Đại Đường Tửu Đồ

Quyển 1 - Chương 9: Cuồng trương can cân (1)



Tiêu Duệ tỉnh dậy, thoải mái duỗi hai chân, ngáp một cái.

Vừa mở mắt ra đã thấy Tiêu Nguyệt mang một chậu nước rửa mặt đến, trên bàn cũng đã có hai đĩa đồ ăn sáng, một bát cháo, một cái bánh bao chiên.

- Tử Trường, dậy rửa mặt rồi ăn sáng đi.

Tiêu Nguyệt đưa khăn ấm cho hắn.

- Tỷ!

Tiêu Duệ cảm thấy ấm áp dào dạt trong lòng, vội vàng dậy nhận lấy chiếc khăn.

…………….

Mất hơn nửa ngày mới có thể mặc chỉnh tề được bộ quần áo rườm rà này của Đường nhân, Tiêu Duệ ra khoi phòng ngủ, thấy hậu viện rất tĩnh lặng liền liếc quanh một cái, thấy tỷ tỷ như đang vội vội vàng vàng với đống công việc may vá không bao giờ hết của mình, tỷ phu thì bận rộn ở tửu quán, trong toàn viện chỉ còn lại mỗi mình là một kẻ rảnh rỗi. Hắn cười khổ một tiếng, lững thững bước ra khỏi cổng Vương gia.

Tùy ý rong chơi trên đường lớn nhộn nhịp, chân bước thoải mái nhẹ nhàng, ánh dương quang tươi sáng chiếu xuống khắp nơi, chỗ thì ngói xanh tường hồng, nơi thì mái cong đột ngột, chỗ lại cờ xí tung bay, biển hiệu cao cao… ngựa xe như nước, người đi tấp nập. Những khuôn mặt tươi cười của mọi người xung quanh cho thấy đời sống khá no ấm của thời thịnh thế Đại Đường này.

“Nếu hỏi cổ kim hưng phế sự, mời quân nhìn tới Lạc Dương thành”. Mấy ngàn năm lịch sử thoáng hiện lên trong đầu, vậy mà giờ đây cảnh tượng của thành Lạc Dương lại chính là đây. Thấy cảnh tượng ồn ào náo nhiệt khắp nơi, Tiêu Duệ hiểu rõ sự phồn hoa của Lạc Dương thời thịnh Đường, trong lòng thoáng vui vẻ, rồi lại thở dài: Lạc Dương là một thành thị nổi tiếng thế giới lúc đó, là điểm cuối phía đông của con đường tơ lụa, là thủ đô có thời gian xây dựng lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng tòa thành nổi tiếng này cũng đã vô số lần trở thành chiến trường giao tranh của các đội quân, những cung điện to lớn phồn hoa trong nội thành đã mấy lần hư hỏng rồi lại mấy lần phồn thịnh.

Giờ khắc này, cũng chỉ có hắn là một kẻ xa lạ xuyên việt từ ngàn năm tới đây mới có thể có được cảm xúc trái ngược như vậy, như si như mộng, như đi vào cõi thần tiên.

Bất kể là trong thành ngựa xe như nước phố xá sầm uất, hay là trang viên cao sơn lưu thủy ngoài thành, đều mang theo thần thái như trong mộng mị, mang theo dư hương của những thi nhân, mang theo những tràng cười vui vẻ của những tửu khách. Cố đô Lạc Dương này đã được những thi nhân viết vào trong thơ, viết nên những tình cảm mãnh liệt, đưa vào trong những vò rượu hoặc trong những chiếc rương, hoặc uống rượu một mình, hoặc tụ hội, hoặc lãng du.

“Nhất thành phồn hoa bán thành yên, đa thiếu thế nhân túy lý tiên.”

(Dịch nghĩa:

Cả thành phồn hoa, nửa thành như mây khói, khiến cho người ta ít nhiều như đang say trong giấc mơ)

Đây chính là hương vị của thành Lạc Dương.

Tiêu Duệ tùy ý đi vào một tửu quán bên đường , uống mấy hồ rượu nhạt, ăn một suất thịt bò kho tương mà người Lạc Dương chẳng mấy khi ăn, im lặng quỳ bên bàn rượu, lắng nghe những tửu khách cười đùa mang chút dâm đãng phố phường, rồi những giọng ca rất khó chịu của những ca cơ hạ đẳng, dõi mắt nhìn những người đi đường qua cửa quán.

Tâm tình dần dần trầm tĩnh lại, ở nơi xa lạ mà lại quen thuộc của Lạc Dương hơn ngàn năm trước này, trong một tửu quán nhỏ không biết tên, kẻ xuyên việt Tiêu Duệ rốt cuộc cũng hoàn thành quá trình “chuyển biến tâm lý xuyên việt”. Hắn hiểu rõ, hắn bất đắc dĩ, hắn hưng phấn, nhưng mặc kệ hắn có nguyện ý hay không, hắn đã trở thành một người dân Đại Đường từ đầu tới chân, không khác gì những tửu khách thô lỗ trong tửu quán này hay những người đang đi lại ngoài đường kia.

Ra khỏi tửu quán, mắt say lờ đờ mông lung nhìn thành quách, một vài con chim sẻ đần độn không kìm nổi giật mình vút lên khỏi mặt đường. Gió cuốn mây bay, khói bụi ồn ào, sóng gợn lăn tăn, những gương mặt kiều mị tươi tắn của mỹ nữ đứng ở cửa quán, càng khiến Lạc Dương Đại Đường như mơ như mộng trong mắt kẻ đang chuếnh choáng men say là Tiêu Duệ.

Không biết tới lúc nào, hắn chợt đi tới một con hẻm tĩnh lặng. Thoáng giật mình, hắn không khỏi cười khổ một tiếng, quay đầu đang định trở về đã thấy cửa chính một tòa nhà bên cạnh mở ra, một lão già đang kêu réo hai người đi ra khỏi cửa. Vừa quay đầu lại, lão già nhìn thấy Tiêu Duệ.

- Tử Trường lão đệ? Đi đâu vậy?

Mạnh Sưởng kinh ngạc hô

- Vì sao đi qua nhà mỗ mà không vào?

Tiêu Duệ cũng ngạc nhiên, quay đầu lại nhìn khuôn mặt vốn phi thường cao ngạo giờ lại tràn ngập thân thiết của Mạnh Sưởng. Hắn mỉm cười:

- A, đây là quý phủ của lão Mạnh? Ta đang đi dạo, tâm như đi vào cõi thần tiên, không ngờ lại tới trước cửa nhà lão, thật sự là xấu hổ xấu hổ.

- Nếu đến đây rồi thì đừng đi nữa,

Mạnh Sưởng và Tiêu Duệ mới gặp mà như đã quen thân. Lão đã mơ hồ coi thiếu niên Tiêu Duệ, một “đồng đạo” hiếm có là tri âm của mình.

- Lão phu mở cửa định đón hai vị quý nhân, vừa lúc Tử Trường lão đệ ở đây, chúng ta cùng nhau gặp mặt một phen, chẳng phải là rất tốt sao?

... ....

... ....

Một chiếc xe ngựa chậm rãi đi đến. Người đầu tiên xuống xe là một nam tử trung niên vẻ mặt phóng đãng, mặc áo đỏ. Càng quái dị chính là, rõ ràng hắn mặc liền bào, bên hông lại cố tình buộc một cái đai ngọc. Nam tử trung niên xuống xong, trên xe lại xuống thêm một thanh niên cao gầy, khoảng 20 tuổi, khuôn mặt mặc dù không quá tuấn tú nhưng mang một khí thế thanh tú tự nhiên.

Mạnh Sưởng tiến về phía trước, vòng tay nói:

- Hai vị quý nhân có thể quang lâm nhà hèn của Mạnh mỗ, quả thực vẻ vang cho Mạnh gia.

Nam tử trung niên mặc áo đỏ cười ha ha, đấm nhẹ cho Mạnh Sưởng một quả:

- Lão Mạnh, cố nhân gặp lại, cái gì quý nhân với cả quý nhân? Chỉ là một tiểu quan, nói cái gì mà vẻ vang thế? Nói những lời này, Quý Minh ta phạt lão hai vò rượu!

Thanh niên bên cạnh cũng chắp tay thi lễ:

- Mạnh lão khách khí rồi. Mạnh lão mặc dù ở xa xôi nhưng tài danh đã lan xa khắp chốn, toàn bộ Lạc Dương đều biết, sao lại tự coi nhẹ bản thân như vậy. Hôm nay theo Quý Minh đến xin Mạnh lão mấy chén Ngọc Hồ Xuân! Làm phiền quá!

Ba người hàn huyên, hoàn toàn không chú ý tới thiếu niên đứng ở phía Mạnh Sưởng đã “vặn vẹo” tới mức sắp biến hình. Nếu cẩn thận nhìn kỹ, có thể thấy rõ trên khuôn mặt trắng trẻo của hắn đang khẽ co giật: Ta ngất, không ngờ lại gặp danh nhân ở đây.

Thảo thánh Trương Húc, lừng lẫy nổi danh đại thư pháp, không chỉ có lừng danh Đại Đường mà còn nổi tiếng cả đời sau. Nghe nói thái độ làm người phóng khoáng không gò bó, rộng rãi hơn người, tài hoa hơn người, học thức uyên bác, thường uống rượu say mèm, liền ăn nói ngông cuồng, sau đó hạ bút thành thơ, thậm chí nhúng tóc vào mực để viết, có danh xưng “Trương điên”. Sau này hậu nhân kế thừa và phát triển bút pháp này, cũng gọi là lối viết thảo, còn gọi là “Điên Trương Túy Tố”

Còn vị Nhan Chân Khanh này không chỉ nổi danh là thư pháp gia, mà còn là một người ái quốc vĩ đại. Ông ta sáng lập ra “thể chữ Nhan”, được xưng là “Khải thư tứ đại gia” cùng với “thể chữ Khải” của Triệu Mạnh Phủ, Liễu Công Quyền, Âu Dương Tuân, cũng được xưng “Nhan cân liễu cốt” cùng với Liễu Công Quyền. Năm Thiên Bảo thứ mười bốn, An Lộc Sơn phát động phản loạn, ông liên lạc với anh họ là Nhan Cảo Khanh khởi binh chống cự, mười bảy quận phụ cận cùng theo, được tôn làm minh chủ hợp binh 20 vạn, khiến An Lộc Sơn không dám vội vàng tấn công Đồng Quan. Năm đầu tiên Đức tông Hưng Nguyên hoài tây Tiết độ sứ Lý Hi Liệt phản loạn, gian tướng Lô Kỷ nhân cơ hội mượn tay Lý Hi Liệt giết hại ông, phái ông đi tới khuyến dụ, bị tay Lý Hi Liệt giết chết. Nghe tin Nhan Chân Khanh bị hại, ba quân tướng sĩ đều khóc rống thất thanh.