Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 1: Phần Một - TỨC NƯỚC







Hợp tác xã Gia Đạo không còn là mái nhà chung ấm áp như câu khẩu hiệu: Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ như hồi mới thành lập. Sau mấy năm đưa Hợp tác xã lên quy mô cấp cao, câu khẩu hiệu ấy đã trở thành câu nói hài hước, châm biếm mỗi khi cãi nhau giữa xã viên với xã viên, xã viên với Ban quản trị hoặc thành câu nói trêu đùa của đám thanh niên. Đồng đất Gia Đạo xưa nay thuộc vào hàng đất thượng đẳng điền. Cây mạ đặt xuống trên mấy thước ruộng phần trăm của xã viên chỉ năm bữa nửa tháng lúa lên xanh bời bời. Trong khi đó, vẫn đất ấy, người ấy nhưng ruộng của Hợp tác chuột chạy không bén lông. Năng suất vụ sau thấp hơn vụ trước. Từ chỗ một tấn tám đến hai tấn trên một héc-ta một vụ đã tụt xuống một tấn mốt, tấn hai. Ngày công của xã viên theo đó cũng xuống thấp đến mức không còn đủ nấu cháo. Xã viên giờ đây chẳng còn thiết tha gì với đồng ruộng của Hợp tác xã. Họ dồn tâm sức của mình vào mảnh ruộng phần trăm để chống chọi lại với cái đói giáp hạt lúc nào cũng rình rập bên mình.

Vụ Đông Xuân năm nay chi bộ Hợp tác xã Gia Đạo họp bàn quyết tâm chỉ đạo không để cho năng suất tiếp tục giảm nhưng xem ra cũng khó thực hiện. Đêm hôm qua lại một đợt gió mùa đông bắc về đột ngột vào lúc nửa đêm. Sáng ra đường làng vẫn còn hun hút gió. Giá buốt luồn vào trong mọi ngõ ngách. Những ngọn tre, bụi chuối xơ xác, rũ rượi. Ruộng mới cấy được hơn ba phần tư diện tích mà gặp phải cơn rét ngọt như thế này, cây lúa chắc cũng khó ngóc đầu lên được.

Ngọ, phó chủ nhiệm kiêm đội trưởng sản xuất một tay cầm điếu cày, một tay cầm cái dùi kẻng bằng cây dao rựa mòn vẹt, trên đầu đội mũ biên phòng bạc thếch, chân đi giày vải bộ đội, hai ống quần buộc túm lại bằng dây chuối, người mặc chiếc áo bông bộ đội ngoại cỡ buộc một sợi dây thừng ngang lưng cho gió khỏi luồn vào bên trong. Đã lùn lại to bề ngang, Ngọ thu lu trong chiếc áo bông rộng thùng thình, trông anh ta di chuyển trên đường làng như một chú gấu trong rạp xiếc. Thỉnh thoảng thấy một câu khẩu hiệu bị gió đánh xộc xệch từ đêm qua, Ngọ dừng lại để sửa cho ngay ngắn, sau đó đi tiếp.

Bà Mão đứng ở sân nhà mình thấy Ngọ đi qua nói vọng ra:

- Thiên hạ chưa mở mắt mà đã ra đánh kẻng đi làm rồi hả ông đội trưởng. Thư thư cho bà con lo cho lợn gà ăn đã chứ.

- Sáng từ đời tám hoánh rồi còn thư với thái. Chỉ lo cái hũ gạo nhà mình là giỏi. Tôi đánh kẻng mà ra chậm là tôi trừ điểm đừng có trách – Ngọ thích quát nạt ra oai thế thôi chứ chưa thấy Ngọ phạt ai bao giờ. Đối với công việc của Hợp tác, Ngọ chỉ vật vờ qua loa cho xong chuyện rồi chui vào nhà Hoang, một người đàn bà góa đã ba con, chuyên nấu rượu lậu gạ gẫm kiếm rượu uống rồi trở về làm việc nhà.

Ra đến sân Hợp tác Ngọ hếch mặt lên nhìn trời rồi bước vào ngồi bệt xuống hàng hiên của dãy nhà kho móc túi lấy thuốc lào, bật lửa, sau đó bỏ chiếc mũ biên phòng ở trên đầu ra. Một nắm đóm Ngọ giấu trong mũ rơi lả tả xuống đất. Ngọ lấy ra một thanh, còn lại cho vào mũ đội lên đầu như cũ. Ngồi ngắm trời ngắm đất hồi lâu, bấy giờ Ngọ mới cho thuốc vào nõ, bật lửa, đóm cháy gần tàn vẫn chưa châm vào thuốc. Đầu óc Ngọ mu mơ, chẳng biết mu mơ chuyện gì. Lại lật mũ lấy cái đóm khác. Đóm lại rơi lả tả. Cuối cùng thì Ngọ vẫn hút xong điếu thuốc.

Lấu, thư ký đội sản xuất, người cao lêu nghêu, mặc chiếc áo len màu cỏ úa, những cái áo mặc độn bên trong dài hơn áo len nên lòi cả ra ngoài đến mấy lớp. Lấu bị liệt cánh tay trái từ thủa nhỏ nên mỗi bước đi cánh tay lại vung vẩy lủng lẳng. Chiếc mũ lá đội trên đầu lúc nào quai cũng bỏ xuống cằm. Cánh tay còn lại xách kè kè túi vải láng nhựa đựng sổ sách và chùm chìa khóa cửa kho để ở bên trong. Gọi là thư ký đội sản xuất nhưng công việc của Lấu giống như một anh tạp vụ. Ngoài việc ghi công điểm hàng ngày, Ngọ còn giao cho công việc giữ kho, phân công lao động cho xã viên và còn lo thức nhắm cho Ban quản trị.

Thấy Ngọ ngồi hút thuốc lào ở hiên nhà kho, Lấu ngạc nhiên:

- Sao hôm nay anh ra sớm thế. Mọi ngày ra sau em cơ mà?

- Sớm con mẹ gì. Không khéo tám giờ, tám rưỡi rồi cũng nên. Đã lên danh sách phân công lao động hôm nay chưa?

- Em làm rồi.

- Hôm nay cân phân chuồng nhà bà Ngật và ông Tình. Cậu sắp xếp bao nhiêu người đi lấy phân?

- Em tưởng hôm nay chỉ cân phân nhà bà Ngật nên bố trí bốn người.

- Nửa mẫu mà chỉ lấy phân nhà bà Ngật, cậu định rắc phân như rắc mì chính vào canh chắc. Khẩn trương phân công thêm bốn người và một xe cải tiến cân phân nhà ông Tình.

Lấu ngồi xuống cạnh Ngọ rút quyển sổ và ngòi bút máy Trường Sơn trong túi vải nhựa ra vừa ghi chép vừa xuýt xoa:

- Đợt gió mùa này hình như rét hơn đợt trước anh nhỉ? Em mặc độn đến mấy lớp áo rồi mà vẫn thấy rét. Giá như em có được chiếc áo bông và cái mũ bộ đội biên phòng như anh. Em đội cái mũ này gió cứ thốc vào đầu, luồn cả vào chân tóc cứ như có đàn kiến đốt ở trên đầu.

- Áo bông, mũ biên phòng và cả đôi giày vải là của thằng Dũng thải ra đã ba năm nay rồi, tao giữ như giữ mả tổ mới được như thế này đấy.

- Công nhận anh giữ tốt thật đấy. Tiện tay, anh vê cho em điếu thuốc rồi châm đóm hộ em.

- Mọi hôm ở nhà mày vẫn bắt vợ vê thuốc châm đóm hộ à?

- Em tự làm lấy chứ việc gì mà phải nhờ.

- Sao giờ lại nhờ tao?

Lấu cười nịnh:

- Chẳng biết làm nũng với ai nên làm nũng với anh một tí cho nó tình cảm.

Ngọ đưa cái điếu cày và gói thuốc cho Lấu:

- Hút được thì vê lấy thuốc mà hút. Điếu, bật lửa đấy, tao đi đánh kẻng đây.

Ngọ cầm cái dùi kẻng đứng lên, sực nhớ chuyện cần hỏi, Ngọ hắng giọng:

- Này, tao nghe nói con mụ Hê bảo với vợ mày hàng ngày tao chỉ có cầm dùi đi đánh kẻng và lê la uống rượu hết chỗ này sang chỗ khác mà cũng được tính một công có phải không?

- Em không nghe vợ em nói gì. Ai bảo anh?

- Cô Miễn.

- Anh đừng nghe mồm cái con ấy. Nó muốn gắp lửa bỏ tay người đấy. Hôm qua hắn nửa đùa nửa thật bảo em chỉ làm việc có một tay, đáng ra xếp em vào diện lao động phụ. Em chửi cho một trận nên thân.

- Tao mà nghe hắn nói, tao vạc mồm ra – Ngọ dọa.

Ngọ cầm con dao cùn đi đến thanh tà vẹt thủng lỗ chỗ treo trên hai cái cọc bằng gỗ chôn cạnh gốc cây muỗm già. Theo thói quen, Ngọ kẹp con dao cùn làm dùi kẻng vào nách, nhổ nước bọt vào hai bàn tay xoa xoa mấy cái, bấy giờ mới dõng dạc đánh một hồi dài rồi quay về chỗ Lấu đang ngồi hút thuốc:

- Có lẽ tao phải bảo với lão Lịch trích quỹ Hợp tác ra mua cho tao cái đồng hồ “Bôn dốt” giống của hắn ta mới được. Không có cái đồng hồ chẳng biết giờ giấc nào mà điều hành sản xuất. Ngày nắng còn nhìn được mặt trời để áng chừng chứ mùa này chẳng biết đâu mà lần.

- Phải đấy. Quỹ của Hợp tác mà đồng hồ là của mình, dại gì không mua mà dùng.

Dậu và Tế đến sân Hợp tác đầu tiên, tiếp đó là Bích, bí thư chi đoàn, một cô gái xinh xẻo mới mười chín tuổi, khuôn mặt trái xoan, tóc đen mượt dài chấm lưng. Bích bảo Ngọ:

- Giờ này chú mới đánh kẻng đi làm thì đến giờ nào mới ra được ngoài ruộng?

Ngọ trả lời ráo hoảnh:

- Ra giờ nào miễn sao có việc cho mày làm là được. Rét thế này mày bảo bà con ra đồng sớm cho chết cóng à.

- Chỉ có chú sợ rét thì có.

- A cái con này. Nói tiếng nào nó nói giả tiếng đó. Tao bảo bố mày đánh cho tuốt xác bây giờ.

Nói xong Ngọ thản nhiên tiếp tục hút thuốc. Lát sau thấy xã viên đến đã hòm hòm, Ngọ nói to:

- Hôm nay đội ta làm nốt mấy khoảnh ở cánh đồng Bầu. Tổng diện tích bốn mảnh là năm sào ba thước. Số người đi bừa là mười lăm người. Thư ký đội sẽ đọc danh sách.

- Năm sào ruộng mà những mười lăm người đi bừa thì chỉ trâu và bừa cũng chật cả ruộng rồi, lấy chỗ đâu mà bừa? – Dậu đứng ở bên dưới nói to.

- Ông sợ người khác làm tranh việc của ông làm cho ông ít điểm hay sao mà bảo nhiều với ít?

- Tôi thèm vào mấy cái điểm chó chết của Hợp tác để mất công tranh. Thừa lao động thì bố trí công việc khác, còn ối việc phải làm, việc gì đưa nhau ra chen chúc trên một đám ruộng.

- Ông không đi bừa thì chờ đấy bố trí việc khác. Hôm nay ai nhận công đi bừa là phải bừa hai lượt đơn, ba lượt kép. Tổ nhổ mạ tám người, tổ cấy mười lăm người. Sáu người đi tát nước, tám người đi lấy phân. Hôm nay cân phân của nhà bà Ngật và ông Tình. Bây giờ thư ký đội sẽ đọc danh sách cụ thể ai làm việc gì, cứ thế mà làm.

Trong khi Lấu đọc danh sách thì vợ chồng Quy tất tả chạy đến.

Ngọ hoạch họe:

- Vợ chồng nhà Quy có nghe kẻng Hợp tác đánh không mà bây giờ mới có mặt?

Vợ Quy sẵng giọng:

- Những người đi đúng kẻng đã có ai ra đồng chưa mà bảo đây chậm với nhanh.

Ngọ mắng át:

- Chỉ được cái chống đối là giỏi. Tối bình điểm trừ tội đi chậm đừng có kêu nhé.

- Có giỏi tối bình trừ điểm của tôi đi. Thách đấy.

- Cái con mụ này lúc nào cũng lắm mồm – Ngọ quay sang Lấu – Phân công xong chưa. Xong rồi thì mở cửa kho cho bà con lấy dụng cụ. Các bà đi cấy nhớ cầm dây chứ đừng như hôm qua ra đến ruộng mới nhớ dây còn để trong kho.

Dậu hỏi:

- Tôi không nhận nuôi trâu Hợp tác, vậy Hợp tác điều trâu nhà ai đây?

- Cứ ra ngoài bãi chăn tập thể ấy. Ông thấy con nào khoẻ thì ông bắt mà đi bừa.

Dậu không nói gì, vác bừa lên vai đi theo mọi người. Ngọ gọi bà Ngật và những người được phân công đi lấy phân đi theo mình. Ngọ xách cân đi trước, bốn người được phân công đi lấy phân kéo xe cải tiến lẽo đẽo theo sau. Ngọ hỏi bà Ngật:

- Phân của nhà bà liệu có được năm tạ không?

- Hơn ấy chứ lị. Tôi ủ từ sau khi cân hết phân để làm vụ mùa cơ mà.

Nhà bà Ngật ở trong một ngách xóm. Nhà trên, nhà bếp đều lợp ngói, sân lát gạch. Chồng đi làm công nhân giao thông. Một mình quán xuyến gia đình, nuôi hai con nhưng nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng. Chỉ phải cái tính tham lam thì không ai bằng. Hai con chó thấy người lạ xồ ra sủa. Bà Ngật mắng chó rồi bảo những người cùng đi:

- Ông đội trưởng và các chú ngồi đó chờ tôi đi chuẩn bị quang gánh rồi ta ra cân.

- Khẩn trương lên. Thợ bừa ra đồng mà chưa có phân họ chửi cho thối tai.

- Đáng ra tối qua họp bình điểm ông đội trưởng báo trước hôm nay cân phân nhà tôi để tôi chuẩn bị quang gióng. Nước đến chân mới nhảy lại giục.

- Nhà bà có xẻng không?

- Nộp vào làm của chung của hợp tác rồi, chỉ còn hai cái cuốc cùn thôi.

Ngọ bảo Hiến, một thanh niên đang ngồi rít thuốc lào:

- Thằng Hiến đi tìm thằng Lấu bảo nó mở cửa kho xuất hai cái xẻng đưa về đây. Xúc phân cho lên xe cải tiến mà dùng cuốc có mà ăn cứt.

Hiến càu nhàu:

- Anh Lấu xong việc ở sân Hợp tác là lủi như chạch biết đâu mà tìm. Mà có tìm được thì cũng là lúc chú ra đánh kẻng nghỉ là vừa.

- Mày cứ đi tìm nó và đưa xẻng về đây cho tao. Đánh kẻng là việc của tao, chẳng liên quan gì đến mày.

Ngọ ra phía sau chuồng lợn đứng nhìn đống phân chuồng bị gà bới tanh bành, phân tơi ra có màu nhờn nhợt như đám đất bột. Ngọ nhặt một cành cây khơi vào đống phân. Ngọ quay sang phía khác cầm cành cây khơi tiếp. Vẫn một thứ bột đất nhờ nhờ. Ngọ đưa tay bốc một nắm đưa lên mũi ngửi. Bà Ngật đi ra nhìn thấy Ngọ đang ngửi phân nhà mình, lo lắng hỏi:

- Phân nhà tôi có gì mà chú ngửi đi ngửi lại mãi thế?

Ngọ đưa nắm phân trong tay cho bà Ngật:

- Thế này mà bà bảo là phân à?

- Không phân thì là gì?

- Bà nhìn kỹ xem, phân hay là đất?

- Bùn không phải là đất hay sao?

- Bà mà trộn bùn vào đây thì phúc ba đời cho Hợp tác. Bà đưa lên mũi bà ngửi thử xem. Chỉ có đất là đất. Bà không qua mặt tôi được đâu. Có bao nhiêu phân chuồng bà đem ra bón cho ruộng phần trăm. Còn một ít trộn đất vào cho nặng cân để cân cho Hợp tác. Thế nào, tôi nói có đúng không?

Bà Ngật lúng túng:

- Rõ ràng là tôi ủ phân chuồng cùng với cây cứt lợn cắt ở trên đồi Đền Mẫu về trộn thêm với bùn ao nhà tôi mà? Không biết có đứa nào thù oán gì nhà tôi mà đem đất trộn thêm vào đây không biết.

Ngọ cười hề hề:

- Cái bụng tham lam nổi tiếng của bà thù oán bà chứ chẳng có ai vào đây trộn đất vào phân nhà bà đâu.

Mấy người được phân công đi cân phân nhìn nhau tủm tỉm cười. Ngọ hỏi bà Ngật:

- Bây giờ bà tính sao đây?

Bà Ngật đấu dịu:

- Thôi đã nhỡ thế này rồi ông đội trưởng cứ cân cho tôi. Đợt ủ sau tôi rút kinh nghiệm.

- Bà mà rút được kinh nghiệm thì có khi chó đẻ ra bò. Thôi được rồi. Đã có kế hoạch cân phân nhà bà thì tôi cứ cân. Nhưng ba cân, hợp tác chỉ tính hai, trừ một cân vào chỗ đất bà trộn vào. Đồng ý thì cân. Không đồng ý tôi cho người đi cân nhà khác.

- Thế thì thiệt cho nhà tôi quá. Hay là ông đội trưởng trừ phiên phiến cho nhà tôi đỡ thiệt.

- Tôi cứ cân cho bà rồi tính sau. Bà vào lấy bút và sổ ghi điểm ra. Cân được bao nhiêu thằng Hiến sẽ ghi vào đấy cho bà.

Khi Ngọ ra khỏi nhà, bà Lâm nói với bà Ngật:

- Bà có cho đất thì cũng cho vừa vừa thôi chứ một phần phân mười phần đất thế này cây lúa lấy gì mà ăn?

Bà Ngật nói tỉnh bơ:

- Ruộng Hợp tác ăn phân hay ăn đất cũng thế cả thôi. Vô lẽ ủ phân cân cho Hợp tác bà không cho đất vào hay sao?

- Tôi chịu, không làm sao làm được cái trò gian dối ấy.

- Thời buổi bây giờ thật thà chỉ có thiệt thôi bà ạ. Tôi cân đất cho Hợp tác một tạ cũng được năm mươi điểm, bà cân phân cho Hợp tác cũng năm mươi điểm như tôi. Bà thấy bà có dại không.

Ngọ cầm điếu cày và dùi kẻng định đến nhà ông Miên uống rượu cùng với Lịch thì gặp ngay Hoang đeo chiếc bị cói đang đi tới. Vừa thoáng thấy bóng Ngọ, Hoang quay ngoắt trở lại. Ngọ rảo bước đuổi theo. Hoang vào đến sân thì Ngọ đuổi kịp.

- Hôm nay thì không thoát được nữa nhé.

Hoang vênh mặt lên hỏi:

- Tôi làm gì mà thoát với không thoát. Đang định đi chợ sực nhớ quên mấy đồng bạc lẻ ở nhà sợ mấy đứa con đi học về nhìn thấy lấy đi mua kẹo lạc dồi liền quay lại lấy.

Ngọ chỉ vào chiếc bị cói Hoang đang mang trên người:

- Thế cô đựng thứ gì trong bị cói mà che che giấu giấu thế? Mở ra cho tôi xem thử nào.

Biết không thoát được, Hoang cười lẳng lơ:

- Người đâu mà cứ như ma xó. Bị cói đựng rượu đấy, muốn xem thì xem.

Ngọ bước đến đưa tay vỗ một cái vào mông Hoang rồi lấy cái bị cói trong tay Hoang mở ra xem. Ngọ lôi ra một đoạn săm ô tô òng ọc nước được dán kín hai đầu. Van săm để nguyên làm vòi rót. Trong bị cói còn có cái chai cút dùng để đong rượu. Ngọ vỗ vỗ vào đoạn săm:

- Bao nhiêu lít chỗ này?

- Hỏi làm gì?

- Đằng ấy có biết buôn rượu lậu là phạm pháp không?

Hoang cong cớn:

- Biết cũng chịu. Một mẹ ba con gồm bốn miệng ăn. Một công hợp tác được hai lạng thóc, tôi không chạy vãi nước đái ra lấy gì mà đổ vào mồm.

- Bỏ lao động Hợp tác để đi buôn rượu lậu, phạm một lúc hai tội. Đằng ấy tính sao đây?

Hoang nói toẹt:

- Thôi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Mỗi tuần em xin biếu bác một chai sáu lăm để bồi dưỡng. Công điểm em làm được bao nhiêu bác cứ ghi vào sổ, cuối vụ em giao cho tất. Bác mà bắt em nghỉ đi chợ thì em kéo cả mấy mẹ con em đến nhà bác ăn ở với nhau cho vui.

Ngọ nhìn trước nhìn sau rồi bất ngờ đưa tay chộp vào vú của Hoang. Hoang hất tay Ngọ ra:

- Đồ khỉ gió. Nhỡ ai thấy thì chết. Đứng đây em vào lấy rượu cho. Nhớ không được đi theo đâu đấy.

Hoang chạy vào nhà xách ra một chai sáu lăm rượu dúi vào tay Ngọ:

- Bác cầm lấy. Không gì thì bác với nhà em cũng là chỗ họ hàng chú bác. Chẳng may nhà em xấu số bỏ mẹ con em mà đi. Em mong bác thương con bác thế nào thì bác thương các cháu như thế. Mẹ con em chẳng khi nào quên ơn bác.

- Ai bảo cô, tôi và chồng cô là họ hàng bà con chú bác? Chỉ nhận vơ. Tôi tha cho cô lần này. Không tham gia lao động Hợp tác cả vụ thì cũng phải tham gia lấy nửa vụ. Công điểm của cô tôi đếch thèm. Cho các cháu tất.

- Bác thương các cháu như vậy em đội ơn bác.

Ngọ đến đống rơm rút một ít quấn kỹ chai rượu, kẹp vào nách, quay lại ỡm ờ vỗ vào mông Hoang thêm một cái rồi bỏ đi.