Chờ Em Đến San Francisco

Chương 2: Bay đêm nửa vòng trái đất



Trong nhịp sống hối hả hàng ngày ở Sài Gòn, tôi ít có thời giờ ngồi tĩnh lặng một mình. Thế nên mỗi khi đi xa bằng máy bay, tôi thích tận dụng thời gian ngồi chờ ở sân bay để quan sát và suy tư một chút. Còn vài phút nữa hành khách sẽ lên chuyến bay Sài Gòn – Seoul của hãng Korean Air. Chắc có hơn phân nửa số hành khách sẽ tiếp nối chuyến từ Hàn Quốc bay sang Mỹ. Phòng chờ càng lúc càng đông, đa số là Việt kiều về thăm quê hương giờ quay lại Mỹ, lác đác vài doanh nhân người phương Tây với laptop đặt trên đùi, một số cặp vợ chồng Hàn Quốc – Việt Nam đang dỗ con. 

Tôi thích quan sát mọi người ở phi trường, tưởng tượng họ là ai, vì sao họ đáp chuyến bay này, họ rời Việt Nam với tâm trạng gì, đích đến của họ có ai đón chờ không, đây là một chuyến đi với lý do bình thường như du lịch hay sẽ là một chuyến đi thay đổi cuộc đời? Có ai cố giấu những giọt nước mắt, có ai đang hân hoan với viễn cảnh xán lạn ở vùng đất mới bên kia? 

Mỗi lần ở sân bay, tôi lại bồi hồi nhớ đến người thân của mình xuất cảnh hồi những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời đó phi trường lúc nào cũng đầy nước mắt đưa tiễn. Người đi không nghĩ mình có ngày quay về nước, người tiễn coi như sẽ không bao giờ gặp lại thân nhân. Đã đi, là bỏ lại tất cả sau lưng và sẽ không quay về. Tôi từng rất sợ phải đưa tiễn ai đó đi xuất cảnh, sẽ phải nhìn mọi người ôm nhau khóc lóc vĩnh biệt, sẽ phải đau khổ vô vọng biết bao. Nhưng hầu như toi không thể trốn thoát những cuộc chia tay ngoài phi trường, từ những người vô cùng thân thiết như ông bà nội, cô chú, cậu dì ruột cho đến bạn bè hay những gia đình hàng xóm. "Đến để đưa tiễn lần cuối", đó là lý do duy nhất mọi người phải chịu đựng cảnh nước mắt chia tay. Thời đó phi trường Tân Sơn Nhất luôn quá tải vì lượng người đi tiễn đông gấp mười mấy lần số người ra đi. Ví như có lần cô giáo chủ nhiệm hồi tôi học lớp Bảy đi xuất cảnh sang Canada. Cả lớp tôi bốn mươi lăm đứa cộng thêm phụ huynh đi kèm bao quanh cô khóc lóc. Hiếm có ai lên đường lẻ loi một mình, thường người đi xa có cả họ mạc, bạn bè, hàng xóm vây quanh. Nhìn cảnh biệt ly khóc lóc thảm thiết, tôi nghĩ thật giống một đám ma dành cho người sống. "Cô đó đi rồi, bạn ấy đi rồi, chị ấy đi rồi..." 

Đi rồi, nghe ngậm ngùi làm sao. 

Gần ba mươi năm qua. Phi trường Tân Sơn Nhất giờ hoan hỷ hơn xưa. Hầu như ai được xuất ngoại cũng hân hoan cả, dù đi du lịch ngắn ngày hay sẽ định cư vĩnh viễn, không ai nghĩ rằng mình không còn cơ hội quay lại quê hương. Những lời hứa hẹn nhanh thì một vài tháng, chậm cũng không quá ba năm. Tôi ngồi đây nhìn những Việt kiều về thăm quê hương sắp quay lại Mỹ, hành lý xách tay của họ căng phồng quà Việt Nam. 

_ Con đi công tác hả? – Một dì đứng tuổi ngồi kế bên tôi bắt chuyện – Đi có mình ên? 

_ Dạ đi hội thảo – Tôi cười, nhái giọng miền Tây chân chất – Dì cũng đi mình ên? 

_ Không, đi với ông kia – Dì Việt kiều chỉ tay về phía một người đàn ông nhút nhát ngồi xéo góc – Dì thứ Bảy, quê Đồng Tháp, qua Mỹ ở với vợ chồng thằng con trai sáu năm nay rồi. Còn ổng là ba của một thằng hàng xóm ở gần nhà dì bên Mỹ. Ổng qua thăm con trai, ổng đi lần đầu tiên. Con ổng thấy dì về nên sẵn tiện nhờ dì dắt ổng qua dùm cho ổng đỡ sợ. Mà dì đâu có biết tiếng Mỹ, dắt ổng theo cũng vậy thôi. Có điều dì đi tới đi lui được vài lần rồi, dù gì cũng có kinh nghiệm. Mà con coi, lần nào đi dì cũng sợ. Dì dắt ổng đi, trời, giống thằng chột dắt thằng đui... 

_ Có gì mà sợ dì – Tôi phì cười – Sao dì không đăng kí ngồi xe lăn cho tụi hàng không đẩy đi, khỏi sợ lạc gì hết. 

_ Đâu được! – Dì Bảy phản ứng – Mình còn mạnh, ngồi xe lăn bắt người ta đẩy coi sao được. Dì có đeo giấy tờ trong cổ rồi nè, có viết sẵn câu tiếng Mỹ biểu "Hãy giúp tôi", chắc không sao đâu hé! 

_ Con cũng đi Mỹ lần đầu, cũng run lắm – Tôi bật cười – Chắc không sao đâu hé! 

_ Con giỏi mà, đi công tác, đi hội thảo, tiếng Mỹ nói rót rót thì có gì mà sợ. Có gì hai dì cháu mình đi chung, dắt theo ông già kia nữa chứ, quên – Dì Bảy níu chặt tay tôi – Có lạc cùng lạc. 

Dì Bảy không "đeo" tôi được lâu, khi lên máy bay chúng tôi bị ngồi khác chỗ. Dù có ý xin đổi chỗ để ngồi chung nhưng cuối cùng phiền phức quá, chúng tôi đành tách nhau. Tôi hứa lúc xuống máy bay sẽ chờ dì đi chung, dì mới yên tâm. Hứa rồi tôi mới thấy mình bậy, qua đến Seoul tôi sẽ lấy tiếp máy bay đi New York, còn dì Bảy thì đến Los Angeles. 

Chuyến bay dài bốn tiếng đồng hồ mà tôi lại không ngủ được. Lúc cất cánh là 11 giờ rưỡi khuya, đúng giờ đi ngủ thông thường. Mỗi khi đi máy bay chuyến dài, tôi hay bị đảo lộn đồng hồ sinh học. Tôi mở phim lên xem thì không hiểu nội dung. Phim không có phụ đề, coi hoàn toàn bằng tiếng Anh nghe không kịp. Tôi lướt hết phim này sang phim khác, không phim nào xem cho trọn. Khi tôi nói với dì Bảy mình cũng run vì đi Mỹ lần đầu là tôi nói thật. Dì tưởng tôi có thể nói tiếng Anh rót rót nhưng tôi tự biết mình là ai. Cái hội nghị bên Chicago mà tôi phải dự là một cục đá tảng đang nằm đè trên tim. Tôi bị chỉ định phải phát biểu về tình hình "dược cảnh giác" của công ty chi nhánh Việt Nam. 

Mấy cô tiếp viên hãng Korean Air cực kỳ tận tụy. Họ đi tới đi lui, tay cầm khay có nước cam, nhìn len lén xem có khách nào muốn uống. Họ cứ thay phiên nhau đi như thế suốt đêm, trên đầu đội cái nón hình chiếc nơ quá khổ, dưới cổ còn bị siết một cái khăn hình con bướm. Cuộc đời thật kỳ lạ, tôi từng ao ước được làm tiếp viên hàng không để được đi khắp nơi trên thế giới. Thế mà giờ đi công tác, nằm khềnh cho người ta phục vụ tận răng lại thấy cái nghề tiếp viên trên máy bay xuyên lục địa vất vả biết bao. Bay đêm. Tôi bật cưới nhớ tựa cuốn sách của Saint-Exupery "Vol de Nuit". Bay đêm tận dụng được thời gian, nhưng trong lòng lại thắc thỏm kỳ lạ. 

Tôi đứng lên đi xuống chỗ dì Bảy và người bạn đường của dì. Hai ông bà già đang ngoẹo đầu vào nhau gà gật. Cả hai trong nhọc nhằn, dáng ngủ co ro, khúm núm thật tội nghiệp. Nhiệt độ trong máy bay khá thấp, chắc hai ông bà già lạnh lắm mà vì không biết nói tiếng Anh nên không biết cách xin mền đắp. Tôi ra dấu nhờ cô tiếp viên đem mền đến phủ cho họ rồi trở về chỗ mình. 

Bên cạnh tôi là một doanh nhân người Mỹ, tôi đã liếc qua cái passport của ông lúc mới lên máy bay. Ông chỉ nhắm mắt ngủ một tí rồi ngồi thẳng dậy mở laptop làm việc liên tục. Tôi và ông chưa nói với nhau câu nào, không ai muốn làm phiền ai. Chẳng có việc gì làm, tôi liếc trộm qua máy tính, thấy ông đang trả lời e-mail trong hộp thư offline. Đây là một sếp lớn, ông viết e-mail cho nhân viên với đủ mọi vấn đề cần giải quyết trong công ty, giọng điệu của ông thân mật nhưng rất kiên quyết. Tôi đọc miệt mài bao nhiêu là vấn đề trong công ty ông, nào là thay đổi bố trí phòng họp, tổ chức gặp gỡ các nhà cung ứng, xét thưởng theo kế hoạch vào giữa năm cho nhân viên giỏi, thúc đẩy mạnh hơn doanh thu bán hàng... 

_ Cô đang đọc trộm tôi phải không? – Ông người Mỹ đột nhiên lên tiếng, mắt vẫn đang nhìn vào màn hình – Cô không ngủ được hả? 

_ Sao? – Tôi giật mình – Ông đang nói chuyện với tôi? 

_ Đương nhiên. Bên trái tôi là lối đi, không có người ngồi cạnh. Bên phải tôi chính là cô. 

_ Tôi không cố ý đọc trộm – Biết chối cũng không được, tôi nhận luôn – Chỉ là tình cờ liếc qua thấy thôi, tại ông zoom màn hình cho chữ to lên nên dễ đọc. Tôi thắc mắc nãy giờ, ông làm tới chức Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc mà lại đi máy bay hạng Economy? 

_ Cô đi công tác mà cũng không được công ty cho đi hạng Business, công ty cô là một trong những Tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới mà – Tay vẫn bấm bàn phím lách tách, ông người Mỹ đều giọng đáp trả - Công ty cô lẽ ra phải có chính sách cho nhân viên đi công tác bằng máy bay kéo dài hơn sáu tiếng thì mặc nhiên là ngồi hạng Business chứ! 

_ Sao ông biết tôi làm công ty dược – Tôi ngạc nhiên – Tôi đâu có làm việc trên laptop mà ông nhìn trộm được thông tin chứ! 

_ Tôi thấy cái logo của tập đoàn KSA trên ba-lô của cô, tôi cũng để hành lý trên cùng csbine mà – Ông Mỹ bắt chước cách tôi nói tiếng Anh giọng Việt – Chỉ là tình cờ liếc qua thấy thôi. Ba-lô cô còn ló ra xấp giấy ghi lịch hội nghị toàn cầu của tập đoàn KSA ở Chicago. Cô là bác sĩ hay dược sĩ? 

Tôi bật cười, thấy ông bắt chước giọng tôi giống quá. Tôi cúi xuống chân lấy giỏ xách tay lên, lục tìm danh thiếp đưa ông nhưng mãi không thấy. 

_ Gọi tôi là John – Ông Mỹ mất kiên nhẫn móc túi áo lấy danh thiếp mình đưa trước – Cô không có phong cách của doanh nhân lắm. Chắc bình thường cô làm việc trong phòng thí nghiệm với chuột bạch thôi? 

_ Đúng rồi! – Tôi nói bừa – Gọi tôi là An, tôi là bác sĩ nhưng không có kinh nghiệm lâm sàng mà làm việc trong công ty dược, tiếng Anh tôi không tốt lắm vì chẳng có cơ hội thực tập, thường tôi chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh với chuột bạch nên phát âm còn hạn chế. 

_ Hân hạnh được biết cô – John xoay người qua giơ tay bắt để lộ dưới ánh đèn mờ của máy bay một gương mặt trẻ hơn tôi nghĩ – Cô cứ tranh thủ thực tập tiếng Anh với tôi trước khi dự hội nghị ở Chicago, tôi tạm làm chuột thí nghiệm của cô vậy. 

_ Công ty anh thuộc lĩnh vực gì? – Tôi bắt đầu khai thác thông tin – Sao anh phải sang đến Việt Nam? 

_ Cô đã liếc trộm các e-mail tôi viết, bao nhiêu bí mật kinh doanh của tôi bị cô đọc được, giờ cô còn vờ vĩnh à? Cô đọc chăm chú đến mức tôi sợ mình viết sai chính tả luôn. 

_ Đã nói tiếng Anh của tôi không tốt mà – Tôi bật cười – Tôi đọc chăm chú vậy chứ không hiểu gì hết! 

Từ lúc quen với John, chuyến bay của tôi ngắn lại đáng kể. John không nói tuổi của mình nhưng tôi nhẩm ra anh bốn mươi ba vì anh cho biết năm 1972 lúc mẹ anh đang mang thai, ba mẹ anh rời Sài Gòn về Mỹ. Hai người cưới nhau ở Sài Gòn và về nước khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Ba John từng phục vụ trong quân đội Mỹ ở miền Nam – Việt Nam. Mẹ anh là người Việt, gốc Mỹ Tho. Sau John còn một đứa em trai nữa trước khi ba mẹ anh li dị. Vẻ bề ngoài của John không cho thấy anh mang hai dòng máu, tôi không tìm thấy một dáng vẻ nào của người Việt. Mẹ John hiện sống ở Sài Gòn nên lần này anh sang Việt Nam là để thăm mẹ chứ công ty anh không có bất kỳ hoạt động nào ở đây. 

Tôi quen biết nhiều với người châu Âu và thường đi công tác ở châu Âu nhưng đây là lần đầu tôi tiếp xúc với một người Mỹ. Bạn bè châu Âu của tôi hay tỏ vẻ khinh thường khi nhắc đến người Mỹ. Họ nói người Mỹ không lịch sự, thô kệch, không được trang bị nhiều về văn hóa hay nói đơn giản hơn là... thiếu văn hóa hay vô văn hóa. John không bộc lộ mình theo cách đó, hẳn anh thuộc tầng lớp doanh nhân, là quản trị doanh nghiệp, anh chắc chắn tiếp xúc nhiều với đủ mọi loại người và có trải nghiệm phong phú. Điều dễ thấy nhất ở John là cách nói chuyện vừa hài hước vừa hơi quá thân mật cho mototj cuộc trò chuyện giữa hai người khách ngồi cùng chuyến bay. 

_Cô có bà con thân thuộc sống ở Mỹ không? – John hỏi – Hình như người Sài Gòn nào cũng có người quen ở Mỹ thì phải? Sau 1975, có rất nhiều người là thuyền nhân đi vượt biên. 

_ Gia đình tôi cũng có nhiều người là thuyền nhân – Tôi chợt thấy máu mình đang đông cứng lại – Tôi có một người cô ruột đi vượt biên mất tích, mấy chục năm nay rồi. Tôi không có bà con thân thuộc ở Mỹ. 

_ Vậy cô sang Mỹ lần này chỉ dự hội nghị rồi về? Không có thân nhân để thăm sao? 

_ Tôi cũng tranh thủ đi chơi một chút chứ. Giờ anh là người thân duy nhất của tôi ở Mỹ - Tôi nửa đùa nửa thật – Nếu anh muốn, tôi sẽ đến thăm anh. Theo như danh thiếp thì anh ở Chicago? 

_ Sao? – John ngạc nhiên – Thăm tôi? – Cô đùa chắc? 

_ Tôi làm anh sợ hãi dữ vậy sao? – Tôi nghe giọng mình khá phật ý – Đúng là tôi đùa. Tôi đâu biết anh là loại người gì mà đến thăm chứ! Nếu anh đã có vợ, vợ anh băm tôi ra. Nếu anh sống một mình, anh cũng có thể thịt tôi mất. 

John bật cười to đến mức những hành khách ở hàng ghế trên quay xuống tò mò nhìn. Tôi không thấy có gì vui và bắt đầu thấy những lời nhận xét tiêu cực của bạn bè châu Âu dành cho người Mỹ là đúng. Tôi quay mặt sang một bên giả bộ ngủ. Bên phải tôi là một thanh niên Hàn Quốc từ lúc máy bay vừa cất cánh đã ngủ vùi cho đến giờ. 

Các cô tiếp viên đang chuẩn bị cho chuyến bay sắp đáp xuống Seoul. Mọi người lục tục thức dậy, chuẩn bị ăn bữa cuối trước khi chuyến bay kết thúc. Tôi bắt đầu thấy mệt và thực sự muốn ngủ nhưng phải ngồi gà gật ăn suất của mình. John đang huyên thuyên nói gì đó về thời tiết hiện tại ở các tiểu bang của Mỹ. Mùa xuân rồi, đây là thời điểm tuyệt đẹp nhất để thăm thú khắp nơi. 

Tôi bước chân xuống phi trường Incheon lúc sáu giờ rưỡi sáng, mắt díp lại vì buồn ngủ. Hàn Quốc đi trước Việt Nam hai tiếng nên dù chuyến bay chỉ kéo dài bốn tiếng, khi nhìn vào đồng hồ ở sân bay tôi vẫn có cảm giác mình trải qua một đêm dài đến sáu tiếng không ngủ. Dì Bảy và người bạn đường của dì đi theo tôi tò tò. Tôi trấn an hai ông bà già mình sẽ dắt họ qua tận cổng lên máy bay đến Los Angeles. Sau đó, tôi sẽ tìm đến cổng của chuyến bay sang New York sau. 

_ Cô không bay thẳng đến Chicago sao? – John ngạc nhiên – Tôi tưởng chúng ta lại cùng ngồi chung máy bay đi tiếp đến đó! 

_ Tôi đi New York rồi ghé một số bang bên bờ Đông chơi một vài ngày trước khi đến Chicago dự hội nghị của tập đoàn – Tôi cũng ngạc nhiên trước vẻ thất vọng của John – Anh quyến luyến tôi dữ vậy sao? 

_ Tôi chưa từng gặp phụ nữ Việt Nam nào mà thẳng tính như cô – John lại ngạc nhiên – Đúng, tôi rất tiếc không làm bạn đồng hành cùng cô bay tiếp đến Chicago. Trò chuyện với cô rất thú vị. 

_ Vậy thì chúng ta chia tay ở đây thôi – Tôi chìa tay ra bắt – Rất vui được biết anh, nhưng chẳng bao giờ chúng ta gặp lại nhau nữa thì phải. Dù sao cũng rất vui. 

_ Hôm nào cô mới đến Chicago? – John lộ rõ thái độ muốn gặp lại – Tôi có thể dắt cô tham quan thành phố sau khi cô dự hội nghị xong. 

_ Dự hội nghị xong là tôi về Việt Nam luôn – Tôi chợt thấy xúc động trước vẻ quyến luyến của người bạn Mỹ nên liếc vào tờ vé điện tử của mình đọc to lên – Tôi sẽ đi máy bay của hãng United Airlines từ Boston đến Chicago vào tối ngày năm tháng năm, tôi đến nơi lúc bảy giờ mười ba phút tối. Tôi sẽ có nửa ngày rảnh rỗi trước khi dự hội nghị vào sáng này sáu tháng năm. Nếu tối đó anh rảnh dắt tôi đi chơi Chicago thì tuyệt... 

_ Ồ không – John thất vọng kêu lên- Thời gian đó tôi di công tác rồi, không có ở Chicago. 

_ Vậy thì... - Tôi chìa tay ra, thất vọng ít nhiều – Chúng ra chia tay nhau ở đây. 

Tôi đưa dì Bảy và bạn đồng hành của dì đến cổng đi Los Angeles. Dì dúi vào tay tôi địa chỉ nhà ở Orange County, California, hào sảng nói nếu trong thời gian tôi ở Mỹ có gặp khó khăn gì cứ gọi điện, con cái của dì sẽ đến giúp. Tôi chỉ ở loanh quanh các tiểu bang phía bờ Đông, còn Orange County ở bờ Tây. Dì Bảy hoàn toàn mù tịt về mặt đia lý ở Mỹ. Hai bờ Đông-Tây cách nhau tròm trèm ba ngàn cây số, bay tốn đến sáu tiếng đồng hồ, nước Mỹ rộng tương đương châu Âu. Tôi gật đầu cảm ơn hai ông bà già hồn hậu rồi lật đật quay lại cổng lên máy bay của mình. 

Phi trường Incheon dài thậm thượt, các shop bán nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ nằm dọc theo hành lang chính rất quyến rũ nhưng chân tôi như đeo đá, mắt tôi nặng như chì. Tôi chỉ muốn tìm chỗ nào ngả lưng ngủ một giấc. Tìm ra cổng chờ chuyến đi New York xong tôi phát hiện đến mười giờ hai mươi mới bay. Tôi gối đầu lên ba-lô, quyết tâm phải ngủ trước khi bị hạ huyết áp. 

Trong cơn mê ngủ mơ màng, tôi thấy lại gương mặt thân quen của một cô gái trẻ. Gương mặt đã ám ảnh những giấc mơ của tôi suốt bao nhiêu năm qua. Tôi luôn muốn quên cô đi, quên hẳn. Tận sâu trong tiềm thức, cô cứ tồn tại trong những giấc ngủ chập chờn. 

Và tôi mơ thấy một gương mặt khác của một người con trai, người này thì tôi không muốn quên tí nào.