Đông A Nông Sự

Chương 14: Mạ già, ruộng ngấu



Bách cười nói:

- Đúng vậy, giống lúa rất quan trọng nhưng mỗi giống cũng có một tiềm năng năng suất nhất định. Muốn phát huy hết tiềm năng này cần áp dụng đúng kỹ thuật. Dân ta có câu “Mạ già, ruộng ngấu”, nhưng câu này không chính xác. Khi cấy mạ già, cây lúa đẻ nhánh kém, có khi còn không đẻ nhánh. Nhiều khi chỉ sau một tháng, lúa đã có đòng, bông bé như bông may, hạt lép. Cháu cấy thế này chủ yếu là để thay đổi tập quán cũ, chuyển sang cấy mạ non, khoảng cách lớn và cấy nông để cây lúa bén rễ nhanh hơn. Những điều này cháu giải thích bây giờ thì mọi người không chịu hiểu đâu. Cứ chờ đợi kết quả rồi thì mới có người tâm phục.

- Vậy ta cứ chờ xem sao.

Bách quay lại hỏi lão Tuất:

- Ruộng ngọc mễ và cây đậu chú cứ theo lời ta nói mà chăm sóc. Ta dặn chú tìm cây điền thanh. Chú đã lấy được hạt chưa.

- Ta đã lấy được rồi, theo lời tứ gia cũng đã trồng một khoảnh ở gần lán lão Sửu.

- Vậy ta cũng yên tâm.

Đinh lão quay sang bảo lão Tuất:

- Việc này tạm thời đừng nói với người trong làng, nếu có ai hỏi thì cứ nói đệ tử của ta thích trồng cấy, nghịch ngợm vài khoảnh ruộng. Các tá điền ngươi cũng phải dặn dò cho kỹ. Giờ ta và Tứ gia đi về, có việc gì cần báo lại ngay.

Lão Đinh nói xong thì cùng Bách đi về Đinh gia. Lão lâu lâu mới về nhà một lần. Con cái trong nhà thấy lão về thì chờ sẵn ở cửa, ai cũng mặt mày hớn hở. Lão Đinh vào từ đường thắp hương rồi ra đại sảnh. Con cháu đứng đầy xung quanh vấn an lão. Lão Đinh nói chuyện với họ một hồi rồi ra hậu viện nghỉ. Nhà họ Đinh tối đó lại bày tiệc sum vầy dưới gốc cây khế. Đại hoàng lúc này đã quen thuộc với Đinh gia, nó cũng bị lũ trẻ trêu đùa. Cứ được một lúc là lại dồn theo chúng. Lũ trẻ thích chí cười vang sân. Đinh Nhu lấy một ít kẹo Singum của Bách, cho mỗi đứa một viên, bọn trẻ con như thấy của báu, liên mồm chạy theo đại ca. Mọi người ăn uống vui vẻ một hồi, bày bàn trà uống nước, thì lão đại Đinh Bình đưa cho cha một phong thư:

- Thưa cha, có hai bức thư của tiểu muội và Đỗ lão thái gửi cho cha.

Lão Đinh nhận hai phong thư, vội vã bóc ra xem. Hồi lâu thì chép miệng:

- Nó ở Kinh thành vẫn tốt, vẫn nhớ đến người cha già này.

Đinh Sức lại chen vào:

- Cha đựng giận muội muội nữa. Muội ý đi một thời gian rồi sẽ về bên cha thôi.

- Nó là con gái bảo bối của ta, giận nó thì cũng chỉ giận ra miệng thôi. Chỉ trách bản thân ta nuông chiều nó quá, dạy nó học vấn cả đời ta. Mẹ nó thì mất sớm, không ở bên cạnh dạy nó đạo phụ nhân. Trở nên ương bướng như thế. Thân nhi nữ mà lại có ước mơ trở thành hành gia toán thuật. Lại còn dám trước từ đường nói với ta đời này không lấy chồng. Thực làm ta muốn thổ huyết.

- Bản tính kiêu ngạo như thế, vào kinh sẽ sớm có người dạy dỗ nó. Núi cao còn có núi cao hơn mà cha.

Đinh Bình chẫm rãi nói.

- Nhưng khốn nỗi, Nguyễn lão thái thái nhà họ Lê viết thư nói nó được Bảng nhãn Lê Văn Hưu yêu quý, dẫn đi làm quen với văn nhân nhã sĩ kinh thành khắp nơi. Mấy lượt đấu toán học với người ta đều thắng, danh tiếng lên cao. Bây giờ người kinh thành bắt đầu gọi nó là “Thần toán tiên tử”. E rằng càng ngày càng kiêu ngạo, ta thật hối hận khi trước nó bám riết ta bắt dạy toán. Lại vì yêu chiều nó mà sinh chuyện.

- Nhưng con bé giỏi giang như thế. Cũng làm cha nở mày nở mặt, nhà họ Đinh từ nay cũng coi như có chút danh tiếng trong kinh thành.

- Vẫn biết như thế. Nhưng phụ nhân quan trọng nhất là gì? Kiếm cho mình một phu quân tốt, bảo vệ nó cả đời là được. Ta chỉ sợ nó mải mê với canh danh hão ấy rồi lỡ dở cuộc đời thôi.

Bách nghe cha con nhà họ Đinh vừa nhai trầu vừa nói chuyện, thế mà lại gặp được danh nhân. Lê Văn Hưu là sử gia đáng tôn kính, chình là người chủ biên bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, tuy bộ sử này đã không còn nhưng là tiền đề cho nhiều bộ sử sau này của Việt Nam. Hắn cũng mong muốn sau này được gặp, hiện nay cha con Đinh lão đang bàn việc nhà, cũng không tiện chen miệng vào.

Bách nhấp một hụm trà, hắn chưa được gặp Đinh nhị tiểu thư này. Nhưng nghe người trong nhà nói nàng tên là Đinh Tú, năm nay 18 tuổi. Nàng học được chân truyền của Đinh lão, tinh thông cầm kỳ thi hoạ nhưng giỏi nhất là toán thuật. Năm ngoái vì Đinh lão định hứa gả nàng cho con trai Đình trưởng nhà họ Phạm bên Ba Vì. Nàng tức giận trốn đi lên kinh, ở nhà Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Lão thái thái nhà họ Lê là Đỗ Thị Hoà, con gái của cụ Đỗ Tất Bình. Chính là thầy học của Đinh lão. Cụ Đỗ Tất Bình là bậc đại nho, tinh tường thuật phong thủy. Đinh Tú được lão thái thái yêu lắm, từ nhỏ mẹ mất sớm nên hay ở với bà. Được bà coi như bảo bối. Anh em Lê Văn Hưu cũng coi nàng như tiểu muội, yêu chiều hết mực. Đinh lão đã mấy bận viết thư cho Đỗ lão thái thái dò đón nàng về. Nhưng lão thái thái chỉ buông một câu “muốn đón Tú nhi thì lên kinh gặp ta” làm Đinh lão chỉ biết xin lỗi nhà họ Phạm, không dám nói đến việc cưới gả nữa. Bách thấy thời đại này, có một cô gái độc lập như thế đúng là hiếm gặp.

Nói chuyện một lúc thì Đinh lão quay sang dặn dò:

- Sắp tới ngày tế tổ vua Hùng, năm nay ta đã nhận được lệnh của Triều đình. Chiêu Minh Vương sẽ thay vua lên Đền tế tổ. Chiêu Minh Vương là bậc hiển quý nhất hiện nay, thân đệ đệ của Quan gia, nhưng lại là học trò của Quốc sử viện giám. Có lẽ lần này Lê Văn Hưu cũng đi cùng Chiêu Minh Vương lên đây. Xong việc tế tổ lần này, ta cũng sẽ tiến kinh cùng Quốc sử viện giám để vấn an lão thái thái. Đồng thời cũng xem con bé Tú nhi làm cái gì trên kinh, ta thật không yên tâm chút nào về nó. Ngươi là xã trưởng, cần họp phụ lão trong xã lại, bàn bạc việc tiếp đón cho tốt.

- Xin vâng lời cha!