Chờ Em Đến San Francisco

Chương 5: Một mối hận tình



New york đã lên đèn, nhiệt độ xuống thấp hơn. Hai chị em chúng tôi vào một quán Mc Donald ngồi nghỉ chân. Chị Hương cố nài tôi vào một nhà hàng tử tế hơn nhưng tôi quyết liệt từ chối. Chúng tôi chỉ cần một chỗ ngồi để tiếp tục trò chuyện về một vùng trời thơ ấu của mình. 

Trong số những gia đình cán bộ được phân nhà ở xóm tôi, gia đình chị Hương là dễ thương và thân tình nhất. Những gia đình cán bộ đều là người miền Nam, như gia đình chị Hương. Cũng có người từng đi tập kết ra Bắc, lấy vợ gốc Bắc rồi qua lại miền Nam. Không chỉ được nhà nước cấp nhà, họ còn được nhà nước bố trí công ăn việc làm với những chức danh to tát. Mặc dù làm cán bộ cao cấp, được đi Liên Xô công tác như đi chợ, những cô chú đó hoàn toàn thân thiện với những hộ Sài Gòn gốc như gia đình tôi. 

_ Em còn nhớ thời đó mới bốn giờ chiều là mọi người tan sở làm – Tôi hồi tưởng – Ba chị hay vác đống củi ra đường bổ, chú Hội có cây rìu to tổ bố luôn. 

_ Còn mẹ chị thì lo tắm bầy heo trong bếp, chị cho mấy chục con gà ăn ngoài sân – Chị Hương cười ngất – Hồi đó mấy gia đình cán bộ như nhà chị nuôi heo, nuôi gà để tăng gia sản xuất. Còn những gia đình gốc Sài Gòn trong xóm thì chê tụi chị là dơ bẩn, quê mùa, dám lấy những cái sân, cái bếp thật đẹp và sang trọng để cải tạo lại làm chuồng gà và chuồng heo. Chị cũng mặc cảm với bạn bè trong xóm lắm. Mọi người còn gọi chị là "Hương qua đèo", heo qua đường. Vui gì đâu, hi hi hi... 

Chị Hương lại tiếp tục cười. Tôi chột dạ. Thì ra ngày nhỏ chị không hoàn toàn khờ như tôi tưởng, chị cũng biết quê vì gia đình phải nuôi heo. Thời đó cán bộ cao cấp cũng phải tăng gia sản xuất. Dù sống giữa những căn nhà sang trọng của người Sài Gòn, họ vẫn hốt phân gà và tắm cho heo. 

_ Trời, hồi đó nhà em chịu đựng mùi phân gà ở sân trước, mùi phân heo ở sân sau từ nhà chị bay qua muốn chết – Tôi cũng cười ngất. 

_ Ủa vậy hồi đó mấy gia đình Sài Gòn gốc như nhà em và nhà Bình Bảnh không nuôi gà và nuôi heo thì lấy gì sống hả? – Chị Hương nhíu mày thắc mắc – Hồi đó ai cũng khổ chết cha. 

_ Em nhớ rồi, nhà em thì bán dần dần đồ đạc trong nhà. Bán tủ, giường, bàn, ghế, xa đạp, quần áo cũ, giày dép cũ, sách cũ... - Tôi thở hắt ra – Em nhớ mỗi lần bán món đồ nào cô Út em cũng khóc hết. Tội nghiệp lắm! 

_ Còn gia đình Bình Bảnh làm gì ra tiền? 

_ Em không biết – Tôi ngạc nhiên trước cái giọng rất quan tâm của chị Hương – Em nhớ mẹ ảnh vay mượn tứ tung, nhờ bà con họ mạc mỗi người giúp một chút, mấy người chị của anh cũng đan móc, thêu thùa gì đó. Mấy người anh thì dạy guitar. 

_ Bình đẹp trai em há! – Chị Hương đột ngột thốt lên – Học giỏi nữa. 

_ Lúc nãy chị nói từng gặp lại anh Bình... 

Tôi cũng không kiềm được lòng, hỏi thẳng ra, máu nóng chạy rần rật lên mặt. Chị Hương không mấy quan tâm đến khuôn mặt mắc cỡ đỏ rực của tôi, chị cúi xuống nhìn chăm chú vào một điểm nào đó. Và lần đầu tiên trong đời, tôi chợt nhận ra chị Hương rất đẹp. Có thể vì cùng lớn lên trong một xóm, lại trong thời kỳ áo không đủ ấm cơm không đủ no, nhan sắc của chị chẳng được ai trầm trồ. Cũng có thể vì thời đó chị trông quê mùa, dính với hình ảnh "heo qua đường", không biết làm duyên làm dáng, nhìn chị khá tự ti. 

_ Ừ, chị gặp lại Bình bên Mỹ này nè – Chị Hương vẫn nhìn chăm chú vào một điểm mơ hồ nào đó – Lâu rồi, chắc cũng mười năm hơn rồi. 

_ Ở đâu, New York hả? – tôi háo hức – Trước khi đi Mỹ ảnh có qua tạm biệt nhà em, ảnh nói sẽ ở New York. Em không nhớ là bang New York hay là thành phố New York. Cô Hằng mẹ ảnh có viết thư về cho mẹ em vài lần lúc mới qua, rồi thôi... Lâu quá rồi, gần hai chục năm, mất liên lạc luôn... 

_ Lúc gia đình Bình đi Mỹ chị vẫn còn ở chung xóm ở Tân Định mà – Chị Hương ngước lên nhìn tôi – Bình thân với gia đình em nên còn qua chào. Chứ Bình có thèm tạm biệt chị tiếng nào đâu. Lúc xe hơi đến đón nhà Bình lên phi trường, cả xóm mình đều ra tạm biệt. Chị đứng trên lầu, nhìn xuống thấy cảnh đó. Chị rất muốn chạy xuống, cùng mọi người đến nói những lời chúc tốt đẹp cho cuộc sống mới của Bình. Thậm chí chị còn muốn cùng một vài bạn trong xóm đạp xe ra phi trường tiễn nữa. 

_ Vậy sao chị không làm? – Tôi ngạc nhiên – Em thì mắc đi học, không đi tiễn được, với lại buổi tối trước ngày anh Bình đi, em có... tạm biệt rồi. 

_ Bình có thèm quan tâm gì đến chị mà chị đòi đi tiễn chứ! – Chị Hương liếc tôi – Em khờ thấy sợ! 

Tôi ngớ người. Trong lúc tôi luôn nghĩ chị Hương khờ khạo, chị cũng nghĩ tôi chẳng thông minh gì. Vậy là hồi đó chị thích Bình Bảnh mà không ai biết. Hoặc có biết thì cũng chẳng ai quan tâm. Bình quá bảnh, lại học giỏi, bao nhiêu người thích. Tôi nín thở, không dám hở ra cho chị Hương biết mình cũng thích Bình. 

_ Bình là bạn học cùng lớp với chị, từ lúc học cấp một trường Trần Khánh Dư cho đến khi lên cấp hai trường Văn Lang. Cùng nhau đi bộ đến trường, cùng thầy, cùng bạn, cùng những kỳ thi... - Chị Hương lại nhìn chăm chú vào một nơi xa xăm nào đó – Bình nổi bật bao nhiêu, chị mờ nhạt bấy nhiêu. 

_ Em không nhớ chị và anh Bình cùng tuổi, cùng học chung lớp – Tôi thốt lên – Đúng là em không thấy anh Bình với chị chơi chung, em chưa từng thấy hai người nói chuyện với nhau. 

_ Bình sáng sủa thông minh bao nhiêu thì chị chậm chạp khù khờ bấy nhiêu. Bình đứng nhất lớp, Hương đội sổ - Chị Hương cười phá lên, mắt ướt nhòe – Sao Bình thèm nói chuyện với chị chứ! 

_ Chị nói quá! – Tôi cố an ủi – Con nít đâu có để ý mấy cái chuyện học giỏi hay dở. Chắc tại anh Bình là con trai nên vô tâm thôi. 

_ Rồi chị thi chuyển cấp rớt, không được học cấp ba, còn Bình được đạp xe đi học trường. Rồi Bình lên đại học. Ở cùng một xóm, nhiều lúc chạm mặt nhau ngoài đường, chị gật đầu chào mà Bình còn ngó lơ. Chị giận Bình lắm – Chị Hương khóc nấc – Hận thì đúng hơn... 

Tôi thở hắt ra, không biết phải nói gì. Tôi nhìn những giọt nước mắt tuôn trào và dáng vẻ đau khổ của chị Hương mà lòng đầy thương cảm. Có ai ngờ, bao nhiêu năm đã qua, một người phụ nữ trên bốn mươi, đã có hai đời chồng như chị Hương lại còn nuôi trong lòng nỗi tủi hận một anh bạn hàng xóm thời xa xôi đến như vậy. 

_ Chị mê anh Bình đến mức hận dai vậy hả - Tôi cười giả lả cố làm không khí bớt ngột ngạt – Anh Bình đẹp trai thiệt, nhưng bất quá thì đẹp nhất xóm mình thôi. Chứ bên Mỹ này thiếu gì người đẹp trai. Việc quái gì chị hận chi cho mệt! Mà tại sao hận? Ảnh có quyền không thích chị, chứ nếu ảnh hứa hẹn làm chị hy vọng hay giở trò đồi bại gì với chị thì chị mới hận chứ! 

_ Chị hận vì Bình coi thường chị - Chị Hương chùi nước mắt – Chị hận vì Bình căm ghét lý lịch của chị, vì chị là còn của cán bộ, vì hai gia đình ở hai bờ chiến tuyến.  

_ Sao nặng nề vậy, đem chinhd trị vô đây chi? – Tôi hốt hoảng – Bình tĩnh chị. Anh Bình không phải vậy đâu. Ảnh tồ thấy mồ... 

_ Em khờ lắm! – Chị Hương nói toẹt vào mặt tôi – Ngu thì đúng hơn! Cả xóm mình hồi đó ai cũng nói em ngu si chả biết gì! 

Tôi ngồi im như tượng, thì ra từ hồi đó đến giờ tôi bị xem là ngu mà cứ tưởng mình khôn. Quả thật trong cái đám con nít đó, tôi nhỏ tuổi nhất, ngu ngơ nhất. Nhưng ngu si thì hơi quá! Chị Hương đang trong trạng thái xúc động, thật ra là rất tức giận, tôi nghĩ mình nên khôn ngoan ngồi im đừng nói gì. 

_ Em là đứa con nít, em biết không? – Chị Hương hỏi mà không cần trả lời – Em biết gì chứ! Chị lớn hơn em đến năm tuổi mà. Em tưởng chị ngu hả? 

_ Chị Hương – Tôi cố phản biện – Hồi đó em con nít thiệt, nhưng bây giờ em cũng ba mươi mấy gần bốn mươi tuổi rồi. Còn chị thì lớn hơn em năm tuổi. Hai chị em mình đều không còn con nít nữa. Mình bình tĩnh nói chuyện nhe chị. 

Chị Hương quay lại nhìn tôi. Ánh mắt nửa tức giận nửa dịu dàng, nửa sắc sảo nửa khờ khạo. Trong phút giây bắt gặp ánh mắt đó, tôi thấy gai người, mơ hồ cảm nhận chị có vấn đề về thần kinh hoặc ít ra cũng bị "tửng tửng". Tôi từng này tuổi mà chưa lấy chồng, nhiều lúc cũng tự biết mình "không bình thường". Xem ra nãy giờ hai chị em chúng tôi đang có một cuộc trò chuyện kỳ quặc, nếu người thứ ba nghe được chắc chắn cho là một trong hai người, hoặc cả hai đều có vấn đề về thần kinh. 

_ Bình ám chị bao nhiêu năm qua! – Chị Hương thở hắt – Chị đã đi tư vấn về tâm lý trị liệu để có thể quên được Bình. 

_ Đến mức đó lận hả? – Tôi chau mày – Rồi quên được không? 

_ Sao quên được! – Chị Hương sờ trán – Em có biết hồi đó chị lấy Việt kiều chỉ để được đi Mỹ gặp Bình không? Chị muốn một ngày nào đó gặp lại Bình. Vì chắc chắn gia đình Bình hận những gia đình cán bộ lắm, không chịu quay về Việt Nam chơi đâu... 

Tôi im lặng. Khi tôi được sinh ra, Sài Gòn thật sự vừa trải qua một thay đổi lớn kéo theo bao nhiêu biến cố của mọi gia đình. Tôi hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên sống một cuộc sống đầy khó khăn và thiếu thốn. Tôi không có sự so sánh. Trong đầu tôi không có khái niệm phe thua cuộc hay phe thắng cuộc, tôi hoàn toàn không ý thức được những người hàng xóm đến từ hai chiến tuyến như gia đình Bình và gia đình chị Hương sẽ nhìn nhau thế nào. Có thể với cái nhìn của tôi, ba mẹ chị Hương thật thân thiện và bình dị. Nhưng với cái nhìn từ gia đình gốc sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa của Bình, những người hàng xóm cán bộ đó chính là kẻ thù. 

Chị Hương đều giọng kể, Bình bị anh chị trong nhà và cả ba mẹ của mình gieo vào đầu những ác cảm dành cho cán bộ. Ngày 30 Tháng Tư ba mẹ chị hạnh phúc bao nhiêu thì đó là ngày bất hạnh nhất của gia đình Bình. Tôi chợt nhớ năm tôi mười tuổi, Sài Gòn kỷ niệm lễ 30 Tháng Tư rất long trọng. Con nít xóm tôi được các chị phụ trách Đội bắt đi sinh hoạt khu phố mỗi tối. Chúng tôi ra rả tập hát bài "Thành phố mười mùa hoa". Đó là bài hát "hit" thời đó. Mấy anh chị em của Bình cự tuyệt tham gia văn nghệ vì bài nào cũng ca ngợi Đảng và Bác Hồ hết. Tình hình trở nên "nóng" nhất là vào đúng ngày 30 Tháng Tư, cả xóm ai cũng treo cờ căng thì nhà Bình treo cờ rũ. Bác tổ trưởng tổ dân phố là một cán bộ về hưu, bác đã kiểm điểm phê bình gia đình Bình trong cuộc họp tổ dân phố rất gay gắt. Mẹ tôi đi họp về mặt xanh lè, kể đứt hơi lời mẹ Bình phát biểu "Ngày ba mươi tháng tư đối với mấy người là ngày vui, thì với gia đình tôi là ngày tang tóc. Anh trai tôi bị bắn chết, chồng tôi bị bắt đi học tập cải tạo, gia đình tôi bị bắt đi kinh tế mới, khổ sở thiếu điều tự tử. Mấy người có quyền vui, mấy người ca hát, mấy người treo cờ chiến thắng. Tôi đau khổ, tôi có quyền khóc, tôi treo cờ tang". Mẹ tôi lè lưỡi sợ hãi thì thầm "Chị Hằng chỉ gan quá". 

_ Hồi đó em nhỏ quá, không ý thức được là hàng xóm với nhau vẫn còn hận nhau vì từng khác chiến tuyến – Tôi thở hắc ra – Nhưng em vẫn còn nhớ mẹ anh Bình quyết liệt với những nội quy của phường khóm và tỏ thái độ chống đối ra mặt. 

_ Có thể Bình cũng chỉ là một đứa con nít, chẳng ý thức gì về chính trị - Chị Hương chống cằm tư lự - Nhưng Bình cũng nhận ra trước Giải phóng thì ăn trắng mặt trơn, đi học bằng xe hơi có tài xế riêng đưa đón, gia đình giàu có, ba mình thì quyền lực. Sau Giải phóng mọi thứ trong cuộc đời họ sụp đổ. Bình trở thành một đứa con nhà nghèo. Bình sống trong túng thiếu và được gia đình dạy phải căm thù. Làm sao Bình có thể thích một đứa con gái như chị? Mà chị thì có lỗi gì đâu, ba mẹ chị có lỗi gì đâu. Em thấy đó, lúc cả nước đều khổ, nhà Bình ăn bo bo thì nhà chị cũng bo bo. Nhà Bình xếp hàng đi mua gạo mốc toàn bông cỏ, thì nhà chị cũng phải ăn cơm mốc trộn bông cỏ. Ghét chị vậy thật bất công! 

_ Vậy thì mắc gì chị thích ảnh? – Tôi buột miệng – Hai gia đình đã không thể thân thiện, chị chưa từng vô nhà ảnh chơi, ảnh chưa từng cho chị mượn tập dù học chung lớp. Vậy chị thích ảnh làm gì? Không lẽ chỉ vì ảnh đẹp trai và học giỏi? 

_ Cái mối tình đơn phương thời con nít đó... - Chị Hương vân vê tóc – Chị ước mình có thể quên. Chị tốn biết bao nhiêu tiền đi tâm lý trị liệu cũng vô ích. Họ nói vì chị mang mặc cảm nặng nề quá. Chứ nếu chỉ là tình yêu thuần túy, chị đã có thể quên lâu rồi. 

_ Rồi chị nói đã từng gặp lại Bình ở Mỹ - Tôi nôn nóng nhắc - Ở đâu? Khi nào? Hai người đã nói gì? 

_ Chả nói gì hết! – Chị Hương nhắm mắt lại mệt mỏi – Thà là đừng gặp lại còn hơn, vậy mà trong suốt bao nhiêu năm, chị cứ tưởng tượng trong đầu cảnh gặp lại... 

Tôi cắn môi, thấy rõ là chị Hương buồn thê thảm. Tôi cũng luôn tưởng tượng nếu mình gặp lại Bình thì sao. Tôi hy vọng anh vẫn còn nhớ mặt tôi và chúng tôi sẽ chạy lại với nhau xúc động nghẹn ngào. Rồi chúng tôi sẽ nhắc chuyện ngày xưa, chuyện xóm nhỏ của chúng tôi, con đường Trần Quý Khoách, trường học Văn Lang, rạp Văn Hoa, những con rệp, Alain Đờ-Lông và Alain Đờ-Không-Lông,,, 

_ Lần đó chị đi chơi thác Niagara với mấy người bạn gái – Chị Hương đều giọng kể - Chị lên tàu để được chở ra lòng thác, xem thác nước hùng vĩ đổ ụp xuống thuyền. Chợt chị nhìn thấy Bình, chính là Bình, đang cười nói với một nhóm người. Họ nói chuyện bằng tiếng Việt và tất cả là người Việt. Họ lên tàu sau chị một chút. Chị định thần rồi chen dòng người, trở ngược về phía Bình. Thế rồi Bình chợt nhìn thấy chị. Cả hai nhìn thẳng vào mắt nhau trong một khoảnh khắc nào đó. Chị mỉm cười, Bình cũng mỉm cười. Chị gật đầu chào, Bình cũng gật đầu lại. Chị tiến đến gần hơn, rất gần, gần đến mức chị có thể nói "Bình cũng đi thác Niagara hả?" hay một câu gì đó để bắt đầu cho một cuộc hội ngộ. Thế rồi đột nhiên Bình xoay ngang người, bỏ đi, kéo theo nhóm bạn của mình. Họ chen lên tầng trên. 

_ Rồi sao nữa? – Tôi nóng ruột trước giọng kể lề mề của chị - Tóm lại đi, là sao? 

_ Chị định thần lại rồi cũng theo họ chen lên tầng trên – Chị Hương thở một hơi thật dài rồi kể tiếp – Chị chen đến sát trước mặt Bình. Bình lại nhìn thẳng vào mắt chị một lần nữa. Rồi lại mỉm cười, rồi lại một cái gật đầu nhẹ như chào. 

_ Chào hoài vậy, sao không ai nói gì đi? – Tôi bắt đầu khó chịu – Chị thần kinh hay sao đó! 

_ Chị có kịp nói gì đâu – Chị Hương cũng lớn giọng nạt lại tôi – Bình lại xoay người chen ra lan can tàu và từ giây phút đó Bình chỉ chăm chú ngắm con thác Niagara hùng vĩ thôi. Chị đứng sau lưng Bình, nhìn ngắm cái dáng người cao ráo đến ngạo mạn đó suốt hai mươi phút tàu chạy xuống lòng thác. Bụi nước tung mù mịt vào mặt chị, xung quanh mọi người trầm trồ và phấn khích. Chị chết đứng ở đó, cứ nhìn chăm chăm vào phía sau lưng Bình. Lẽ nào Bình không nhận ra chị? Lẽ nào Bình đã nhận ra mà tiếc gì không cất lên một lời chào hỏi? Lẽ nào Bình không thể chào vì chẳng nhớ nổi tên người bạn hàng xóm cũ? 

_ Tóm lại là sao? – Tôi đứng dậy lấy túi – Trễ rồi chắc em quay lại khách sạn đây. Mai em còn đi sớm. 

_ Tóm lại là thế đó! – Chị Hương cũng đứng dậy – Tàu cập bến, mọi người chen nhau xuống tàu. Chị vẫn đi theo Bình tần ngần. Nhưng Bình không quay lại nhìn chị lấy một lần nào nữa dù chắc chắn Bình vẫn ý thức được chị đang đi kế bên. Những người bạn của chị sau đó nói rằng họ quan sát thấy Bình nhìn chị bằng một ánh mắt chứng tỏ Bình biết chị là ai. Bình ngạo mạn và khinh thường chị đến thế là cùng.  

Tôi ngồi phịch trở xuống chiếc ghế mình vừa đứng lên. Sẽ ra sao nếu tình cờ gặp lại nhau, Bình cũng đối xử với tôi như với chị Hương?