Gá Duyên

Chương 28



Tin dữ khiến cơ thể Ngân lạnh toát, chân tay bủn rủn, ngã khụy xuống sàn. Tiếng khóc của bà Mẫn vọng ra từ điện thoại như từng nhát dao rạch lên cơ thể cô. Không khí xung quanh cánh mũi đông đặc khó thở, đầu óc cô trống rỗng, chẳng thể suy nghĩ được gì.

Mốc đang dắt tay Đức đi xuống cầu thang, thấy mẹ ngã trên sàn liền lo lắng chạy tới.

“Mẹ ơi, mẹ bị làm sao vậy? Mẹ đau ở đâu?”

Mọi âm thanh không chạm được đến Ngân. Cô không phản ứng khiến Mốc sợ hãi. Nó chạm vào gương mặt trắng bệch của Ngân và giật mình.

“A? Tại sao người mẹ lạnh vậy ạ? Có phải mẹ bị trúng gió không?” Nó vụng về xoa mặt, xoa tay giúp Ngân.

Đức thấy trò xoa nắn khá thú vị nên cũng ngồi xổm bên cạnh Ngân, luồn tay vào áo cô, xoa eo và xoa lưng.

Sự quan tâm ấm áp của Mốc và Đức cuối cùng cũng có tác dụng. Ngân hoàn hồn, nhìn chằm chằm con trai. Đột nhiên, cô ôm chặt Mốc vào lòng, òa khóc.

“Mốc ơi… ông ngoại mất rồi… Là mẹ hại chết ông ngoại…”

Mốc ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Giọng Ngân sũng nước làm nó nghe không rõ lời. Nó bị mẹ ôm chặt, hai tay gò bó không thể cử động. Nó muốn vỗ lưng mẹ để trấn an cũng không được. Nó nhìn sang Đức cầu cứu.

Mốc trong lòng Ngân như chiếc phao, níu giữ cô không ngã quỵ. Cô khóc lớn, trút sạch đau khổ và sợ hãi vào tiếng khóc. Nước mắt lã chã trên mặt cô làm Đức nhíu mày. Hắn không bắt sóng được ánh mắt cầu cứu của Mốc, chỉ biết hành động theo bản năng.

Hắn quỳ trên sàn, dang tay ôm Ngân và Mốc vào lòng. Giọng nói ngắc ngứ vang lên vụng về. “Đừng khóc. Đừng khóc. Không sao rồi. Tôi ở đây, sẽ không ai bắt nạt em.”

Mốc ngọ nguậy đầu, quan sát biểu cảm của Đức. Ngân đang chìm trong bi thương, không nhận ra điểm khác lạ của Đức nhưng Mốc vẫn tỉnh táo. Nó phát hiện bác Đức dùng y nguyên lời nói dỗ dành của mẹ Ngân, chỉ đổi chủ ngữ thôi.

Có phải bác Đức đã khỏi bệnh rồi không?

Ngân nén bi thương vào lòng, tự vực dậy tinh thần để lo chuyện ở quê. Cô đưa Đức sang nhà Long, nói với bà Cẩm. “Bố con mất. Con và cháu Mốc phải về quê. Mẹ về bên nhà bác Đức trông bác ấy giúp con. Bác ấy không ngủ được chỗ lạ đâu.”

“Ông thông gia mất? Mất lúc nào? Không phải ngày hôm qua ông thông gia mới lên thăm chị hay sao?”

“Bố con bị tai nạn giao thông trên đường về quê.”

Bà Cẩm giật mình, nhìn Ngân trân trối. Ánh mắt thiếu thân thiện, giọng nói xách mé khó nghe. “Các cụ nói cấm có sai. Tướng khắc chồng thì cũng có thể khắc cha khắc mẹ.”

Bà Cẩm thở dài, lắc đầu.

Ngân siết chặt tay để kìm giữ không bùng nổ.

Nghĩa tử là nghĩa tận, hiềm khích khi còn sống đều chấm hết. Bà Cẩm không hài lòng với bên thông gia cũng chẳng dám hó hé làm khó Ngân. Bà ta nói. “Chị đưa thằng Mốc về quê trước đi. Khi nào phát tang thì chị nói với tôi một câu, tôi cùng thằng Long bắt xe về phúng ông thông gia.

Ngân không ý kiến về quyết định của bà Cẩm. Cô nhìn thoáng qua Đức. Hắn vẫn ngờ nghệch đứng một bên, tự chơi ngón tay của mình, không hề hiểu những gì đang diễn ra xung quanh.

Cô lo lắng cho hắn nhưng không thể không về quê lo chuyện trong nhà.

Ngân và Mốc rời đi thật nhanh. Đến khi Đức phát hiện hai người luôn gần gũi với mình đã biến mất, không cách nào tìm được trong nhà, hắn bắt đầu tìm mọi cách bỏ trốn. Bà Cẩm vừa chật vật canh giữ hắn vừa mệt mỏi chăm sóc ngày ba bữa cơm. Đến khi thiếu Ngân, bà ta mới biết chăm sóc một người điên vất vả đến mức nào.

Trong khi đó, Ngân đến bệnh viện để nhận xác, hoàn tất thủ tục bên công an để sớm đưa ông Khiêm về quê. Thời điểm nhìn thấy khăn trắng phủ trên mặt bố, người Ngân lả đi, khóc ngất vì đau lòng.

Hai mẹ con Ngân về quê ngay trong đêm.

Nhà ông Khiêm chật kín người. Anh em họ hàng đến chia buồn, cùng giúp một tay lo ma chay.

Bà Mẫn yếu ớt nằm trên giường, thấy con gái về thì gào khóc khổ sở. Mắt Ngân sưng đỏ nhưng không dám khóc. Nếu ngay cả cô cũng ủy mỵ than khóc thì ai lo liệu đưa tiễn bố về với các cụ.

Ngân ôm mẹ thật chặt, sắp xếp Mốc ở bên bà ngoại, dùng sự ngây thơ của trẻ con để vỗ về cảm xúc tiêu cực nơi bà Mẫn.

Ông Khiêm không có con trai, con rể đã mất, người đến phúng viếng phần lớn là họ hàng nhà Ngân. Nhà chồng cô chỉ có bà Cẩm, Long và cậu Khải, em trai bà Cẩm đến phúng rồi rời đi thật nhanh. Ngân tất bật lo mọi việc, không đủ tinh lực hỏi tình trạng của Đức.

Cô Ba, em gái ông Khiêm, cô ruột của Ngân đã kéo cô ra góc vườn, chân thành khuyên bảo. “Số mẹ con mày khổ quá. Con gái thì góa chồng bảy tám năm, giờ đến bản thân cũng phải tiễn chồng đi trước. Mày ở trên thành phố không làm ăn buôn bán lớn thì xem chuyển được công việc về đây thì chuyển. Mẹ mày ốm đau dặt dẹo thế kia, để bả thui thủi một mình, tao sợ bả sớm đi theo ông Khiêm mất.”

Ngân rớm nước mắt khi nhớ đến bộ dạng gầy guộc, yếu ớt của mẹ.

“Mỗi lần bố mẹ mày lên thăm mày và thằng Mốc, lần nào về nhà cũng đau ốm vì buồn và thương mày. Ông Khiêm không mất ngủ hàng đêm vì lo nghĩ cho mày, không nghiện lại thuốc lá thì hai lá phổi của ổng cũng không nát bét đâu.”

Ngân cắn môi, ngăn tiếng khóc bật ra. Cơ thể cô run rẩy, bộ quần áo bằng vải xô màu trắng trên người cô càng hằn rõ sự tang thương, tiêu điều.

Tiếng kèn đám ma não nề làm không khí thêm rầu rĩ.

Cô Ba vỗ vai Ngân, thở dài.

“Tao nói ra chuyện này không phải để trách mày. Nhưng báo hiếu thì báo khi người già còn sống, đừng đợi bố mẹ chết rồi mới hối hận chưa báo hiếu được. Về đây sống đi. Tuy bà Mẫn là chị dâu tao nhưng tao thương bả như chị ruột. Mày mà làm bả lo nghĩ nhiều đến đổ bệnh là tao đánh mày đấy. Đừng tưởng mày lớn rồi là tao không dám đánh.” Cô Ba dí tay vào ngực Ngân để cảnh cáo nhưng giọng điệu thương yêu không lẫn đi đâu được.

Lời răn dạy thấm vào tim gan, thức tỉnh Ngân.

Vào ngày cúng ba ngày, Ngân vừa tiễn xong vị khách cuối cùng thì điện thoại của quản lý khu chợ, nơi cô bán bún ốc kêu vang.

“Rạng sáng nay, chợ bị cháy, hai phần ba ki-ốt trong chợ đều bị thiêu rụi. Cô có làm hợp đồng thuê ki-ốt đúng không? Lập tức đến đây thống kê thiệt hại cho bên công an.”

Ngân vội vàng giao Mốc cho bà Mẫn. “Con phải lên đấy xem xét thiệt hại. Mẹ trông thằng Mốc giúp con. Con xin nghỉ học cho cháu thêm một tuần rồi.”

“Hay con chuyển về quê đi Ngân.” Bà Mẫn vội nắm cổ tay Ngân, hạ giọng cầu xin. “Quê mình mấy năm nay phát triển nhiều lắm. Mọi người bắt đầu có thói quen ăn sáng. Con… con bán hàng ăn thì bán ở đâu cũng được mà, cần gì phải ở trên thành phố mới có khách. Về với mẹ đi Ngân.”

“Con sẽ suy nghĩ chuyện này.” Ngân vỗ tay bà Mẫn, giọng nói cũng không còn cương quyết, ngang bướng như xưa.

Đôi mắt già nua của bà Mẫn sáng lên, lấp lóe tia hy vọng. Bộ dạng tất tưởi chạy đi của Ngân làm bà đau lòng mà không biết giúp đỡ con gái như thế nào.

Đột nhiên, Mốc ôm lấy cánh tay bà Mẫn, thủ thỉ nói. “Bà ngoại ơi, bà đừng khóc. Mốc sẽ không đi đâu hết. Mốc ở với bà.”

“Ừ, ừ, bà không khóc. Mốc ở với bà, đừng về ngôi nhà không tình người kia nữa nhé. Để bà xin mẹ Ngân cho Mốc ở với bà.” Bà Mẫn xoa đầu đứa cháu ngoại, mắt đẫm nước, nỗi đau mất chồng khiến bà bật thốt ra suy nghĩ trong lòng.

Mốc không hiểu được xích mích và thành kiến của người lớn. Nó chỉ biết làm theo lời mẹ Ngân dặn, phải ở bên cạnh chăm sóc bà ngoại.

Tất bật suốt ba ngày ma chay khiến tinh thần Ngân luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Cô lên tới thành phố cũng là chuyện năm tiếng đồng hồ sau. Cô đến thẳng chợ và chứng kiến cảnh hoang tàn. Đám cháy đã được dập tắt, xe cứu hỏa vẫn đỗ bên ngoài, các đồng chí phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn đang xử lý hậu quả.

Mọi thứ cháy đen không còn hình dạng, mùi khét nồng nặc như đã đốt cháy sạch oxy. Các chủ buôn, chủ ki-ốt đứng vây bên ngoài, có người khóc rống oán trách ông trời, có người í ới bàn nhau đi vào trong xem vớt vát được hàng hóa hay không.

Ngân ở chợ khoảng một tiếng đồng hồ để tìm hiểu tình hình. Quán bún cá của cô chỉ là quán ăn nhỏ tạm bợ. Đồ đạc bị thiêu là nổi niêu và bàn ghế, đã được cô sử dụng năm sáu năm nay rồi. Tiền vốn đã thu hồi đủ. Điều quan trong là cô muốn biết thời gian sửa chữa chợ, khi nào có thể buôn bán trở lại.

Quản lý khu chợ lắc đầu nói. “Nhanh cũng phải một tuần. Dù có hoạt động trở lại thì cũng bị bên phòng cháy chữa cháy kiểm tra gắt gao. Thiết bị phòng cháy chữa cháy trong chợ không đạt chất lượng theo yêu cầu. Mọi người cứ chuẩn bị tinh thần là sắp tới sẽ thêm rất nhiều quy tắc khi buôn bán ở đây.”

Ngân ngồi ở một góc chợ, nhìn các chủ buôn ồn ào phản đối, thấy lòng thêm nặng nề. Chợ cháy, mất đi nơi bán bún ốc là mất đi khoản thu nhập cố định. Trăm thứ chi tiêu đổ lên vai khiến đầu Ngân nặng trịch, đau đớn.

Cô thở dài, chống gối đứng dậy thì mắt hoa lên, choáng váng. Âm thanh cuối cùng dội vào tai Ngân là tiếng la. “Cô ấy ngất rồi.”

Ngân ngất vì tụt huyết áp, tỉnh lại rất nhanh. Mọi người đưa cô ra chỗ thoáng mát, ngồi dưới gốc cây cổ thụ to lớn. Bóng râm che khuất nắng, tạo chút gió mát giúp đầu óc Ngân thấy nhẹ nhõm, bớt đau nhức hơn.

“Cô ăn cái này đi.”

Một nắm kẹo dúi vào tay Ngân. Cô nhận ra là bà bán bánh giò vẫn ngồi bán hàng gần ki-ốt của cô.

“Cô làm cái gì mà để đói đến mức xỉu thế này. Thanh niên các cô là hay cậy còn trẻ, xem thường sức khỏe…” Bà bán bánh giò ngừng nói khi ánh mắt chạm đến băng tang đen đeo trên tay Ngân. Bà ta ngập ngừng hỏi. “Cô nghỉ bán hàng mấy ngày liền, có phải là…”

“Bố em mất. Em về quê lo ma chay.”

“Thành kính phân ưu cùng gia đình.”

Ngân cảm ơn bà bán bánh giò rồi nhanh chóng rời đi. Chợ đã cháy, nơi bán hàng tạm thời phải sửa chữa, cô có u buồn thì cũng không thay đổi được sự thật. Cô còn nhiều chuyện phải giải quyết, không có thời gian ngồi đây nghỉ ngơi.

Cô bắt xe ôm về nhà Đức. Ba ngày không gặp, cô hơi lo lắng cho hắn.

Xe ôm bị thủng lốp ngay đầu ngõ làm Ngân phải đi bộ vào nhà. Bác xe ôm lớn tuổi, cười trêu Ngân. “Tôi chạy xe ôm hơn ba mươi năm rồi, đây là lần đầu thủng lốp khi đang chở khách đây. Cháu nên mua sổ xố, biết đâu lại trúng số độc đắc.”

Trúng độc đắc đâu không thấy, Ngân chỉ biết nhờ cô đi bộ về nhà, không có tiếng xe máy làm người trong nhà không nhận ra sự có mặt của cô. Những mặt trái bẩn thỉu phơi bày khiến cô đau lòng muốn giết người.

Cửa nhà khép hờ, Ngân lách người đi vào. Có tiếng ồn từ trên tầng vọng xuống. Trực giác của phụ nữ khiến bước chân cô đi nhanh hơn.

Trong phòng ngủ chính của Đức, hắn ngồi thu lu bên giường, tay ôm đầu, phát ra tiếng rên ư ư đau đớn.

Bà Cẩm đứng bên cạnh, tay cầm chổi lông gà vụt tới tấp vào lưng và hai cánh tay trần của hắn. Cánh tay với cơ bắp rắn rỏi màu mật ong, giờ đây bẩn thỉu, sạm đen, phủ đầy vết roi lằn đỏ.

“Dám sàm sỡ em dâu, cái thằng khốn này. Tao đánh chết mày.”

Tú ngồi vắt chân trên giường, õng ẹo dùng ngón cái gạt giọt nước mắt giả tạo, thút thít nói. “Mẹ đừng đánh chết anh ấy. Chị Ngân về không thấy người lại làm loạn nhà lên.”

Bà Cẩm vụt thêm hai cái vào lưng Đức, ném chổi lông gà xuống sàn, chống hông thở hồng hộc vì mệt. “Tôi mà phải sợ nó hả? Thằng Đức mới sống với con Ngân được dăm bữa mà bị đầu độc toàn thứ rác rưởi vào đầu. Đời thủa nhà ai anh chồng lại sàm sỡ em dâu. Tôi tức chết mất thôi.”

Tú nhón quả quýt trong chiếc rổ đặt trên tủ đầu giường, dùng móng tay gắn đá bóc vỏ, nũng nịu nói. “Con biết thần kinh anh Đức không bình thường nên không dám phản kháng. May lúc đó mẹ vào phòng cứu con, chứ để thêm vài phút, chẳng biết anh ấy làm ra trò đồi bại gì nữa. Chồng con thương con đến mấy cũng không tha thứ cho con mất.”

“Hừ! Thằng Long không phải loại người không có đầu óc như thằng ngu này.” Bà Cẩm ấn đầu Đức làm hắn đập trán vào thành giường. Cơ thể hắn run lẩy bẩy nhưng bà Cẩm không bận tâm. Bà ta nhìn Tú ném vỏ quýt xuống sàn, nhíu mày hỏi. “Đang yên đang lành, con mò lên phòng ngủ của thằng Đức làm gì hả? Con Ngân về quê, không có ai dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc bụi bặm bẩn thỉu lắm. Trong bụng con đang có cháu trai của mẹ, đừng có đến những nơi ô uế thế này.”

Tú đút miếng quýt vào miệng, điệu đà nhai rồi xoa bụng. Cô ta quét mắt qua Đức, dấm dẳng nói. “Còn không phải vì mẹ nói cần giấy khám bệnh của anh Đức để hoàn thành thủ tục bán nhà hay sao? Phòng ngủ của chị Ngân không có nên con mò sang đây tìm. Không biết chị Ngân giấu giấy khám bệnh chỗ nào?”

Cô ta đột ngột đá mạnh vào người Đức làm hắn ngã kềnh ra sàn. “Tất cả là tại đồ ngu này. Đã điên rồi còn gây rắc rối. Có cái giấy khám bệnh cũng vứt lung tung… Á!”

Tú hét lớn khi thấy một bóng người phóng vụt vào phòng. Một cú đá đạp thẳng vào bụng Tú làm cô ta ngã ngửa ra giường.

Ngân nhào tới, bóp cổ Tú. “Mày dám đánh anh ấy hả? Tao từng cảnh cáo mày đừng chạm vào giới hạn của tao. Mày không nhớ thì để tao nhắc cho mày nhớ.”

Cô vung tay vả liên tiếp vào mặt Tú