Cát Bụi Giang Hồ

Chương 4: Người đàn bà phi thường



Nếu ai đã gặp Vương đại nương cũng đều nhận thấy được bà ta là người đàn bà phi thường.

Nếu ai đã nói Mai thư là con người thanh nhã, xuất sắc, thì khi gặp Vương đại nương rồi chắc chắn sẽ rút lời khen không dám nói ra.

Bởi vì chắc chắn trên đời này không có đủ lời lẽ để hình dung cái phong độ và khí chất của vị nữ chủ nhân này.

Không, không có từng chữ nào để hình dung, “mỹ từ pháp” của những nhà thơ là phong phú nhất, nhưng cũng chịu thua luôn.

Họ sẽ không làm thơ nữa, khi họ gặp Vương đại nương, đành phải trở lại lời lẽ bình thường, hết sức bình thường, họ chỉ biết chép miệng: “Đẹp, đẹp quá!”

Không có cách nào nói hơn được nữa.

Đi trên sông gặp cơn sóng nhỏ, trời mây quang đảng, người ta còn có thể nghiền ngẫm để đẻ ra những tiếng “gợn sóng lăn tăn”, “mặt nước nhấp nhô”, “như đám mạ non dưới con gió nhẹ”, “những cuộn bông trắng xóa”... nhưng nếu gặp cơn bão tố đen kịt thì thi bà cũng chịu thua.

Người gặp Vương đại nương cũng giống như chiếc thuyền gặp phong ba.

Bất cứ ai, khi ăn, đều không muốn có người nhìn.

Vì dáng cách, dáng cách khi ăn, chẳng những kém đẹp, mà lại rất khó coi.

Nhất là đàn bà con gái, khi họ ăn, nếu có người đứng gần, họ không còn giữ được vẻ tự nhiên.

Nhưng Vương đại nương thì không thế.

Bất luận lúc bà ta đang làm một cái gì, một cử động của bà ta đẹp không thể tả.

Cái khó coi của con người, sau cái ăn là... đại tiện. Chỉ tiếc một điều là không có ai nhìn thấy lúc bà ta làm công việc đó, nhưng người ta nghĩ cũng vẫn đẹp như thường.

Bà ta ăn không ít, có lẽ bà ta đã nhận được cái chân lý là muốn đẹp phải khỏe, muốn khỏe phải ăn, ăn nhiều và tự nhiên phải nhiều đồ bổ. Cũng như một cây hoa muốn lâu tàn, muốn bảo trì tươi thắm, phải có ánh dương quang, có nước, có phân, có đầy đủ.

Bà ta ăn nhiều, nhưng không hề mất đẹp, mỗi một bộ phận trên dưới của bà ta đều hoàn mỹ.

Vẻ mặt, ánh mắt, cái miệng, nhất là cái miệng đang nhai, nhưng vẫn như luôn cười.

Nói đến Vương đại nương như nói câu chuyện thần thoại. Người ta còn có thể hiểu một cách khác là chỉ có thần thoại mới có một người đàn bà như Vương đại nương.

Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, nói gì thì nói, Vương đại nương vẫn là Vương đại nương, người đàn bà tuyệt diệu trước mặt Thư Hương.

Chỉ một cái ngẩng lên, ánh mắt của Thư Hương hoàn toàn bị bà thu hút.

Hiển nhiên là bà ta cũng rất bằng lòng Thư Hương, vì khi bà ta nhìn nàng, nụ cười của bà ta càng nồng đượm.

Bà ta nhìn không chớp vào mặt Thư Hương, giọng nói của bà ta thư thái :

- Lại đây, lại ngồi gần bên ta đây, để cho ta xem kỹ coi. Lại đây, cô em nhỏ.

Ánh mắt, nụ cười, giọng nói của bà ta như có một mỵ lực vô thường, bất luận đàn ông, đàn bà, con gái, bất cứ ai cũng không thể cự tuyệt.

Thư Hương đi ngay lại ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh bà ta, thái độ cô thật ngoan ngoãn.

Ánh mắt của Vương đại nương không rời Thư Hương, trong khi bà ta ăn nốt chén yến còn lại gần phân nửa, bà ta ăn chầm chậm, ánh mắt bà ta cũng chầm chậm lướt từ đầu đến chân của Thư Hương, dáng cách nhìn người hình như đang xen trộn với sự thưởng thức hương vị chén yến trên tay. Bà ta chép miệng :

- Chén yến này còn đang nóng, cô em ăn một chút đi.

Vừa nói, bà ta vừa trao cái chén yến đang ăn cho nàng.

Thư Hương là một cô gái khó tánh, chưa bao giờ nàng ăn chung chén đũa của người khác, chớ đừng nói đến chuyện ăn đồ ăn còn lại. Trao cho nàng chén ăn thừa, dầu đó là chén ngọc, cũng là một chuyện không thể nào dung thứ được.

Đào Liễu đang chuẩn bị.

Nàng biết chắc có một chuyện không hay, vì nàng biết sự giận dữ theo bản tánh của cô chủ mình.

Nhưng Đào Liễu chẳng những khỏi phải lo, chẳng những không lo mà còn kinh ngạc, vì, bằng một thái độ “thật nghe lời”, Thư Hương đưa tay bưng chén yến và cúi đầu ăn một cách ngon lành.

Thiếu chút nữa Đào Liễu đã đưa tay lên dụi mắt, nàng không tin chuyện trước mắt mình là thật.

Vương đại nương mỉm cười, cười thân thiết :

- Không gớm sao?

Thư Hương “ngoan ngoãn” lắc đầu.

Vương đại nương nói đã dịu mà nhìn càng thêm dịu :

- Miễn cô không gớm thì tất cả những gì của ta, cô cứ việc lấy, thức ăn, quần áo, bất cứ thứ gì của ta, cũng có thể chi cho cô.

Thư Hương cúi đầu nhỏ nhẹ :

- Đa tạ.

Đúng là một biến cố cực kỳ quan trọng đối với Đào Liễu, bất cứ ai trước mặt vị nữ chủ của cô dám nói như thế là nhất định sẽ hưởng một trận lôi đình, cơn giận dữ sẽ “rung rinh nhà cửa”. Nhưng bây giờ thì không, chẳng những không thấy một chút chi khó chịu, trái lại, Thư Hương còn tỏ ra hết sức cảm kích, cảm kích đến nổi má ửng hồng, tưởng chừng như cô ta khóc được ngay.

Vương đại nương lại cười cười :

- Cô em xem, luôn cả cái tên cô em, ta cũng còn chưa biết, thế mà ta đã xem cô em là bằng hữu, một bằng hữu thật thân. Thấy không.

Thư Hương hơi ngước lên một chút :

- Tôi tên Đào Thư Hương.

Lần “viễn du” này, khi ra đi, cô cháu đã bảo nhau, cho dù trường hợp nào, nhất định không nói tên thật cho ai biết để tránh chuyện cha nàng có thể theo dõi bắt về.

Nhưng không hiểu vì sao, trước mặt Vương đại nương, làm như nàng không đành lòng nói dối.

Đào Liễu ngẫm nghĩ :

- Không hiểu “ma lực” của Vương đại nương như thế nào mà lại cảm hóa vị nữ chủ của ta quá nhanh như thế? Hay là... hay là hai người họ “hợp nhau”?

Vương đại nương gật gù :

- Đào Thư Hương... người đã đẹp mà cái tên lại còn thơm. Cô em gái của ta vừa thơm vừa ngọt?

Thư Hương bẽn lẽn cúi đầu.

Nữa, chưa bao giờ có chuyện như thế. Thư Hương chưa bao giờ bẽn lẽn. Đào Liễu cả quyết như thế.

Thái độ đó chỉ giành cho những cô nữ tỳ được người khác chiếu cố, những cô con gái tầm thường được người mơn trớn, chớ với con gái cưng của Đào nhị gia, và nữ thiếu chủ tâm tánh ngạo mạn ấy, không có bao giờ.

Thế nhưng bây giờ lại có.

Đào Liễu bỗng có cảm giác Vương đại nương như một con mèo, còn vị nữ chủ của cô ta như một con chuột tí hon đang bị quay nhừ.

Dưới con mắt của Đào Liễu, vị nữ chủ của cô ta bây giờ thật là thảm não.

Vương đại nương hỏi :

- Tiểu muội, năm nay được bao nhiêu tuổi?

Thư Hương đáp :

- Thưa, mười tám.

Vương đại nương cười :

- Gái mười tám như một đóa hoa, nhưng bao nhiều hoa trên đời này cũng vẫn không bì kịp em đâu.

Đào Liễu nóng mặt.

Thư Hương cũng nóng mặt.

Đào Liễu nóng mặt vì tức tối thái độ “kẻ cả” của một người xa lạ đối với chủ nhân mình, nóng mặt về sự lép vế của Thư Hương.

Còn Thư Hương nóng mặt vì tâm trạng thẹn thùa vui thích được “người trên” khen ngợi.

Vương đại nương vụt hỏi :

- Tiểu muội xem ta chừng bao nhiêu tuổi?

Thư Hương ấp úng :

- Tôi... tôi nhận không ra.

Vương đại nương nói :

- Cứ thử đoán xem.

Thư Hương ngẩng mặt len lén nhìn lên.

Nếu nói hoa xuân là tươi là đẹp, thì phải nói vẻ mặt của Vương đại nương rạng rỡ hơn nhiều.

Thư Hương nói :

- Hai mươi? Hăm hai?... Hăm ba?

Nàng nói mà phập phồng nhìn chừng dò thái độ, hình như sợ mình nói không trúng, đoán quá cao.

Vương đại nương cười hăng hắc :

- Người đã đẹp, đã thơm, mà lời nói lại càng quá ngọt ngào. Ta đã có cái tuổi hăm ba, nhưng đó là hồi hai mươi năm về trước.

Thư Hương mở tròn đôi mắt như chưa bao giờ nghe một chuyện lạ lùng như thế :

- Thật thế sao? Không, khó tin quá!

Vương đại nương cười :

- Tại làm sao ta lại dối muội muội? Ta dối muội muội làm chi?

Bà ta nhè nhẹ thở dài :

- Năm nay ta đúng bốn mươi ba tuổi, không phải chỉ làm chị mà ta còn đáng làm mẹ của muội nữa đó. Tiểu muội có bằng lòng không?

Thư Hương gật đầu nhè nhẹ, nàng tỏ thái độ bằng lòng.

Chẳng những nàng đã bằng lòng làm “tiểu muội muội” mà lại còn bằng lòng làm con nữa, tự nhiên con mà không đẻ thì là... con nuôi.

Đào Liễu cau mày.

Mới hồi nãy đây, mới hồi ngoài cổng đây, chính nàng đã không bao giờ chịu làm con nuôi, cô ta đã nói thẳng vào mặt gã râu quắn như thế, vậy mà bây giờ trước mặt Vương đại nương, cô ta lại bằng lòng - bằng lòng một cách đã không có gì miễn cưỡng mà lại còn thích thú.

Thế nhưng rồi Thư Hương lại lắc đầu!

- Nhưng cho dầu thế nào tôi cũng không tin... Đại nương quá bốn mươi, nhất định không ai tin như thế.

Giọng nói của Vương đại nương như bùi ngùi :

- Cũng có thể người khác không tin, nhưng bản thân ta thì không thể không tin. Ta có thể lừa tiểu muội muội, có thể lừa bất cứ ai, nhưng ta không thể lừa ta được.

Thư Hương cúi đầu, hình như giọng nói ngậm ngùi của Vương đại nương làm cho nàng chợt thấy ngậm ngùi.

Có lẽ đây là lần thứ nhất nàng cảm thấy cái bi thảm của tuổi trẻ đã đi qua và cũng có lẽ đây là lần thứ nhất nàng cảm thấy ngày tháng là quý báu, là đáng tiếc.

Và bất tri bất giác, nàng bỗng cảm thấy khoảng cách giữa nàng và vị Vương đại nương này có vẻ gần hơn.

Vương đại nương liếc Đào Liễu và hỏi Thư Hương :

- Còn vị tiểu muội muội kia là người gì của muội muội?

Thư Hương đáp :

- Cô bé ấy từ nhỏ sống với tôi đến trưởng thành, đối với tôi như tình ruột thịt.

Vương đại nương cười :

- Thế nhưng bây giờ thì tình quấn quýt giữa hai người đã có người chen vào... Tiểu muội muội, có giận không?

Tự nhiên là bà đang hỏi Đào Liễu.

Đào Liễu hơi nhếch môi, nhưng lại làm thinh.

Cô bé này có cái tật, cứ cái gì không được vừa lòng là cô nhếch môi, cái nhếch môi thật khó chịu, nhưng nhiều khi thấy dễ yêu.

Thư Hương lừ mắt như thể rầy chừng, dặn chừng không được vô lễ, và cười nói với Vương đại nương :

- Nó còn nhỏ lắm, tánh tình như con nít, không biết gì cả.

Vương đại nương lại thở ra :

- Có nhiều lúc không biết gì vậy mà hay, giá như bây giờ ta thành lại được một cô bé không biét gì cả như thế thì ta sẽ bằng lòng lấy tất cả những gì ta có, kể cả sự vinh hoa phú quý, để đổi lấy cái không biết gì cả đó ngay.

Bà vụt cười :

- Bậy quá, bữa nay chúng ta đáng lẽ phải vui cười hớn hở, chớ sao lại đi nói những câu chuyện như thế này, có phải không nào?

Thư Hương dợm đám lời, nhưng bằng cảm giác không biết từ đâu tới, nàng thấy câu hỏi sau cùng của Vương đại nương không phải hỏi nàng, mà là hỏi một người nào khác...

Thư Hương “cảm giác” đúng, vì ngay lúc đó nàng nghe phía sau nàng có tiếng trả lời :

- Không đúng!

Có hai tiếng trả lời, hai tiếng mà lại nói thật ngắn, nhưng thật bén nhọn, thật bén nhọn như mũi dao găm.

Giọng nói đàn ông, giọng nói y như một mũi nhọn xoáy vào lỗ tai, đâm thủng vào óc, vào tim của người nghe, không phải giọng nói làm cho lỗ tai lùng bùng, mà giọng nói làm cho lỗ tai nhoi nhói.

Không thể giữ nổi, Thư Hương quay đầu lại.

Bây giờ, nàng mới nhận ra trong góc phòng có một người ngồi...

* * * * *

Một con người không giống con người.

Hắn ngồi đó nhưng y như một chiếc ghế, một cái bàn, hay hắn là một pho tượng, nghĩa là hắn thuộc về... tĩnh vật.

Hắn không động, không nói, hình như cũng không có thở, thật ra là không ai nghe hắn thở.

Không phải riêng Thư Hương, mà có thể bất cứ ai cũng không hề hay biết, không hề chú ý rằng hắn có mặt nơi đây.

Thế nhưng chỉ cần liếc qua hắn một cái là sẽ mãi mãi không sao quên được.

Thư Hương nhìn hắn một lần là hết muốn nhìn lần thứ hai.

Lúc nàng nhìn hắn, nàng có cảm tưởng hắn như một thanh đao rỉ sét lâu ngày không ai mó tới. Thế nhưng thanh đao rỉ sét ấy có thể giết người, làm cho người chết bằng một cách ghê hơn những thanh đao ánh loáng, nàng cũng có cảm tưởng hắn giống như một khối băng ngàn năm chưa tan, bây giờ đã xuống màu đen, nhưng hơi lạnh của khối băng lại cao độ hơn những khối băng mới đóng.

Chỉ cần liếc qua hắn một cái là toàn thân bỗng nghe cóng cả tay chân, quýnh luôn cả lưỡi.

Bất luận là ai cũng không thể ngờ rằng một con người như hắn lại có thể ngồi trong phòng của một người như Vương đại nương, giống y như một khối băng gát ngang trên lò sưởi mà cả hai song song tồn tại.

Thế nhưng rõ ràng hắn đang ngồi nơi đó.

Không một ai có thể ngờ con người đó lại nói năng.

Thế nhưng rõ ràng hắn nói :

- Không đúng.

Hai tiếng nói ngắn, sắc nhọn.

Nhưng Vương đại nương thì lại cười :

- Không đúng? Tại sao không đúng?

Người ấy nói :

- Bởi vì một khi con người đang hớn hở trong lòng thì, bất cứ lời nói nào, phỉnh lừa hay chưởi bới, giọng nói cũng vẫn là hớn hở, hớn hở y như trong lòng của họ.

Vương đại nương cười càng ngọt :

- Có lý, lời của Lưu tiên sinh hình như luôn luôn là có lý.

Lưu tiên sinh lạnh như băng :

- Không đúng.

Vương đại nương hỏi :

- Không đúng? Tại làm sao lại không đúng?

Lưu tiên sinh nói :

- Lời nói của ta là có lý, chớ không phải “hình như” có lý.

Vương đại nương cười như tiếng khánh ngọc :

- Tiểu muội muội, các em thấy vị Lưu tiên sinh này có phải dễ mến không?

Thư Hương ngậm miệng.

Đào Liễu nhếch nhếch môi.

Cả hai nàng thật tình không thể nào nhận nổi cái dễ mến của vị Lưu tiên sinh này được.

Bất cứ ai có thể dùng bất cứ lời gì để nói về vị Lưu tiên sinh, nhưng nhất định, tuyệt đối không thể nói là “dễ mến”.

Thế nhưng ý kiến của Vương đại nương lại khác.

Bà ta cười cười :

- Khi nhìn vào con người của Lưu tiên sinh lần đầu, có thể nhị vị muội muội cảm thấy hơi sờ sợ, thế nhưng cùng chung đụng với Lưu tiên sinh một thời gian, nhất định sẽ lần lần cảm thấy con người y dễ mến vô cùng.

Thư Hương trong bụng có một câu nhưng không thể nói ra.

Trong bụng nàng thật muốn hỏi: “Con người như thế mà có thể chung đụng lâu lâu được sao?”

Nếu bắt nàng phải chung đụng với hắn chừng một giờ thì có lẽ nàng yêu cầu sắm trước cho nàng một cỗ quan tài.

Tuy nhiên, nếu có mặt Vương đại nương thì khác, nàng có thể ngồi từ trưa cho đến tối...

* * * * *

Bây giờ thì đã tối.

Thế nhưng trong phòng Vương đại nương vẫn y như trong lúc mới bắt đầu, hay ít nhất Thư Hương có cái cảm giác như thế.

Nàng cảm thấy vận khí của nàng may mắn quá, tình cờ mà may mắn lạ lùng.

Nàng đã bức thoát được bọn Trần đại bịp, cái bọn ác đồ chuyên tâm lừa đảo. Nàng đã gặp được Triệu đại ca và Vương đại nương, những con người quá tốt trên đời.

Bọn Trần đại bịp giống như một bầy sói tham gian, còn Vương đại nương thì như chim phượng, thứ Phượng Hoàng vừa hiền, vừa xinh đẹp.

Bây giờ thì hai chú nai con đã thoát khỏi bầy lang sói, cho dù chúng có hung hăng, cũng hết mong tìm đến được chỗ này, một nơi quá an toàn.

Thư Hương bỗng nghe mệt mỏi, cho đến bây giờ, nàng mới nhớ lại đã mất ngủ mấy ngày.

Như người trên thuyền con bị bão, lo chèo chống, sợ hãi quên cả mệt, cho đến khi cặp được vào bờ thì mới thấy rời rã tay chân.

* * * * *

Trời đã tối rồi.

Trong phòng đã lên đèn, những lồng đèn được bao bọc bằng lụa màu hồng, ánh sáng thật tươi và thật dịu.

Người đốt đèn đã đi ra, trong phòng im phăng phắc. Thư Hương chỉ nghe thấy tiếng đập của chính tim mình.

Tiếng tim đập đều đều.

Nàng cảm nghe toàn thân như mềm nhũn, mệt mỏi, không muốn cử động, nhưng cổ nàng nghe khô, khát quá.

Nàng bỗng nhớ tới thứ băng trong vắt như pha lê, thứ băng được tải về từ vùng quan ngoại và chén nước sen.

Chén nước sen thơm ngọt, những cục băng ánh ánh, ngậm vào miệng nghe mát tận trong lòng.

Đào Liễu đâu?

Không biết con nhỏ điên điên đó đã đi đâu?

Thư Hương nhè nhẹ ngồi lên, nhè nhẹ bỏ chân xuống đất.

Đôi giày thêu kim tuyến mới cởi ra không biết làm sao lại mất tiêu...

Đôi giày nàng rất ưa thích, đế mỏng, nhẹ nhàng, bước đi khua êm êm, nàng rất thích tiếng khua như thế.

Dòm xuống chân, đôi vớ trắng đã quá dơ, nàng cởi bỏ ra rửa chân đã.

“Gót sen lanh đang như gần như xa”...

Nàng sực nhớ một câu thơ cổ, nàng ngâm nho nhỏ và bật cười.

Tâm tình nàng bây giờ thật là khoan khoái.

Giá như có nhạc, nàng sẽ múa một điệu vũ, hát một bài trong khúc nghê thường.

Nàng đẩy cánh cửa sổ, hương hoa hắt vào thoang thoảng, và xa xa trong gió, nàng quả nghe tiếng nhạc.

Trong vườn hoa, rải rác những chiếc đèn hồng.

Ánh đèn không sáng tỏ, nhưng chính cái lờ mờ đó lại làm cho hoa viên thêm thơ mộng.

“Ở đây ban đêm thiệt náo nhiệt lắm. Vương đại nương là con người hiếu khách”...

Thư Hương rất muốn đi ra, muốn xem những người khách mà nàng chắc chắn cũng hiền hòa thanh nhã như chủ nhân, vị chủ nhân tuy cao tuổi, nhưng dung nhan vẫn còn say đắm người nhìn.

- “Giá như bọn Lữ Ngọc Hồ từ Giang Nam đến đây làm khách thì sẽ vui biết bao nhiêu!”

Nghĩ đến những thiếu niên đa tình mà đầy dõng khí, nghĩ đến những vuông khăn màu đỏ, mặt Thư Hương bỗng cũng ửng theo, càng ngày má nàng càng gần giống như vuông khăn màu đỏ.

Đêm mùa hạ ở vào một nơi thoáng mát êm đềm, biết bao nhiêu thiếu nữ hòa xuân!

Thư Hương mơ mơ màng màng, tư tưởng mông lung, nàng không nghe thấy tiếng bước chân của Vương đại nương, khi nàng nghe giọng như mật rót của bà ta thì bà ta đã tới sát bên mình.

Bàn tay của Vương đại nương nhè nhẹ đặt lên vai, bà ta cười :

- Tiểu muội làm gì mà đứng trân trân vậy? Mơ tưởng gì thế?

Thư Hương nhoẻn miệng cười :

- Tôi đang nghĩ không biết con tiểu quỷ Đào Liễu nó đi đâu mất biệt.

Nàng nói dối là lẽ tất nhiên, không lẽ nàng lại nói mình đang dệt mộng?

Từ trước đến giờ, không khi nào nàng nghĩ rằng mình có lúc phải nói dối, nàng chưa từng nói dối đã đành, mà nghĩ đến chuyện nói dối cũng không bao giờ nghĩ đến, tại vì nàng không có gì phải dối. Nàng không giao thiệp với ai, còn đối với cha nàng thì không bao giờ có chuyện tâm tình, chỉ có với Đào Liễu, nhưng với cô tỳ nữ này thì nàng đã nói tách bạch cả rồi, nàng đâu có gì phải giấu?

Vả lại, nàng nghĩ, chuyện tâm tình của một cô gái, chuyện mơ mộng đến người chồng xứng đáng, nó vốn không phải là chuyện xấu, có chi phải giấu?

Nàng không hề biết rằng nói dối vốn là bản tánh thường có của đàn bà, nếu giống như không muốn nói, người đàn bà nào cũng đều nói dối. Đối với họ, sự nói dối cũng giống như nước tràn bờ, khi chưa tràn thì không có gì, nhưng khi đã tràn rồi thì không có gì ngăn lại được.

Ban đầu, nói dối là để bảo vệ mình, lý do chính đáng để nói dối là như thế và luôn luôn là như thế, nhưng khi đã nói dối, lần lần, người ta mới thấy cái giá trị của sự nói dối, người ta biết làm thế nào lợi dụng sự nói dối để lừa gạt, để làm cho có lợi.

Bây giờ thì Thư Hương đã bắt đầu cho nước tràn bờ.

Nhưng vẫn đang theo nguyên tắc, nghĩa là nàng có “lý do” nói dối để bảo vệ.

Vương đại nương nắm tay nàng kéo lại bên cái bàn tròn nhỏ. Cả hai cùng ngồi xuống, và bà hỏi :

- Tiểu muội ngủ có ngon không?

Thư Hương cười :

- Cám ơn đại nương, tôi ngủ y như một đứa bé mới sanh.

Vương đại nương cũng cười :

- Ngủ ngon như thế nhất định là biết đói, tiểu muội muội muốn ăn gì không?

Thư Hương lắc đầu :

- Không muốn ăn, chỉ muốn...

Nàng bỏ lững, mắt nàng chớp nhanh và nói lãng sang chuyện khác :

- Hôm nay hình như khách đông lắm.

Vương đại nương nói :

- Cũng không nhiều, chưa đến hai mươi.

Thư Hương hỏi :

- Ngày nào cũng có khách đông như thế này hay sao?

Vương đại nương cười :

- Nếu không có khách đông như thế thì ta làm sao sống được?

Thư Hương kinh ngạc, nàng nhìn bà ta bằng đôi mắt tròn xoe :

- Ủa, như vậy khách đến đây đều phải có... lễ hết sao?

Vương đại nương chớp chớp mắt :

- Nếu họ muốn dâng lễ thì ta cũng không có quyền cự tuyệt họ, muội muội nghĩ có phải thế không?

Thư Hương không trả lời, mà lại hỏi :

- Họ là người ở đâu đến vậy?

Vương đại nương đáp lững lơ :

- Ở đâu cũng có...

Bà ta chớp chớp mắt và nói tiếp :

- Hôm nay có một vị đặc biệt, một con người danh tiếng khá.

Thư Hương buột miệng hỏi :

- Ai vậy? Có phải Liễu Ngọc Hồ hay là Liễu Phong Cốt?

Vương đại nương mỉm cười :

- Sao? Tiểu muội muội quen với họ à?

Thư Hương cúi đầu, mặt nàng hơi ửng đỏ...