Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 43



Biết bao suy nghĩ vẫn quay cuồng trong đầu cha Nil khi ông bước vào phòng mình ở San Girolamo. Đầu tiên, ông kiểm tra để chắc chắn rằng không có gì biến mất khỏi chiếc tủ mà ông thấy vẫn khóa, rồi đến bên cửa sổ: gió sirocco, thứ gió Nam khủng khiếp phủ lên thành phố một lớp cát mỏng từ sa mạc Sahara, vừa nổi lên. Thành phố Roma bình thường rực rỡ là thế đang tắm mình trong thứ ánh sáng xanh lục và vàng nhạt.

Ông đóng cửa sổ để tránh bụi. Nhưng việc này không giúp ông tránh khỏi tình trạng giảm áp suất khí quyển đột ngột luôn kèm với gió sirocco, và gây cho người dân những cơn đau đầu mà tòa án Roma coi như một tình tiết giảm nhẹ, trong trường hợp phạm tội dưới ảnh hưởng của thứ gió xấu này.

Ông bước về phía giá sách để lấy một viên aspirin dự phòng, và dừng lại trước những đồ vật cha Andrei bỏ quên. Bị gia đình từ bỏ khi vào tu viện, bị tổn thương do cái chết của bạn mình, cha Nil rất dễ xúc động: mắt ông nhòa nước. Ông thu nhặt những thứ giờ đây là đồ kỷ niệm quý giá đối với ông, và vùi xuống đáy va li: chúng sẽ có chỗ trong phòng ông ở tu viện Saint-Martin.

Ông lơ đễnh mở cuốn sổ ghi chép và lật vài trang. Lịch làm việc của một tu sĩ cũng trơn nhẵn như cuộc sống của ông ta: những trang giấy còn trắng tinh cho đến đầu tháng Mười một. Ở đó, cha Andrei đã ghi ngày và giờ khởi hành đến Roma, rồi các cuộc gặp tại Cơ quan truyền bá đức tin. Cha Nil lật trang giấy: có vài dòng chữ được ghi vội trên đó.

Tim đập thình thịch, ông ghé người ngồi xuống bên bàn và bật đèn.

Trên đầu trang bên trái, cha Andrei viết bằng chữ hoa: BỨC THƯ CỦA TÔNG ĐỒ. Tiếp theo, thấp hơn một chút là hai cái tên: “Origène, Eusèbe de Caesarea”, rồi đến ba chữ cái và sáu chữ số.

Hai Giáo phụ thuộc Giáo hội Hy Lạp.

Ở trang bên cạnh, ông viết nguệch ngoạc: “S.C.V.Hiệp sĩ dòng Đền”. Và bên cạnh dòng chữ đó lại là ba chữ cái, nhưng tiếp theo chỉ có bốn chữ số.

Các hiệp sĩ dòng Đền làm gì giữa các Giáo phụ?

Liệu có phải là do tác động của gió sirocco không? Đầu ông hơi quay cuồng.

Bức thư của tông đồ: trong những cuộc chuyện trò của họ, cha Andrei đã nói với ông một cách rất mơ hồ về một thứ gì đó thuộc loại này. Và đó là một trong bốn hướng tìm kiếm được đưa ra trong mảnh giấy ông ấy viết trên chuyến tàu Roma Express.

Cha Nil thường tự hỏi làm thế nào để khai thác ghi chú bí ẩn này. Và thế là bạn ông, hẳn ông ấy sẽ làm vậy nếu vẫn đang ở cạnh ông, đã nhắc lại với ông về bức thư này. Dường như cha Andrei nói với ông rằng ông sẽ biết được điều gì đó về chủ đề này trong các tác phẩm của hai Giáo phụ, và những gì ông ấy ghi lại đây giống như tài liệu tham khảo.

Ông cần phải tìm lại những văn bản này. Nhưng ở đâu?

Cha Nil đi đến vòi nước lấy một cốc nước rồi bỏ viên aspirin vào đó. Vừa nhìn cột bọt khí sủi lên, ông vừa suy nghĩ rất lung. Ba chữ cái và sau đó là những con số: đó là mã số trong Hệ thống phân loại Dewey, để chỉ vị trí của những cuốn sách xếp trong một thư viện. Nhưng thư viện nào? Ưu điểm của hệ thống Dewey là có thể mở rộng đến vô cùng: mỗi thủ thư có thể ứng dụng nó theo nhu cầu của mình mà không sợ bị cạn kiệt. Nếu may mắn, hai con số cuối cùng có thể cho phép xác định một thư viện trong số hàng trăm thư viện khác.

Bằng cách hỏi từng thủ thư một. Trên toàn thế giới.

Cha Nil uống cốc thuốc.

Tìm một cuốn sách chỉ từ mã số Dewey cũng giống như tìm một chiếc xe trong một bãi đậu xe bốn nghìn chỗ, mà không biết vị trí cũng như nhãn hiệu xe. Không cả tên nhân viên phụ trách cửa vào. Thậm chí không biết đó là bãi đỗ xe nào nữa…

Ông đưa tay xoa thái dương: cơn đau đi nhanh hơn là thuốc aspirin.

Tiếp theo ba chữ cái đứng sau Origène và Eusèbe là sáu chữ số: như vậy, đó là một mã số đầy đủ, là vị trí chính xác của một tác phẩm trên một giá sách. Nhưng đằng sau ba chữ cái đi kèm “S.C.V.Hiệp sĩ dòng Đền” lại chỉ có bốn chữ số: thể hiện một kệ sách, hoặc có thể là một khu vực trong một thư viện nào đó, không nêu chính xác vị trí cuốn sách.

S.C.V. có phải là tên viết tắt của một thư viện? Ở nơi nào trên thế giới?

Giờ đây, đầu cha Nil đang bị một chiếc mỏ cặp siết lại đau đớn, ngăn không cho ông suy nghĩ. Trong nhiền năm, cha Andrei đã có liên hệ với các thủ thư ở khắp châu Âu, thường qua Internet. Nếu một trong các mã số này là một thư viện tại Viên, ông thấy khó có thể đề nghị Cha tu viện trưởng thuận chi cho mình một vé máy bay khứ hồi đến Áo.

Ông uống viên aspirin thứ hai, rồi leo lên sân thượng trông ra toàn bộ khu vực. Phía xa, thấp thoáng đỉnh vòm của đại giáo đường Saint Peter. Ngôi mộ của Thánh tông đồ được đào sâu vào bên trong đồi Vatican, nghĩa là ở bên ngoài Roma, trên đó Néron đã cho xây một cung điện hoàng gia và một đấu trường. Chính ở đây, hàng nghìn người Cơ Đốc và người Do Thái, phải gánh chịu chung một lòng căm thù, đã bị đóng đinh câu rút vào năm 67.

Các nhà nghiên cứu đã cho ông thấy một bộ mặt không ngờ tới của Peter, là nơi trú ngụ của những dục vọng giết người. Các Bức thư của Tông đồ khẳng định rằng hai giáo dân Cơ Đốc ở Jerusalem, Ananie và Saphire, đã chết do tay ông ta. Việc ám sát Judas chỉ là một giả thiết, nhưng dựa trên nhiều dấu hiệu rất rõ ràng. Tuy nhiên, ở Roma, cái chết của ông ta là một hành động tuẫn đạo: “Tôi tin vào những người chết do đức tin của mình”, Pascal từng nói vậy. Peter bẩm sinh đã rất tham vọng, bạo lực, tính toán. Có lẽ, trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình, ông ta rốt cục đã trở thành một môn đồ thực thụ của Jesus? Lịch sử không thể định đoạt được điều đó nữa, nhưng vẫn phải để ông ta được hưởng mối ngờ vực này.

“Peter hẳn cũng giống như bất kỳ ai trong chúng ta: một con người hai mặt, có thể làm điều tốt đẹp nhất sau điều tồi tệ nhất…”

Người ta vừa nói với cha Nil rằng phải đề phòng mọi thứ, và đề phòng mọi người. Ý nghĩ này khiến ông không thể chịu đựng nổi: nếu nghĩ đến nó nhiều quá, có lẽ ông sẽ nhảy lên chuyến tàu đầu tiên, giống như cha Andrei đã làm. Để không bị lạc lối, ông phải tập trung vào việc nghiên cứu của mình. Sống ở Roma cũng như sống ở tu viện, trong cùng cảnh cô độc ấy.

“Mình sẽ tìm kiếm. Và mình sẽ thấy.”