Đông A Nông Sự

Chương 11: Canh nông (3)



Hắn nhẩm tính từ hôm trăng rằm mười sáu đến giờ, có lẽ được hơn chục ngày. Bây giờ chắc là khoảng đầu tháng hai âm lịch, rơi vào tiết Xuân phân. Nếu trồng lúa thì đã muộn thời vụ một chút rồi. Nhưng không sao, trồng với diện tích nhỏ có thể quản lý được. Cây ngô, lạc đậu thì trồng trên đất cao, chủ động được nước tưới sẽ không sao cả. Còn khoai tây và cà chua có lẽ cần đến cuối năm. Trong ba lô còn vài quả ớt, cây này hắn định mang lên núi trồng, không cần thiết phải trồng trong ruộng.

Ăn uống xong, hắn lại tiếp tục trò chuyện cùng các tá điền một lúc để hiểu thêm hoàn cảnh của họ. Hắn dò hỏi tại sao ở đây không có phụ nữ và trẻ con. Một tá điền trả lời:

- Thưa Tứ gia, lũ bọn tôi đi làm tá điền. Ruộng đất không có, nên đa số không dám lấy vợ, có lấy cũng không nộp được tiền “nạp cheo”. Ở đây chỉ có lũ thanh niên là còn hy vọng. Chứ chúng tôi già rồi, nếu có cô gái nào lưu lạc đến đây, chịu ở cùng thì ở. Nhưng cũng là do hai bên tình nguyện, không được công nhận. Con cái sinh ra cũng sẽ làm tá điền. Mấy người chúng tôi chỉ có lão Tuất, lão Sửu, lão Hà là có vợ. Còn lại là ở chui thôi. Hôm nay Tứ gia gọi đến, sao dám dắt theo cả bọn chúng ăn chực Tứ gia nữa.

Bách sững người lại, mắt hơi đỏ lên. Cuộc sống của người dân thời đại này quá khổ cực. Chiến tranh loạn lạc liên miên. Từ cuối đời Lý đến nay, không kể Lý Chiêu Hoàng là một cô gái. Hai vua cuối cùng là Lý Cao Tông và Lý Thần Tông thật là cực phẩm trong các loại đế vương. Cao Tông mê mải rong chơi, say đắm thanh sắc, ham tiền của, thích xây dựng. Khi hắn còn tại vị, vì để dân phu hoàn thành nhanh cung thất, bắt một đinh có khi phục vụ triều đình đến 6 tháng. Thói ăn chơi đến mức đã thành giai thoại. Bậc đế vương mà nghe thấy con dân kêu cứu cũng mặc nhiên bỏ ngoài tai, tiếp tục nghe hát thì quả xưa này chưa từng có. Kế nghiệp nhà Lý là Thần Tông thì ngu dốt, yếu đuối, bệnh tật. Quyền lực đã về tay bọn quyền thần Tô Trung Từ, Trần Tự Khanh. Sau đó nhà Trần nhân lúc đó mà cướp ngôi. Những năm đầu nhà Trần, chính sự lặp lại, đời sống nhân dân có vẻ tốt hơn nhưng quả thật tầng lớn dân chúng dưới đáy xã hội thì không có nhiều cải thiện. Việc dân mất ruộng đi làm tá điền, nô lệ là phổ biến. Việc ngày ăn một bữa cơm rau đối với Bách đã là không chịu được nhưng hắn cũng thấy mình đã quá may mắn. Nhiều người ở đây còn không có gạo ăn. Hết gạo chỉ đành lên núi kiếm thực vật, có gì ăn nấy. Chuyện trong bữa cơm có thịt chỉ xảy ra ở cao môn đại hộ thời này.

Bách cảm thán hồi lâu, thầm nhìn những người nông dân kia. Khuôn mặc khắc khổ, làn da đen nhẻm, trời vẫn còn lạnh mà trên người quần áo mỏng manh. Tại sao lao động như vậy vẫn không đủ ăn? Hắn thầm hạ quyết tâm, đến được thời đại này lá cái duyên. Hắn sẽ dùng hết năng lực, làm cho những người này chí ít là ăn no mặc ấm. Nếu không làm được vậy thì quả có lỗi với lời hứa khi xưa theo học ngành nông nghiệp. Hắn định thần rồi quay lại bảo họ:

- Lần sau ta mời, là mang tất cả vợ lớn vợ bé đến đây, cả con rơi con vãi của các người nữa. Ai nhiều vợ nhất, đẻ lắm con nhất ta sẽ thưởng 3 bát rượu!

Các tá điền cười ồ, vui vẻ đáp ứng, cũng có thiện cảm với Tứ gia trẻ người vui tính này. Cơm nước xong xuôi, tá điền dọn dẹp rồi về nhà. Bách bảo lão Tuất đưa Đinh Đang về rồi chuẩn bị hạt giống. Hắn bắt đầu trộn hỗn hợp để gieo hạt. Bách tìm những chỗ đất tơi xốp, có kết cấu nhẹ lấy về. Khi lão Tuất quay lại, hắn sai lão Tuất đi hun trấu. Đại hoàng thấy đống lửa trấu hun lên, nó có vẻ rất vui, không rời đống trấu mà còn nằm ngửa, cọ lưng vào đống trấu. Lão Tuất mấy lần sợ nó bỉ lửa bỏng phải gạt ra. Hình như nó rất thích sự ấm áp của đống trấu này.

Tuất cũng sai lão Sửu đi vào các nông hộ trong làng lấy phân trâu hoai mục. Chuẩn bị xong xuôi thì cũng đến chiều muộn. Hắn bắt lão Tuất và lão Sửu đun sôi nước rồi pha nước ba sôi hai lạnh để ngâm ủ hạt giống. Không quên hướng dẫn hai người cách làm. Cuối chiều thì Lão Sửu bắt được một ít cá quả ở cái chuôm bên cạnh ngòi nước, Bách thấy thú lắm, ướp muối rồi đem nướng, không quen ba hoa với hai lão kia kỹ thuật nướng cá. Hai lão cười trộm Tứ gia này trẻ con, nếu nói về nướng cá thì làm sao có ai so được với hai lão. Người Việt Nam thích ăn nhất là các món cá. Người đời sau khi nói đến ẩm thực Việt Nam hay ấn tượng với một số nguyên liệu kỳ dị như rắn, chuột … Tuy nhiên, nếu đi khắp ba miền sau này. Món ưa thích nhất trong các bữa cơm hằng ngày của gia đình Việt là cơm với cá. Miền Bắc thì cá được chế biến thành cá kho trám, kho riềng, kho sung. Miền trung miền nam thì kho sả, nước dừa làm mắm cá. Nói về chế biến cá thành món ngon thì không có dân tộc nào có kỹ thuật như người Việt. Chỉ đôi ba con cá trê đồng hay cá quả cùng đống rơm là có thể thành món nướng trui. nhưng nướng thế nào để con cá ra được cái vị ngọt nguyên bản từ thịt cá thì lão Tuất và lão Sửu chính là hành gia trong việc này. Nhưng hai lão kệ Tứ gia ba hoa, tay thoăn thoát chuẩn bị mọi việc. Không quên nấu một nồi lòng cá cho Đại hoàng. Hai lão biết con chó nhỏ này sắp lên hàng Ngũ gia đến nơi, kênh kiệu không sao kể xiết. Lúc chiều lão Sửu chỉ với lấy cái túi hạt giống của Bách để chuẩn bị đem ngâm hạt đã bị nó cắn vào cổ tay. Bách không thấy kịp thì có lẽ nó đã sống chết với lão Sửu.

Hắn ăn cá nướng cùng lão Tuất và lão Sửu, lại làm ba chén rượu nếp. Sau đó lão Sửu chuẩn bị cho hắn một ổ rơm lót trên chõng. Hắn mệt mỏi rúc vào ổ rơm ngủ thiếp đi. Hôm sau hắn dậy sớm, trộn bầu đất rồi chuẩn bị đất trên khoảnh sân gần lều. Hắn ở lại lán hai ngày để quan sát các loại hạt đến khi nảy mầm mới thở phào, không có loại nào mất sức nảy mầm cả. Hắn đem những hạt lúa Khang Dân, hạt Ngô, lạc và đậu tương gieo xuống rồi tưới đủ ẩm. Hắn còn cẩn thận đánh dấu từng loại. Dặn dò lão Tuất và lão Sửu cách thức trồng từng loại và trông coi cẩn thận rồi mới đi về nhà họ Đinh.