Dưới Vẻ Bề Ngoài

Chương 1: Hứa Qua (01)



Cổ tích phương Đông có câu chuyện: Mỗi người ở thế giới bên kia đều phải bước qua cầu Nại Hà, đồng thời uống canh Mạnh Bà để quên hết đi ký ức của kiếp trước. Họ uống xong bát canh, bước tiếp qua cầu Nại Hà, và bắt đầu một kiếp luân hồi mới.

Với câu chuyện này, những người đó chẳng thể phản kháng. Dù vậy, vẫn có một số người cố chấp, họ nhớ mãi không quên cuộc sống ở kiếp trước. Đó là những người dành cả đời cả kiếp, thuỷ chung yêu một người.

Họ nuốt canh Mạnh Bà, bước qua cầu Nại Hà, lòng bàn tay gắt gao nắm chặt những kí ức đang dần bị bóng tối nuốt lấy, phá thành từng mảnh nhỏ.

Cuối đường hầm u ám là ánh sáng. Ở nơi ngập tràn ánh sáng ấy xuất hiện vô số khuôn mặt lặng im, rồi khuôn mặt người phụ nữ nhắm mắt đang nằm xuất hiện.

Cô nhẹ nhàng bước tới, mặt rúc vào ngực người phụ nữ, bàn tay chạm lên cơ thể tựa như đang say giấc nhưng lại lạnh như băng. Thật kỳ lạ, cô nhỏ bé như vậy nhưng cơ thể thì đang không ngừng nóng lên vì bước nhảy sang một kiếp mới.

Xung quanh cô trở nên ồn ào, suy nghĩ bỗng phân làm hai nửa. Một nửa gấp gáp không kìm được tiến vào cơ thể nhỏ bé kia. Một nửa khao khát tự do ở bên ngoài, nhưng cuối cùng phí công vô ích.

Cơ thể nho nhỏ bị một bàn tay nhấc bổng lên ngày càng cao, ánh sáng càng lúc càng chói loà. Cũng không biết người nào xấu tính, vỗ 'bốp' một phát vào mông cô. Tiếng trẻ con khóc lanh lảnh, sức sống mới tràn ngập khắp nơi trong phòng hộ sinh. Chuyện cũ năm xưa từ từ như mây khói lướt đi.

**

Thế giới bắt đầu một cách hỗn độn.

Trong tiếng trẻ con khóc kéo dài, người ta hất tung màn che. Dù cơ thể đã lạnh nhưng khoé mắt, đuôi lông mày của người mẹ vẫn vương những giọt mồ hôi hoà lẫn nước mắt. Cuối cùng, suy nghĩ của người ta dừng ở đôi mắt sáng ngời của đứa nhỏ trên giường. Một cái nhìn ấy hoá ra là một đời thật dài.

Hứa Qua luôn miệng nói với người ấy: "Anh tin không, ngày đó mới sinh ra em đã nhìn thấy anh rồi."

Đáp lại cô bé luôn là sự im lặng. Với anh, thời gian nào trong cuộc đời cũng đâu có gì khác biệt.

Còn ba mỗi lần nghe Hứa Qua nói vậy sẽ vỗ nhẹ đầu cô: "Con ra chỗ khác chơi đi, đừng quấy rầy anh học tập."

Từ bé tới giờ, Hứa Qua luôn thấy người ấy và những đứa con trai khác không giống nhau. Khi mấy đứa bé nhà người ta chơi chạy nhảy ngoài đường thì người ấy chăm chỉ học tập. Khi bọn trẻ lên núi xuống biển thì người ấy vẫn học hành như cũ khiến Hứa Qua không hiểu anh học nhiều như vậy để làm gì.

Số ngôn ngữ người ấy thông thạo một bàn tay đếm không xuể, mà anh còn biết sử dụng linh hoạt các loại vũ khí, trong một phút có thể vượt qua tất thảy chướng ngại khó khăn, nguy hiểm. Người ấy, aizz, thật là cái gì cũng giỏi.

Cô xị mặt rời khỏi phòng.

Vòng qua góc tường phía trước, cô rón rén núp dưới cánh cửa sổ đã hạ. Hứa Qua hồi hộp chờ tiếng đóng cửa căn phòng bên trong. Yeah, ba đã rời khỏi rồi, trong phòng giờ chỉ còn lại một mình anh.

Cô đắc ý lắm, kéo chiếc đôn gỗ, Hứa Qua giẫm lên đôn, duỗi tay với lên cửa sổ. Khi tay nắm được bệ cửa, cô sẽ cố gác cằm lên và nói: "Hứa Thuần, em chắc chắn rằng sau này anh sẽ trở thành nhân vật tiếng tăm xuất chúng."

Lời này là Hứa Qua nghe được từ một vị giáo sĩ tha phương nào đó, nhưng giờ nó thốt ra rất thuận, như thể là câu cửa miệng của cô vậy.

Người đang ngồi học bỗng ngẩng lên nhìn cô.

Tiết trời đang vào xuân, tiếng chim hót réo rắt, hoa nở đầu cành, từng đợt gió thổi lướt qua mái hiên khiến chuông gió không ngừng reo, cảnh xuân thật là đẹp. Người ấy ngồi học trước cửa sổ có phải cũng là cảnh xuân, nếu không tại sao cô lại không thể rời mắt khỏi anh cơ chứ.

Cô đứng đó nhìn trân trân, miệng nhỏ hơi hé, dường như đã quên mất nói chuyện. Mà nếu cô mở miệng thì nhất định sẽ lại là cái câu ấy: "Hứa Thuần, em chắc chắn rằng sau này anh sẽ trở thành nhân vật tiếng tăm xuất chúng."

Hứa Qua không còn nhớ rõ mình bắt đầu sùng bái người ấy từ bao giờ.

Cánh diều rơi xuống tán cây, cô đứng bất lực phía dưới thì anh xuất hiện, nhẹ nhàng nhảy lên một cái. Vóc dáng anh cao quá đỉnh đầu cô nên chỉ trong nháy mắt, cánh diều ấy đã ở trong tay anh. Vì quá chán, không có việc gì làm nên gần trưa, cô lấy diều ra thả, mặc kệ ba đã cảnh cáo không được đi lại lung tung. Để rồi khi chợt nhìn thấy anh, tinh thần cô phân tán, hoa mắt mà làm chiếc diều rơi không mục tiêu.

Rất nhiều chuyện nảy sinh từ những lý do nhỏ con như vậy, giống như hạt mầm, từ từ đâm chồi rồi khi mùa xuân đến, một cái cây đã xuất hiện từ bao giờ.

Mắt trước mắt sau cô lại thấy anh chuẩn bị dán mặt vào sách rồi.

"Hứa Thuần, rốt cục anh học nhiều để làm gì cơ chứ?" - Cô vội vàng hỏi, ôm theo mong muốn nho nhỏ muốn ngắm anh lâu hơn nữa.

Trời ạ, một người sao có thể đẹp đến vậy.

Đáp lại Hứa Qua chính là --

Tay cô cuống quít rời khỏi bệ cửa sổ. Nếu không phải cô nhanh tay, ngón tay thể nào cũng bị kẹp lại. Hừ, cô mặt xị rời đi.

Không ai tin Hứa Qua, "Anh tin không, ngày đó mới sinh ra em đã nhìn thấy anh rồi." Điều này làm Hứa Qua lòng tức tối đầy vơi.

Một ngày nọ, dì Mai hỏi cô: "Sau đó thì sao?"

Sau đó...

Cô ấp úng, trả lời thế nào bây giờ, làm có cái gì sau đó cơ chứ? Cô tuôn liền một tràng như thế.

Thực ra Hứa Qua rất buồn, càng ngày cô càng có thể khẳng định không ai tin lời cô bé nói cả.

Dù Hứa Qua không trả lời nhưng dì Mai vẫn như trước, nhẹ nhàng âu yếm và yêu thương cô.

Dì Mai là bạn của mẹ. Dù mẹ đã qua đời nhưng dì Mai trước giờ vẫn chăm lo cô chu đáo. Trong thôn nhiều người đều nói dì Mai như mẹ của cô vậy.

Hứa Qua cũng rất yêu dì Mai. Người khác luôn gọi cô bé là Hứa Qua, còn dì Mai luôn gọi Tiểu Qua.

Hứa Qua ở thôn kia không lâu, cái tên nơi đó cũng rất khó nhớ. Đến khi rời khỏi, Hứa Qua vẫn không nhớ nổi tên thôn ấy. Mãi sau này khi đã lớn, Hứa Qua mới biết đó là một nơi hẻo lánh gần biên giới ở vùng núi xa xôi.

Khi nhà họ chuyển đi, Hứa Qua còn rất nhỏ. Cô chỉ nhớ được đó là nơi tràn ngập gió mát cùng với bao buổi hoàng hôn tuyệt đẹp.

Về lý do họ chuyển nhà, ba chỉ bảo cô rằng "Chúng ta cần phải đến sống ở nơi khác."

Ngày tiếp theo, họ vẫn di chuyển ở trên đường. Cô sống trong không gian nhỏ hẹp của thùng xe mấy ngày mấy đêm, đi bộ qua những vùng đất hoang vu không bóng người, ngang qua những ngôi nhà nguy nga rộng lớn, rồi cả nhà dừng tại một quán mì cũ nát bên cạnh một nhà ga.

Rồi họ lại tiếp tục đi, tưởng chừng không bao giờ dừng lại.

Một đêm mùa đông nọ, ngón tay Hứa Qua bỗng sưng tròn, vừa đau vừa ngứa. Cô bé khóc cả buổi tối không ngừng, nhưng không ai có cách nào khiến nó giảm sưng.

Cuối cùng người ấy cầm đèn cồn đi tới, đặt đèn cồn trên bàn giữa bọn họ. Anh kéo lấy tay cô, đem từng ngón ra xoa nắn trên hơi nóng của ngọn đèn cồn.

Thật thần kỳ, nước mắt trên khuôn mặt Hứa Qua đã ngừng lại, những ngón tay sưng đau không còn khó chịu đến vậy nữa.

Đêm đó, ngoài trời cực kì tối, từng trận gió lạnh không ngừng thổi qua nóc nhà như thể muốn cuốn phăng cái mái đi.

"Hứa Thuần, em muốn về nhà." Cô khẽ nói. Dì Mai những ngày này chắc chắn sẽ nấu cơm tẻ rất thơm ngon. "Hứa Thuần, em muốn ăn cơm tẻ."

Chỉ cần nhắc đến cơm tẻ, cô dường như đã ngửi thấy mùi hương thơm ngon ấy, chép chép miệng. Hứa Qua nhớ những thứ trước đây cô bé không để ý nhiều như cơm tẻ, đồ ăn nóng hổi, ổ chăn ấm áp, còn có chiếc ghế đu đưa bên bàn nữa. Hứa Qua lại khóc thút thít.

Người ấy không còn vẻ hờ hững như trước. Anh vươn tay lau khoé mắt cô, thấp giọng: "Chỉ mấy ngày nữa là chúng ta tới nơi rồi."

Mấy ngày nữa trôi qua, mỗi khi màn đêm buông xuống, cô lại ngồi ngay ngắn trước chiếc bàn vuông, ngoan ngoãn đưa bàn tay để anh cẩn thận hơ nóng và xoa bóp. Tranh thủ lúc anh không chú ý, cô lại ngắm khuôn mặt anh một hồi.

Cả nhà vẫn di chuyển theo một đoàn xe dài, những gì cô có thể làm chỉ là ngủ hoặc ngồi ngẩn ngơ.

Rồi một buổi tối nọ, người ấy vỗ vỗ mặt cô bé ngủ nhiều, rồi ba cõng cô xuống xe.

Đôi mắt vẫn lim dim mơ màng, Hứa Qua ở trên lưng ba có thể thấy bầu trời nơi này có vô số những vì sao lấp lánh, nhưng chỉ một lát thôi cô sẽ thấy hình như những ngôi sao thay đổi vị trí.

Ở giữa muôn vì sao ấy là mái nhà màu xanh lam nhạt, phản chiếu lại ánh sao lấp lánh.

Cô vươn tay chỉ những ngôi sao ấy, lẩm bẩm một mình: "Đây là Thiên đường ư?"

Trên đường đi, Hứa Qua thấy rất nhiều người trùm khăn trên đầu, cúi đầu khấn về phía Thiên đường với một vẻ thành kính.

Hồi trước, dì Mai cũng bảo bầu trời ở Thiên đường có sự tráng lệ không đâu có được, quả thật là như vậy. Nghe nói đó là vì tất cả những điều tốt đẹp trên đời đều hội tụ về nơi đây, mang sức mạnh vô hình khiến lòng người an yên trở lại.

Cô bé cũng thấy bản thân trở nên yên lòng hơn nên tự khẳng định trong đầu là mình đang ở Thiên đường. Nhưng người ấy lại nói:

"Không, đó không phải Thiên đường, là Thánh địa Jerusalem."

Giữa trời đêm, cô được ba cõng trên lưng đi dọc con hẻm nhỏ sâu hút. Từ trên lưng, cô bé liên tục ngoái lại nhìn ánh sáng tinh khôi ngày càng mờ nhạt.

Nơi đó không phải Thiên đường, mà là Thánh địa Jerusalem.

Nhìn theo con hẻm nhỏ thẳng tắp, cô nhìn Thánh địa Jerusalem và lại nhìn khuôn mặt người ấy. Khuôn mặt ấy được thắp sáng lên bởi ánh sáng của thánh địa giữa màn đêm tối om.

Tối nay, ngón tay Hứa Qua đã khỏi một cách kỳ diệu.

Tháng Một năm 1997, Hứa Qua đến Jerusalem. Tháng Một ở Jerusalem là thời gian lạnh nhất trong năm. Năm ấy Hứa Qua mới 8 tuổi.

**

Ngồi vào một chiếc taxi nhỏ, Hứa Qua và người kia ngồi ở hàng sau, còn ba ngồi ở ghế phụ lái.

Chiếc taxi nhỏ đi ra đường phố quang đãng rộng rãi, tia nắng ban mai chiếu rọi khắp nơi. Hứa Qua dán mặt trên cửa kính xe, đi qua quốc lộ bụi bặm rồi cô vẫn lưu luyến nhìn Núi Đền (2) ở Jerusalem.

Toà nhà cao to đẹp lộng lẫy, đầy thần khí, tựa như giữa bão táp thì nơi ấy vẫn hiên ngang đứng sừng sững, không ngã buồm, giống...

Giống người ấy.

Người kia giống như Núi Đền Jerusalem, cô độc mà mạnh mẽ.

Nháy mắt đã bốn năm trôi qua kể từ khi nhà họ đến Jerusalem. Ba đã mở một cửa hàng kim khí ở chợ nên trong mắt mọi người, Hứa Qua trở thành con gái nhà bán kim khí.

Nhìn đèn giao thông nháy vàng liên tục, Hứa Qua thầm sung sướng trong lòng. Tình hình giao thông phía trước không tốt lắm, trên mặt đường đầy những lỗ thủng to nhỏ của xe tăng, xe thiết giáp để lại.

Mỗi buổi đêm, từ khu thành bên kia lại truyền đến tiếng súng máy và ngày hôm sau nhất định trên đường sẽ xuất hiện những chiéc xe thiết giáp, xe tăng, xe quân dụng. Lúc nhiều thì đến mấy chục chiếc, còn không ít nhất cũng phải ba, bốn cái.

Nếu tiếng súng đổi thành tiếng tên lửa, hoả tiễn thì tình huống sẽ ngày càng căng thẳng. Quân đội sẽ thiết lập lô cốt trên đường, kiểm tra ngẫu nhiên xe qua lại cùng những người trên xe, và như vậy nhất định sẽ làm Hứa Qua đi học muộn. Đây là tình huống bất khả kháng nên các thầy cô không trách cứ.

Chỉ là tối hôm qua khu thành hoàn toàn yên tĩnh.

Xe taxi lăn qua màu sơn vàng làm dấu trên đường. Hứa Qua nhịn cười, dấu màu vàng trên đường biểu thị cho việc đoạn đường phía trước bị tàn phá do xe quân dụng đi qua.

Bên phải kia có một lỗ sâu hoắm, sau cái lỗ ấy là những vết đường thủng lỗ chỗ.

Xe taxi quá nhỏ, một khi lao vào những lỗ thủng lớn, xe sẽ rung lắc ngả nghiêng, làm cô ngã va vào người người ấy. Người ấy sẽ cho cô dựa trên người, và như thế cô sẽ có cơ hội chính đáng để càu nhàu.

Chỉ khi cô càu nhàu thì người ấy mới nhìn cô nhiều hơn. Bên trái, bên trái....

"Kétttt" một tiếng. Đầu cô đập mạnh lên cửa sổ xe, cơ thể người ấy dính sát khiến cô giật mình. Như một phản xạ, Hứa Qua thốt ra câu mà cô bé hay nghe trên TV: "Này, anh sờ chỗ nào đấy?"

Chỉ là cô nói hơi to, chính Hứa Qua cũng bị âm thanh của mình làm cho hoảng sợ. Một tiếng phanh xe khẩn cấp lại vang lên. Hai người ngồi ghế sau theo quán tính đổ về đằng trước.

Ba quay lại vuốt vuốt trán Hứa Qua, ông giận rồi. Nhưng mặt ông nhìn như bị doạ vậy, tay từ từ thả xuống.

Ba đừng nhìn con như vậy, con không có dở hơi, con chỉ là... chỉ là nói giỡn thôi.

"Ba." Cô ấp úng gọi.

"Hứa Qua, đấy là anh trai con." Ba bình thường vẫn là người đàn ông trung niên hiền hoà, đây là lần đầu nói với cô bằng giọng điệu lạnh và nghiêm như thế.

Hứa Qua đột nhiên ghét kiểu nói chuyện như vậy của ba mình. Vốn dĩ câu "Con chỉ đùa thôi" đã ở đầu lưỡi, bởi một cảm xúc phức tạp mà cô không thốt ra được.

Ba Hứa nói xong câu đó liền thoáng nhìn sang người ấy. Một cái liếc mắt của ông làm lòng Hứa Qua hụt hẫng, cô cảm giác như ba đang sợ anh.

Có nhiều lý do khiến Hứa Qua cảm thấy như thế, chẳng hạn như ba khi nói chuyện với anh đều sẽ cúi đầu. Mỗi năm trôi qua, Hứa Qua càng ngày càng ghét cái thói quen ấy của ông khi nói chuyện với người ấy. Cứ như thói quen ở Jerusalem đã ăn vào máu ông.

Làm buôn bán ở chợ, ba hay những người bán hàng rong khi nhìn thấy những kẻ quý tộc đi qua đều sẽ phải cúi đầu, cho đến khi những bộ đồ may cắt thủ công ở Ý bước qua, dừng ở đầu phố, bước vào chiếc xe thể thao nghênh ngang rời đi thì ông mới có thể đứng dậy.

Chỉ khi những người có tiền có quyền xuất hiện, những người làm kinh doanh mới phải hành xử như vậy. Còn hàng ngày, họ dù mặc quần áo đã bạc màu, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng đầu luôn ngẩng cao đầy tự hào về bản thân.

Đa số những người ở đây đều là dân lưu vong từ những quốc gia đang tạm chiến. "Dân tị nạn" là cụm từ chung để gọi bọn họ. Một số người tị nạn trên tay còn đang bồng đứa con gầy héo đến ngoi ngóp. Họ luôn dùng kính ngữ để chào hỏi tất cả mọi người. Kể cả ba và những người buôn bán nhỏ cũng được gọi là "Ngài" hoặc "Tiên sinh".

Ba nói họ bế đứa con trong tay là để xin được đồ tốt từ chủ nhà, hoặc tăng cơ hội kiếm việc làm thuê.

Đi cùng với người đàn ông và bồng đứa con gầy nhỏ bồng ở phía sau, trên đầu trùm khăn kín chỉ còn hở đôi mắt chính là những phụ nữ Ả rập. Họ chỉ có thể cúi đầu đi đằng sau người đàn ông của mình. Đó là chuyện bình thường ở Jerusalem.

May mắn là Hứa Qua không phải làm như vậy. Cô bé thấy nếu mình trùm khăn lên đầu đảm bảo sẽ rất khó chịu và phiền toái. Con gái ở đây bằng tuổi cô đã đều phải quấn khăn quanh đầu rồi.

Sở thích của Hứa Qua là chạy ở trong những con hẻm nhỏ, mái tóc dài đến eo của cô bay bay trong gió.

Hứa Qua còn lờ mờ phát hiện nhà cô không giống những gia đình khác ở đây. Dù ba cả ngày treo trên miệng câu "Chúng ta là những người làm ăn chân chính", cô vẫn thấy nhà mình giống như khách qua đường tại thành phố Jerusalem này.

- -

(2) Núi Đền: Haram Al-Sharif còn gọi là khu Núi Đền nằm ở phía đông nam thành phố Jerusalem. Tại đây có đền thờ với mái vòm dát vàng, biểu tượng nổi tiếng bậc nhất. Bên dưới mái vòm vàng có tảng đá thiêng, nơi được người Hồi giáo tin là nhà tiên tri Muhammad trở về thiên đàng sau khi chết. Lưu ý những du khách đến Haram Al-Sharif mà không theo đạo Hồi chỉ có thể vào bên trong bằng cổng phía Tây. (theo vnexpress)

- -

Vối Vối: "người ấy" hay "người kia" là đều chỉ "Hứa Thuần" nha các bạn.