Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chương 10



Cả mùa xuân tôi đã ở Luân Đôn, và tổng kết lại, tuy không làm được hết mọi thứ đã định song đấy cũng là một quãng dừng lý thú. Nhưng tuần lại tuần trôi qua và mùa hè gần tới, cảm giác bồn chồn quen thuộc lại trở về. Một phần trong đó là nỗi kinh sợ mơ hồ mình sẽ lại đụng phải bạn cũ hồi đại học nào đó nữa. Mỗi lần tôi dạo quanh Camden Town, hay lục qua những CD đằng nào cũng không đủ tiền mua trong các đại siêu thị khu West End, đã có quá đủ người đến chào tôi, hỏi han tôi thế nào, từ thuở rời ghế nhà trường để “kiếm tìm giàu sang và danh vọng” cho đến bây giờ. Không phải tôi ngượng không dám kể cho họ mình đã trải qua những gì. Chẳng qua là – trừ một số rất ít – không ai trong số họ có khả năng hiểu được, đối với tôi tại thời điểm này, cái gì có thể tính hoặc không tính là vài tháng “thành công”.

Như đã nói, tôi không đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, nhưng đằng nào thì chúng vẫn là các mục tiêu dài hạn. Và mỗi cuộc diễn thử, ngay cả những cuộc tẻ nhạt nhất, đều là một kinh nghiệm quý báu vô chừng. Gần như mỗi lần, tôi đều thu nhặt được điều gì đó, một điều mới mẻ về không khí ở Luân Đôn, nếu không thì cũng về công nghiệp âm nhạc nói chung.

Một số buổi diễn thử mang dáng dấp khá chuyên nghiệp. Anh sẽ thấy mình trong một cái nhà kho, hoặc một khu ga ra cải biên, và có một ông bầu, mà cũng có thể là bạn gái một người trong ban, ghi tên anh, yêu cầu anh đợi, mời anh dùng trà, trong lúc âm thanh từ chỗ ban nhạc, hết dừng rồi lại nổi, thình thình từ bên cạnh đó vọng sang. Nhưng chủ yếu các cuộc diễn thử xảy ra lộn xộn hơn nhiều. Thực tế thì, cứ xem hầu hết các ban nhạc xử lý công việc thế nào, anh sẽ không còn băn khoăn không hiểu tại sao toàn bộ ngành âm nhạc Luân Đôn đang giãy chết. Hết lần này đến lần khác, tôi đã đi qua hàng dãy nhà liên kế quê mùa không tên bên rìa thành phố, đã vác cây ghi ta thùng lên thang gác, đã vào một căn phòng bốc mùi xú khẳn bày đầy nệm giường cùng túi ngủ trên sàn, cùng các nghệ sĩ nói năng lúng búng và hiếm khi nhìn thẳng vào mắt anh. Tôi đã hát và chơi đàn trong lúc họ nhìn tôi mà chẳng lộ vẻ gì, cho đến khi một trong số họ có lẽ sẽ kết thúc bằng câu kiểu như: “Vâng, được rồi. Cám ơn anh, nhưng đây không hẳn là loại nhạc của chúng tôi.”

Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng hầu hết các cậu này đều nhút nhát hoặc hẳn hoi là ngượng ngùng vì chuyện diễn thử, và nếu tôi tán chuyện về những đề tài khác thì họ sẽ thoải mái hơn nhiều. Đấy là lúc tôi nhặt nhạnh được đủ thứ thông tin hữu ích: club nào hay ho, ban nhạc nào đang thiếu ghi ta. Hoặc đôi khi chỉ là gợi ý về một ngón hay cần thử. Đã nói rồi, tôi không tay trắng mà đi bao giờ.

Về tổng thể, người ta khá thích tiếng đàn của tôi, rất nhiều người còn bảo giọng tôi sẽ đáng giá khi vào bè đệm. Nhưng có thể nhanh chóng thấy rằng có hai yếu tố chống lại tôi. Thứ nhất là tôi không có đồ nghề. Rất nhiều ban nhạc cần một người có đủ ghi ta điện, âm li, loa, xe nữa thì càng tốt, sẵn sàng trám ngay vào lịch diễn của họ. Tôi chỉ có hai chân cùng cây ghi ta thùng khá ghẻ lở. Cho nên dù có khoái lối phối nhịp hay giọng hát của tôi đến cỡ nào, họ cũng không có cách nào khác ngoài mời tôi ra cửa. Điều này thì có thể hiểu được.

Trở ngại thứ hai thì khó chấp nhận hơn nhiều – và phải nói hoàn toàn làm tôi chưng hửng. Thực tế là, vấn đề nằm ở chỗ tôi tự sáng tác bài hát. Thật không thể tin nổi. Tôi đến đó, vào một căn hộ bê bối, chơi cho những khuôn mặt vô cảm túm tụm xung quanh, rồi đến khi dứt, sau một khoảng im lặng phải đến mười lăm, ba mươi giây, một người sẽ nghi hoặc hỏi: “Thế bài này là của ai vậy?” Và khi tôi nói là do tôi sáng tác, anh sẽ thấy lưng quay về phía anh. Vai sẽ nhún, đầu sẽ lắc, nụ cười kín đáo chuyển từ người này sang người khác, rồi họ sẽ đọc cho tôi diễn văn từ chối.

Lần thứ một trăm gặp phải chuyện này, tôi mất hết kiên nhẫn liền nói: “Này, tôi không hiểu nổi. Các cậu muốn suốt đời chỉ hát cover hay sao? Và ngay cả nếu các cậu muốn thế đi nữa thì những bài hát đó, các cậu nghĩ xem chúng nó từ đâu đến? Phải, đúng rồi đấy. Đều có người viết ra cả!”

Nhưng người đối thoại chỉ nhìn tôi dửng dưng, và nói: “Nói thì đừng giận, bồ ạ. Chẳng qua là có quá nhiều gã vô tích sự chỉ suốt ngày sáng tác thôi.”

Cái thái độ ngu ngốc này, mà hình như đã lây lan khắp Luân Đôn, là điều chính yếu thuyết phục tôi rằng có gì đó đã hoàn toàn mục ruỗng rồi, không thì ít nhất cũng cực kỳ hời hợt và giả tạo ở đây, ở ngay tầng cơ sở, và không nghi ngờ gì nữa đây là tấm gương phản ánh những gì đang diễn ra trong ngành âm nhạc ở những bậc trên cùng.

Chính cái phát hiện này, cộng thêm chuyện mùa hè đến gần mà tôi đã sắp hết nơi có thể ngủ được, khiến tôi nghĩ rằng dù Luân Đôn có quyến rũ đến đâu – so ra thì thời đại học của tôi khá là ảm đạm – thì rời khỏi thành phố ít lâu cũng là có lợi. Thế nên tôi gọi cho chị gái, Maggie, đang cùng chồng quản lý một quán cà phê trên Malvern Hills, và đấy là lý do vì sao tôi sẽ đến ở cả mùa hè với họ.