Dưa

Chương 3



Đến đoạn đi lấy hành lý.

Sao lúc nào tôi cũng thấy việc này cực kỳ cam go. Bạn hiểu ý tôi nói gì không?

Vừa đặt chân vào sảnh đến, đứng chờ lấy hành lý ở băng chuyền là tôi đã thấy lo sốt vó. Tự nhiên tôi cứ đinh ninh tất cả những hành khách đàng hoàng cùng bay với mình bỗng hóa ra đều là lũ trộm cắp kinh tởm cả. Từng tên, từng tên một đều dán mắt vào băng chuyền với ý định rõ mồn một là cướp lấy hành lý của tôi.

Tôi đứng đó, mặt nhúm lại nghi ngờ. Một mắt dòm những cái túi vừa chui ra khỏi cái ô nhỏ ở đầu bên kia, một mắt lia từ người này sang người khác, ý nói đây không khờ khạo đâu nhé, chọn nhầm người rồi. Tôi nghĩ nếu cũng như những hành khách nhanh nhẹn kia, chiếm được chỗ đứng ở ngay đầu hành lý chạy ra thì tình hình chắc đã bớt căng thẳng. Khổ một nỗi tôi luôn bị đẩy đến đầu cuối băng chuyền, chân nhón mắt nheo cố dòm xem hành lý mình đã ra chưa. Và khi đã thấy được cái túi, tôi sợ bị cướp đến độ không thể kiên nhẫn đứng chờ cho đến lúc nó chạy đến chỗ mình. Thế là ba chân bốn cẳng tôi chạy hết tốc lực đến để túm lấy nó trước khi nó có nguy cơ bị cướp. Khốn nỗi, tôi hầu như không phá nổi cái hàng rào xe đẩy của đám hành khách. Thế là cái túi của tôi lững lờ trôi đi, trôi vòng quanh thêm vài lần nữa trước khi tôi túm được.

Kinh khủng!

Lần này, vô cùng kinh ngạc, tôi đã chiếm được một chỗ cũng khá gần đầu hành lý chạy ra.

Có thể người ta đã tử tế hơn với tôi vì tôi đeo theo một em bé.

Tôi biết rồi sẽ có lúc con bé thành ra có ích mà.

Thế là tôi gắng kiên nhẫn đứng chờ ở băng chuyền, chen lấn với những hành khách vừa xuống đến, đầu gối cứ co lại vì vừa bị một tên hành khách đẩy xe tông một cú trời giáng vào hai mắt cá.

Tôi cố “mắt đối mắt” với càng nhiều người càng tốt, hy vọng làm cho họ hiều được là đừng nghĩ đến chuyện lấy cắp hành lý của tôi. Chẳng phải các nhà tội phạm học vẫn khuyên ta như thế sao? Bạn biết tôi đang nói gì mà. Là nếu bị bắt làm con tin thì bạn phải lân la làm thân với cái tên đang canh giữ bạn. Phải làm cho hắn nhìn vào mắt bạn, để cho hắn hiểu ra bạn cũng là con người, và như thế hắn ít có nguy cơ giết bạn hơn.

Thôi nói thế thôi. Tôi biết bạn hiểu mà. Vẫn chưa thấy gì.

Toàn bộ mọi con mắt đều dán vào cái ô cửa nhỏ mong thấy được hành lý của mình.

Không một ai nói gì. Không ai dám thở. Rồi đột nhiên! Tiếng băng chuyền bắt đầu chạy!

Tuyệt vời!

Có điều không phải băng chuyền của chuyến bay này.

Có tiếng phát thanh: - Hành khách vừa đáp chuyến bay EI179 từ London xin vui lòng di chuyển đến băng chuyền số bốn để nhận lại hành lý.

Cho dù cái màn hình phía trên băng chuyền số hai suốt hai mươi phút vừa rồi cứ đảm bảo với chúng tôi là hành lý sẽ ra ngay.

Tiếp theo là một cảnh tượng hỗn loạn, nháo nhào đến băng chuyền số bốn. Thiên hạ xô đẩy, chen lấn nhau như đấu tranh giành lấy sự sống. Lần này thì chẳng ai buồn đếm xỉa đến đứa trẻ sơ sinh trên tay tôi nữa.

Kết quả là tôi lại đứng ở đầu cuối băng chuyền.

Tôi thấy bình tĩnh được một lúc.

Thậm chí là bình thản nữa.

Tôi cố tỏ ra vui vẻ khi mọi người lần lượt lấy được hành lý của mình.

Không ai có lý trí lại đi lấy mất cái túi đựng toàn quần áo sơ sinh với bình sữa cả, tôi tự trấn an mình.

Tôi cũng đặt trọn niềm tin là đội ngũ nhân viên khâu mặt đất của sân bay Dublin sẽ không chuyển mấy cái túi của tôi qua chuyến bay đi Darwin.

Hay là đi lên sao Hỏa.

Nhưng khi món đồ duy nhất còn lại trên băng chuyền là một bộ gậy chơi gôn trông như thể đã nằm đó dễ đến hai mươi năm nay và chạy qua chạy lại đã đến lần thứ mười bốn, và tôi là hành khách duy nhất còn sót lại, và quanh tôi chỉ còn tiếng gió thì rốt cuộc đã đến lúc đối mặt với vận xui!

Biết thế nào cũng có lúc này mà, tôi nghĩ bụng, thấy chóng mặt. Chỉ là vấn đề thời điểm thôi. Dám cá là con mụ già đeo chuỗi hạt đó. Lúc nào chẳng là những kẻ ít lời nhất.

Tôi bế em bé trong lòng, hớt hơ hớt hải chạy qua chạy lại tìm nhân viên sân bay. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy một cái văn phòng nho nhỏ có hai nhân viên trông cũng khá vui vẻ.

- Vào đây, chị vào đây! - một trong hai anh lên tiếng khi thấy tôi thập thò ngoài cửa. - Chúng tôi giúp được gì cho chị trong cái buổi chiều Ireland ướt át đẹp trời hôm nay nào?

Tôi kể lể chuyện bị mất các túi hành lý và cả cái nôi của bé. Tôi lại gần òa khóc. Tôi thấy mình như một nạn nhân.

- Đừng lo, - anh ta trấn an. - Không ai lấy đâu. Chỉ là bị thất lạc thôi. Tôi sẽ tìm cho chị. Tôi có số điện thoại nóng của thánh Anthony[2] đây.

[2] Vị thánh được tin là nghe thấu lời cầu nguyện của những người bị thất lạc đồ đạc và tìm lại cho họ.

Quả đúng vậy, khoảng năm phút sau anh này quay lại mang theo mớ hành lý của tôi: “Phải của người đẹp không?”

Tôi cam đoan với anh ta là phải.

- Vậy là chị không đi Boston?

- Không đi Boston, - tôi khẳng định, cố hết sức làm ra vẻ bình thản.

- Chắc không?

- Chắc, - tôi hứa.

- À, có ai đó cho là chị đi Boston. Mà thôi đừng bận tâm. Đi về đi, - anh ta cười to.

Tôi cám ơn rồi chạy vội về hướng “Không có hàng hóa khai báo”.

Tôi bế em bé, đùn xe đẩy cùng với mớ hành lý vừa tìm lại được qua cửa. Thế nhưng một nhân viên đứng ra chặn khiến bụng tôi thắt lại.

- Từ từ thôi. Cháy ở đâu mà vội thế? Có gì khai báo không?

- Không, tôi không có.

- Thế chị ôm cái gì kia?

- Em bé.

- Con chị?

- Vâng, con tôi.

Tim tôi gần như ngừng đập. Tôi chưa nói với James là tôi cũng đã bỏ đi. Nhưng liệu anh ấy có đoán được là tôi về đây không? Liệu anh ấy có báo cảnh sát là tôi đã bắt cóc con mình không? Phải chăng tất cả các cảng biển và sân bay đang theo dõi? Họ có định lấy con của tôi đi không? Họ sẽ trục xuất tôi chăng?

Tôi kinh hoàng.

- Vậy là chị không có gì để khai báo ngoài ADN của mình, - anh ta cười sảng khoái.

- Ồ phải rồi. Hay thế! - tôi nói mà muốn ngất.

- Câu đó là của một người dí dỏm đại tài, ngài Oscar Wilde của chúng ta, - anh nhân viên hải quan xuề xòa nói thêm. - Một con người vĩ đại đáng kính.

- Chắc chắn rồi, - tôi tán thành, và mỉm cười. - Anh làm tôi sợ hết hồn.

Anh ta làm vẻ mặt của cảnh sát trưởng Viễn Tây, giọng lè nhè:

- Không có gì đâu, - rồi nháy mắt. - Việc của tui thui mà.

Được trở về nhà thật là hạnh phúc.