Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 40



Tôi chẳng thấy tâm trạng khá hơn nên rất muốn chọc giận cô ả:

- Còn ngài Karmapa này thì sao? Ông ta có phát hiện ra hình hài thật của cô không?

Khabi lộ vẻ lo lắng, khẽ lắc đầu:

- Hiện tại thì chưa, nhưng ta rất lo. Ông ta tỏ ra là một người biết nhiều phép thần thông, thêm nữa, vì muốn đấu tranh đoạt địa vị thượng sư, đã không ngán đưa ra lời thách đấu với Bát Tư Ba. Ta thậm chí không dám thở mạnh trước mặt ông ta vì sợ bị phát hiện. Nhưng nếu như ông ta cư trú lâu dài trong Vương phủ thì sớm muộn cũng có ngày ông ta phát giác ra căn cốt thật sự của ta. Đến lúc đó, ta tin rằng ông ta sẽ không bỏ qua cơ hội trời cho để phô diễn tài phép trước mặt Đại vương. Thế nên ta giúp Bát Tư Ba cũng là giúp chính mình.

- Nhưng phải giúp cậu ấy thế nào đây? – Nghĩ tới tình cảnh hiện nay của Bát Tư Ba, tôi không khỏi phấp phỏng, lo âu. – Tuy kiến thức của Bát Tư Ba rất sâu rộng, uyên bác nhưng cậu ấy chưa bao giờ dành thời gian nghiên cứu và luyện tập những trò phù thủy đó.

Khabi nhìn tôi chăm chú:

- Bây giờ chỉ có cô mới giúp được cậu ấy. Trong buổi thi đấu ngày mai, cô hãy biến hóa tạo ra ảo giác khiến cho mọi người tin vào năng lực thần thông của Bát Tư Ba.

- Được. – tôi gật đầu không suy nghĩ, nhưng sau đó suy xét, lại thấy có chút băn khoăn. – Nhưng tôi chỉ mới luyện phép biến hóa một thời gian ngắn, nếu phải che mắt hết thảy mọi người trong đó có cả Karmapa thì e rằng không kéo dài được lâu.

- Cô cứ gắng hết sức mình là được.

Tôi gật đầu. Mặt trời đã xuống lưng chừng núi, không muốn lãng phí thời gian, tôi vội vã quay về tìm Bát Tư Ba bàn bạc. Chưa kịp cất bước, tôi đã bị túm cổ, nhấc bổng lên, Khabi ghé sát khuôn mặt xinh đẹp vào người tôi, diễn vẻ bí hiểm:

- Tiểu Lam, ta định không nói với cô chuyện này, nhưng thấy cô xả thân giúp Bát Tư Ba như vậy, nếu tiếp tục giấu cô, ta sẽ không thoải mái.

Tôi giãy giụa đòi Khabi thả xuống, vừa tiếp đất đã nghe thấy những lời này:

- Cô nói đúng, thi triển phép thuật trước mặt chừng ấy người, chắc chắn sẽ tổn hao rất nhiều linh khí.

Toàn thân tôi run rẩy, cả giọng nói cũng lạc đi:

- Sẽ có phản ứng ngược, đúng không?

- Phép biến hóa không phải tà thuật nên không đến mức gây ra phản ứng ngược. Nhưng cô sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian mới có thể gỡ bỏ bùa chú của đại sư Ban Trí Đạt và tu luyện thành người.

Tôi sửng sốt:

- Nhiều là bao nhiêu năm?

- Ai mà biết được! Còn phải xem trong cuộc đấu pháp với Karmapa, cô bị tiêu hao bao nhiêu linh khí. Có thể chi cần dăm ba năm, cũng có thể phải mất dăm ba chục năm.

Khabi nháy mắt với tôi, nở nụ cười nham hiểm, vẻ mặt đắc chí:

- Đến lúc đó, có lẽ Bát Tư Ba đã là một ông lão tóc bạc da mồi mất rồi!

Trong lúc  tôi vẫn còn ngẩn ngơ thì Khabi đã ngúng nguẩy thân hình yêu kiều của cô ấy đi xuống núi:

- Tôi biết thời gian qua cô đã dốc sức tu luyện, mong sớm có được hình dáng của con người nên cô hãy nghĩ cho kỹ.

Khabi đi rồi, tôi ngồi thẫn thờ rất lâu trên sườn đổi, đến tận khi vệt nắng cuối cùng khuất lấp nơi chân trời mới thất thểu trở về lán trại của Bát Tư Ba và Kháp Na. 

Hôm sau, trong lán trại của Hốt Tất Liệt, tôi được diện kiến đối thủ của Bát Tư Ba – linh đồng chuyển thế đầu tiên của giáo phái Karma Kagyu – ngài Karmapa. Ông ta mới năm mươi tuổi nhưng gương mặt già nua như thế đã năm mươi lăm, năm mươi sáu. Các nét trên gương mặt ông ta tựa một khối kiến trúc đã được gọt đẽo kỳ công, tỉ mỉ, đó là một gương mặt góc cạnh, xương gò má cao. Ông ta cao lênh khênh, cao hơn Bát Tư Ba nửa cái đầu, vì vậy mà lưng hơi còng xuống khiến chiếc áo cà sa ông ta khoác trên mình trông như một mảnh vãi vắt thờ ơ trên vách núi vậy.

Tôi hóa phép ẩn mình đứng một bên, chợt hiểu vì sao Khabi lại lo lắng nhường vậy. Con người này rất uy nghiêm, giữa vòm mắt sâu hun hút là đôi mắt sắc như mắt chim ưng, lạnh lùng quan sát và kiếm soát người đối diện, khiến người ta giật mình hoảng sợ vì có cảm giác như thế bị nhìn thấy tim gan.

Karmapa ngồi đối diện với Bát Tư Ba, ánh mắt lạnh lùng, thù địch. Hốt Tất Liệt quan sát hai người, thử bài khuyên can:

- Đại sư Karmapa, ngài và Bát Tư Ba đều là bậc danh sư nức tiếng đất Tạng về Phật pháp, ta rất mực nể trọng các vị, các vị đâu cần phải thách đấu, phân chia thắng thua!

- Bần tăng chỉ muốn xem xem nhà sư trẻ tuổi này có gì ghê gớm mà khiến một người thần dũng như Đại vương phải bái làm thượng sư.

Thứ tiếng Mông Cổ không lưu loát, khó nghe và rời rạc khiến người ta bức bối.

Bát Tư Ba lặng lẽ thở dài, gắng sức kiềm chế để giữ phép lịch sự:

- Thưa đại sư, Lạc Truy Kiên Tán tuổi còn trẻ, đạo học còn mỏng, không dám so bì với đại sư. Sở dĩ bần tăng và Đại vương có duyên với nhau là do ân điển của Phật Tổ. Đại vương là bậc minh chủ, xem trọng hiền tài, chi bằng hai chúng ta hãy cùng chung sức chung lòng phò trợ Đại vương tu tập Phật pháp, như thế chẳng phải tốt hơn sao?

Karmapa nghếch chiếc cằm nhọn về phía Bát Tư Ba, ngạo mạn hầm hừ:

- Kể cả là như vậy thì cũng phải phân thức bậc! “Bát Tư Ba” vốn mang nghĩa bậc thánh giả, nhưng ngươi còn chưa cả thọ giới Cụ túc, hai mươi mốt tuổi vẫn chỉ là một Sa di, ngươi dựa vào đâu mà nhận danh xưng này, dựa vào cái gì mà đòi làm thượng sư của Đại vương Hốt Tất Liệt?

Nói đoạn, ông ta quay đầu lại, cung kính vái Hốt Tất Liệt một vái, lời lẽ khắc nghiệt:

- Nếu bần tăng ở lại, cúi xin Đại vương xem xét lại vị trí thượng sư!

Khi nghe ông ta chê cười mình vẫn còn là một Sa di, Bát Tư Ba cố gắng nhẫn nhịn, nhưng khi ông ta cầu xin Hốt Tất Liệt thay vị trí thượng sư thì mặt cậu ấy đã biến sắc. Kháp Na đứng bên cạnh chừng như không chịu nổi, định bước ra cãi lý, nhưng Bát Tư Ba đã ra hiệu cho cậu dừng lại. Hốt Tất Liệt cũng chẳng vui vẻ gì, ngài khoát tay, bực dọc nói:

- Được thôi, nếu đại sư cho rằng ta đã chọn sai người thì xin mời hai vị trổ tài thần thông trước mặt đông đảo quan khách ở đây. Ta muốn xem ai mới là người xứng đáng làm thượng sư của ta!

Vương gia đã hạ lệnh, cuộc thi đấu này không thể tránh khỏi. Mọi người có mặt trong lán trại khi ấy đều nghển cổ, nín thở quan sát hai “đấu sĩ” chuẩn bị bước vào trận đấu. Bát Tư Ba sa sầm mặt mày, khuôn ngực phập phồng chừng như rất xúc động, cậu hít thở sâu vài lần để lấy lại bình tĩnh, sau đó cung kính thưa rằng:

- Nếu vậy, xin mời pháp sư trổ tài trước!

Karmapa nhắm mắt, lầm rầm niệm chú, một luồng hơi từ lòng bàn tay khép lại của đại sư từ từ bay lên, tụ lại thành một quầng mây rực rỡ, phía trên quầng mây ấy, ánh sánh muôn màu lấp lánh ẩn hiện, ở chính giữa là hình ảnh vị Phật Đại Nhật Như Lai ngự trên một ngai cao hình tròn. Tôi thảng thốt, đây chính là Mandala[1], hay còn gọi là đàn tràng, vốn là hình ảnh tượng trưng cho Đại Thiên Thế Giới trong Phật giáo Tạng truyền. 

=== ====== ======

[1] Mandala (Mạn-đà-la) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của bậc giác ngộ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì Mandala là đàn tràng để hành giả các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện… (DG)