Đích Nữ Vô Song

Chương 29: Tranh đấu gay gắt, bốn vị tiểu thư ganh nhau lễ vật mừng thọ



Tử Uyển hơi khó hiểu nên hỏi: "Tiểu thư, người biết rõ đám Bạch Vi có vấn đề, vì sao không dứt khoát đuổi bọn họ ra khỏi Tĩnh Xu trai chứ? Chuyện hoa yến lần trước, nô tỳ dám cá chính bọn họ trộm thơ của người đưa cho tam tiểu thư. Giữ người như vậy bên cạnh không phải tự gieo tai họa sao?"

Bùi Nguyên Ca ngồi xuống nhẹ nhàng, lấy trâm cạy quả hạch, thản nhiên nói: "Tìm lý do đuổi bọn họ thì rất dễ, nhưng trong khoảng thời gian ngắn, nha hoàn Tĩnh Xu trai liên tiếp bị đuổi. Nếu lan truyền ra ngoài, người khác sẽ hiểu lầm rằng ta khắt khe hẹp hòi, khó hầu hạ. Cho nên phải từ từ đuổi từng người ra, trừ phi —— "

Nàng dừng lại, vẻ mặt ảm đạm, quả hạch trong tay "cóp" một tiếng, vỏ cứng bên ngoài bị bóp vỡ nát.

Vốn dĩ nàng không vội nhưng vì những nha hoàn này quá láo xược nên mới đi nhanh một bước!

Bùi Chư Thành chuyển từ trấn biên đại tướng quân thành quan văn, giống như mất đi thánh sủng. Nhưng dù sao ông cũng đã làm quan nhiều năm, giao du rộng rãi, nay lại là nhị phẩm Hình bộ thượng thư nên ngày lễ mừng thọ ba mươi sáu tuổi vẫn tổ chức rất linh đình. Những nhà nhận được bái thiếp đều gửi hồi âm lại. Bùi Chư Thành "bụng dạ hẹp hòi", gửi liên tiếp ba tấm bái thiếp tới Trấn Quốc Hầu phủ. Nghe người đưa bái thiếp nói, Trấn Quốc hầu vẫn bình thản còn An Trác Nhiên tức giận đến mức xé nát ba tấm bái thiếp ngay tại lúc ấy rồi cười như điên.

Chẳng mấy chốc đã đến ngày thọ yến.

Bùi Nguyên Ca dậy thật sớm, mặc áo không bâu nhỏ màu hồng phấn, áo khoác ngoài đỏ nhạt, váy lăng (váy làm bằng vải lăng) hồng tím kết hợp giao hòa vào nhau. Đầu cài trâm vàng nạm hồng ngọc, màu sắc sáng rỡ ôn hòa hợp với khí chất yêu kiều như nước của nàng, càng trở nên phiêu dật xuất trần, tiêm nhã động lòng người. Nàng dùng nhanh đồ ăn sáng sau đó kêu Tử Uyển cầm thọ lễ đi đến Đồng Trạch viện, vừa vặn gặp Bùi Nguyên Xảo và Nguyệt di nương, mọi người cùng đi vào. Mẹ con Chương Vân đã đến từ sớm, ngay cả Liễu di nương và Tiếu di nương ngày thường không thấy bóng dáng cũng đều đã có mặt.

Chương Vân mỉm cười nói: "Tam tiểu thư, tứ tiểu thư và Nguyệt di nương đến sớm quá."

Rõ ràng bọn họ tới muộn nhất nhưng Chương Vân lại nói như vậy, hiển nhiên đang cố ý nhắc nhở Bùi Chư Thành, ba người này không quan tâm ông bằng bà ta và Bùi Nguyên Dung.

Trong lòng Bùi Nguyên Xảo và Nguyệt di nương đều trầm xuống, bọn họ không dám đến trước Chương Vân và Bùi Nguyên Ca, tránh bị hai người đó chĩa mũi nhọn vào người, cho nên mới đứng đợi ngoài viện chờ Bùi Nguyên Ca sau đó mới vào. Không ngờ Chương Vân vẫn không chịu bỏ qua cho bọn họ. Hai người âm thầm nhìn nhau, cả hai đều nhìn ra sự lo âu trong ánh mắt của nhau.

"Ta nghĩ ngày thường phụ thân xử lý công vụ mệt nhọc. Hôm nay là ngày mừng thọ nên cần thoải mái một chút, lát nữa còn đến tiền viện thiết đãi nam khách, không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Ta không có ca ca đệ đệ nên không thể thu xếp thay cha, cha là người được chúc thọ nhưng vẫn mệt nhọc nhất. Cho nên ta muốn tới trễ một lát, cũng để cho phụ thân thêm thời gian nghỉ ngơi, không ngờ di nương lại tới sớm như vậy." Bùi Nguyên Ca cười trả lời. Nàng nhìn về phía Bùi Nguyên Dung, cười thản nhiên: "Tam tỷ tỷ cũng sớm!"

Nàng nói vậy để tỏ rõ nàng tới trễ bởi vì muốn để phụ thân nghỉ ngơi nhiều hơn, là nàng quan tâm hiếu thuận. Còn đám người Chương Vân thì ngược lại, ích kỷ, chỉ lo tranh sủng, cũng không quan tâm Bùi Chư Thành hôm nay phải mệt nhọc. Hơn nữa còn ám chỉ sở dĩ Bùi Chư Thành mệt nhọc như vậy là vì không có con trai. Đây như mũi dao nhọn đâm mạnh vào lòng ba vị di nương. Nếu Liễu di nương và Tiếu di nương không để nàng vào mắt thì nàng cần gì phải khách khí?

Nguyệt di nương còn có Bùi Nguyên Xảo cung cấp tin tức. Liễu di nương và Tiếu di nương chỉ bế viên (chỉ ở trong viện của mình, giống bế quan ý) không ra ngoài. Bởi vậy đây là lần đầu lĩnh giáo sự lợi hại của Bùi Nguyên Ca, cả hai đều kinh hãi.

Bùi Nguyên Dung ghen tị nhìn chằm chằm Bùi Nguyên Ca. Hôm nay nàng cũng mặc áo dài cổ tròn màu đỏ thẫm thêu kim tuyến, phía dưới mặc váy màu lựu tươi đẹp, đầu đội bộ trang sức bằng vàng rực rỡ, huy hoàng sáng lạn. Nhưng mà Bùi Nguyên Ca kia phối hợp màu đỏ rất hài hòa cùng với khí chất trầm tĩnh tú lệ, khiến người khác không kìm được mà nhìn ngắm. Còn Bùi Nguyên Dung có chút lỗng lẫy thái quá, giống như “nhà giàu mới nổi”.

Bùi Chư Thành nghe được chút giận hơn trong lời của Bùi Nguyên Ca nên cười nói: "Ta biết con hiếu thuận nhất rồi, nhanh mồm nhanh miệng như vậy, mau ngồi xuống đi?"

Chương Vân bị Bùi Nguyên Ca chọc vào chỗ đauvì không có con trai, tức đến run người nhưng không thể phát tác. Nghe giọng của Bùi Chư Thành không hề giấu diếm sự yêu thương và cưng chiều dành cho Bùi Nguyên Ca, bà ta lại càng thêm hận nên bèn chuyển chủ đề: "Lão gia, đại tiểu thư và Văn tiểu thư cầu phúc ở Khánh phúc tự, nay đến thời điểm quan trọng không thể ra ngoài, cho nên sai ngươi đưa thọ lễ tới." Nói xong, bà ta vẫy tay kêu Hỉ Ngôn tiến lên, lấy ra một mảnh lụa vân cẩm, dâng lên nói: "Đây là thọ lễ của đại tiểu thư, trên đường dâng hương đã tự tay sao chép Vĩnh Thọ kinh văn, cầu phúc thành tâm thành ý trước Phật tổ bảy bày bốn chín ngày với tâm nguyện mong lão gia thọ tỷ nam sơn [1]."

Kinh văn trag trọng chứa đầy lòng hiếu thảo của nữ nhi, Bùi Chư Thành vừa lòng gật đầu, vuốt ve kinh thư, nghĩ đến Bùi Nguyên Hoa trí tuệ đa tài hiếu thuận cũng an tâm trong lòng.

Tiếp theo là đến thọ lễ của Bùi Nguyên Xảo. Nàng tự tay may một bộ quần áo, dùng màu đen mà Bùi Chư Thành hay mặc nhất, viền thêu màu vàng kim, đường kim mũi chỉ đều rất tính tế.

Bùi Chư Thành cũng cười gật đầu, kêu Thạch Nghiễn nhận lấy.

Đến lượt Bùi Nguyên Dung, nàng ta mang ra một thanh đoản kiếm hào quang sáng chói, bao kiếm bằng vàng ròng, khảm đầy bảo thạch, trên chuôi kiếm gắn viên minh châu cực lớn sáng bóng trong suốt, giá trị xa xỉ. Hai tay Bùi Nguyên Dung dâng bảo kiếm, nói: "Cha xuất thân võ tướng, võ nghệ siêu quần, bảo kiếm này rất xứng với người. Con gái vất vả lắm mới tìm được, hao phí rất nhiều tâm tư. Con không cho cha nói không thích, nếu không con sẽ không tặng người nữa!"

Tuy rằng trước đó vài ngày đứa con gái này đã làm không ít chuyện khiến ông tức giận nhưng dù sao nàng cũng đã nhận sai, thề không tái phạm. Trước kia Bùi Chư Thành cưng chiều nữ nhi này nhất, yêu thích nàng ngây thơ thiện tâm. Nghe khẩu khí này của nữ nhi giống như quay lại bộ dáng đáng yêu trước đây, lòng ông bỗng mềm đi, nói: "Con thật càn rỡ, cũng bướng bỉnh nhất!" Ông nhìn Bùi Nguyên Dung một cái nhưng vẫn tiếp nhận bảo kiếm, đưa cho Thạch Nghiễn đứng phía sau.

Đến lượt Bùi Nguyên Ca, Chương Vân cướp lời trước: "Lão gia hiểu Tứ tiểu thư rõ nhất, tứ tiểu thư cũng rất khéo léo. Chắc hẳn thọ lễ này cũng đặc biệt nhất, mau mau lấy ra đi để chúng ta mở rộng tầm mắt!". Bà ta cười lạnh trong lòng. Luận hiếu tâm, vĩnh thọ kinh văn của Hoa nhi thành kính cẩn thận, không ai có thể so sánh. Luận quý báu, bảo kiếm của Dung nhi sáng chói rực rỡ, giá trị ngàn vàng. Bùi Nguyên Ca tuyệt đối không thể có thọ lễ tốt hơn. Bà ta cố tình dùng những lời khiêu khích, chờ Bùi Nguyên Ca mang thọ lễ ra, nếu không bằng Hoa nhi và Dung nhi, xem nàng ta giấu mặt mũi vào đâu?

Lát nữa các phu nhân đến chúc thọ nhất định sẽ hỏi, đến lúc đó khiến Bùi Nguyên Ca càng thêm mất mặt.

Bùi Chư Thành sơ ý, không nghe ra giao phong bên trong lời nói nhưng những người còn lại đều hiểu. Mọi ánh bắt đều tập trung trên người Bùi Nguyên Ca, chờ nhìn thọ lễ của nàng. Hoặc có thể nói, chờ xem trận giao phong này của nàng và Chương Vân, rốt cuộc ai thua ai thắng?

Bùi Nguyên Ca tất nhiên hiểu được nhưng chỉ mỉm cười. Nàng vốn dĩ muốn dùng khối huyết thạch kia khắc thành ấn triện (con dấu) tặng cho Bùi Chư Thành, nhưng bởi vì An Trác Nhiên cản trở giữa đường, gây huyên náo ai ai cũng biết làm mất đi cảm giác thần bí. Bởi vậy, nàng đã đưa cho Bùi Chư Thành ngay hôm đó. Nhưng nếu Chương Vân nghĩ rằng nàng không đưa ra được thọ lễ tốt hơn, thì hoàn toàn sai lầm!

Nàng có lòng tin tuyệt đối, thọ lễ của nàng sẽ khiến Bùi Chư Thành thích nhất cũng vừa lòng nhất, ....

[1] thọ tỷ nam sơn: điển tích xưa của Trung Quốc. Nam Sơn là nơi mọc rất nhiều trúc, nhiều không thể đếm nổi. Bởi vậy, nói thọ tỉ Nam Sơn là sống được nhiều tuổi như là Nam Sơn có nhiều trúc vậy.