Búp Bê Bắc Kinh

Chương 43: Sô-cô-la bồ Câu



Đó là ngày 15 tháng Mười một năm 2000 và Bạc Hà đang ở bên ngoài Siêu thị Bách Thịnh, anh gọi cho tôi hỏi xem tôi thích loại sô-cô-la nào. 

“Anh sẽ vào hỏi người bán kẹo xem loại nào đắt nhất và bảo rằng, ‘Tôi lấy cái này.’” 

Bạc Hà lớn lên vào những năm 80 và đôi khi điều đó bộc lộ ra. 

Thực tế anh có một quá khứ khác thường. Anh mới mười lăm khi bỏ học, cái tuổi tương đương với lớp dưới ở bậc trung học, giống như tôi. Anh vác thang trong nhà máy và thường mất hàng vài giờ đạp xe để mua được băng nhạc rock. Anh viết mục điểm tin âm nhạc cho tờ Báo của Bạn trong một năm. Một thời gian dài sau đó, trong một số báo năm 1998 của tờ Đời sống âm nhạc, tôi có xem “Hồ sơ Người hâm mộ” của anh, trong đó anh tả mình như một fan của Oasis và Blur. Anh bảo anh mười bảy và dùng tên thật. Lúc đó tôi đang mê ban nhạc Trung Quốc Bàn Cổ như điếu đổ, cho nên ném tờ báo đi. Sau đó anh làm những công việc lặt vặt liên quan đến nhạc cho Đài Truyền hình Bắc Kinh và một vài chỗ khác. Năm mười tám tuổi anh chơi trong một ban; họ sống cùng nhau, túng tiền nên đành cầm cự với hai bữa cơm rang mỗi ngày. Cuối cùng anh rời ban nhạc, thấy rằng làm tay trống không có tương lai vì “xã hội không cần những kẻ hippi nữa.” Anh đi làm biên tập cho một trang web về âm nhạc cho đến khi nó phá sản như vô số thứ khác khi cái bong bóng xà phòng kinh tế vỡ tung. Anh bảo thời gian làm thêm cho Gen X là thời kỳ ảm đạm, kém cỏi nhất của anh. Nhưng tới lúc đó thì anh đã thành anh chàng trẻ nhất trong “Bốn Anh hào Âm nhạc Thủ đô”, một người điểm nhạc có “quyền lực”, cũng không phải không có danh vọng. 

Anh có vẻ là một tay cơ hội tháo vát, dạng “xã hội cần có gì là ta có nấy” điển hình. Nhưng như thế không có nghĩa bảo anh không có tài. Cha mẹ anh, những người chẳng có nền tảng gì về âm nhạc, không giúp gì được anh và cũng sẽ không giúp nếu họ có thể. Tôi thèm muốn và ngưỡng mộ cái khả năng của anh trong việc chịu đựng gian khổ, sống cuộc đời tằn tiện, cũng như trong việc đánh giá người khác thông qua ngôn từ và biểu hiện của người ta. Tôi đoán bạn sẽ bảo sự nhạy cảm của anh không phải là cảm xúc, mà xuất phát từ năng lực quan sát xã hội, một dạng lịch lãm trải đời. 

*** 

Ngày tiếp theo, Bạc Hà gửi kẹo đến theo đường bưu phẩm nhanh. Nó tới trong buổi chiều, ngay sau khi tôi vừa đi giày để chạy. Một cái phong bì lớn trong có ba món, gồm hai gói kẹo, một cái đề-can, một bức ảnh bằng một in-sơ của anh. 

Tôi thấy choáng váng. 

Tôi thấy choáng váng, vì cái gì? Vì tình yêu hay một thôi thúc kỳ dị nào đó? 

Tôi không dám dán cái đề-can hay ăn sô-cô-la, sợ rằng Bạc Hà sẽ quyết định lấy lại và tôi phải bóc đề-can ra khỏi cây guitar và ra ngoài mua kẹo khác. 

Tấm ảnh một in-sơ nhỏ xíu của anh, được cài vào một mảnh giấy, sự tương phản làm khuôn mặt hốc hác của anh thêm nhợt nhạt, với mái tóc rủ thấp xuống trán, cùng một thoáng điên rồ trong đôi mắt. Nó được chụp vào năm 1997, chẳng giống những gì tôi vẫn hình dung, nhưng cũng không nói được chính xác có gì là khác. Có lẽ nó phải như thế. 

Tim tôi trĩu nặng sau khi đọc thư của anh, và dù biết Bạc Hà muốn tôi gọi cho anh ngay sau khi nhận được, tôi vẫn muốn ở một mình, tôi muốn yên lặng. Có cái gì đó xiết chặt tim tôi, làm tôi không thở được. Tôi xuống nhà và đi chạy. 

Tôi đã làm gì để có được món quà này? Bạc Hà là một con người thực tế, người sẽ chờ sự có đi có lại cho việc đầu tư của anh. Tôi có thể cho anh cái anh muốn? Tôi có những hoài nghi. Có lẽ tôi đã không muốn biết câu trả lời cho câu hỏi của chính mình.