Danh Môn

Chương 629: Trăng tàn như máu (b)



Mặc dù Tô Đạt La vì Đại Đường xuất binh mà nổi trận lôi đình, nhưng trong lòng hắn cũng biết rõ, Hiệt Kiết Tư không thể coi như ngang bằng với vương triều đại Đường hùng mạnh. Đại Đường đã xuất binh thì hắn chỉ có thể nhìn nét mặt Đại Đường, lấy lòng Đại Đường để ra sức từ trong bát Đại Đường vớt được một miếng thịt to nhất.

Đúng lúc hoàng hôn, Thi Dương dẫn hai trăm kỵ binh đi theo Khố Nhĩ Ban Đức tới đại doanh người Hiệt Kiết Tư. Tô Đạt La tự mình ra đón, trong tiếng cười thẳng thắn không hề nhận ra chút xíu tâm tình bất mãn “ Vài năm không gặp, Thi tướng quân dường như càng thêm khôi ngô mạnh mẽ.”

Thi Dương nhảy xuống ngựa, chắp tay với hắn mà cười nói: “ Khả Hãn cũng vậy, càng có một loại khí thế bá chủ thảo nguyên.”

“ Thi tướng quân thực sự là biết nói đùa, nhưng mà ta thích nghe.” Tô Đạt La cười ha ha, lôi kéo cánh tay Thi Dương cùng bước nhanh đi vào lều lớn của mình. Vào trong lều lớn, trên mặt hắn hiện lên vẻ mặt đắc ý khó có thể che dấu. Hắn hơi liếc xéo về phía Thi Dương, có ý đọc được sự kinh ngạc hoặc vẻ hâm mộ. Nhưng mà hắn thất vọng rồi, Thi Dương có vẻ không chút động lòng đối với đống báu vật trong đại trướng, dường như căn bản là không nhìn thấy. Lúc này, mấy chục nữ nhân xinh đẹp thấy có khách quý trẻ tuổi đến đây liền vội vàng tiến lên làm lễ ra mắt. Tô Đạt La đảo mắt chỉ vào những nữ nhân vô cùng xinh đẹp này mà khẳng khái nói với Thi Dương: “ Thế nào, ngài có thích không? Ta tặng ba người, Thi tướng quân tùy ý chọn lựa.”

Thi Dương liếc mắt nhìn bọn họ, vẫn không hề động lòng. Hắn lấy từ trong ngực ra lá thư do Trương Hoán tự tay viết, đứng thẳng lưng mà nói: “ Khả Hãn, có lẽ chúng ta nói chuyện chính sự đi!”

Tô Đạt La nhìn thấy thư ở trong tay Thi Dương thì mặt hắn từ từ trở nên nghiêm nghị, lập tức vung tay lên “ Các ngươi đều đến lều trướng đằng sau đi.”

Các nữ nhân vội vàng mở cửa nhỏ phía sau để chui vào bên trong trướng. Tô Đạt La mời Thi Dương ngồi xuống, lúc này mới tiếp nhận thư của hoàng đế Đại Đường viết cho hắn mà xem kỹ. Trong thư nói rất rõ ràng, yêu cầu người Hiệt Kiết Tư xuất binh cùng quân Đường diệt Hồi Hột. Nếu như người Hiệt Kiết Tư ra sức thì Đại Đường có khả năng đem vùng đất rộng lớn ở phía bắc Ô Đức Kiện Sơn ( nay Hàng Ái Sơn ), phía tây Tiểu Hải ( nay Bối Gia Nhĩ Hồ ), phía đông Kim Sơn ( nay A Nhĩ Thái Sơn ) làm phần thưởng cho người Hiệt Kiết Tư. Hơn nữa trong thư cũng tỏ vẻ, Đại Đường sẽ ban thưởng rộng rãi cho người Hiệt Kiết Tư vì đã dốc sức trong việc tiêu diệt Hồi Hột.

Tô Đạt La xem thư xong thì cúi đầu không nói một lời. Nếu như đúng theo phong thưởng của hoàng đế Đại Đường trong thư thì người Hiệt Kiết Tư sẽ được một nửa lãnh thổ Hồi Hột, còn xa mới phù hợp với dã tâm của hắn. Hắn cũng hiểu rõ Đại Đường sẽ không để cho bọn họ tây tiến đến Di Bá Hải, cũng sẽ không nhượng bọn họ lướt qua Ô Đức Kiện Sơn. Sự mở rộng thỏa đáng của Đại Đường là vùng đất phía đông Tiểu Hải. Sự thực, phía đông Tiểu Hải thì sông ngòi ngang dọc, thảo nguyên rộng lớn, nơi đó mới là chỗ tinh hoa của Mạc Bắc.

“ Được rồi! Người Hiệt Kiết Tư chúng ta sẽ dốc hết binh ra phối hợp quân Đường tiêu diệt Hồi Hột, ngày mai ta liền phát binh.” Tô Đạt La rốt cục hạ quyết tâm. Cho dù như thế nào hắn cũng muốn có được thảo nguyên rộng lớn phía đông Tiểu Hải.

Tháng mười năm Đại Trị thứ tám, Sóc Phương Tiết Độ Sứ Lý Song Ngư dẫn bảy vạn quân Sóc Phương hội sư với sáu vạn quân Bắc Đình do Bắc Đình Đô Đốc Lý Quốc Trân chỉ huy tại bờ sông Hồn Nghĩa. Cùng lúc đó, Tây Vực Đô Hộ, chinh bắc phó soái Vương Tư Vũ cũng chỉ huy bảy vạn quân Toái Diệp thẳng tiến vào vùng đất trung tâm Hồi Hột, tại thành Cáp Lâm đánh bại quân chủ lực Hồi Hột, bắt được hơn mười vạn người Hồi Hột. Hiệt Kiền Già Tư vẻn vẹn dẫn hơn một vạn người nhằm hướng tây bắc chạy trốn. Không ngờ tại phía nam Khúc Mạn Sơn đã gặp phải bốn vạn kỵ binh Hiệt Kiết Tư xuôi nam.

Tiếng trống như sấm, tiếng hô chém giết vang trời. Trên suốt mười dặm thảo nguyên nằm đầy thi thể quân Hồi Hột. Máu tươi nhuộm đỏ mặt đất, kỵ binh Hiệt Kiết Tư hung dữ mạnh mẽ giống như trận tuyết lở bao vây xung quanh quân Hồi Hột phát động tiến công hết lần này tới lần khác. Binh lực hai bên chênh quá lớn, quân Hồi Hột mỏi mệt không ngăn được kỵ binh Hiệt Kiết Tư tiến công dũng mãnh. Hiệt Kiền Già Tư hạ lệnh phá vòng vây, trong một lần liều chết đột kích, hai ngàn kỵ binh hộ vệ Hiệt Kiền Già Tư cuối cùng đã chạy ra khỏi vòng vây của người Hiệt Kiết Tư nhằm hướng tây bắc chạy trối chết.

Trời rốt cục sáng, sương mù mờ mịt bao phủ thảo nguyên khô héo. Lúc này đã là cuối mùa thu, trên lá cây bám đầy sương trắng, khí lạnh thấu xương. Trên bờ đông sông Dương Hà, một đạo quân sức cùng lực kiệt từ phương xa chạy đến. Bọn họ đúng là tàn quân Hồi Hột chạy trốn sự truy kích của người Hiệt Kiết Tư. Chỉ còn lại có một ngàn hai trăm người mà gần như một nửa đều đã bị thương. Đây là đội quân Hồi Hột cuối cùng.

Bọn lính đi tới bờ sông, nhao nhao xuống ngựa nước uống, rất nhiều người đều mỏi mệt bèn để nguyên y phục nằm lăn trên mặt đất ngủ thiếp đi. Hiệt Kiền Già Tư ngồi ở trên một tảng đá lớn, ánh mắt hắn ngây ra nhìn phương xa. Hồi Hột vốn cường thịnh mà chỉ sau vài năm nội chiến đã giải thể. Tất cả điều này đều bắt nguồn từ việc Đại Đường phong tỏa đối với bọn họ. Nhưng căn nguyên lại là do bọn hắn phản bội Vương triều Đại Đường, liền giống như một gốc cây đã rời khỏi đất từ từ đi đến diệt vong. Giờ phút này, hắn không biết chính mình nên đi đâu? Đại Thực đã từ bỏ hắn, người Hiệt Kiết Tư thù sâu như biển đối với hắn. Còn Đại Đường chính thức tuyên chiến đối với hắn. Hắn tựa như một con chó nhà có tang đã cùng đường, nhưng lại không muốn đón nhận vận mệnh tử vong.

“ Ông trời, ngài hãy chỉ cho ta một con đường sáng đi!” Hiệt Kiền Già Tư đau khổ không chịu nổi gào lên về phía trời cao. Dường như trời cao đáp lại hắn nên như có tiếng sấm vang lên ù ù, Hiệt Kiền Già Tư ngây người ra. Tất cả binh lính Hồi Hột uống nước tại bờ sông đều sững sờ. Hắn ngơ ngác đứng bất động, lắng nghe tiếng sấm rền này.

Đột nhiên, một binh lính Hồi Hột run rẩy chỉ về phương bắc. Hắn sợ hãi đến ngay cả một câu cũng không nói ra được. Giờ phút này bọn lính Hồi Hột đều đã nhìn thấy, một đội quân Đường đông như kiến cỏ xuất hiện ở cách hơn ba dặm, tiếng chân như sấm, sát khí ngút trời. Bọn lính Hồi Hột hoảng sợ vạn phần kêu nhau nhảy lên ngựa, thậm chí không kịp ngoái đầu nhìn đồng bọn vẫn ngủ say trên mặt đất. Hiệt Kiền Già Tư phản ứng nhanh nhất, hắn lên ngựa liều mạng chạy trối chết về hướng tây. Nhưng quân Đường chạy nhanh như bay nên chỉ chốc lát liền đuổi kịp theo quân địch chạy trốn.

Trên thảo nguyên, năm nghìn kỵ binh thiết giáp quân Đường cuồn cuộn giống hệt làn sóng thép chảy bừa bãi. Bọn họ đuổi theo, tiến lên, nghiền nát tất cả, trào lên phía trước. Trường kích sắc bén đâm xuyên qua ngực kẻ địch, chiến đao lạnh lùng chém đứt cổ quân địch. Đao và kiếm va vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng. Đao chém vào xương cốt của người phát ra tiếng răng rắc. Tiếng người rên rỉ, tiếng cười khanh khách đáng sợ trước khi tắt thở vang khắp trên thảo nguyên. Đội quân cuối cùng này của người Hồi Hột trong nháy mắt liền sụp đổ, bỏ chạy tán loạn không có mục tiêu khắp tứ phía.

Thi Dương quơ trường kích đâm một tên Bách phu trưởng ngã xuống ngựa, đối mặt sự khóc lóc sợ hãi vạn phần của tên Bách phu trưởng, hắn vô tình dùng trường kích đâm xuyên qua ngực. Thi Dương lập tức chặt đầu rồi giắt lên trên yên ngựa mình. Lúc này, hắn đột nhiên phát hiện hơn mười binh lính Hồi Hột đang vây quanh một Đại tướng đầu đội kim khôi chạy trốn về hướng nam. Hắn lập tức phóng ngựa đuổi theo.
Chiến mã của Thi Dương chính là loại ngựa Đại Thực thuần chủng, ngựa giống như phi long, phóng như đằng vân giá vũ. Thoáng chốc liền đuổi kịp cách quân địch hơn ba mươi bộ. Hắn treo trường kích chắc chắn rồi rút nỏ lắp tên. Mũi tên như sao băng lướt tới, hết mũi này tới mũi khác không uổng phát nào. Chỉ chốc lát liền bắn chết hơn mười người Hồi Hột, lúc này chỉ còn sót lại viên tướng lãnh đầu mang kim khôi. Thi Dương đột nhiên dừng chiến mã, hắn lắp một mũi tên xuyên giáp rồi nhắm ngay lưng địch. Hắn lạnh lùng cười một tiếng, mũi tên tựa như tia chớp bắn ra chỉ một thoáng đã nhằm vào lưng địch.

Lúc này Hiệt Kiền Già Tư đã bị thần tiễn của quân Đường truy kích làm sợ đến hồn phi phách tán. Hắn đột nhiên nghe thấy tiếng vó ngựa đối phương bến mất thì không khỏi quay đầu nhìn lại. Lại nhìn thấy một mũi tên lạnh lẽo xuất hiện ở trước mắt, mũi tên lóe sáng lạnh lùng phảng phất như tử thần nhe răng cười lần cuối cùng. Hiệt Kiền Già Tư chỉ cảm thấy mi tâm đau nhức, mũi tên xuyên giáp đã cắm vào đầu làm cho Khả Hãn cuối cùng của Hồi Hột cắm đầu đóng đinh trên thảo nguyên bao la.

Ngày mười tám tháng mười năm Đại Trị thứ tám, việc Hiệt Kiền Già Tư bỏ mạng đã đánh dấu dân tộc du mục Hồi Hột hùng cứ thảo nguyên hơn một trăm năm cuối cùng cũng bị diệt vong.

Hạ tuần tháng mười một, khi những trận tuyết nhỏ đầu tiên bay lả tả trên thảo nguyên. Trương Hoán có hai vạn Vũ Lâm Quân hộ vệ đã đến dưới chân thành Cáp Lâm ở Ô Đức Kiện Sơn. Chung quanh thành Cáp Lâm có hơn bốn vạn kỵ binh Hiệt Kiết Tư đóng quân cùng bảy vạn quân Toái Diệp. Mà quân Sóc Phương và quân Bắc Đình đều không thấy bóng dáng. Không biết bọn họ hiện ở nơi nào.