Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 2 - Chương 32



Hàng lông mày cong cong như mảnh trăng lưỡi liềm của cô ấy chau lại, ánh mắt lấp lánh, cô ấy hỏi khẽ:

- Cô chắc cũng phải ba trăm tuổi rồi nhỉ?

Tôi thật thà gật đầu.

Cô ấy xoay tôi sang trái rồi sang phải, lắc lư một hồi khiến tôi chóng cả mặt, rồi lại cào cào bộ lông của tôi ra quan sát kỹ lưỡng khiến tôi thấy nhói buốt. Sau một hồi kiểm tra soi xét, cô ấy lắc đầu:

- Sao lại thế nhỉ? Cô là hồ ly xanh kia mà, loài hồ ly kết tinh linh khí của trời đất. Hơn nữa, cô đi theo Bát Tư Ba chừng ấy năm, chắc hẳn đã học lỏm được không ít đạo pháp, lẽ ra cô phải biến hình được từ lâu rồi chứ? Vì sao ba trăm tuổi rồi mà vẫn giữ hình hài của một tiểu hồ ly?

Lòng dạ rối bời, tôi gãi gãi đầu, chừng như sắp khóc:

- Tôi… tôi cũng không biết nữa, có ai chỉ dạy tôi đâu…

Ngón trỏ trái của cô ấy chạm vào vết sẹo hình hoa sen trên trán tôi, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú:

- Để ta xem nào.

Một lát sau, như thể vấp phải trở lực nào đó, ngón trỏ của cô ấy đột ngột bắn ra khỏi trán tôi. Cô ấy mở mắt, khẽ hít thở:

- Lạ quá, ai đó đã yểm một đạo bùa lên người cô. Đạo bùa này tuy có thể giúp ích cho việc tu luyện nhưng lại trói buộc linh hồn và thể xác cô.

- Đạo bùa ư? – Tôi băn khoăn ngước nhìn gương mặt kiều diễm của cô ấy. – Nhưng… sao tôi không hề hay biết?

- Người yểm bùa có lẽ không định hãm hại cô, bởi vì đạo bùa này chỉ trói buộc thân thể cô, không khiến cô bị tổn thương nguyên khí.

Như sấm dội bên tai, tôi chao đảo, ngã dúi dụi, đầu va vào chân giường, trong đêm thanh tĩnh, tiếng va đập nghe rất rõ. Khabi vội lao đến kéo tôi lại:

- Khẽ chứ, cô muốn đánh thức đám người hầu ngoài kia à?

Tôi cắn môi, buồn bã nói:

- Chính ngài Ban Trí Đạt. Trước lúc lâm chung, ông ấy đã truyền dạy cho tôi một đoạn kệ, nói rằng sẽ giúp ích cho việc tu luyện của tôi. Mấy năm qua, ngày nào tôi cũng tụng niệm đoạn kệ đó.

- Vị cao tăng danh tiếng lẫy lừng Ban Trí Đạt ư?

Khabi nhấc tôi lên ngang mặt, khẽ chau mày suy ngẫm, sau đó, chừng như hiểu ra mọi chuyện, cô ấy nói:

- Cũng phải thôi, ông ấy có thừa năng lực để làm việc này.

Đột nhiên, tôi thấy buồn vô hạn. Tôi đã giữ đúng lời hứa với ông ấy, ở bên bảo vệ anh em Bát Tư Ba kia mà. Tôi tức giận gào lên:

- Vì sao ông ấy lại làm vậy? Vì sao lại lừa dối tôi?

Khabi vội vàng bịt miệng tôi lại, hầm hừ:

- Vì sao ư? Vì không muốn cô hóa phép thành người.

Tôi sững sờ, chưa kịp hỏi lại thì Khabi đã lên tiếng:

- Cô cũng biết rất rõ rằng, hồ ly xanh là loài đẹp nhất, cao quý nhất trong tộc hồ ly đúng không? Huống hồ cô lại còn là hồ ly xanh thuần chủng. Một khi cô biến hình thành người, chắc chắn trên thế gian này sẽ không cô gái nào có thể so bì nhan sắc với cô. Ngay cả hồ ly tạp chủng là ta đây cũng chỉ có thể ngưỡng mộ và ghen tị mà thôi. Tuy Bát Tư Ba là người tu hành nhưng cậu ấy cũng là một người đàn ông, làm sao không động lòng cho được? Ngài Ban Trí Đạt làm vậy vì không muốn cô mê hoặc cậu ấy.

Tôi như phát sốt, nghiến răng uất ức:

- Tôi… tôi chỉ muốn có hình hài của con người thôi, không bao giờ tôi có ý định mê hoặc người khác…

- Không bao giờ ư? – Khabi ngắt lời tôi, đôi mắt sắc sảo của cô ấy nhìn xoáy vào tôi. – Vậy thì cô cần đến hình hài của con người để làm gì? Cô có dám thề rằng cô không hề có chút tình cảm nào với Bát Tư Ba? Ta thường bắt gặp cô nhìn cậu ấy đắm đuối.

Tôi suýt ngất, đầu lưỡi như cứng lại, ngắc ngứ:

- Tôi… tôi… đó là vì…

Cô ấy lại ngắt lời tôi, nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi, chừng như thấu hiểu tất cả:

- Không cần giải thích. Ta là người từng trải, nhiều kinh nghiệm, lẽ nào ta không nhận ra trái tim tiểu hồ ly của cô đang rung động và khao khát! Cô đã ba trăm tuổi, đến lúc rồi đó!

Tôi… tôi rung động, khao khát ư? Lẽ nào những khoảnh khắc tim đập loạn nhịp, những xúc cảm khó hiểu, tâm trạng buồn vui thất thường ấy đều vì nguyên nhân này? Khabi không nói thêm gì nữa, thảnh thơi ngả người xuống gối, hai tay bắt tréo trước ngực. Trong màn đêm mù mịt, đôi mắt màu lam nhạt của cô ấy nhấp nháy, vẻ mặt hả hê như đang được xem kịch vui khiến tôi càng rối bời.

Tôi không biết phải đối đáp ra sao, bèn chuyển đề tài, gặng hỏi:

- Vậy tôi… phải làm sao để gỡ bỏ bùa chú của ngài Ban Trí Đạt?

Khabi bật cười, chỉ dẫn qua quýt:

- Không tu luyện theo đạo pháp mà ông ấy truyền dạy cho cô nữa. Hãy khổ luyện, rất nhanh thôi cô sẽ có được hình hài mà cô mơ ước bấy lâu.

r

- Chúng tôi đã sống trên vùng thảo nguyên ở ngoại thành Phủ Châu suốt ba năm. Với Hốt Tất Liệt, đây là những ngày tháng dằng dặc buồn chán. Tuy sống trong cảnh lụa là, gấm vóc, nhàn hạ, vô ưu nhưng ông ấy đã bị tước mất binh quyền, niềm vui duy nhất của Hốt Tất Liệt lúc này là xây dựng thành quách. Hốt Tất Liệt “bị” cho nghỉ dưỡng ba năm thì công cuộc xây dựng tòa thành cũng kéo dài ba năm, bởi vậy nó rất kiên cố.

Tôi tập tễnh đến bên tủ sách, lật mở cuốn sách giới thiệu về di tích Thượng Đô, nhà Nguyên, chỉ cho chàng trai trẻ bức hình chụp khung cảnh hoang phế của tường thành:

- Sau khi công trình hoàn tất, Hốt Tất Liệt đặt tên cho nó là phủ Khai Bình, nơi đây chính là kinh đô Thượng Đô của nhà Nguyên.

Chàng trai trẻ đón lấy cuốn sách, lật xem:

- Kinh đô của triều Nguyên không phải là Yên Kinh, mà hiện giờ là Bắc Kinh sao? Ngày nay, ở Bắc Kinh vẫn còn di tích tường thành Yên Kinh của nhà Nguyên kia mà.

- Đúng vậy. Nhưng Hốt Tất Liệt làm Đại hãn, mà theo cách nói của người Hán thì tức là lên ngôi ở phủ Khai Bình cũng chính là kinh đô Thượng Đô. Bốn năm sau ông ấy mới xây dựng Yên Kinh.

Tôi ngắm nghía tòa thành đổ nát hoang tàn, chợt bồi hồi nhớ lại những năm tháng phồn hoa rực rỡ đã qua. Mới hơn bảy trăm năm mà tất cả đã thành hoang phế, chỉ còn lại chút tàn tích.

- Đối với Hốt Tất Liệt, Thượng Đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Vì nó đã chứng kiến những năm tháng sa cơ lỡ vận của ông ấy, cũng là nhân chứng cho những năm tháng huy hoàng khi ông ấy lên ngôi hoàng đế. Sau khi dời đô đến Yên Kinh, tình cảm mà Hốt Tất Liệt dành cho Thượng Đô vẫn rất sâu nặng. Bởi vậy ông ấy đã biến Thượng Đô thành “cung điện mùa hè” của mình, và nơi đây cũng được xem là kinh đô thứ hai của nhà Nguyên. Về sau, hoàng thất nhà Nguyên hình thành thông lệ: tháng Tư hằng năm đến Thượng Đô, tháng Chín mùa thu mới trở lại Đại Đô. Thời gian cư trú tại Thượng Đô của các hoàng đế nhà Nguyên kéo dài nửa năm.

Chàng trai trẻ bông đùa:

- Ồ, thì ra truyền thống mùa hè đến sống ở sơn trang Thừa Đức để tránh nắng của các hoàng đế nhà Thanh là học theo người Mông Cổ ư?