Búp Bê Bắc Kinh

Chương 41: Anh là người bạn duy nhất



Tôi nhìn đồng hồ khi ra khỏi giường vào một buổi sáng: Đã một phút quá mười một giờ. Những ngày vừa qua tôi ngủ mụpp lạ lùng, và cơn đau trong bụng khiến tôi gập cả người. “Bạn” tôi đã chậm mất mười ngày và tôi thấy sợ. Tôi có gặp rắc rối không? Cau có, tôi xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà đã sờn và đi vào toilet, nơi mà như có phép màu, tôi trông thấy vài cái đốm đỏ trên quần lót. 

Tôi cần nói chuyện với ai đó, bất kể là ai. Tôi quay số của Mã Lệ, nhưng có trả lời. T thỉnh thoảng lại gọi, nhưng chúng tôi không nói quá năm phút, chỉ là để biết tin nhau. “Anh sống với mẹ, cha anh chết lâu rồi. Điều đó khiến anh trở nên mạnh mẽ. Anh bỏ học lúc mười lăm tuổi và vào nhà máy làm việc, ở đó anh phải vác thang, thay bóng điện, nối đường dây, mặc quần áo bảo hộ, sửa biến thế và thay cầu chì. Trong ngày anh còn đọc Kafka và Những bông hoa u sầu đang nở.” 

“Em nói đúng, anh không biết em, và em không biết anh. Anh chấp nhận thực tế là chúng mình không tương xứng. Nhưng anh chẳng quan tâm, anh vẫn muốn xem mọi sự sẽ ra sao.” 

Anh bảo từ giờ anh gọi tôi là “Tình yêu” (Love), vì đó là cái từ nói lên tình cảm của anh đối với tôi, và đó cũng là tên của Courtney Love, một người mà tôi thích. Tôi bảo tôi sẽ gọi anh là “Bạc Hà”, như trong kẹo bạc hà. 

Tôi hy vọng Bạc Hà sẽ gọi cho tôi hàng ngày. Điều đó làm tôi thấy vui, cho tôi cảm giác yên ổn, dù nó có ít ỏi thế nào chăng nữa. Hãy bỏ mặc con người vào trong một môi trường mà họ không thích, họ không thể nào tránh khỏi tuyệt vọng; họ khát khao một cơ hội để giãi bày tình cảm của mình. Đó là điều tôi có thể hiểu. 

*** 

Chiều hôm đó tôi cùng với G tới Tây Đơn. Tôi cầm tay cậu. Tôi biết chúng tôi là một đôi rất đẹp, dù chẳng có tiền nhưng chúng tôi cảm thấy thanh thản về nhau và phấn chấn. Ngay cả người trên phố cũng nhìn chúng tôi thân thiện. 

Chúng tôi gọi cho guitarist Tiểu Hải, hỏi xem chiều đó anh có rỗi không vì chúng tôi định tới Tân Nhai Khẩu mua cái loa bass. Anh bảo đang chuẩn bị tới phòng tập ở Nghĩa Đại Lý, thế là chúng tôi nhất trí sẽ gặp nhau nơi đó. 

Tôi không biết tại sao con đường từ Tây Đơn tới Nghĩa Đại Lý lại tiêu điều đến vậy. Bây giờ là mùa đông, ánh nắng ken dầy và lá cây phủ đầy mặt đất, như chất chứa trong mình bao nhiêu cảm xúc. 

Tới đầu hẻm chúng tôi đã nghe thấy tiếng trống. Họ đang tập. Tiểu Hải đã cắt bộ tóc dài, trông giống một người bình thường, như một sinh viên đại học điển hình. Có lẽ đó là điều anh muốn. “Chào, Xuân Thụ.” Anh chào tôi. Tôi nhớ lại cái mùa đông mà anh vừa thi đậu đại học, anh và tôi đã làm cuộc đi chơi tới tận Đại học Lâm nghiệp. Trên một quả đồi, chúng tôi hát những bài hát yêu thích, và anh cứ gục gục đầu trong khi bập bùng gẩy guitar, mái tóc dài che cả mắt khiến anh có cái vẻ bướng bỉnh, u sầu. Đó mới là thực của Tiểu Hải, cảm giác của tôi lúc đó là thế. Tôi kéo mình ra khỏi ký ức và mỉm cười. “Tiểu Hải…” 

*** 

Chủ nhật đó, tôi và G hẹn nhau đi mua sắm và tôi nhận ra đã lâu mình mới được hưởng khí trời trong lành của mùa đông. Tôi mua vài tạp chí thời trang từ một hiệu sách, nhưng không khỏi nghĩ rằng càng ngày càng có ít sách Trung Quốc đáng xem. 

G muốn đi xem phim lúc 5 giờ 30. Cậu đạp cái xe xuống phố cùng tôi, đúng vừa lúc mặt trời bắt đầu lặn, và từ trên ngọn núi, nó tỏa một quầng sáng màu da cam lên Tháp Đồng hồ và Tháp Cổ, trong khi Tháp Truyền hình Trung tâm xa xa như được bọc trong sương mù. Tôi ngắm nhìn, đầu tựa vào lưng G. 

Tới rạp, chúng tôi mới biết bộ phim là Ngọa Hổ Tàng Long. G mua hai lon nước trà xanh, hương vị mới. Vị ngọt của nó làm tôi thư giãn. 

Lúc hết phim, dòng người tràn ra khỏi rạp. Tôi có một cảm giác hưng phấn, đợi chờ khó hiểu. Trời lạnh như cắt. Mặt trăng to đến nỗi trông như không có thật. Và sáng nữa, như thể nó biết chúng tôi đang nhìn. 

*** 

Tôi có hai người anh họ, Lý Ba và Lý Quang. Họ đều trong quân đội. Con đường tốt nhất để thoát khỏi làng quê, nếu không vào được đại học và có một công việc tử tế, là vào bộ đội. Đó là cách cha tôi đưa chúng tôi lên thành phố, dần dần từng bước. Anh họ tôi Lý Quang hơi có bệnh và phải vào bệnh viện, gia đình phải tốn nhiều tiền của, khiến cha mẹ tôi đôi lúc phàn nàn sau lưng anh. Nhưng Lý Quang và tôi rất hợp nhau. Anh vào phòng tôi, và tôi kể cho anh rằng mình sắp đi Chợ Sách, rằng mẹ đã bảo tôi đi với anh vì cùng đường. Thoạt đầu tôi muốn anh thả tôi ở ga tàu điện ngầm, tôi có thể đi tàu tới Cung Văn hóa Lao động, nhưng trong taxi tôi đổi ý định vì muốn đi với anh – chúng tôi không gặp nhau đã lâu. 

Chúng tôi không chuyện trò trong xe. Taxi lướt nhanh qua Bảo tàng Lưc lượng Vũ trang với cái cổng chào của McDonald bắc ngang qua phố, qua Trung tâm Mua sắm Tràng An, nơi có cây cối sum suê xanh tốt, qua cái bảng hiệu tại Bách Thịnh có ghi khẩu hiệu “Tổ quốc Muôn năm”, qua Tháp Đồng hồ. Khi Lý Quang ra khỏi taxi, anh trả tiền tài xế, rồi khi tôi chẳng để ý gì, anh nhét 100 tệ vào túi quần tôi. Tôi giữ lại. Chúng tôi lúc nào cũng thiếu tiền. 

Tôi hỏi người lái taxi, “Anh nghĩ sao, tự mình gắng sức hay là đi trên vai người khác, thế nào là hơn?” 

Anh tài xế bảo, “Cố mà tự mình, đương nhiên rồi.” 

“Nhưng như thế mất nhiều thời gian, và đó là con đường khổ ải.” 

Anh lái xe ngừng một lúc, rồi nói, “Nhưng cô đã lựa chọn như thế, nếu đạt tới mục đích là cô đã lựa chọn đúng.” 

Anh ta nói đúng, tôi thật là ngu. 

Trở về nhà, G gọi điện cho tôi, hỏi tôi đã ở đâu buổi chiều, vì sao tôi không liên lạc với cậu? Giọng cậu lo sợ, và tôi thấy mình tệ hại, thấy ghét mình vì thậm chí còn nghĩ tới những kẻ khác. Tôi không muốn phản bội G, đó là điều tôi cự kỳ không muốn. Tôi ngồi xuống sàn, không thể nghĩ được điều gì khác ngoài việc tôi yêu cậu và không muốn mất cậu… 

Tôi tha thiết nhớ lại cái mùa hè lúc nào cũng ở bên G, tôi đạp xe tới trường cậu hàng chiều để gặp cậu ra sao. Khi đó tóc tôi màu đỏ, cây cối xanh mát ở hai bên đường. Giờ thì tất cả những thứ đó đã xa quá, cái thời tươi đẹp khi tôi mười sáu, sự phấn khích trong những năm nổi loạn của tôi. Tôi có thể làm gì để trở lại thời gian đẹp đẽ đó?