Giữa Sắc Trắng Thuần Khiết

Chương 1



"Đó là những năm tháng tốt đẹp nhất, đó là thời đại sa đọa nhất; đó là những ngày tháng sáng suốt; đó là những tháng năm kiên định với tín ngưỡng, đó là thời kỳ nghi ngờ tất cả mọi chuyện; đó là mùa ánh sáng đong đầy, đó là mùa bóng tối bao trùm; đó là mùa xuân cõi lòng ngập tràn hi vọng, đó là mùa đông khiến con người ta tuyệt vọng; chúng ta có được tất cả, chúng ta chẳng có gì cả; chúng ta chạy thẳng đến Thiên Đường, chúng ta rơi thẳng xuống địa ngục."

- -- Song Thành Ký

Tháng 8, năm Dân Quốc thứ hai mươi bảy, là tháng thứ hai sau khi tôi về nước, bị ông chủ Đới điều động từ Sở số 6 Quân Thống Trùng Khánh đến Chiến khu Tăng cường số 9, trợ giúp Trường Sa về phương diện tăng cường tốc độ giải mã điện báo của quân Nhật.

Thật ra, tôi vốn đã nghe theo lệnh đi đến Chiến khu số 9, thẳng tiến về phía Vũ Hán, nhưng đi được một nửa thì lại nghe thấy Bành Trạch thất thủ, Hồ Khẩu bị bao vây, quân phòng thủ Vũ Hán liên tục thua trận lùi bước. Tôi nghe theo Thường Đức đi đường vòng Ích Dương, qua sông Tương, đổi thành đi Trường Sa, bởi vì chuyện này mà đường đi cũng bị chậm trễ vài ngày.

Hôm tôi đến Trường Sa là một ngày nắng. Bầu trời vạn dặm không một bóng mây.

Trước chiến tranh, Trường Sa cũng xem như khá phồn vinh, dọc quảng trường đều là tiếng rao bán hàng, tiếng cười đùa của trẻ con, còn có tiếng thao luyện từ quân doanh cách đó không xa. Nếu phố xá này lại kéo hẹp hơn một chút nữa, khi đứng nhìn từ xa, sẽ là đường núi quanh co khúc khuỷu, giống như Trùng Khánh - nơi tôi ở chưa đến hai tháng ấy. Khung cảnh ca múa thái bình của thành Kim Lăng toàn rập khuôn theo chỗ đó. Bội Đô một mảnh phồn vinh hưng thịnh, nếu như không phải vì bộ quân trang này, có lúc tôi còn thực sự quên mất bây giờ đang là thời kỳ chiến loạn.

Trường Sa dễ phân biệt hơn Trùng Khánh một chút. Từ phía sau đê Khẩu Quyết, vườn hoa Lục Nguyệt, vô số nạn dân chỉ có hai con đường có thể đi. Về phía tây, xuyên qua tầng tầng lớp lớp phong tỏa để đi đến Diên An, hoặc là tiến về Trùng Khánh - thủ đô thứ hai, theo phía nam, đi dọc sông Hoài, Hán Giang, hướng đến Vũ Hán, nơi tạm thời được thái bình một chút. Nhưng tiệc vui chóng tàn, họ còn chưa đi được đến Vũ Hán thì trận chiến bảo vệ Vũ Hán đã nổ súng. Cho nên, những nạn dân này bị kẹp giữa vô số nạn dân chạy ra khỏi Vũ Hán. Không có lựa chọn nào khác, họ chỉ có thể vượt Trường Giang, bôn ba đến Hồ Nam.

Hồ Nam xem như thái bình, Trường Sa lại càng yên tĩnh... Nếu như không để ý đến những người dân áo quần rách tả tơi kia.

Tôi móc móc túi, lục khắp người cũng chỉ tìm ra được chút chocolate. Dọc đường đi, tôi đều có người theo hộ tống. Những thứ như lương khô này nọ, tôi thực sự không cần quan tâm, còn những viên chocolate này là tôi có được khi từ Trùng Khánh đến đây, Trì tiên sinh đã đưa cho tôi. Thời kỳ chiến tranh, tiếp tế khan hiếm, tất cả chocolate đều là hàng nhập khẩu. Trì tiên sinh vẫn luôn đối xử với tôi như một cô gái, có được vài ba viên chocolate cũng đều đưa hết cho tôi.

"Người xưa bẻ liễu để tiễn biệt, nhưng Trùng Khánh lại không có cây liễu, đành lấy chocolate thay thế vậy. Tuy không phải do Anh sản xuất, nhưng dù sao cũng có thể làm kỷ niệm, đúng không?"

Trên người tôi không có mang tiền, chỉ có thể phân phát hết những viên chocolate này cho đám con nít trốn chui trốn nhủi ở góc đường. Lúc đầu, chúng không dám nhận. Một vài đứa trẻ biết thứ này ăn được, vừa định giơ tay lấy thì đã bị những đứa lớn tuổi hơn một chút kéo ra phía sau. Chúng cũng không dám bỏ chạy, nhìn chằm chằm vào hông tôi, lùi lại từng chút, từng chút một.

Tôi mặc quân phục, bên hông đeo một cây súng lục. Tôi biết nguyên nhân khiến chúng sợ tôi.

Hết cách rồi, tôi đành phải nở một nụ cười mà bản thân cho rằng rất thân thiết, dễ gần, một tay cầm chocolate, một tay giơ ra giữa không khí, cố hết sức khiến cho bản thân vào trạng thái thả lỏng rồi cẩn thận đi đến gần.

Chuyện này giống hệt như lúc tôi cầm đồ ăn đút cho đám chó mèo trước của nhà. Chúng đều rất cảnh giác, con người hơn đến gần một chút thì sẽ quay người bỏ chạy, chạy chưa được bao nhiêu bước thì dừng lại, nằm rạp người xuống thật thấp, nhìn qua, giống như muốn ăn nhưng lại không dám đến gần.

Đám con nít này cũng giống hệt như vậy. Chúng bị dọa sợ rồi.

Ngay lúc này, Ngô Ứng Đường bỗng xuất hiện. Lúc cậu ta bước xuống từ chiếc xe jeep thì tôi đang cuối người đưa chocolate cho những đứa trẻ kia. Cậu ta vẫn đứng sau lưng tôi, không hề lên tiếng, cho đến khi tôi cảm nhận được có chỗ không đúng, bỗng quay đầu lại, đồng thời móc súng ra.

Bọn trẻ lập tức giải tán, nhưng Ngô Ứng Đường cứ thế, mang theo nụ cười mỉm đứng trước họng súng của tôi. Tôi sửng sốt vài giây. Cậu ta nghiêng người tránh khỏi họng súng, tiến lên xoa đầu tôi: "Đã lâu không gặp, tiểu An đã lớn như vậy rồi."

"Ứng... Ứng Đường?" Lúc này, tôi mới kịp phản ứng, vội vàng cất súng đi: "Sao cậu lại ở đây?"

"Câu nói này, có lẽ mình nên hỏi cậu mới đúng nhỉ?"

Lúc này, tôi mới thấy rõ cậu ta đang mặc quân phục màu xám của bộ đội địa phương, thẻ bài họ tên trước ngực viết là: Phó đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 8 Lục quân.

"Được lắm, Ngô Ứng Đường, cậu đã làm đến chức phó đoàn rồi!"

Ngô Ứng Đường chỉ mỉm cười, ý cười sâu đến đáy mắt: "Cậu vừa về nước, gia nhập quân đội thì đã được thăng đến thượng úy rồi. Mình vào quân ngũ nhiều năm như vậy, lại còn không cho mình làm phó đoàn à?"

Tôi cười "hì hì" hai tiếng. Ngẫm lại cũng đúng. Sau khi kháng chiến bùng nổ, du học sinh Ngô Ứng Đường này lập tức dứt khoát, kiên quyết về nước, nhập ngũ, tòng quân. Ngày cậu ta về nước, tôi đã đi tiễn cậu ta. Điều nên nói, điều không nên nói đều đã nói xong vào mấy ngày trước đó. Cậu ta cũng không biết cách nói chuyện. Trước khi lên thuyền, cứ nhìn tôi chằm chằm, chỉ thốt lên một câu "Chỉ mong đời này báo quốc, không hề hối hận."

Cái tên ngốc nghếch này, hệt như Trần Kính Dư.

Khi đó, tôi cũng không thể hiểu được lựa chọn của cậu ta và Trần Kính Dư, không hiểu sao họ lại từ bỏ tiền đồ rộng mở, cứ muốn quay về vũng nước đục kia. Cho dù xa tận cuối chân trời, tôi vẫn biết được cục diện rung chuyển trong nước. Chiến tranh chỉ là chuyện sớm muộn.

Khi đó là năm Dân Quốc thứ hai mươi lăm. Trước đó, tôi đối với cái từ "tổ quốc" này cũng không có khái niệm gì. Nó khiến cho tôi mất đi người cha của mình, lại khiến cho mẹ của tôi dẫn theo tôi đi đến nước khác. Tôi hận nó. Sau đó, nó khiến cho Trần Kính Dư liều lĩnh chỉ vì để báo quốc, lại khiến cho Ngô Ứng Đường từ bỏ vị trí nghiên cứu sinh ở Cambridge. Tôi vẫn hận nó như cũ, nhưng lại muốn tìm hiểu về nó, muốn biết rốt cuộc nó có cái gì tốt, vừa nghèo nàn vừa lạc hậu, lại vẫn có thể khiến cho cha tôi, Trần Kính Dư, Ngô Ứng Đường và nhiều người bạn học Hoa kiều khác phấn đấu quên mình.

Càng hiểu rõ thì càng si mê, biết được càng nhiều thì lại càng có thể cảm nhận được tâm trạng và tình cảm của họ.

Lúc đó, tôi học lên năm hai, may mà tất cả mọi chuyện còn có thể cứu vãn được.

Nghĩ đến lại dễ trầm mê vào chuyện cũ. Ngô Ứng Đường ở trước mặt tôi huýt sáo một tiếng, kéo tâm trí của tôi quay lại. Cậu ta cười hì hì một tiếng: "Tỉnh rồi à? Lại nghĩ gì vậy?"

Tôi vô cùng ngượng ngùng, khụ một tiếng, nhìn xung quanh: "Không có, chỉ đang nghĩ quân bộ cho người nào đến đón mình thôi."

Tôi từ Trùng Khánh đi thẳng đến Chiến khu số 9. Bây giờ, Chiến khu số 9 của quân bộ đã gia nhập vào chiến trường Vũ Hán. Tôi làm thủ tục nhậm chức xong thì toàn quyền giao cho quân đội đóng binh ở Trường Sa.

Theo mệnh lệnh, có lẽ nên do họ đến đón tôi, nhưng từ khi vào thành đến bây giờ, tôi chẳng hề nhìn thấy một người nào cả.

Mặt mũi Ngô Ứng Đường tràn đầy khó hiểu, nghe thấy vậy cũng chỉ lắc đầu: "Đoàn bộ của mình cũng không nhận được thông báo."

Tôi nhún vai: "Vậy có lẽ sẽ do sư đoàn đến đón mình rồi."

Ngô Ứng Đường suy nghĩ, nói: "Vậy thì cũng có khả năng đó, dù sao cậu cũng phụ thuộc trực tiếp quân bộ mà."

Cậu ta còn có việc công cần làm, tiếp tục nói chuyện với tôi thêm chốc lát thì đón xe rời đi. Trước khi đi, còn móc tiền trong người ra đưa cho tôi: "Không biết lúc nào sư đoàn mới đến, cậu tự mua chút đồ ăn lót dạ đi, đừng làm tình làm tội bản thân."

Cậu ta thực sự hiểu rất rõ về tôi. Hai chúng tôi vô cùng quen thuộc. Lúc nhỏ, xém chút nữa hai đứa đã đính ước thông gia, môn đăng hộ đối rồi. Cho nên tôi cũng không hề khách sáo với cậu ta, sau khi cầm tiền thì làm động tác chào rất ngầu của quân Mỹ với cậu ta. Ngô Ứng Đường cười, lắc đầu: "Đi nhé, có thời gian gặp lại sau."

.---.. -. -.--.- -.

Chúc những bạn nào đọc truyện này từ đây đến Thất Tịch năm sau sẽ có người êu ~