Đời Tôi Hạng Chót

Chương 1



Mưa bắt đầu từ trưa hôm trước, cứ tầm tã, hết cơn này trút xuống, ngừng nghỉ vài nhịp lại đến cơn khác. Mùi đất vẫn xộc lên thơm nức chẳng ngừng. Bầu trời không quá u tối, dường như chỉ phủ một lớp màng mây mỏng và có thể nhìn rõ mọi thứ bên ngoài cửa sổ. Mưa bạt đi theo từng đợt gió thổi qua, rải trên mặt đường nhựa như vãi thóc.

Tròng áo mưa trùm vào cổ, xỏ ủng, ném kính lên mặt bàn. Vừa ra đến bậu phía trong cửa chính, nghĩ thế nào lại quay lại bàn làm việc. Mò mẫm trong ngăn bàn, cuối cùng cũng tìm thấy chiếc MP3 cũ rích và đôi tai nghe chết một bên. Mặc kệ, cứ đeo lên, bên còn lại quấn quanh cổ. Nhắm mắt, ấn bừa năm lần, chọn ngẫu nhiên bài số năm và một giai điệu quen thuộc chẳng thể nhớ tên vang lên. Đẩy cửa bước ra và chọn bên phải. Mưa vồ lên người, tranh nhau táp vào mặt, trườn qua những khe hở xuống cổ. Âm thanh rào rạo từng đợt và âm điệu quen thuộc bên tai cứ thế quấn quýt lẫn nhau. Giẫm chân phải vào một vũng nước đọng nổi đầy bong bóng, nước bắn lên tung tóe. Mỉm cười nhảy sang vũng bên cạnh bằng chân kia. Cứ thế, cứ thế…

Bên đường có hai nhóc con, nửa người trong mái hiên, nửa kia cố nhoài ra ngoài chọc những bong bóng đang nổi trên mặt nước. Một nhóc trong tay cầm một lọ nhựa, bên trong là mấy con bọ nhỏ nâu sẫm có cánh, có lẽ là mấy con mối. Ngày xưa, ừ đúng, ngày trước ấy. Mối phải đựng trong xô chậu mới đủ và giờ chỉ là mấy con, nhưng chí ít vẫn có. Mấy nhóc này còn may mắn chán. Nhìn ngắm hai đứa nhóc này và nghĩ về những ký ức xưa cũ thật giống như đang thưởng thức một món ăn mỹ vị tuyệt vời giữa bàn tiệc toàn những món chán ngắt và quen thuộc đến mòn mắt mỗi ngày.

Tôi thường tự hỏi, ký ức sớm nhất của một người là khi nào, bắt đầu từ đâu? Nếu đó là một khoảnh khắc, tôi sẽ cực kỳ thán phục bạn. Điều đó thực kỳ diệu, tựa như một tiếng tuýt còi và trận bóng của cuộc đời diễn ra vậy. Còn cuộc đời của tôi lại là những thước phim nhạt nhòa lướt nhanh, tôi tóm đại lấy một đoạn trước khi chúng kịp bay vèo mất nơi cuối chân trời. Và ký ức của tôi bắt đầu với liền một mạch vài ba khung hình dần dần trở nên rõ ràng…

Chương 1:

Lúc nhỏ Ten-go ở với bà ngoại bởi bố mẹ có thêm em gái khi Ten-go sắp ba tuổi. Phải giải thích sao với cái tên Ten-go nhỉ? Khi Ten-go bắt đầu tập nói, mẹ và bà ngoại thường mớm lời như thế này: tên con là Ngô Quang Vinh – một câu tập dài một cách ngớ ngẩn dành cho một đứa trẻ mới tập nói. Và bằng một phương pháp tiếp thu nhanh chóng cộng với khả năng sao chép phát âm cũng diệu kỳ không kém, “tên-Ngô” là hai từ được giữ lại và phọt ra từ miệng Ten-go. Cuối cùng, theo năm tháng mẹ và bà ngoại đã có được Ten-go như bây giờ.

Mấy bà cô già thường lui tới quán gạo của bà ngoại thực rất mất nết, họ thường trêu rằng, Ten-go đã bị cho ra rìa và bố mẹ Ten-go chẳng yêu một đứa trẻ con béo ị một chút nào. Ten-go không khóc, môi mím chặt nhưng đôi mắt gờn gợn đỏ hoe, nó ôm ghế đẩu nấp sau mấy bao gạo lớn gấp đôi thân hình chính mình. Mụ Ngoách vừa nói vừa cười hi ha khiến sợi lông mặt nâu bóng của mụ run rẩy, có lẽ mụ cực kì thoả mãn vì đã lừa được một đứa trẻ con ngốc nghếch. Nhưng mụ ấy chẳng biết, Ten-go chui vào đó là để thừa cơ bốc trộm một nắm gạo nhỏ trong túi gạo của mụ ta. Mặc dù ít lắm, nhưng Ten-go vẫn thấy hả hê mỗi lần thó trộm thành công.

- Béo! Béo! Cô đi nhé! – Hai khóe miệng mụ Ngoách mở to kéo sát tận mang tai, vừa cười hề hề vừa đưa mắt tìm kiếm Ten-go trong góc khuất.

Ten-go thò gương mặt tươi tỉnh ra, nguýt dài chẳng thèm trả lời.

- Ô! Thằng Ten-go hôm nay lạ thật? Sao không trốn đi nữa?

Chuyện là đa số những lần khác, khi đong gạo xong đâu đấy, mụ Ngoách đều mang túi gạo đặt dưới chân, sau đó mới đứng nói chuyện phiếm với bà ngoại hoặc mấy bà cô khác. Những lần như thế Ten-go căm tức lắm, bởi vì không cách nào mó được vào túi gạo kia. Ten-go xì mũi khiến sợi nước mũi tụt xuống lõng thõng dưới cằm và sau đó nhanh chân chạy tuột vào gian nhà trong, mặc kệ mụ Ngoách đứng ngoài cửa quát to.

Chẳng việc gì Ten-go phải sợ mụ ta cả, kỳ thực Ten-go chui vào chỗ chuồng nuôi gà. Chuồng gà nằm bên phải nhà bếp, trong một khu vực khuất gió che chắn bởi những mảnh gỗ ghép cũ, dài chừng bốn lần sải tay của Ten-go và bên trên nóc chuồng có một ổ rơm bện tròn tròn dành cho gà mái nhảy ổ. Đàn gà của bà ngoại trong trí nhớ của Ten-go gồm mấy con gà choai choai, hai con gà trống chân vàng như phết nghệ nhưng lại chỉ có duy nhất một con gà mái. Xem gà mái ấp trứng và chờ đợi chúng nở thành gà con là thú vui dạo gần đây của Ten-go. Mỗi ngày, con mái mơ sẽ đẻ một quả trứng. Không kể sáng chiều, cứ đợi mái mơ ra ngoài kiếm ăn là Ten-go đều mò vào ổ để kiểm kê xem buổi hôm nay nó đã đẻ hay chưa. Có một buổi tối, đến gần lúc đi ngủ mà Ten-go đếm đi đếm lại trong ổ vẫn chỉ có năm quả trứng, bằng với số trứng ngày hôm trước. Ten-go lấy cả đèn pin ra soi khắp chuồng và mặt đất xung quanh, lo lắng mái mơ đẻ rớt ở đâu mất. Tìm mãi không thấy, Ten-go quay qua xem xét mái mơ. Đầu của nó cứ rúc vào cánh, thi thoảng phát ra tiếng gù gục như lão già ho bệnh. Lo sợ mái mơ mắc bệnh, Ten-go hoảng hồn chạy rầm rập vào nhà bếp và hét váng lên với bà ngoại:

- Bà! Không xong bà ơi, mái mơ hôm nay không chịu đẻ á! Có khi nó bị bệnh tịt đẻ?

Bà ngoại bỏ bát thuốc sóng sánh thứ nước màu đen và đang bốc mùi thảo dược kinh dị xuống mặt bàn thấp, liếc ngang liếc dọc trên khuôn mặt núng nính của Ten-go:

- Sao thế Ten-go? Mái mơ không chịu đẻ là sao?

Ten-go nuốt mạnh ngụm nước bọt, thoáng sợ hãi khi ngửi thấy mùi cam thảo đặc trưng trong bếp:

- Bà nhanh theo cháu. Nguy kịch lắm! – Ten-go một tay bịt mũi, một tay bám chặt bàn tay bà lôi đi.

Bà ngoại đếm số trứng trong ổ, lại nhìn con mái mơ gà gật, cười xòa:

- Sư bố anh! Mái mơ ngủ chứ có bệnh tật gì đâu. Còn mái mơ đã đẻ được năm quả, nó phải nghỉ chứ. Mai mái mơ lại đẻ nữa cho xem.

- Thật hả bà? – Ten-go nheo mắt nghi ngờ.

- Thật! Chỉ cần mỗi ngày cháu mang thức ăn cho mái mơ đầy đủ và chăm sóc nó thật tốt, ắt hẳn mái mơ vẫn đẻ trứng đều đặn.

- Chắc chứ bà?

- Ten-go này! Khi cháu yêu thương hết lòng một ai hoặc một thứ gì đó, và cháu săn sóc, lo lắng cho họ chẳng quản ngày hay đêm, họ sẽ không phụ kỳ vọng của cháu mà luôn khỏe mạnh và tốt đẹp lên từng ngày.

- Ai bảo với bà như thế ạ?

- À! Mái mơ bảo thế. Mọi người đều bảo như thế.

- Tại sao mái mơ chỉ nói với một mình bà mà lại không nói cho cháu biết?

- Tại cháu còn nhỏ quá đấy!

- Sao cháu còn nhỏ hả bà?

- Đó, chính thế! Cháu ngoan, cháu cần phải uống hết bát nước thuốc này và Ten-go của bà sẽ nhanh chóng lớn bổng lên thôi.

- Uống hết thứ này có thực sẽ lớn chứ ạ? – Ten-go nuốt ực ngụm nước bọt, ánh mắt mờ mịt và khuôn miệng méo xệch nhìn bà ngoại tươi cười đưa bát nước nghi ngút hơi nóng đến trước mặt nó.

Cái cuộc đối thoại theo kiểu: Ten-go cứ hỏi và bà cứ trả lời mãi, diễn ra hầu như mỗi buổi tối, dù cho bắt đầu bằng bất cứ đầu mối ngốc nghếch hay ý niệm ẩm ương trời ơi đất hỡi nào, kết thúc luôn là cảnh Ten-go phải nhắm mắt bịt mũi uống hết bát nước thuốc. Và với hương vị “đậm đà” của thứ nước đó, quả thật đã hòa lên một hình ảnh chẳng thể phai nhòa trong lòng Ten-go.

Đêm ấy, mái mơ đẻ liền tù tì hết quả này đến quả khác làm Ten-go hoa mắt chóng mặt. Đến khi nhẩm đếm được hơn mười quả trứng Ten-go đã hơi hoảng, vả lại sợ mái mơ mắc bệnh đẻ nhiều trứng quá mà ổ chẳng còn đủ chỗ chứa nữa, Ten-go lại la toáng lên. Nó giãy giụa bừng tỉnh, hóa ra là nằm mơ. Chạy xuống chuồng gà kiểm tra, chỉ có thêm một quả trứng. Đếm đi đếm lại mấy lần cho đến khi chắc chắn rằng mình không có sai, trong long Ten-go thầm sung sướng hoan hô may mắn.

Bốn hôm sau mái mơ không đẻ nữa và gần như suốt ngày chỉ nằm lì trong ổ. Ten-go lại đem thắc mắc này hỏi bà ngoại. Bà bảo mái mơ bắt đầu ấp trứng và hai mươi mốt ngày nữa trứng sẽ nở ra gà con. Ten-go ngạc nhiên hỏi dồn:

- Trong quả trứng có sẵn gà con ạ?

- Ừ, gà con ở trong đó.

- Thế sao gà con không chui ra luôn từ bây giờ mà lại phải đợi đủ hai mươi mốt ngày ạ?

- Bà hỏi cháu nhé! Trước khi mẹ cháu sinh em bé, bụng mẹ cháu có lớn không?

- Lớn ạ! Bằng này này. Bụng còn to mấy tháng liền bà ơi.

- Đấy, cháu thấy chưa. Mẹ cháu còn phải ấp em bé mấy tháng, tính chi đến con mái mơ.

Mắt Ten-go mở lớn lập lòe như ánh sao và dường như cảm thấy mình vừa bừng tỉnh đại ngộ. Hóa ra bụng mẹ Ten-go lớn như vậy bởi vì bên trong có chứa một quả trứng khổng lồ. Ten-go đắc ý lắm. Phen này phải lập tức đi khoe hiểu biết với mấy đứa nhóc hàng xóm mới được.

Hồi đó, Ten-go nằng nặc không chịu đi học mẫu giáo. Bà ngoại tự nhận có thể trông nom được Ten-go, thế nên nghiễm nhiên Ten-go sung sướng được rong chơi ở nhà. Cứ buổi chiều, lũ nhóc trong xóm thường tụ tập quanh đống cát vàng ngay dưới gốc bàng nhà bà Vân. Dũng Lớn khẳng định với cả bọn rằng, bây giờ đang là mùa bi, thế nên chúng nó tập trung ở đây là vì lẽ đó. Có một điều kỳ lạ lúc bấy giờ Ten-go không thể nào lý giải, đó là tất cả đều cho rằng Dũng Lớn nói đúng, thậm chí không có nổi một từ phản bác. Dũng Lớn và Dũng Nhỏ là anh em sinh đôi, hai đứa hơn Ten-go một tuổi và đã đi học lớp một được mấy tháng. Dũng Lớn vốn tên là Văn Dũng, còn Dũng Nhỏ lại là Vũ Dũng. Thỉnh thoảng Ten-go vẫn tự hỏi bản thân, bố mẹ hai đứa quyết định đặt tên chúng nó giống nhau làm cái khỉ gì không biết? Để mỗi lần mẹ chúng nó gào “Dũng ơi” vang vọng cả xóm, Ten-go không thể đoán nổi là bà ta muốn gọi đứa nào nữa. Hại Ten-go cả một thời gian dài cứ nghĩ rằng anh em sinh đôi phải cùng tên gọi và khác tên đệm. Mà càng lớn hai đứa càng giống nhau, chúng đen nhẻm và gầy gò như hai que củi cháy dở vừa được lôi ra từ bếp lụi lửa. Mọi người gần như chẳng có cách nào phân biệt chính xác được hai đứa cả.

Mụ Ngoách toang toác rằng lũ trẻ con gầy thường rất khôn. Mụ lý luận rằng, bởi bộ não của bọn trẻ đó to và đậm đặc hơn bình thường, thế nên buộc phải hút hết chất dinh dưỡng ở tay chân, cuối cùng khiến cho người ngợm quắt queo lại. Ten-go ấm ức khi thấy ánh nhìn bất thiện của mụ Ngoách lướt trên thân hình béo núc của Ten-go, tuy thế nó vẫn luôn có linh cảm mụ nói chẳng sai chút nào.

Đứng quanh đống cát là anh em Dũng Lớn, Dũng Nhỏ, Hoàng Mụn và một đứa con gái xa lạ. Lúc Ten-go mon men đến gần, nó thấy Hoàng Mụn đang chổng mông lên trời chìa ra mấy đầu mụn bọc tròn xoe. Thằng nhóc béo hơn cả Ten-go, nó vừa thở hồng hộc vừa khổ sở kẻ hai đường thẳng ngang trên mặt cát. Còn hai đứa kia đứng cạnh nhún nhảy, tay xóc túi quần xà lỏn căng phồng những viên bi ve, hớn hở chuẩn bị lâm trận. Đứa con gái đứng phía bên kia đống cát, tóc con bé ngắn ngủn, mái cắt bằng ngang mày như được căn ke bằng thước kẻ, tồi tệ hơn là tóc của con bé quá mỏng chẳng thể che hết cái trán. Ten-go chẳng quan tâm đến nó lắm, có lẽ nó nghĩ con bé chẳng xinh xắn tẹo nào.

Trong mấy đứa quanh xóm, Ten-go thân nhất với Hoàng Mụn. Thằng nhóc này chẳng có chút xíu tài cán nào trong mấy trò ăn thua cả và năng lực đặc biệt duy nhất của nó là ngay ngày hôm sau lại mang ra thêm một đống bi mới tinh. Ten-go không có nhiều bi vì vậy thỉnh thoảng xin xỏ Hoàng Mụn vài viên làm vốn chơi, đổi lại đôi lần nó thua bao nhiêu bi lại được Ten-go gỡ lại cho bấy nhiêu.

Xui xẻo cho Hoàng Mụn, hôm nay chẳng hiểu sao chưa được nửa buổi túi bi của nó đã vơi hơn một nửa. Khuôn mặt núc ních thịt của nó mếu máo như sắp khóc làm Ten-go cảm thấy áy náy, chẳng qua Ten-go bị phân tâm về câu chuyện quả trứng trong bụng mẹ chưa kịp khoe mà thôi. Ten-go phủi cát ở mông, đưa cho nó mấy viên bi còn sót lại trong túi vẻ an ủi.

- Chúng mày biết gì chưa? Trong bụng những người phụ nữ có thai đều có một quả trứng lớn đó. – Ten-go vênh váo tự đắc vì thông tin kinh người vừa thông báo.

- Thật không? – Hoàng Mụn một tay lau mặt, một tay nhét mấy viên bi Ten-go vừa cho vào túi áo.

- Thật! – Ten-go quả quyết nói.

- Tao chẳng tin. Không thể có nguyên một quả trứng trong bụng người ta được.

- Ai nói với mày như thế? Đừng bảo với tao là bà mày? – Dũng Lớn khinh khỉnh bĩu môi nhìn Ten-go.

Ten-go khấp khởi định trả lời lại chợt nghẹn họng. Sức ảnh hưởng khó hiểu của Dũng Lớn đối với Ten-go suốt mấy năm liền lại nổi lên. Trong tâm niệm của Ten-go bà là người thông minh nhất thế giới, bất cứ câu hỏi nào bà đều trả lời một cách dễ dàng và chuẩn xác nhất. Ấy thế mà chỉ bởi một câu nghi hoặc của Dũng Lớn đã khiến niềm tin trong Ten-go bị rung chuyển dữ dội. Ten-go cắn môi trả lời:

- Bà tao và… cả mẹ tao đều nói như thế.

- Có khi đúng thế thật. – Hoàng Mụn hổn hển nói. – Để tao kể cho chúng mày một chuyện tao nghe lóm được. Vài lần xoa bụng chị, cứ thấy cưng cứng giống như có thứ gì trong đó làm tao cũng băn khoăn lắm. Hồi chị tao chuẩn bị cho đám cưới, mẹ với chị tao thậm thụt nhắc đến từ gì là lạ mà buồn cười lắm, thế nào tao bỗng dưng quên mất toi. À! Đúng! Rụng trứng!

Ten-go hớn hở xoa bụng Hoàng Mụn vì câu chuyện hoàn hảo của nó.

- Này nhé! Con mái mơ nhà tao đang ấp mười quả trứng và hai mươi mốt ngày sau sẽ nở thành gà con. Đến gà còn như thế nói chi đến mẹ tao và chị thằng Hoàng nữa.

Thấy Dũng Lớn và Dũng Nhỏ im lặng bối rối, Ten-go hài lòng lắm. Đừng tưởng chỉ có mỗi đứa gầy thông minh nhé.

Thế nhưng hứng khí bừng bừng của Ten-go ngay lập tức bị hắt mạnh một gáo nước lạnh. Không những lạnh bình thường mà còn là lạnh toát như gáo nước đá giữa mùa đông giá rét dội thẳng xuống đầu Ten-go.

- Không phải thế đâu. Trong bụng mẹ bạn chẳng có quả trứng khổng lồ nào hết á. Bạn không tin, để mình cho bạn thấy vì sao mình lại nói như vậy. Tất cả mọi việc trên đời này đều có nguyên do của nó, không thể suy diễn ngu ngốc như bạn nói được.

Mặt Ten-go xa xầm, nhìn chằm chặp đứa con gái có mái tóc xấu xí vừa lên tiếng. Ten-go cao giọng:

- Mày là đứa nào? Tại sao mày biết là không có quả trứng nào trong đó?

- Nó là em họ tao, nhà nó chuyển đến đằng kia kìa. – Dũng Lớn chỉ về phía ngôi nhà có cánh cổng sắt màu vàng cạnh nhà mụ Ngoách.

Ten-go gật đầu, nói tiếp:

- Ừ, được. Thế sao mày biết?

Con bé bảo cả lũ đứng đợi còn nó chạy tót vào trong nhà. Chừng năm phút sau, con bé mang ra một xấp giấy bìa cứng, nó phát cho mỗi đứa nhóc một chiếc khiến bất giác Ten-go liên tưởng đến thứ mấy bà Hội phụ “nhữ” thỉnh thoảng đi phân phát. Ten-go chưa biết chữ, nhưng vẫn có thể nhận ra những hình vẽ minh họa. Đó là hình ảnh một nhúm nhúm gì đó, sau đó là đứa trẻ phát triển trong bụng mẹ, từ nhỏ xíu đến lúc ra đời. Ten-go bắt đầu cảm thấy trong bụng hơi nhộn nhạo. Con bé cất giọng lanh lảnh chính thức đánh sụp bức tường ngoan cố cuối cùng trong lòng Ten-go.

- Mẹ tớ là bác sĩ chăm sóc cho phụ nữ có thai. Mẹ mình bảo là…

Chẳng kịp nghe hết câu của con bé Ten-go đã ném vội tờ giấy xuống cát, chạy thục mạng về nhà. Đằng sau Ten-go vang lên tiếng cười sặc sụa của anh em Dũng Lớn và Dũng Bé. Mặt Ten-go nóng ran như kiến bò, nó thẹn quá. Từ giờ phút này, Ten-go hứa sẽ ghét tất cả lũ con gái. Bọn con gái thật phiền phức và chẳng hiểu lý lẽ gì cả. À, nhưng mà khoan, bà ngoại chắc chẳng phải là con gái đâu nhỉ? Mẹ Ten-go cũng không được tính và cả em gái nhỏ của Ten-go nữa.

Hai ngày sau Ten-go vẫn trốn trong nhà. Ten-go bảo với bà nếu lũ bạn có tìm nó, cứ trả lời rằng Ten-go bị ốm, không ra ngoài chơi được. Ten-go núp trong chuồng gà, nhìn trộm thằng Hoàng Mụn thất vọng ra về. Bỗng dưng Ten-go muốn khóc to quá. Tại sao con bé có mái tóc xấu xí kia cứ phải lẵng nhẵng quanh đống cát của tụi con trai làm khỉ gì cơ chứ? Về nhà mà ôm lũ búp bê của mày đi!

Buổi chiều hôm sau, khi mải nghịch bóng nhựa trong nhà, Ten-go loáng thoáng nghe thấy giọng con gái léo nhéo ngoài cửa quán gạo.

- Vinh ơi! Cháu ra ngoài này, có người tìm cháu này!

Ten-go đã bảo bà là cứ trả lời rằng nó lâm trọng bệnh cơ mà. Tại sao còn có người tìm Ten-go chứ?

Cả người Ten-go chấn động khi thấy con bé tóc xấu đứng trước cửa. Không hiểu nó tìm Ten-go có chuyện gì? Vì chuyện quả trứng trong bụng hay vì chuyện gì? Hàng đống câu hỏi ngu ngốc cứ đua nhau chạy loạn trong đầu Ten-go.

Bà ngoại tươi cười vẫy tay. Tự trấn an bản thân rằng chẳng có gì phải sợ cả, Ten-go đâu thể thua một đứa con gái chứ. Thế là Ten-go nghênh ngang bước ra, hất mặt nhìn về phía nó.

Con bé nghiêng nghiêng đầu, bất ngờ nói nhỏ:

- Bao giờ trứng gà nở thế?

Ten-go đần mặt. Miệng mở lớn. Đầu óc của Ten-go quay mòng mòng, nó bất giác hơi sợ. Dường như não nó luôn chạy chậm hơn so với những suy nghĩ trong đầu lũ con gái.

- Cho mình xem gà con mới nở với, được không?

Mắt Ten-go trợn tròn. Ten-go nhìn chằm chặp khuôn mặt đen đúa, đôi mắt một mí dưới mái tóc lưa thưa đang cố mở lớn cùng khóe miệng múm mím như mỉm cười của con bé. Ten-go cố tìm một dấu hiệu trêu chọc trên gương mặt của nó, nhưng ngay lập tức Ten-go thất vọng vì chẳng nặn ra được thứ gì cả. Ten-go nói, giọng lúng búng như mắc nghẹn trứng gà:

- Gà con? Nhưng mà… mái mơ có lẽ không thích mày đâu.

- Tại sao lại không thích? Mình có thể mang thóc cho mái mơ ăn mà. Nó sẽ quý mình thôi.

Nhìn khuôn mặt vô tội của nó Ten-go cũng thấy bức bối lắm, ấy thế Ten-go vẫn cố gàn:

- Mái mơ không có ăn thóc. Bà tao nuôi theo kiểu khác cơ. Mày sẽ hỏi kiểu khác là kiểu gì? Nên tao trả lời mày luôn, đây là bí phương nuôi gà gia truyền của bà tao. Không thể tiết lộ cho người ngoài được.

Bỗng bà ngoại gọi vống ra khi miệng Ten-go đang thao thao bất tuyệt:

- Cháu xong việc chưa? Mang ít thóc cho gà ăn hộ bà với!

Ten-go lại nghẹn họng. Trong lòng gào thét, tại sao bà lại chọn đúng thời điểm để nhờ Ten-go cho gà ăn thế này?

- À… – Con bé ra chiều suy nghĩ. Nó thò tay vào trong túi áo lục lọi. Một lúc sau lôi ra hai cây kẹo mút hương dâu.

- Cho bạn này!

Ten-go nuốt trộm nước bọt. Con bé này định đút lót Ten-go đây mà. Bà ngoại vốn không cho Ten-go ăn kẹo bởi vì sợ Ten-go sâu răng, mà Ten-go lại là chúa hảo ngọt. Dạ dày của Ten-go rung lên, không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ hai cây kẹo.

- Thôi được. Mấy hôm nữa trứng gà nở mày có thể đến xem. Chỉ được xem mười phút thôi đấy nhé! À không, năm phút thôi. – Ten-go đưa tay chụp vội hai cây kẹo như sợ con bé đổi ý.

- Bạn hứa đấy?!

- Ừ, hứa.

Con bé xoay người, vẻ sung sướng tung tăng chạy mất. Ten-go nhìn mấy cây kẹo trong tay, cười thầm. Không ngờ lũ con gái chẳng thông minh và phức tạp như Ten-go nghĩ, chỉ năm phút xem gà con mà Ten-go đổi được mấy cây kẹo lận. Buôn lời như này có khi còn hơn cả bà ngoại bán gạo ấy chứ.

Trẻ con nhớ nhanh và cũng quên rất mau, thế nên Ten-go cũng quên mất giao kèo ban đầu giữa Ten-go và con bé tóc xấu. Mỗi khi nó sang chơi Ten-go đều đồng ý cho xem trứng gà trong ổ một cách thoải mái. Hôm đó là ngày thứ mười chín tính từ lúc mái mơ bắt đầu ấp trứng, con bé tóc xấu phát hiện ra một quả trứng hơi động đậy và trên vỏ có vết nứt. Ten-go thò tay muốn nhấc quả trứng ra khỏi ổ, con bé bám lấy lưng áo Ten-go giật giật. Nó nhìn Ten-go lắc đầu, nhưng nào Ten-go có thèm quan tâm chứ. Ten-go đưa quả trứng về phía ánh sáng, quan sát kĩ càng vết nứt nhỏ trên vỏ. Có tiếng chiêm chiếp rất nhỏ phát ra từ quả trứng. Ten-go đồ rằng gà con muốn ra lắm và sứ mệnh của Ten-go là giúp đỡ nó. Nghĩ là làm, Ten-go chạy vào trong nhà lục tìm trong hộp đồ khâu vá của bà, còn con bé tóc xấu vẫn theo sau lưng Ten-go với ánh mắt ngập tràn nghi hoặc. Ten-go tìm được cây nhíp nhỏ và bắt đầu hì hụi tìm cách đục vỏ trứng.

- Bạn làm gì thế? Không nên đâu. – con bé nói nhỏ, giọng hơi run rẩy.

Ten-go giằng vạt áo khỏi bàn tay nhỏ của con bé.

- Để yên tao làm cho mà xem.

- Đừng! Đừng làm thế. Để cho mái mơ tự ấp cho đến khi nở đi mà.

Mặc cho con bé can ngăn, Ten-go đục được một lỗ nhỏ ngay trên vết nứt và bắt đầu cẩn thận bẻ từng mảnh vỏ nhỏ. Cho đến tận khi trước mắt hai đứa lộ ra hình dáng một chú gà con với bộ lông ươn ướt. Nó ngắc ngoải trong vỏ trứng và vô cùng yếu ớt, khác hẳn với những chú gà con dễ thương trong tưởng tượng của Ten-go. Miệng Ten-go há hốc, cây nhíp trong tay nó rơi xuống đất vang lên mấy tiếng lanh canh.

Con bé tóc xấu rơm rớm nước mắt, nấc lên từng chặp:

- Tớ đã bảo bạn đừng làm thế còn gì. Bây giờ biết làm thế nào? Cứu gà con bằng cách nào bây giờ?

Ten-go đứng đó, nó cắn chặt hai hàm răng, không biết trả lời con bé như thế nào cho phải. Ten-go im lặng chờ đợi.

Buổi trưa bà đi chợ về, Ten-go vội vàng mang quả trứng đến cầu cứu, khuôn mặt nó buồn rượi. Bà ngoại hết nhìn Ten-go đang ủ dột lại nhìn lỗ thủng bằng đầu ngón tay trên mặt vỏ trứng, ánh mắt như không thể tin nổi với những gì Ten-go đã làm. Nhưng bà không trách móc một lời nào cả, bà dẫn hai đứa vào bếp, hướng dẫn Ten-go đặt quả trứng với gà con bên trong ngay dưới ánh sáng vàng lợt từ bóng đèn tròn đã được bật sáng.

- Nó có sống được không ạ?

- Bà không rõ nữa. Để cho nó sưởi ấm như thế này là tất cả những gì bà cháu mình có thể làm. Còn lại chỉ trông đợi vào số mệnh ông trời ban cho và cố gắng của chính bản thân nó mà thôi.

Cả ngày hôm đó Ten-go chẳng thể làm nổi việc gì nên hồn cả. Đêm đó nó cũng không tài nào chợp mắt. Cứ thế cứ thế, nguyện cầu cho một điều kỳ diệu nào đó xảy ra.

Buổi sáng hôm sau, gà con không động đậy nữa.

Con bé tóc xấu khi biết tin chỉ thẫn thờ đứng lặng. Mấy ngày sau nó cũng không qua xem chín gà con còn lại mới nở.

Ten-go bỏ ăn hai ngày liền. Ten-go ngồi xổm ngắm nhìn mái mơ và đàn gà con. Và tự hỏi, chẳng biết mái mơ có biết là đàn con của nó thiếu mất một đứa hay không?

Ten-go hối hận, nếu nó không làm cái trò giúp đỡ ngu ngốc kia, có lẽ gà con đã không chết. Nó sẽ được ra đời, được nhìn thấy ánh mặt trời, được ở bên mẹ mái mơ… Ten-go nhớ bà ngoại từng bảo rằng, vỏ trứng chính là một vật cản mà gà con cần tự mình vượt qua để đến với thế giới này, để được gặp mẹ. Cũng giống như có một ngày Ten-go phải lớn lên, phải đối mặt với những vỏ trứng của riêng mình, không phải ai giang tay giúp đỡ cũng là điều tốt. Nhưng đó là chuyện của tương lai, Ten-go không biết cũng không hiểu những lời bà ngoại nói. Ten-go của lúc này đau lòng vô cùng. Nhưng nó chẳng thể nào có cơ hội sửa sai nữa.