Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 31



Editor: Xoài

Beta: Hoàng Lan

Dáng vẻ của Vương Duyệt là phong phạm con cháu thế gia tiêu chuẩn, hắn đứng thẳng tắp, lúc nói chuyện với Thượng Thư Lệnh Vương Nhung, eo có chút nghiêng về phía trước, lộ ra sự cung kính nhưng không hèn mọn, vẫn là tư thái thẳng tắp.

Hắn giống như một cây trúc xanh vừa mới chui ra từ măng, chưa trưởng thành, một cơn gió mát là có thể khiến cho hắn khom lưng lắc lư. Nhưng trúc mới tươi non có tính bền dẻo, gió lốc có mạnh hơn cũng không có cách nào thổi gãy hắn được.

Vương Duyệt là bộ mặt của Nhung kẹt xỉ, bên cạnh có tiểu tùng xuất sắc như vậy đi theo, Vương Nhung có mặt mũi gấp bội.

Càng quan trọng hơn là, còn không cần bỏ tiền ra. Vương Nhung có thể nghĩ trăm phương ngàn kế cắt xén tiền lương của Vương Duyệt, chuyên nhổ lông của con cừu nhỏ nhà hàng xóm.

Vương Nhung lo lắng con cừu nhỏ này không thể cho ông nhổ lông lâu dài, thế là dành thời gian truyền thụ con đường sinh tồn cho con cừu nhỏ, hỏi hắn: “Trúc lâm thất hiền ngày xưa chỉ còn một mình ta còn sống, con biết tại sao không?”

Vương Duyệt giả vờ: “Theo cái nhìn ngu muội của ti chức, có lẽ là vì Thượng Thư Lệnh trẻ tuổi nhất? Trong Trúc lâm thất hiền, ngài nhỏ hơn phụ thân Kê Khang của Kê Hầu trung mười tuổi, nhỏ hơn Nguyễn Tịch mười bốn tuổi, nhỏ —”

“Dừng!” Cái mặt mo của Vương Nhung có chút không chịu được, tiểu Vương nhà hàng xóm này thật sự là không hiểu chuyện quá!

“Con nói nguyên nhân ngoại trừ tuổi tác xem.”

Vương Duyệt đến cùng vẫn còn nhỏ tuổi, tính trẻ con còn đó, lại bị cắt xén tiền lương, hắn không cam lòng, tiếp tục giả ngu: “Có lẽ… là vận may tốt, Thượng Thư Lệnh đã trải qua ba triều Hán, Ngụy, Tấn, đều có thể chỉ lo thân mình, phòng ngừa cuốn vào sự phân tranh của triều đại thay đổi.”

Nói vận may tốt là lời khách sáo, trên thực tế Vương Nhung chính là cỏ đầu tường, lay động theo gió, không có tiết tháo. Phụ thân Kê Khang của Kê Hầu trung bởi vì trung thành với Tào Ngụy mà bị chém ở chợ ngựa, người cùng tuổi, bạn tốt Nguyễn Tịch bởi đau lòng vì mất bạn tốt mà hậm hực thành tật, bệnh qua đời.

Đôi mắt già nua của Nhung kẹt xỉ bỗng dưng trở nên sáng sủa: “Ta biết người bên ngoài đánh giá ta như thế nào, nhưng ta không quan tâm, ngày xưa thầy của con là Kê Hầu trung muốn quy ẩn sơn lâm, lão bằng hữu của ta là Sơn Đào khuyên nó buông bỏ oán hận giết cha, ra làm quan, nói “Giữa trời đất, xuân hạ thu đông, bốn mùa luân phiên, vạn vật đều có thời, huống chi là triều đại thay đổi chứ?”, cái gọi là không làm thì không có ăn, con người sinh lão bệnh tử đều là quy luật tự nhiên của trời đất, giống như vậy, một quốc gia, một triều đại, cũng là như thế.”

“Người biết rõ không thể làm mà vẫn làm, chấp nhất với lập trường của mình như Kê Khang, ta rất bội phục. Nhưng mà lựa chọn của ta là thuận thế mà làm, ta chưa từng hối hận với lựa chọn của mình. Thiên hạ có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn. Lúc triều cương hỗn loạn, ta liền ẩn cư sơn lâm, chờ cục diện chính trị ổn định lại, ta lại ra làm quan. Đây là đạo xử thế của ta, dựa vào việc này, ta đã sống đến bảy mươi tuổi, còn có thể ra làm quan làm Thượng Thư Lệnh, ta cảm thấy rất tốt.”

Vương Nhung là một lão láu cá keo kiệt thuận lợi mọi bề, tiết tháo đã sớm cho chó ăn rồi, vóc dáng Vương Nhung thấp, trong Lang Gia Vương thị có danh xưng “rực rỡ muôn màu”, trai đẹp nhiều như chó thì tướng mạo của ông ở tiêu chuẩn thường thường, nhưng mà việc này cũng không ảnh hưởng đến học vấn và tài hoa của ông.

Vương Duyệt làm quan cấp dưới của ông hơn một tháng, được lợi rất nhiều, không thể không thừa nhận đạo xử thế thực tế của Vương Nhung quả thật có tác dụng, tạm thời thỏa hiệp và quy ẩn là vì sự trả giá và không thỏa hiệp trong tương lai.

Vương Duyệt cúi đầu: “Nước nguy không đến, nước loạn không ở, ti chức thụ giáo rồi.”

Vương Nhung nghe xong thì có chút bất ngờ, bởi vì câu “Nước nguy không đến, nước loạn không ở” này của Vương Duyệt đã trực tiếp chỉ ra xuất xứ của câu “Thiên hạ có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn” mà vừa rồi ông nói, đều nằm trong chương “Tỷ Can khuyên ngăn mà chết” trong phần “Luận ngữ/ Vi tử” của Khổng Tử.

Trong thời đại nho học là môn học ít được quan tâm, tư tưởng của Khổng Tử vốn không được coi trọng, thậm chí không thể tiến lên từng bước, nếu như thảo luận về nho học trong các cuộc tụ tập của danh sĩ thì sẽ bị người ta giễu cợt xa lánh.

Triều Hán phổ biến học thuyết Hoàng Lão, Ngụy Tấn thì có huyền học chiếm xu hướng chính, Lang Gia Vương thị lấy huyền học và thanh đàm để nổi tiếng. Người trong tộc hạ bút thành văn đối với nho học như Vương Duyệt thì rất hiếm thấy.

Tiểu Vương nhà hàng xóm này giống như một cậu bé bảo tàng, Vương Nhung càng nghiên cứu hiểu rõ thì càng cảm thấy thú vị: “Kê Hầu trung còn dạy con nho học?”

Kê Hầu trung thật sự là một người thầy tốt, dạy được Hoàng đế ngốc, cũng dạy được loại thiên tài như Vương Duyệt, còn có thể dạy được tiểu công chúa Thanh Hà yểu điệu lười biếng vô lại tham ăn, thường xuyên trộm quả nhà mình, thật sự là làm khó hắn rồi.

Vương Duyệt nói: “Kê Hầu trung nói mọi học vấn vốn không phân chia quý hèn cao nhã, ai cũng có sở trường riêng, cũng có sở đoản, phải buông bỏ thành kiến, học rộng khắp những điểm mạnh của người khác.”

Vương Nhung hỏi hắn: “Con học nhiều như vậy làm gì? Tương lai con lại không cần làm Tể tướng.”

Đôi mắt của Vương Nhung kẹt xỉ nhà sát vách sáng như đuốc, đã sớm nhìn thấu dự định của Tào phu nhân nhà hàng xóm — Vương Duyệt từ nhỏ đã được dạy dỗ dựa theo tiêu chuẩn của phò mã, dáng dấp lại đẹp mắt, tương lai chắc chắn sẽ làm phò mã của công chúa Thanh Hà.

Từ xưa đến nay chưa từng có một phò mã nào có thể làm Tể tướng.

Vương Duyệt nói: “Lý tưởng của con chính là làm Tể tướng. “Thiên hạ có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn”, con chính là muốn thành lập một đất nước có đạo, để những danh sĩ ẩn cư kia đều từ trong núi chui ra ngoài làm quan.”

Vương Nhung chậc chậc hai tiếng: “Con tuổi còn nhỏ mà dã tâm rất lớn.”

Vương Duyệt nói: “Cam La Thập hai tuổi là đã được Tần Thủy Hoàng bái làm Tể tướng. Ti chức bất tài, mười hai tuổi rồi vẫn chỉ là một quan cấp dưới của Thượng Thư Lệnh, ti chức hy vọng lúc sinh thời thực hiện được lý tưởng.”

Vương Nhung cười ha ha, ông lấy ra một chuỗi chìa khóa rồi mở ngăn tủ, lấy ra một cái hộp hẹp dài, lại mở khóa trên hộp, bên trong đó là một cây đao.

Đây là một cây đao đơn giản tự nhiên, yên lặng nằm trong vỏ đao, nhưng Vương Duyệt vừa thấy cây đao này là lập tức rũ mắt thu tay, khom lưng cúi đầu hành đại lễ.

Bởi vì cây đao này là biểu tượng của tộc trưởng Lang Gia Vương thị.

Ban đầu là bảo đao của Đại tướng Tào Ngụy Lã Kiền cất giấu, sau này Lã Kiền tặng đao này cho nhân vật xuất sắc nhất trong đời trước của Lang Gia Vương thị - Vương Tường, nói đao này chính là trân phẩm hiếm thấy, cần nhân tài đứng hàng tam công trong tương lai xứng với nó, đao này ngoại trừ ngươi ra thì không còn có thể là ai khác.

Vương Tường, nhân vật huyền thoại truyền kỳ nhất của Lang Gia Vương thị. Tuổi nhỏ mất mẹ, mẹ kế Chu thị ngược đãi ông đủ kiểu, nhưng ông từ đầu đến cuối vẫn hiếu thuận với mẹ kế, vẫn yêu thương con trai do mẹ kế sinh ra là Vương Lãm.

Một việc cực kỳ khoa trương, nghe nói giữa mùa đông Chu thị muốn ông đi câu cá chép, Vương Tường c0i quần áo ra nằm trên mặt băng, cá chép cảm động lòng hiếu thảo của ông mà chủ động nhảy ra, đây chính là điển cố ngọa băng cầu lý.

Chu thị dùng rượu độc muốn hạ độc chết Vương Tường, nào có thể đoán được sau khi con trai ruột Vương Lãm biết được thì cướp lấy chén rượu của anh cả rồi uống, Chu thị sợ con trai ruột bị độc chết, đành phải đánh đổ chén rượu mới coi như thôi, sau đó bất kể Vương Tường ăn cái gì, Vương Lãm cũng ăn trước một miếng để tránh anh cả bị hại chết, đây cũng là điển cố Vương Lãm tranh rượu độc.

Sau này quả nhiên Vương Tường đứng hàng tam công, ba triều bất kể triều Hán, Tào Ngụy hay là Đại Tấn, Vương Tường đều là đại thần vô cùng quan trọng, có thể kiếm lữ vào triều (*), mỗi lần Vương Tường vào triều thì đều đeo cây đao mà Lã Kiền tặng. (**)

(*) có thể mang theo vũ khí, đi giày vào triều, đại thần đều phải cởi giày.

(**) Trích tử “Tấn thư - Vương Tường truyện).

Sau khi Vương Tường chết thì truyền thanh đao này cho em trai cùng cha khác mẹ là Vương Lãm. Cây đao này liền trở thành tín vật của tộc trưởng Lang Gia Vương thị, biểu tượng truyền thừa của gia tộc, người mang đao này chính là người đứng đầu của gia tộc cổ xưa hiển hách.

Tộc trưởng của Lang Gia Vương thị cũng không phải là được truyền thừa theo huyết thống mà là dựa vào chức quan và tài học. Người trong tộc có địa vị cao nhất mới có thể kế thừa cây đao này, trở thành tộc trưởng của gia tộc. Vương Nhung là một trong Trúc lâm thất hiền, tộc trưởng của thế hệ này chính là ông.

Không chỉ có Lang Gia Vương thị, các thế gia đại tộc có được truyền thừa mấy trăm năm cũng là như thế, tài nguyên mãi mãi thuộc về người mạnh nhất chứ không phải là huyết thống. Mọi thứ đều lấy lợi ích chung của gia tộc mà không phải là lợi ích lớn nhất của gia tộc, đảm bảo ở bất cứ triều đại nào gia tộc cũng đứng trên đỉnh của quyền lực.

Vương Nhung dùng hai tay mang đao ra: “Con đi theo Lưu Côn tập võ, thể hiện đao pháp cho ta xem xem.”

Cho dù là kỳ lân tử của Lang Gia Vương thị thì cũng không tránh được số phận bị ép biểu diễn tài nghệ trước mặt trưởng bối thân thích.

Huống chi Vương Nhung là trưởng bối, là tộc trưởng, còn là người lãnh đạo trực tiếp, Vương Duyệt không thể từ chối. Hắn rửa tay, dùng khăn lau khô rồi nửa quỳ nhận lấy đao, vung đao trong trực phòng.

Tiểu Vương sát vách là cậu bé bảo tàng, càng đào càng thú vị, lão Vương nhà bên cạnh nhìn Vương Duyệt trong đao quang kiếm ảnh, mặt lộ vẻ mừng rỡ, Lang Gia Vương thị có người kế thừa, cái lý tưởng làm Tể tướng này có tính khả thi rất lớn.

Vương Duyệt thu đao, dùng hai tay trả lại.

Vương Nhung không nhận, nói: “Con cố gắng cảm nhận cây đao này, trước khi hết giờ hôm nay trả ta là được. Tương lai con thực hiện lý tưởng, cây đao này sẽ thuộc về con, cũng coi như là hoàn bích quy Vương (*) đi. Cái này vốn dĩ thuộc về nhánh của các con.”

(*) Hoàn bích quy Vương, gốc là Hoàn bích quy Triệu: Hoàn: trọn vẹn, Bích: ngọc bích, Quy: về, Triệu: nước Triệu. Giữ viên ngọc toàn vẹn để trả lại cho nước Triệu. Đời chiến quốc Huệ văn Vương nước Triệu được viên ngọc bích của Biện Hòa xem Ngọc Biện Hòa.

Vương Duyệt là cháu cả dòng chính của Vương Tái, con trai trưởng của tộc trưởng đời trước Vương Lãm. Vương Lãm là ông cố nội của Vương Duyệt. Vương Tường ngọa băng cầu lý là anh của cụ cố Vương Duyệt.

Cho nên huyết thống của Vương Duyệt thuần khiết tôn quý, là nhân vật độc nhất vô nhị của Lang Gia Vương thị.

Vương Duyệt không muốn: “Người mang đao này, không phải là tộc trưởng của Lang Gia Vương thị thì không được, con vẫn chưa đủ tư cách.”

Lão Vương nghiền ngẫm mà quan sát tiểu Vương: “Làm sao? Không dám?”

Vương Duyệt nói: “Không phải là không dám, là thời cơ chưa tới. Mượn lời tốt lành của người. Tương lai con có rất nhiều cơ hội mang đao này, cần gì nóng lòng nhất thời?”

Vương Nhung cười to, thu hồi bảo đao: “Dù sao ta cũng không sống được đến ngày đó, tương lai con đeo thanh đao này, lúc phát biểu cúng tổ tiên thì hóa vàng mã nói cho ta biết.”

Suy nghĩ một chút, ông lại nói: “Nhớ đốt thêm chút tiền giấy.”

Nhung kẹt xỉ danh bất hư truyền, ngay cả sau khi chết cũng không quên đòi tiền.

Lại nói Vương Duyệt đã cứu được tính mệnh của Tôn Hội, đi đến phủ công chúa Hà Đông thông báo việc này.

Công chúa Hà Đông không đủ thấu tình đạt lý: “Ngươi đánh hắn thành cái gì rồi? Mặt mày hốc hác không? Nếu như ngươi đánh cho hắn tàn phế, ta —”

“Tỷ tỷ!” Thanh Hà bảo vệ Vương Duyệt lại: “Không có huynh ấy ra tay giúp đỡ thì tối hôm qua Tôn Hội đã bị Tề vương chặt đầu thiêu, nghiền xương thành tro rồi, tỷ đừng quá tham lam. Lại nói, gương mặt hốc hác kia của Tôn Hội có thể gầy được đến mức nào?”

Tôn Hội có dáng vẻ gì, trong lòng tỷ không biết sao?

Công chúa Hà Đông suy nghĩ một chút về dung mạo của chồng trước, đành phải coi như thôi, lại nhắc đến chuyện khác: “Khi nào Tôn Hội có được tự do? Lỡ như Tề vương lật lọng thì hắn vẫn gặp nguy hiểm.”

Vương Duyệt nói: “Tôn Hội dưỡng thương ở trang viên của ta, còn có năm mươi mấy thị vệ của phủ Tề vương trông coi. Chờ thương thế của Tôn Hội ổn rồi, ta sẽ tìm cách đánh thuốc mê năm mươi mấy thị vệ kia, cứu Tôn Hội ra, sau đó vu oan cho Thành Đô vương, giả thành người của Thành Đô vương cứu, để bọn họ chó cắn chó đi.”

Lòng dạ Vương Duyệt cao minh, sắp xếp từng bước một rõ ràng, logic đâu ra đó.

Từ nhỏ Thanh Hà đã sùng bái Vương Duyệt: “Tỷ tỷ, Vương Duyệt làm việc thì tỷ cứ yên tâm đi, Tôn Hội cứu được phụ hoàng và mẫu hậu, chúng ta sẽ không bạc đãi hắn. Chỉ là lần này cứu hắn ra thì sẽ sắp xếp hắn đi thẳng Giang Nam, đến lúc đó tỷ tuyệt đối đừng đi chặn đường nữa.”

Công chúa Hà Đống sốt ruột, lại bắt đầu kỳ thị vùng miền, luận điệu cũ rích nhai đi nhai lại, nói tới nói lui đều lặp đi lặp lại, liên tục nhiều lần: “Nhưng mà Giang Nam là đất man di, khắp nơi đều là đầm lầy, mãng xà thô to như thùng nước —”

“Cũng không phải vậy.” Vương Duyệt ngắt lời nói: “Phong cảnh Giang Nam tươi đẹp, bốn mùa như mùa xuân, mặc dù phát âm ngôn ngữ khác biệt nhưng chữ viết thì như nhau, qua nửa năm là có thể thích ứng được, ta lấy danh dự của Lang Gia Vương thị để thề, tuyệt đối không nói ngoa, phụ thân ta Vương Đạo rất thích Giang Nam, đều có chút không muốn về Lạc Dương nữa.”

Dáng dấp Vương Duyệt đẹp mắt, ánh mắt chân thành, đặc biệt giỏi dỗ dành người ta.

Công chúa Hà Đông tin tưởng: “Được thôi, nghe theo sắp xếp của các ngươi.”

Giá trị nhan sắc là chính nghĩa, mỹ nam chính là danh dự, Thanh Hà và Phan Mỹ nhân nói rách cổ họng cũng không đả động được công chúa Hà Đông, Vương Duyệt tùy tiện nói một câu đã khiến công chúa Hà Đông tin phục ngay.

Biết được Tôn Hội được cứu, công chúa Hà Đông không còn nỗi băn khoăn nữa, bắt đầu lôi chuyện cũ ra nói với Thanh Hà: “Chuyện tối hôm qua tỷ muội ruột chúng ta phải tính sổ rõ ràng — ngươi nói ta eo thô thì cũng thôi đi, vì sao lại nói ta sáu mươi lăm ký? Ta đâu có mập như vậy?”

Thanh Hà hỏi: “Bây giờ tỷ tỷ bao nhiêu ký?” Không hiểu thì hỏi nha.

Sáu mươi ký… công chúa Hà Đông thẹn quá hóa giận, dứt khoát đuổi khách: “Không nói với các ngươi nữa, ta mệt rồi, mời về.”

Vương Duyệt và Thanh Hà bị đuổi ra ngoài, Vương Duyệt cảm thán nói: “Tính khí của tỷ tỷ muội thật là lớn, hỏi thăm cân nặng là trở mặt.”

Không có so sánh thì không có tổn thương, hiện tại Vương Duyệt cảm thấy Thanh Hà là một cô gái dịu dàng chu đáo!

Thanh Hà ngược lại rất hiểu chị mình: “Là ta nói tỷ ấy mập.”

Vương Duyệt nói: “Nữ tử rất quan tâm việc bị người ta nói sai cân nặng sao?”

Thanh Hà nói: “Đó là đương nhiên, nếu như huynh nói ta nặng sáu mươi ký, ta cũng sẽ tức giận.”

Đương nhiên, tức giận thì tức giận, qua một lúc là ta sẽ tha thứ cho huynh, ai bảo huynh đẹp như vậy chứ.

Vương Duyệt lại hỏi: “Muội bao nhiêu ký?”

Vẻ mặt Thanh Hà mờ mịt: “Ta cũng không biết, chưa từng cân.”

Vương Duyệt dừng bước, rất tự nhiên mà vòng qua ôm eo Thanh Hà, trong tay tròng trành: “Ta vì luyện khí lực mà mỗi ngày đều nâng cọc buộc ngựa. Một cái cọc buộc ngựa nặng hai mươi lăm ký, xách hai bên mỗi bên một cái, là năm mươi ký. Muội nhẹ hơn hai cái cọc buộc ngựa một chút, có lẽ là bốn mươi lăm ký.”