Biết Trước Sẽ Vỡ Tan

Chương 23





Tôi vội đến nỗi không chờ nổi Thành, chỉ kịp gọi một cuộc điện thoại thông báo cho anh rồi lái xe như bay đến bệnh viện.

Lúc tới nơi thì ông tôi vẫn còn hôn mê, các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh của ông đã rất nặng, hiện tại đã phải thở máy, cũng chẳng biết có còn ở lại được với chúng tôi bao lâu.

Mặc dù đã xác định tinh thần nhưng ông đột ngột thế này tôi vẫn không chấp nhận được, với cả, tôi vẫn hy vọng ông có thể chờ được đến ngày Mimi chào đời nên cứ nắm ống tay bác sĩ van nài:

– Có thể cố thêm được không bác sĩ? Có làm cách nào để kéo dài được sự sống của ông cháu không ạ? Bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần có thể kéo dài thêm vài năm, à không, vài tháng cũng được ạ.

Bác sĩ nhìn vẻ mặt xanh mét của tôi rồi nâng tờ phim chụp Xquang lên, thở dài:

– Các khối u đã lan gần như khắp cả phổi rồi, ở giai đoạn này thì phổi của ông cụ hầu như không hoạt động được nữa, các tế bào ung thư cũng di căn ra các cơ quan khác, suy kiệt cơ thể là điều không tránh khỏi. Chắc cô cũng biết, bệnh tình của ông cụ là căn bệnh không thể chữa được phải không?

– Vâng… cháu biết ạ.

– Ừ. Giờ thời gian không phải do tôi quyết định, mà là do thể trạng sức khỏe và ý chí của ông cụ quyết định. Nói chung thời gian này người nhà nên túc trực gần ông, biết đâu có người thân bên cạnh, ông sẽ cố gắng thêm được chút ít.

Nói đến đây, bác sĩ lại vỗ vỗ vai tôi, nói một lời động viên quen thuộc:

– Hoặc cứ nghĩ thoáng ra một chút cũng được. Bệnh này của ông cụ đau đớn lắm, nếu không gắng gượng được nữa, từ bỏ cũng là một cách giải thoát.

Tôi muốn há miệng nói cảm ơn, nhưng cổ họng giống như bị ai bóp nghẹt, cứ mở mắt nhìn bác sĩ mãi mà không nói được lời nào.

Bác sĩ nói từ bỏ cũng là một cách giải thoát, nghĩa là chấm dứt kiếp này ông sẽ không còn phải chịu khổ sở đau đớn nữa. Nhưng không phải ông luôn mong ngóng được nhìn thấy Mimi sao? Lúc nào ông cũng bảo sẽ cố chờ để được ẵm con bé vào lòng một lần, tại sao đến giờ lại buông xuôi như thế?

Không, tôi không muốn nhìn ông ra đi, tôi rất muốn giữ ông lại bên tôi. Nhưng tôi lại không biết bản thân phải làm gì thì mới giữ ông lại được.

Tôi thất thểu đi đến phòng bệnh, lúc này, sắc mặt ông đã chuyển thành màu tái xám, xung quanh cắm đủ dây truyền ống thở, nhìn gầy yếu và xót xa vô cùng.

Tôi biết bây giờ ông sẽ không nghe được, nhưng vẫn nắm thật chặt tay ông, thì thầm:

– Ông ơi, hơn hai tháng nữa là con sinh Mimi rồi đấy. Ông phải thật cố gắng nhé. Hai tháng nữa thôi là ông thấy mặt Mimi rồi.

– …

– Ảnh siêu âm 5D thì nét đấy, nhưng tận mắt nhìn thấy vẫn tốt hơn nhiều chứ ông nhỉ? Lúc nào ông cũng nói ông chờ để gặp Mimi mà.

– …

– Mimi chờ ông mua váy đẹp này, kẹo mút với cả đồ chơi nữa đấy. Ông phải kiên cường lên. Các bác sĩ nói bây giờ thời gian không phải do bác sĩ quyết định, mà là do thể lực và ý chí của ông quyết định. Ông phải vì Mimi mà cố gắng hết sức nhé. Mimi chờ ông đấy.

– …

– Ông ơi, đừng bỏ con lại được không…

Mọi lần, khi tôi nói những lời này ông sẽ cốc đầu tôi, mắng tôi yếu đuôi, thế nhưng bây giờ ngay cả mở mắt nhìn tôi ông cũng không làm được nữa. Chỉ có những tiếng “tích… tích” quen thuộc của máy đo dấu hiệu sinh tồn cứ nửa phút sẽ vang lên. Mỗi âm thanh như dùi thẳng vào tâm can tôi, tôi không nhịn được, cảm thấy đau lòng vô cùng.

Lúc này, bỗng dưng có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi, giật mình quay đầu lại mới phát hiện ra Thành đã đứng ở sau lưng từ lúc nào. Gương mặt anh rất bình thản, nhưng đôi mắt lại như một mặt hồ phẳng lặng, dường như có thể khiến bao nhiêu đau đớn của tôi tan đi dưới một ánh nhìn của anh.

Anh lặng lẽ siết chặt vai tôi:

– Rồi sẽ ổn cả thôi. Không sao đâu.

Hốc mũi tôi cay xè, lập tức xoay người ôm lấy thắt lưng anh:

– Anh ơi, phải làm sao bây giờ? Bác sĩ nói phổi ông gần như không hoạt động nữa, không cố được nữa rồi. Phải làm sao bây giờ.

– Quỳnh Chi, đừng lo lắng, ông sẽ cố gắng ở lại với mình chứ, ông đã nói chờ Mimi ra đời rồi thì nhất định ông sẽ chờ. Em đừng lo.

– Em sợ ông không chờ được.

– Anh vừa liên hệ các bệnh viện khác ở nước ngoài rồi. Người ta nói đợi đánh giá xong tình hình sẽ trả lời. Quỳnh Chi, cứ bình tĩnh. Ông đã hứa chờ thì nhất định ông sẽ chờ. Em lo lắng thì sẽ ảnh hưởng đến con, biết không?

Tôi mím môi, lặng lẽ gật đầu. Có lẽ, vì đã ở bên nhau quá lâu nên không cần anh phải dài dòng, hoặc là chỉ cần sự có mặt của anh ở đây thôi đã đủ xoa dịu được lòng tôi, khiến tôi yên tâm không rơi lệ nữa.

Tôi ngoan ngoãn nắm chặt anh tay, cùng anh ngồi lắng nghe từng tiếng “tích… tích” kia vang lên trong phòng bệnh. Ánh chiều tà phủ kín bầu trời, rọi qua cửa sổ chiếu lên mái tóc của chúng tôi, hai chiếc bóng đổ dài xuống sàn gỗ, đượm chút màu cam hòa vào trong ánh sáng dịu dàng.

Một lát sau, bỗng dưng có tiếng giày cao gót nện cồm cộp vang lên bên ngoài, tiếp theo cửa phòng bị ai đó thô lỗ đẩy ra. Hai cô của tôi vừa đến đã oang oác gào khóc:

– Ôi bố ơi, bố của con ơi, sao lại ra nông nỗi này. Con vừa đến thăm bố vẫn thấy khỏe mạnh, thế mà…

Từ khi tôi kết hôn, ông yếu suốt nhưng năm thì mười họa mới thấy một bà cô đến. Giờ ông nội trở nặng, ngửi thấy mùi sắp được phân chia tài sản nên mới mò tới khóc than.

Bọn họ làm phiền ông như vậy khiến tôi đ.iên tiết, đứng dậy chửi thẳng mặt:

– Các cô thích khóc thì đi chỗ khác mà khóc. Ông cần nghỉ ngơi. Đừng có làm phiền ông.

– Ơ cái con này, tao khóc bố tao chứ liên quan quái gì đến mày. Mà tao còn chưa hỏi tội mày đâu, mày chăm sóc ông kiểu gì mà để ông nằm một chỗ thế này hả? Bác sĩ đâu? Sao không tìm bác sĩ tốt nhất cho bố tao mà lại để bố tao nằm một mình thế này.

– Bà không biết gì thì im đi.

Tôi cũng không cãi nhau trước mặt ông nên chỉ nghiến răng quát:

– Đây là phòng bệnh tôi thuê, các bà ra ngoài.

– Á à, giờ mày có tý tiền là mày lên mặt đuổi cả cô của mày phải không? Được, mày đuổi thì đuổi, tao đưa ông đi phòng bệnh khác, mày đừng tưởng chỉ có mày mới có tiền cho ông nằm viện.

Bà ta nói xong thì định lao lại đẩy giường bệnh của ông đi, trong khi bao nhiêu máy móc vẫn cắm xung quanh đó. Tôi định ngăn cản, nhưng chưa kịp bước lên đã bị Thành kéo ra phía sau, tay còn lại anh chìa ra, chắn trước mặt hai bà cô:

– Các cô làm gì thế?

Mấy bà cô này vẫn còn nể mặt Thành nên bảo:

– Còn làm gì nữa, con Quỳnh Chi nó không cho bọn tôi vào đây thì bọn tôi phải mang bố tôi đi chỗ khác chăm chứ. Để ông ở đây không ai cứu chữa, đến khi ông c.hế.t thì ai chịu.

– Lúc ông bệnh nặng các cô không chăm, thì nếu ông có mất đi cũng không đến lượt các cô chịu.

Một lời nói như đòn chí mạng, hai bà cô cứng họng không đáp được lời nào, chỉ trợn tròn mắt nhìn chồng tôi. Mãi sau, một bà cô mới nói:

– Cậu nói làm sao ấy chứ, đây là bố tôi, bố có mất thì con mới là người đau lòng nhất, cô cậu là hàng cháu sao thương bố bằng bọn tôi. Chẳng qua là lúc ông ốm, tôi bận quá nên chưa đến thôi. Giờ tôi bỏ hết công việc đến đây rồi, hai vợ chồng cô cậu không có quyền gì cấm bọn tôi đưa bố tôi đi cả.

– Hai cô thương bố như thế, có biết rời máy thở nửa phút thì hậu quả sẽ thế nào không?

– Thì… thì… ai chẳng biết, nhưng đây là bệnh viện, tôi gọi bác sĩ đưa ông đi là được chứ gì. Với cả cậu hỏi vợ cậu ấy, nó có nghĩ đến ông không? Bây giờ là lúc bố tôi cần bọn tôi nhất, bọn tôi phải ở bên bố tôi, nó không cho bọn tôi ở gần ông cụ là ý gì?

– Chắc là các cô nhầm rồi. Lúc ông cần các cô nhất là khi ốm, hoặc gần nhất là khi ông mới nhập viện. Tôi thấy tính đến giờ là ông đã nhập viện được 3 tiếng rồi đấy. Đường từ nhà các cô đến đây xa quá nên 3 tiếng mới đến nơi à?

Anh nói rất nhẹ nhàng bình thường, nhưng lời nào cũng sắc bén khiến người ta không cãi lại được, hai bà cô bình thường mồm miệng dẻo quẹo mà gặp anh cũng tắt điện, im re không thể đáp lại câu gì.

Tôi tì không nhẹ nhàng được như anh, Thành vẫn nể mặt người nhà nên mới tử tế với bọn họ, nhưng anh lịch sự được, tôi thì không. Tôi thấy hai con mụ này vẫn cứ đứng ở đây thì ngứa máu quá nên bảo:

– Các người đi ngay khỏi đây không tôi gọi bảo vệ lên đấy. Đi ngay.

– Này, bố của bọn tao chứ không phải mình ông của mày nhé. Thích ra pháp luật xem ai đúng ai sai không? Không có luật nào cấm con chăm bố cả nhé.

– Đúng, không có luật nào cấm con chăm bố cả, nhưng hai bà nhớ lại xem hai bà chăm được ngày nào không nhé. Đã không chăm được thì đừng có đến đây làm phiền ông. Các người thích ra pháp luật thì tôi cũng chiều luôn đấy, thích thì giờ đi luôn này. Ra đi để tôi báo công an luôn thằng Tuấn con nhà bà ăn rút ruột công trình thế nào.

– Mày… mày làm thế mà được à?

– Các bà cứ đứng đây thêm 1 phút nữa thử xem tôi có dám không.

Chắc hai bà cô cũng biết tính tôi nói được làm được nên không dám găng nữa, đành hậm hực lườm tôi một cái rồi vội vàng ra về. Nhưng lúc ra tới cửa, một bà cô bỗng dưng nghĩ ra chuyện gì đó nên quay lại nhìn chằm chằm bụng tôi.

Thành ngay lập tức đứng chắn trước tôi một bước, cơ thể anh rất cao, hoàn toàn che chắn được toàn bộ người tôi. Hai bà cô thấy anh bảo vệ tôi như vậy thì không dám nói thêm gì, chỉ xoay lưng đi thẳng.

Đợi đến khi bọn họ đi rồi, Thành mới quay lại nhìn tôi, sau đó đỡ tôi ngồi xuống ghế, bàn tay nhẹ nhàng xoa lưng tôi:

– Người như thế không đáng để bận tâm, về sau đừng cãi nhau nữa.

– Nhưng mà em tức.

– Được rồi, không tức nữa. Dành đầu óc chăm sóc ông, tức vì người không đáng chỉ làm em mệt thêm, hiểu không?

Mặc dù vẫn còn ấm ức nhưng để ông thấy nội bộ gia đình ầm ỹ thì lại càng buồn hơn, thế nên tôi đành ngoan ngoãn nghe lời anh. Tôi gật gật đầu:

– Anh ơi, hôm nay em muốn ở đây với ông được không?

– Được. Tý nữa anh gọi điện về nói với mẹ, đừng lo.

– Vâng.

Ánh chiều tà bên ngoài nhanh chóng vụt tắt, nhường chỗ cho màn đêm đen vào tiết trời bắt đầu từ xuân chuyển sang hạ. Sốt ruột chờ đợi mãi, cuối cùng đến tận ngày hôm sau bệnh viện nước ngoài kia cũng liên lạc lại, họ nói ở bên đó tạm thời cũng chưa có phương án nào tối ưu kéo dài sự sống của ông tôi, nhưng có một dự án đang được thử nghiệm của một tiến sĩ đối với các bệnh nhân ung thư, hỏi chúng tôi có muốn tiếp nhận thử không?

Tất nhiên chuyện dùng thuốc thử nghiệm này rất mạo hiểm, nếu may mắn thành công thì có lẽ ông sẽ sống thêm được một ít thời gian, mà nếu không thành công thì ông sẽ phải lìa xa chúng tôi ngay lập tức. Mọi quyết định đều liên quan trực tiếp đến sinh mạng của ông nên tôi rất đắn đo, suy nghĩ mãi không ngủ được, tối hôm ấy cứ xoay đi xoay lại trên giường mãi. Thành thấy tôi cựa nhiều mới đưa tay sờ lên bụng tôi:

– Sao thế? Em vẫn nghĩ đến thuốc thử nghiệm kia à?

– Vâng. Thành công thì tốt, nhưng nếu không thành công thì … Lỡ có vấn đề gì thì chắc em sẽ ân hận cả đời.

– Kết quả có ra sao thì em cũng không có gì phải ân hận cả.

Anh ôm tôi vào lòng, khẽ thở dài:

– Thuốc được lưu hành chính thức hay thuốc thử nghiệm đều có xác suất, quan trọng là mục đích dùng như thế nào. Mục đích của các bác sĩ là để cứu người, còn mục đích của em cũng là để kéo dài sự sống cho ông. Không cố hết sức mới ân hận, còn cố hết sức mà vẫn không được thì không có gì phải ân hận cả.

Những lời động viên này của anh giống như có thể chạm đến tận sâu trái tim tôi, khiến tôi như tỉnh ngộ, cảm thấy vững tâm và có thêm một động lực vô cùng lớn lao.

Đúng vậy, không cố hết sức thì mới phải ân hận, tôi cố hết sức rồi thì còn phải ân hận cái gì?

Tảng đá đè nặng trong lòng tôi phút chốc nhẹ đi rất nhiều. Tôi rúc vào lồng ngực vững chãi của anh, gật gật đầu:

– Vâng, em biết rồi.

– Mà có sai thì cũng là do anh. Anh mới là người mang loại thuốc kia về, biết không?

– Không, chẳng ai sai cả. Chúng ta chỉ đang làm mọi cách để ông sống thôi.

– Ừ.

Anh khẽ cười, nhẹ nhàng ôm lấy đầu tôi. Ở bên kia giường bệnh, những tiếng tích tích vẫn lặng lẽ vang lên trong đêm tối. Anh nói:

– Được rồi, ngủ đi thôi.

Thuốc thử nghiệm không thể có ngay, nghe nói phải hơn nửa tháng nữa mới có thể chuyển về đến Việt Nam cho nên việc đặt ra trước mắt bây giờ chính là cố gắng duy trì cho ông nội tôi có thể gắng gượng được đến ngày đó.

Thành đã tìm những bác sĩ trong nước giỏi nhất, thuốc tốt nhất để điều trị cho ông tôi. Nói chung tình hình cũng chẳng có gì khả quan hơn nhưng ít nhất ông không hề yếu đi thêm, vẫn chỉ hôn mê nằm trên giường như thế.

Thời gian này tôi không muốn rời xa ông, với cả bụng to nữa nên xin nghỉ làm luôn, cả ngày chỉ quanh quẩn ở bệnh viện chăm sóc ông, thỉnh thoảng lắm mới ra ngoài hít thở.

Có một hôm, tôi đang ngồi trong phòng kể chuyện cho ông thì thấy bố mẹ chồng tôi đến. Hơn một tuần rồi tôi không về nhà, ông bà cũng không gọi điện mà hỏi thăm cũng chỉ thông qua Thành. Tôi nghĩ gia đình chồng có khúc mắc lớn như vậy với ông nội tôi nên tôi cũng không dám nhắc đến, càng không hy vọng bố mẹ chồng sẽ đến thăm, thế mà giờ tự nhiên ông bà đến đây làm tôi rất ngạc nhiên.

Mẹ chồng thấy tôi định nhổm dậy mới chạy lại:

– Bụng nặng nề như thế đứng lên ngồi xuống làm gì. Cứ ngồi đi, ngồi đi.

– Bố, mẹ… bố mẹ đến chơi ạ.

Bố chồng tôi khẽ “Ừ” một tiếng, hơi liếc qua bụng tôi rồi mới quay sang nhìn ông nội tôi đang nằm trên giường bệnh:

– Tình hình ông nội con sao rồi? Bố nghe Thành nói đang chờ thuốc hả?

– Vâng. Ông con vẫn thế bố ạ. Anh Thành có liên hệ thuốc ở Mỹ rồi, nhưng chắc phải hơn một tuần nữa họ mới gửi về được.

– Thôi cứ cố gắng chứ biết sao bây giờ. Người già ốm đau bệnh tật, mọi việc diễn biến nhanh lắm, giờ cố gắng dùng thuốc tốt nhất để duy trì cho ông. Hy vọng có thuốc rồi thì mọi chuyện sẽ khác.

– Vâng ạ.

Mẹ chồng đặt một giỏ hoa quả lên bàn, tay kia thì xách một cạp lồng đưa cho tôi. Bà vẫn không thích ông nội tôi nên không lên tiếng hỏi thăm, nhưng lại rất quan tâm Mimi nên mang bao nhiêu cháo mè đen đến. Mẹ chồng tôi bảo:

– Nghe nói ăn cháo mè đen thông minh lắm, ăn đi cho Mimi sau này thông minh, trắng trẻo. À, mẹ có mang cả trứng đến nữa đấy. Một tuần nay ở đây ăn uống có đầy đủ không?

– Có ạ, anh Thành đặt nhiều đồ ăn của các tiệm đồ cho mẹ bầu lắm. Với cả thỉnh thoảng anh ấy cũng mang đồ mẹ nấu vào cho con mà.

– Ừ, nhưng ăn không thường xuyên sao mà khỏe được. Hôm nay đến tuần đi siêu âm Mimi chưa nhỉ?

– Tiện ở viện nên con đi khám luôn rồi ạ. Mimi được gần 29 tuần rồi, gần một cân rưỡi mẹ ạ. Bác sĩ bảo phát triển thế là tốt rồi.

– Ừ, mới có hơn một tuần không gặp mà bụng to hơn bao nhiêu rồi đây này. Con đầu thì khoảng 38, 39 tuần sinh là đẹp. Nhanh thật, thế mà cũng hơn 10 tuần nữa thôi đấy.

– Vâng ạ.

Mẹ chồng ép tôi ăn hết chỗ cháo mè đen, 2 quả trứng, cứ tưởng thế là xong, ai ngờ bà còn bảo tôi uống một cốc sữa nữa, xong xuôi thì bụng tôi đã tròn như quả bóng rồi.

Đúng là mới có mấy ngày thôi mà bụng tôi đã to nhanh thật, đợt vừa rồi 24 tuần còn bé tý, mặc áo rộng thì đến công ty cũng chẳng ai biết bầu, mà giờ mới thêm 5 tuần nữa đã khác hẳn. Người tôi ục ịch nặng nề hơn, em bé cũng lớn hơn…

Bố mẹ chồng ngồi chơi một lúc, khi đứng dậy mới dặn dò tôi nếu có người chăm sóc ông thì về nhà bên kia nghỉ ngơi một vài ngày rồi lại vào, ông bà sợ tôi bầu bì mà cứ quanh quẩn ở đây mãi sẽ ảnh hưởng đến Mimi, nhưng tôi chỉ cười bảo:

– Con khỏe lắm, không sao đâu ạ. Với cả chỉ còn một tuần nữa là có thuốc về thôi ấy mà, đợi đến khi có thuốc, nếu ông nội khỏe lại thì con sẽ về ạ.

– Ừ, làm gì thì làm, phải giữ sức khỏe, nghĩ đến Mimi nữa. Con đầu chưa có kinh nghiệm nhiều, có gì thì cứ gọi mẹ.

– Vâng, con biết rồi, con cảm ơn mẹ ạ.

Có lẽ gia đình chồng cũng biết giờ tôi chỉ còn mỗi ông nội là người thân, cho nên dù không hài lòng vì tôi cứ ở bệnh viện mãi nhưng cũng không nỡ ngăn cản. Chỉ dặn dò như vậy rồi ra về.

Tôi thì chân chạy quen rồi, với cả ban ngày Thành vẫn phải đến công ty giải quyết công việc, một mình tôi ở phòng bệnh mãi cũng chán, thế là cứ lên mạng xem tin tức suốt, tình cờ thế nào lại thấy nick Facebook của bà Uyên hiện lên ở mục gợi ý bạn bè của tôi, tôi tò mò nên mới ấn vào thử.

Đúng là trước giờ tôi ít khi xăm xoi tình nhân của chồng nên không hề biết Facebook của bà Uyên mấy năm nay toàn đăng ảnh của bà ấy với Thành. Có cái thì chụp bà ấy đang đứng sau lưng anh, có cái thì chụp chị ta ngồi sát anh trong phòng hội nghị, có cái chụp một đôi nhẫn xong tag “Hoàng Thành Đặng”. Được tag thế này chắc chắn anh sẽ đọc được, nhưng không hề gỡ tag, chứng tỏ trước đây bọn họ đã từng có một giai đoạn tình cảm bên nhau.

Tôi để ý thấy trong vòng một năm gần đây chị ta đăng Facebook rất ít, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài bức ảnh chụp bọn họ đi cùng nhau trong một chuyến công tác, ngày chúng tôi đi Phú Quý trở về, chị ta có đăng một tấm ảnh chụp chiếc vòng bằng vỏ trai nghìn năm kia, còn kèm một dòng:

“Cảm ơn anh dù thế nào cũng vẫn luôn hướng về em. Em cũng có một trái tim hướng về anh nhiều như thế. Đợi anh!”

Chậc! Thật là khiến người khác buồn nôn.

Mặc dù rất khó chịu về những dòng sến súa ấy, nhưng thời gian này Thành chạy đi chạy lại giữa công ty và bệnh viện rất mệt, còn lo chuyện thuốc thang và điều trị cho ông nội tôi. Hơn nữa, vì anh đã nói sẽ ở bên tôi cả đời rồi nên tôi cũng không muốn vì quá khứ mà dằn vặt anh. Tranh cãi vì mấy dòng người yêu cũ đăng Facebook thì lãng xẹt quá nên tôi không làm.

Chỉ là tôi ấm ức nên không ngủ được, tối ôm ấy anh xoa bụng tôi xong, thấy tôi cứ cựa mãi mới bảo:

– Lại có chuyện gì à? Nói cho anh nghe xem nào.

– Lâu ngày không thấy chị Uyên nên em ngứa ngáy.

Cuối cùng tôi vẫn không nhịn được, nhắc đến chị ta trước mặt anh. Mà có lẽ Thành cũng hiểu khi bầu bì tâm tính con người sẽ thay đổi nên không trách tôi, còn cười:

– Sang Nhật rồi, còn lâu mới về. Lâu nay anh cũng chỉ quanh quẩn ở cạnh em, anh không đi Nhật đâu đấy.

– Anh bảo chị ấy đi thế mà chị ấy không nói gì à?

– Lệnh của cấp trên, với cả muốn phát triển thì cũng phải đi học. Chuyện này là việc công, có muốn kháng nghị cũng không được.

Anh giải thích rất “chí công vô tư” nên tôi không bắt bẻ được, nhưng càng không bắt bẻ được thì tôi lại càng hậm hực. Cuối cùng, Thành mới đưa tay lần mò ra sau lưng tôi, anh bảo:

– Mỏi lưng à? Xoay sang đây anh xoa cho.

– Không mỏi lưng, mỏi chân.

Cứ tưởng nói thế anh sẽ thôi, ai ngờ cái ông này ngồi dậy bóp chân cho tôi thật. Ở tháng này, chân tôi cũng bắt đầu hơi phù, không mỏi lắm nhưng tôi cứ thích nói thế để anh chiều, đến khi được anh chiều thì trong lòng sung sướng không nhịn được, quên sạch cả hờn giận ban nãy, tủm tỉm nằm dưới giường cười.

Đôi tay anh trước giờ chỉ quen cầm bút và gõ phím, bây giờ nhẹ nhàng massa chân cho tôi cũng rất chuyên nghiệp. Mà cũng có thể vì tôi thích anh nên anh làm gì tôi cũng thấy hài lòng, thậm chí còn muốn cầm điện thoại lên chụp hẳn một kiểu ảnh post lên mạng cho ai kia tức chơi. Nhưng nghĩ làm thế thì trẻ con quá, với cả cũng làm mất mặt anh nên tôi thôi.

Bóp chân cho tôi một lúc, anh mới hỏi:

– Bụng to rồi có mệt không?

Lần này tôi dứt khoát lắc đầu:

– Không mệt đâu, nhưng con anh cứ suốt ngày đá bóng trong bụng em thôi. Có hôm đang ngủ ngon mà Mimi cũng đá một phát, làm em giật mình tỉnh cả ngủ.

Trong đêm tối, ánh mắt của anh như rực sáng, Thành khẽ cười, vươn một tay lên xoa bụng tôi:

– Mimi từ giờ chỉ đá bóng khi nào mẹ thức thôi nhé, đừng đá bóng lúc mẹ ngủ. Mẹ cáu là bố con mình phải ôm chăn gối ra ngoài ghế đấy.

Tôi phì cười:

– Em biết Mimi giống ai rồi.

– Giống ai?

– Giống em. Kiểu gì sau lớn cũng làm anh đau đầu cho mà xem.

– Yên tâm, anh chịu được.

Con bé dường như cũng nghe được bố mẹ nhắc đến mình nên khẽ đá vào tay Thành một cái, anh cảm nhận được nên vội vàng cúi xuống, ghé tai mình vào bụng tôi rồi thì thầm nịnh con. Bảo gì mà cựa thì cựa nhẹ thôi, cựa đi cho bố xem, đừng có đá mẹ.

Giây phút ấy, tôi đã hạnh phúc đến mức cười không khép lại được, cảm thấy rất ấm áp và yên tâm vì có anh và con ở bên tôi, thậm chí còn nghĩ mình là một đang sắp được chạm tay vào một điều hạnh phúc nhất trên đời. Chỉ cần cố thêm một tý nữa thôi, một chút xíu nữa thôi, chờ ông tôi tỉnh lại là đã toại nguyện rồi.

Nhưng mà… hóa ra không phải vậy!

Sau đó hai ngày, tôi hết quần áo, với cả bụng to nhanh nên mặc đồ bình thường đã hơi chật rồi, tôi đành để ông cho thím Chung trông rồi về nhà chồng lấy đồ. Ở đó có bao nhiêu váy bầu mẹ chồng mới mua, hơn nữa, lâu rồi không về, cũng nên ghé qua nhà không bố mẹ chồng lại không vui.

Mỗi tội, lần này tôi về thì lại đụng mặt chị chồng. Lâu rồi không gặp nhau, giờ thấy bà ấy ốm nhom gầy đét như que củi, quầng mắt thâm sì, tóc tai bù xù thì tôi hơi ngạc nhiên.

Mà chị chồng thấy tôi bầu bì cũng ngạc nhiên không kém, vừa thấy tôi bước vào đã hỏi:

– Bầu à?