Chúng Mình Đều Là Bé Ngoan

Chương 7



Chu Phóng gọi điện rủ Tô Nguyên đến đảo Dương Tự chơi mấy ngày, bạn Chu Phóng có biệt thự ở trên đảo.

Từ chỗ họ ngồi tàu thủy tới đảo Dương Tự mất tầm 45 – 50 phút, một ngày chỉ có hai chuyến ra đảo. Môi trường thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẹn, hơn một nửa hòn đảo là thác nước, sông hồ, bãi biển phân ra thành bãi đá cùng bãi cát. Trên đảo có rất nhiều cảnh đẹp. Nơi này trước đây nghèo xơ xác, chỉ cần chưa già đến mức không thể đi đứng, dân đảo đều chạy ra ngoài bươn chải kiếm sống. Mãi đến khi đảo được khai phá, người giàu có đổ tiền lên đảo mua đất xây nhà, đầu tư, khiến cho kiến trúc nơi đây chọi nhau chan chát, một dãy các biệt thự sang trọng kề bên hàng dài nhà vôi thấp tè. Người giàu thì dùng bữa trong vườn hoa nhà mình, dân bản xứ ăn rau hái từ ruộng họ trồng trong căn phòng đất.

Thang Ninh trước khi xuất phát chạy đi mua một đống kem chống sương chống nắng. Mua cả quần bơi và mũ rơm cho Thang Viên.

“Thang Ninh, em nhớ đem theo mấy bộ quần áo dài cho Thang Viên, nhiệt độ trên đảo ngày nóng đêm lạnh.” Tô Nguyên nhìn Thang Ninh thu xếp nửa ngày trời, túi đồ càng lúc càng vơi. Xem chừng nếu có thể, ngoại trừ kính râm, mũ, kem chống nắng thì cậu chàng lười mang thêm thứ gì khác.

Thang Ninh nghe vậy, liền nhét thêm quần áo của Thang Viên vào túi.



Hôm sau cùng đi còn có bọn Vệ Nam, Kỳ Tịnh, là hội chơi chung từ xưa.

Vệ Nam tính trêu Tô Nguyên, đặc biệt dẫn theo một thiếu niên tầm hai mươi, ánh mắt trong trẻo, cười lên vô cùng ngây thơ vô hại, trên người thoảng hương cỏ xanh.

Tô Nguyên nói: “Vệ Nam, mẹ nó cậu đừng có toan tính linh tinh.”

“Ai toan tính hả? Chẳng phải cậu cũng thích hàng non ư?” VệNamkêu oan, gọi Chu Phóng, “Chu Phóng, cậu vào đây nghe xem ai mới toan tính này.”

Chu Phóng tựa người ở cửa, cười: “Ai cũng không cao tay bằng Tô Nguyên và Thang Ninh. Tôi nói cho các cậu nghe, bọn họ dân lừa đảo hết, đạo đức giả lắm. Chúng ta chớ hiểu lầm quan hệ bọn họ. Bọn họ không sống chung đâu, chỉ là chủ nhà với khách trọ thôi, quan hệ trong sáng cực kỳ. Trừ hôn hít lên giường làm tình, đến nắm tay cũng không nhá.”

Vệ Nam cũng cười: “Chu Phóng, câu này có vấn đề nghiêm trọng nhé, lên giường và làm tình cơ bản là cùng một khái niệm.”

“Cậu có thường thức không hả? Rõ ràng là hai bước chứ.” Chu Phóng phản bác ngay, “Có thể lên giường trước rồi làm tình sau, nhưng không nhất thiết làm tình là phải lên giường.”

Tô Nguyên châm thuốc hút, mở miệng: “Các cậu tám nhảm đủ chưa? Có ai trong các cậu không biết Thang Ninh sao? Chuyện tôi và cậu ta đều bị thêm mắm dặm muối ướp chín từ xưa rồi. Chu Phóng, đây chẳng phải biệt thự của bạn cậu à? Anh ta đâu?”

Chu Phóng còn chưa kịp bắt ý, vô thức đáp: “Anh ta có việc, chiều mới về.”

“Vì chuyện vườn hoa phía nam?”

“Sao cậu biết…” Chu Phóng cả kinh, buột miệng rồi lập tức im bặt. Gã làm vậy chẳng khác nào thừa nhận nhà này là của Dương Minh sao? “Khốn thật, Tô Nguyên…”

Tô Nguyên chỉ điểm: “Tám chuyện thì phải tìm chuyện mới như vầy mà mổ xẻ, khứu giác sau này cần nhạy tin hơn nhé.” Anh cầm bao thuốc trên bàn, xoay người lên lầu hai, tìm thấy Thang Ninh trong phòng ngủ. Thang Viên ngồi thuyền bị say sóng, từ lúc lên đảo vẫn được Thang Ninh bế, bé thò đầu nhìn xung quanh, thấy hiếu kì lắm, nhưng lại không có sức nô đùa, thành thử cảm thấy tủi thân.

Tô Nguyên đứng ở cửa nhìn Thang Viên đứng trên giường, hai tay bám bệ cửa sổ. Từ chỗ này có thể trông thấy bãi biển phía trước, rất nhiều chim biển đang chao liệng ngoài khơi.

“Thang Viên, nằm xuống ngủ đi.” Thang Ninh nạt.

Thang Viên quay sang, dẩu môi, nhìn Thang Ninh một cái, rầu rĩ cúi xuống.

“Thang Gia Viễn.” Thang Ninh sầm mặt.

Thang Viên thấy Thang Ninh cáu lên, ngoan ngoãn chui vào chăn nằm, lộ ra mỗi cái đầu, nhỏ giọng hỏi: “Buổi chiều con ra ngoài chơi được không?”

Thang Ninh gật dầu.

Tô Nguyên không vào, chờ Thang Ninh đi ra, hỏi: “Nó không sao chứ? Trên đảo cũng có bệnh viện.”

“Không sao đâu.” Thang Ninh tiện tay đóng cửa lại, “Nó ngủ một giấc xong dậy lại khỏe re.”

“Câu này nghe kỳ kỳ.” Tô Nguyên cười, lại hỏi, “Em đói không? Dưới lầu có đồ ăn đấy.”

Thang Ninh đáp ngay tắp lự: “Đói, đói sắp chết đi.” Bọn họ đi xuống, đúng lúc gặp cậu thiếu niên cỏ xanh chạy lên. Thang Ninh nhếch miệng, lộ vẻ mặt trêu tức.

“Thang Ninh, em đừng chơi dại.” Tô Nguyên cảnh cáo.

Đám Chu Phóng dưới lầu bày trò chơi, cười đùa ầm ĩ. Kỳ Tịnh vì chữ Tịnh [jing] nằm trong tên, vẫn luôn bị người ta gọi là Kỳ Tiện [jian], khiến Kỳ Tịnh phiền muộn vô cùng.

Hắn kháng nghị: “Các cậu cưỡng gian dân ý.”

Thang Ninh cầm đĩa bánh ngọt, cắn một miếng to, nói: “Kỳ Tịnh, em thực sự rất thông cảm cho anh. Nhưng mà anh đã nghe câu này chưa?”

Kỳ Tịnh tưởng lầm Thang Ninh là quân đồng minh, vội hỏi: “Câu gì?”

“Nếu bị cưỡng gian, phản kháng vô hiệu, không bằng nằm xuống, im lặng hưởng thụ.” Thang Ninh nghiêm trang phán.

Chu Phóng và Vệ Nam cười ngất, Kỳ Tịnh điên tiết, hận không thể lao vào xử lý Thang Ninh. Quay sang nói với Tô Nguyên: “Buổi tối cậu mà không gian nó, ngày mai tự cung đi.”



Ba giờ chiều Dương Minh xuống đến nơi. Anh ta vừa đến, Chu Phóng yên phận hơn nhiều, ngồi ngay ngắn chính tề. Tô Nguyên thầm lắc đầu, Chu Phóng rước lấy Dương Minh, chết chắc. Cũng không biết rốt cuộc Dương Minh nghĩ thế nào.

Đoàn người vừa đặt chân lên cát đã bắt đầu hè nhau quậy tưng. Thang Viên dẫm chân trần trên đụn cát, cúi đầu, giật giật ngón chân, kinh ngạc mở to mắt, nhìn sóng biển tràn qua mu bàn chân rồi lại thoáng chốc rút về. Thang Ninh cầm một con cua con nửa trong suốt đặt lên vành mũ rơm của Thang Viên, làm bé với tay gạt xuống liên tục, Thang Ninh cười ha hả, Thang Viên không biết làm sao, đành quay đầu cầu cứu Tô Nguyên.

“Em con nít hơn cả Thang Viên.” Tô Nguyên đi tới đá đá Thang Ninh.

Thang Ninh nổi hứng, chỉ vào một con cua to hơn, gọi: “Thang Viên, xem này, thêm một con cua nữa.”

Trong tay Thang Viên vẫn còn cua nhỏ ban nãy, trên bờ cát rộng thêm một con to hơn nhiều đang bò ngang, Thang Viên ngồi xổm xuống, vừa khẽ đưa tay sờ, con cua phun bọt biển giương hai cái càng lớn cảnh cáo, Thang Viên bị dọa, vội vàng rụt tay về giấu sau lưng, không dám chọt cua nữa.

Tô Nguyên tới gần bắt con cua: “Thang Ninh, em mang cái chai rỗng lại đây.”

“Miệng chai bé quá, không lọt đâu.” Nhưng con cua thả vào ngon lành, Thang Ninh lấy dao khoét một lỗ nhỏ thông khí.

“Mỏm vách đá bên kia có rất nhiều ốc biển, một số ăn được, một số không.” Tô Nguyên công kênh Thang Viên trên vai, vừa đi vừa nói với Thang Ninh, “Bên trong khe đá có rất nhiều cua, cả vỏ sò nữa. Dân đảo này tin rằng hòn đảo này nổi trên biển, nó trôi đến từ một nơi khác.”

“Anh tin sao?” Thang Ninh cúi xuống nhặt lên một con bò sát là lạ, nhìn mãi không nhận ra, Thang Viên đưa cái chai qua, muốn để Thang Ninh bỏ vào, nhìn kỹ thấy nó xấu xí, bé thu chai lại. Thang Ninh ném lướt nước trả nó về biển.

“Không tin.” Tô Nguyên cười. Nhưng nếu có đứa trẻ nào hỏi, anh cũng sẽ nói đảo Dương Tự là hòn đảo được thổi đến từ một phương trời khác. Người già coi nó như một giá trị cần bảo tồn, trẻ con cảm thấy nó là một truyền thuyết đẹp.

Thang Ninh nói: “Cho nên em mới bảo anh là kiểu người tân cổ giao duyên mà, đôi khi bao thủ hơn cả các cụ.”

“Giờ mới biết anh là cụ à, gọi tên khác dễ nghe hơn đi.”

“Chiếm tiện nghi của em à?” Thang Ninh mỉm cười.

“Loại tiện nghi này anh chưa chiếm được bao giờ.” Tô Nguyên cười ha hả, nói với Thang Viên đang cưỡi trên vai, “Thang Thang, chú tìm cua hòa thượng cho cháu nhé?”

“Dạ.” Thang Viên đồng ý liền. Lại hỏi, “Cua hòa thượng là cua gì ạ?”

“Một loài cua tròn nhỏ. Trơn nhẵn, giống cái đầu láng o của hòa thượng.”

“Đầu trọc ạ?”

“Ừ.” Tô Nguyên trả lời.

Thang Ninh lại nói: “Anh tự nghĩ ra cái tên ấy hả? Gì mà cua hòa thượng.”

Mỏm đá phía trước nhô khỏi mặt biển hơn chục mét, lớp đá xù xì bị sóng biển mài trơn nhẵn. Bên kia là bãi đá, lúc thủy triều rút xuống có thể theo mỏm đá băng qua. Trên các tảng đá bò lổm ngổm những con ốc biển bé bằng hạt gạo, những con lớn hơn là ốc vặn mà Tô Nguyên đã kể, to nhỏ khác nhau, gia công một chút có thể thành một tác phẩm nghệ thuật.

“Có ăn được không?” Quê Thang Ninh không có biển, kiến thức về biển cơ bản ngang với Thang Viên.

Tô Nguyên nhìn một chút, gẩy con ốc tròn dẹt bên cạnh: “Loại này ăn được, thơm ngon. Con kia cũng ăn được, nhưng không ngon bằng loại này.”

Thang Viên ôm cái chai, nói: “Con thích chúng. Con không cần loài ăn được. Con sẽ không ăn nó.”

Thang Ninh ban đầu muốn tìm ốc bám trên đá về ăn, còn khoác lác nói, phải tìm một xô mang về khách sạn nấu, nhưng được một chốc, cậu tuyên bố bỏ cuộc, ốc hương quả thật rất ít, vất vả lắm mới chỉ tìm được hơn mười con, Thang Viên còn không hào hứng với chúng. Mấy con cua vẫn trốn trong những khe đá, có động tĩnh sẽ rúc sâu hơn, Thang Viên thấy một con cua nhỏ màu hồng, Thang Ninh chưa kịp đến bắt, nó đã lủi mất tăm. Thang Viên tìm được rất nhiều ốc vặn trên vách đá gần bờ. Tô Nguyên không biết đang tìm gì, một mình chạy xa xa.

Thang Ninh thở phì phì, mệt mỏi đặt mông xuống cát, liếm môi, mặn chát. Cậu tu hết nửa chai nước, duỗi thẳng cẳng nằm trên bờ, lấy cái mũ rơm của Thang Viên úp lên mặt. Thang Viên chơi một mình chán, quay về ngồi tựa lên Thang Ninh ở bờ cát, dốc hết thành quả đựng trong chai nhựa của mình ra, rồi lại thả vào từng cái một.

Khi Tô Nguyên trở lại, bắt lấy tay Thang Ninh, mở ra, đặt một con cua nhỏ màu trắng hình cầu vào lòng bàn tay cho Thang Viên xem. Thang Viên vươn tay chọc chọc, con cua giật mình, giống như bọ rùa thu hết tám chân về, sau đó lật mình, bộ dạng ngốc nghếch vô cùng. Thang Viên rất thích con cua này, cầm ngay một cái chai rỗng mới thả vào.

Tô Nguyên gạt hạt cát trên mặt Thang Ninh xuống, hôn cậu cuồng nhiệt. Thang Ninh cười, quệt nước bọt dính bên môi, sau đó nói: “Nụ hôn mặn.”

Hai người ngồi chơi trên bờ cát một lúc mới dẫn Thang Viên về. Chu Phóng và Dương Minh dắt nhau đi dạo quanh bãi biển, để lại từng dấu giày trên cát, còn người thì chẳng thấy bóng đâu. Bọn Kỳ Tịnh nhặt được con ốc biển bự, sau khi ba người Tô Nguyên trở về, con ốc biển vào tay Thang Viên, bé cảm ơn một câu, làm Kỳ Tịnh sướng rơn cả buổi.

Tối đến mọi người ăn cơm bên bờ biển, tôm ốc nhìn như bọ xít, Thang Viên ngậm chặt miệng không chịu ăn. Thấy Thang Ninh và Tô Nguyên ăn hết, lúc này bé mới đồng ý hé miệng. Thang Ninh cho mấy con ốc hương nhặt được vào luộc chung, lúc ăn thấy thành tựu lắm.