên gia mật mã này của chúng tôi là do Quân ủy Trung Ương trực tiếp phái đến cho trưởng quan Tư lệnh Trần Thành của Chiến khu số 9, lại do Trần Thành phái xuống dưới, nhưng vì chiến tranh Vũ Hán, các chuyên gia đều đi đường vòng, di chuyển đến hậu phương của Chiến khu số 9. Vốn dĩ tôi đã đến quân bộ từ cuối tháng tám, nhưng quanh co lòng vòng, lúc đến được Trường Sa thì đã gần cuối tháng mười.

Trên đường đi, Trần Kính Dư nói lại cho tôi một lần về tình hình trong nước và Chiến khu số 9. Khi nói đến chuyện gần đây, cô ấy căm phẫn nện vào chỗ ngồi, tức giận nói: "Mất Vũ Hán rồi."

Trên thực tế, dọc đường từ Trùng Khánh đến Trường Sa, tôi chỉ có thể mượn mật điện trên báo để hiểu sơ qua. Chiến tranh Vũ Hán sớm được nằm trong kế hoạch của quân ủy vào tầm cuối năm ngoài. Máy bay, pháo, và sư đoàn kiểu Đức trong nước đều bị đưa đi. Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hi tự mình chỉ huy, đã đánh trận được nửa năm, chết nhiều người như vậy, còn bị quân Nhật cho nổ Hoa Viên Khẩu, bây giờ vẫn mất rồi.

Tôi "ừ" một tiếng, cúi đầu: "Trong dự đoán."

Vốn dĩ Trần Kính Dư còn có lời muốn nói, nhưng sau khi nghe thấy câu này của tôi thì chợt dừng lại, liếc nhìn tôi vài lần, giọng điệu khó chịu với trung úy đang lái xe: "Quên hết tất cả những chuyện anh đã nghe thấy, ngay cả bố tôi cũng không được phép nói."

Trung úy vô thức thẳng người: "Rõ!"

Đúng là rất trung thành. Tôi vốn còn cảm thấy khó hiểu tại sao Trần Kính Dư lại được phân phó quan, còn phải cố gắng nhớ lại một chút quân hàm của cô ấy: nền đỏ, hai vạch, một sao, là thiếu tá bộ binh, nền đỏ, hai đốt trúc, là tham mưu.

Theo lý mà nói, cho dù là cái nào đi nữa thì cũng đều không được phân phó quan.

Nhưng mà bây giờ lại có một lời giải thích rất hợp lý: Phó quan là cô ấy đưa theo từ trong nhà đến.

Tôi ở trong lòng theo thói quen bĩu môi phàn nàn: Chủ nghĩa quan liêu độc ác.

Ngoài mặt lại không có biểu cảm gì, sau khi phàn nàn thì vẫn đau khổ vì Vũ Hán bị bao vây.

Trần Kính Dư ngồi bên cạnh tôi, một lúc lâu vẫn không có động tĩnh gì, cũng không nói lời nào, động tác cũng không. Tôi sợ hãi sự yên lặng này, rụt cổ thầm nghĩ, có phải cô ấy đang tức giận không.

Tôi tự biết bản thân có chút phản nghịch, từ nhỏ đã thích đối nghịch với người khác. Khi cha trông mong tôi có thể dũng cảm như một đứa con trai, như Hoa Mộc Lan tòng quân, đánh trận, thì tôi lại yêu thích váy hoa và các tập thơ. Mẹ mong tôi có thể an phận một chút, học tập, lấy chồng, ở bên cạnh bà ấy, mãi mãi không rời khỏi, thì trái lại tôi tốt rồi, học xong thì lên thuyền về nước. Cái sự an phận mà bà ấy nói, tôi cũng không làm được. Tham gia quân ngũ nào có phải là chuyện an phận.

Lúc Trần Kính Dư tiếp tục mở miệng thì xe đã dừng lại. Cả đường tôi luôn lo sợ, bất an, ngay cả lời xin lỗi cũng đã suy nghĩ xong rồi. Cô ấy nói chuyện, lại còn bằng giọng điệu yếu ớt, khiến cho tôi trở tay không kịp.

Cô ấy hỏi: "Lục An, cậu có hận mình không?"