Đông A Nông Sự

Chương 4: Học chữ



Chiều xuống, Bách nhân lúc Đinh lão vào đền. Chạy xuống chỗ cái giếng tìm kiếm, nhưng tuyệt nhiên không thấy cái Balo đâu. Lòng thầm lo lắng rồi thất vọng. Có lẽ khi xuyên qua cái giếng, Balo đã thất lạc mà không đến cùng với hắn. Đang thất thần thì con chó Đại hoàng đi tới, cắn vào chân hắn rồi kéo đi, ra chiều bảo hắn đi theo. Con chó dắt Bách theo một lối quanh co, đi vòng xuống dưới khoảng 2 chục mét thì thấy cái Balo trong một khe đá. Bách mừng rỡ kiểm tra Balo thì thấy vẫn còn nguyên vẹn, cũng không có dấu hiệu ngấm nước vào Balo, y như hắn khi nãy, quần áo vẫn không hề ẩm ướt.

Bách xoa đầu Đại hoàng, cù vào nách nó cảm ơn. Con chó nhỏ vui mừng ngoáy tít đuôi, lăng xăng chạy xung quanh người hắn. Trong Balo còn đầy đủ bộ đồ nghề sinh tồn mà hắn hay mang theo: cái xẻng công binh, con dao, đánh lửa … ngoài ra là số mẫu cây trồng mà sinh viên thu thập được. Hắn thầm kêu may mắn vì điện thoại của hắn còn chạy tốt, chỉ là không có tín hiệu sóng, quả pin dự phòng sạc bằng năng lượng mặt trời vẫn còn đây, có lẽ hắn cũng sẽ dùng được cái điện thoại trong vòng một hai năm tới. Bách tháo đồng hồ thể thao trên tay, cất vào Balo. Cái đồng hồ này hiện nay chạy không còn đúng nữa, báo giờ là nửa đêm. Hắn lại giấu lại cái Ba lô vào khe đá, chỉ cầm theo con dao nhỏ của mình.

Bách về lại lán thì thấy ông cụ đã xong việc, đang ngồi trên chõng tre têm trầu. Ăn trầu là phong tục cổ của người Việt. Cả nam cả nữ ai cũng ăn. Người Việt xưa ngoài ăn trầu vì yêu thích thì còn để phòng bệnh . Các sách cổ cho rằng ăn trầu là để chống cái khí lạnh của thời tiết nồm ẩm. Từ đó mà thành lệ, đến nhà mời trà mời trầu là việc không thể thiếu được. Lão Đinh sắp xếp cho Bách ở ngoài lán tre, còn ông cụ thì vào gian ngoài của Đền để ngủ. Bách từ nhỏ đã sống ở quê nên vốn cũng không phải người có yêu cầu cao trong sinh hoạt nhưng hắn cũng thầm cảm thán. Điều kiện vệ sinh con người thời nay quá sức kém, không bằng một phần nhỏ khi so sánh với vùng sâu vùng xa trong thời hiện đại. Hơn nữa những thói quen vệ sinh tốt chưa phổ biến, con người tuỳ tiện với thiên nhiên. Lão Đinh và Bách ngồi trong ánh đèn dầu tù mù, Bách cũng không biết đèn thắp bằng thứ dầu gì. Đinh lão nói:

- Người thôn quê, sáng giờ Dần 4 khắc là dậy, ra đồng làm đến giờ Thìn, chiều giờ Mùi ra đồng làm đến giờ Thân. Về nhà nghỉ ngơi rồi đi ngủ. Cháu ở cùng ông cũng nên làm như thế. Sáng dậy từ giờ Dần, quét tước Đền miếu cho chỉn chu, Giờ Mão bắt đầu học bài, học đến giờ Tỵ thì nghỉ, chiều bắt đầu từ giờ Thân rồi coi sóc một lượt trong ngoài, chuyện cơm nước thì không cần lo, Đinh Đang sẽ quán xuyến việc ấy.

Bách ngô nghê hỏi:

- Sao cần ra đồng sơm thế hả ông?

Lão Đinh cười:

- Điều này từ hai lý do. Một là do xứ ta nóng bức, ra đồng sớm thì không bị nắng gắt. Hai là do điều kiện, nông dân nghèo phải mua chung trâu, thường là họ chỉ có một móng trâu, thậm chí là nửa móng. Trâu có bốn chân tám móng, có nửa móng trâu nghĩa là 16 nhà chung một con, có một móng trâu tức là tám nhà chung một con. Như vậy phải sau tám ngày, hay 16 ngày mới tới lượt nhà mình cày, nên người ta dậy rất sớm và cày cả ngày mới xong phần ruộng của mình. Cháu không hiểu, tiền triều thời Cao Tông, Huệ Tông dân khổ không sao kể xiết. Chỉ sang đời Thái tông nhà Trần, chính lệnh được lập lại nên dân mới có trâu mà đi cày đấy cháu ạ.

Nghe vậy Bách chắp tay xin vâng.

Đêm xuân thời cổ đại thật không gì đẹp bằng. Đền Hùng lại là đỉnh núi cao nhất cả vùng trung du, tầm nhìn rộng rãi. Trăng 14 sáng vằng vặc, không có ô nhiễm ánh sáng như thời của hắn. Đầu xuân, thời tiết về đêm vẫn còn lành lạnh. Bầu trời vô vàn ánh sao sáng. Bách như say trong cảnh đẹp, lại nhìn quanh thì thấy sân đền lát gạch có một bộ bàn ghế đá, gọi là bàn ghế thực chất là một Hòn đá to ở giữa, 8 hòn đá nhỏ xung quanh, nhưng dùng trà nước ngắm trăng thì không gì bằng. Hai ông cháu chuyển ra ngồi ngoài bộ bàn ghế, đạm đạo kim cổ. Con chó nhỏ Đại hoàng lăng xăng chạy quanh, nó đã bắt đầu thân thiết với Bách, cả ngày bám theo cậu không rời.

Bách là người học rộng hiểu nhiều, lại từng du học ở bên Trung Quốc, chuyện trò thiên biến vạn hoá. Mẹ hắn dạy lịch sử, ở nhà cũng là người hay chuyện, kể đủ chuyện cho hắn nghe nên kiến thức lịch sử cũng đủ dùng. Lão Đinh nghe lấy làm đắc ý lắm, càng kiên định với việc dạy chữ cho hắn. Duy chỉ thấy người này kiêu ngạo, nhắc đến các bậc tiền nhân thường không hay dùng kính ngữ, cần uốn nắn lại nếu không sẽ là hậu hoạn về sau. Hai người trò truyện một hồi rồi đi ngủ, Bách nằm trên chõng tre trằn trọc rồi cũng thiếp đi, Đại hoàng mon men lại gần, rúc vào nách hắn.

Sáng hôm sau, lão Đinh đánh thức hắn dậy từ tờ mờ sáng. Hướng dẫn hắn lau chùi quét tước trong ngoài Đền. Xong xuôi thì bảo hắn rửa mặt chuẩn bị học. Lúc này Bách đã đói lắm, từ bữa cơm trưa hôm qua hắn chưa ăn gì. Bách không dám nói với ông cụ, chỉ đành ngồi nghe cụ dạy bảo. Thế là hắn bước vào quãng đời học hành với cái bụng cồn cào …

Lão Đinh ngồi trên chõng, Bách ngồi ghế bên cạnh. Lão bắt đầu nói:

- Theo phong tục ngày xưa, cha mẹ cho con đi học là học chữ Thánh Hiền, học lễ nghĩa, và đạo đức làm người. Trước khi cho con đi học với Thầy, người học trò cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên, cha mẹ cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con thông minh, học giỏi. Phụ huynh cần đem lễ vật, cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi, gà, đến nhà thầy để thầy làm lễ trước bàn thờ Đức Khổng Tử, cáo lạy từ nay ngài có thêm môn sinh mới. Nhưng cháu thì đã có cao nhân chỉ dạy, chưa chắc đã theo Nho học, không có ngài đồng ý ta cũng không dám nhận bừa là thầy cháu. Nay chỉ coi cháu như người thân trong nhà, dạy chữ cho cháu để nhằm đọc được văn tự, không hơn. Cháu đã hiểu chưa?

Bách cũng đồng ý với cách này:

- Cháu xin vâng lời ông.

- Vậy cháu không cần theo khuôn phép thầy trò, học nhanh biết nhanh. Có gì nghi vấn có thể hỏi thẳng, biết gì ta sẽ giải đáp. Những sách Tứ thư, ngũ kinh đều có trong giá sách của ta. Khi biết chữ cháu có thể tự đọc, ta không dạy. Chúng ta bắt đầu bằng nhận mặt chữ: Đầu tiên là các nét chữ ….

Bách nghe lão Đinh giảng một hồi thì toát mồ hôi hột, chữ Hán quả là khó học. Lão Đinh dùng cây tre viết trên nền đất, vừa viết vừa giảng giải cho Bách. Thật ra chữ Hán có 8 nét cơ bản: ngang, sổ, chấm, hất, phẩy, mác, gập, móc. Những chữ này có 7 quy tắc viết: Ngang trước sổ sau, Phẩy trước mác sau, Trên trước dưới sau, Trái trước phải sau, Ngoài trước trong sau, Vào trước đóng sau, Giữa trước hai bên sau. Nhưng từ 8 nét, 7 quy tắc này viết ra vô số chữ. Chữ đơn giản thì 1, 2 nét. Chữ phức tạp nhất đến 3,4 chục nét. Để học được là điều không dễ.

Song song với dạy chữ, lão Đinh cũng dạy nghĩa của các từ tiếng Hán, may mà Bách đã biết tiếng Trung, những điều lão dạy cũng cơ bản nắm được cả. Hắn chủ yếu học cách viết các chữ và chuyển thể từ chữ Giản thể sang Phồn thể. Tuy vậy, sức học của hắn cũng làm cho lão Đinh kinh ngạc. Cuối buổi sáng, hắn nghỉ ngơi một lúc thì Đinh Đang lại đến. Hôm qua mới gặp lần đầu, hắn chưa có dịp trò truyện cùng cô bé. Hôm nay, hai người lân la nói chuyện. Hắn là người có khiếu ăn nói. Chả mấy chốc mà làm cho cô bé thân thiết với hắn. Hôm nay, cô bé mang đến nhiều cơm hơn hôm qua, ngoài cơm canh, cá kho còn mang thêm một nải chuối. Bách cũng bất chấp thể diện, ăn 5 bát cơm, nửa nải chuối. Đến trưa nay Đinh Đang mới nói cho hắn biết, người thời nay chỉ ăn một bữa cơm vào buổi trưa. Nếu có người đi xa mới ăn sớm và nắm cơm nắm mang theo để ăn khi đói. Hắn thấy cuộc sống này thật tệ, nền sản xuất của xã hội này không đủ đáp ứng cho toàn bộ người dân, dinh dưỡng thiếu hụt nghiêm trọng. Hắn muốn đề xuất với lão Đinh cho xuống núi cùng Đinh Đang để quan sát dân tình, xem có cách nào trợ giúp được không nhưng nghĩ kỹ lại thôi. Chiều đến hắn lại học bài cùng lão Đinh rồi dọn dẹp quanh Đền. Cuộc sống cứ thế diễn ra được nửa tháng.