Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 2 - Chương 31



Du thuyền y-at, máy bay, ôtô. Nhưng vẫn mải mê săn bắn hơn bao giờ hết, trong khu dành riêng cho ông ở Buôn Ma Thuột rộng mênh mông. Mọi việc tưởng như suôn sẻ. Nhưng hiểm hoạ Việt Minh treo lơ lửng trên đầu ông. Thoạt đầu là những lời chửi bới, rồi những câu vè đồng dao vang trên đường phố.

Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về

Nguyễn về để đóng vai hề tay sai…

Gái đẹp cùng với rượu Tây

Quốc trưởng mê gái liếm giầy thực dân

Khi nào súng nổ đâu đây

Bù nhìn Bảo Đại tan thây có ngày... (15)

Sau khi bị Toà án quân sự Liên khu III tuyên án tử hình về tội bán nước, chiếc đầu Bảo Đại được Việt Minh đặt giá một trăm nghìn đồng theo thời giá tháng 8 năm 1949, một năm sau, không biết có phải do đồng tiền mất giá hay thân phận bù nhìn lên giá mà số tiền thưởng lên tới ba trăm nghìn đồng. Tuy nhiên Bảo Đại không đối xử với địch thủ của mình như kẻ thù. Ông vẫn gọi họ là phe “kháng chiến”. Dịp đi thăm chính thức Hà Nội, ông đến đặt vòng hoa trên mồ những nạn nhân trong cuộc chiến tối 19 tháng Chạp năm 1946.

Không ai không biết nơi đây chôn cất các thi thể nhặt nhạnh trên các đường phố Hà Nội sau cái đêm lịch sử đó mà phần lớn là của các tự vệ chiến đấu và bộ đội Việt Minh. Ông còn dự định dành cho Việt Minh – những người “chiêu hồi” trở về với chính nghĩa quốc gia bảy ghế trong quốc hội sẽ được thành lập theo hiệp ước Auriol, nhưng sáng kiến nầy đã bị dư luận ở Pháp la ó phản đối. Sau nầy ông chống lại việc ném bom ồ ạt những vùng do quân đội của Hồ Chí Minh kiểm soát như đề nghị của người Mỹ(16).

Chiến tranh mở rộng và có một tầm vóc mới. Đằng sau nước Pháp và Bảo Đại, là cả phương Tây tập họp trong một thập tự chinh chống cộng sản. Paris, Washington và London chống lại Bắc Kinh và Mátxcơva. Tháng 9 năm 1951, De Lattre hò hét trước đám nhà báo: “Hà Nội hôm nay là tiền đồn của cả thế giới tự do ở Đông Nam Á, giống như Bastogne tháng 12 năm 1944 và Berlin tháng 6 năm 1947“.

Tiền và vũ khí Mỹ đổ vào cuộc chiến ngày một nhiều. Các chính khách bên kia Đại Tây dương sang thăm chiến trường Đông Dương ngày càng đông.

Richard Nixon khi đó là Phó Tổng thống Mỹ lúc ra khỏi biệt điện của Bảo Đại đã phát biểu một câu bênh vực Pháp đến mức ngạc nhiên: “Những gì nước Pháp ngày nay đang làm cho Việt Nam giống như xưa kia họ đã làm cho Hoa Kỳ trong buổi bình minh của lịch sử Hợp chủng quốc”.

Ngày tháng trôi qua giả thuyết Hoa Kỳ dần dần trở thành có thể chấp nhận được. Nhiều nhân vật thân cận của cựu hoàng đã được Washington bí mật cho ăn bẫm.

Một báo cáo của Sở mật thám liên bang thậm chí khẳng định rằng: “Bảo Đại thân Mỹ từ tâm can. Ông ta không dám công khai tỏ rõ thái độ ấy vì sợ Pháp phát hiện”.

Dưới sự thúc đẩy của De Lattre, vũ khí được tăng thêm đem lại lợi thế cho quân đội Pháp – Bảo Đại – Việt. Nhưng năm sau, Việt Minh xoay chuyển cục diện, ngăn chặn các cuộc hành quân của quân đội viễn chinh, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Tây Bắc Bắc bộ, uy hiếp kinh đô Lào. Trong tình hình ấy, đại tướng Navarre, tổng chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp quyết định chặn đứng cuộc tiến công của Việt Minh lại bằng cách tập trung quân ở Điện Biên Phủ, một vị trí chiến lược thuộc xứ Thái. Các tướng lĩnh Pháp hy vọng thu hút quân đội của tướng Giáp vào một địa điểm thuận lợi để đánh một đòn quyết định.

Ở miền Nam, Bảy Viễn vẫn nắm Chợ Lớn và thao túng Đại Thế giới. Quan hệ giữa hắn với quốc trưởng Bảo Đại vẫn chặt chẽ. Những cuộc thăm viếng Đà Lạt của Bảy Viễn ngày càng nhiều. Nhân một lần gặp, Bảo Đại đòi năm trăm nghìn đôla bằng tiền mệnh giá lớn trong vòng bảy mươi hai giờ. Tất cả bọn tay chân ở Sài Gòn nháo nhào huy động đóng góp. Lực lượng Bình Xuyên chỉ có tiền Đông Dương. Cần phải mua đôla với giá cao. Ý của Bảo Đại là muốn cho Sài Gòn cạn sạch tiền Mỹ. Ông ta đã thắng cuộc. Trước khi thời hạn kết thúc, một tay chân thân cận với Bảy Viễn bay đi Đà Lạt với một valy đầy giấy bạc.

Phần thưởng của cựu hoàng ngang với số tiền phải nộp. Trước tiên là một lá thư Bảo Đại thông báo cho Bảy Viễn biết ông nhận hắn làm em nuôi – bào đệ. Sau nầy khi Quốc trưởng sang lưu trú ở Cannes, một bức điện báo xác nhận Lại Văn Sang, phụ tá của Bảy Viễn nay thay thế Bảy Viễn cầm đầu lực lượng Bình Xuyên, được bổ nhiệm tổng giám đốc Nha cảnh sát và an ninh toàn Việt Nam.

Việc bổ nhiệm gây xôn xao dư luận, nhưng một số biện pháp của ông chủ mới đã dẹp yên: thanh trừng những công chức quá hủ hoá, thu gom gái điếm, vây bắt những phần tử Việt Minh… rồi tin tức xấu về chiến cuộc đã che lấp việc thăng chức kỳ cục nầy.

Bảo Đại về nước được năm năm. Thời gian đủ để cho phép tổng kết những việc đã làm được, xấu tốt đến đâu. Mặc dù những đam mê săn bắn, những món lợi nhuận khổng lồ nhận được từ Đại Thế giới, những việc đã làm trong năm năm cầm quyền cũng không phải hoàn toàn tiêu cực như ghi nhận của đa số các sử gia.

Cuối năm 1953, Lucien Bodard nhà báo kiêm nhà viết sử viết:

“Bảo Đại đã thiết lập được một chế độ của riêng ông, đã tổ chức ra một hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc, vừa giữ được vẻ ngoài của một nền dân chủ mà không gây nguy hiểm cho mình. Khôi phục hoàn toàn đế chế Annam cũ với tư cách một nước tự do, có chủ quyền giở đây là mục đích trước mắt của ông.

Nhưng ông đã hành động đơn độc, mới thưc hiện được ở đỉnh chóp của quyền lực và cũng chỉ với một số nhân vật ông không tin những người bình thường. Chế độ của ông trụ được là nhờ những công cụ kinh điển: quân đội, cảnh sát, viên chức, nhưng ông không có “đà”. Tuy nhiên nếu người ta chấp nhận những tiêu chí của chính ông ta thì phải nói Bảo Đại đã làm được nhiều việc tốt”.

Ngày 9 tháng 4 năm 1954, một bữa tiệc được tổ chức để tiễn Quốc trưởng trở lại Paris. Từ Đà Lạt, ông dừng chân một ngày ở Sài Gòn. Trời đẹp. Một làn gió nhẹ lướt qua đường băng Tân Sơn Nhất. Ban sáng trời vừa mới mưa trên diện rộng khắp lưu vực sông Cửu Long.

Phía dưới khoang cửa máy bay có Hoàng thân tân thủ tướng Bửu Lộc, đại tướng Henri Navarre, vài tuần tới sẽ chỉ huy trận Điện Biên Phủ đối mặt với tướng Giáp, đông đủ ngoại giao đoàn và đứng hàng đầu là đại sứ Mỹ Donald Heath.

Bảo Đại vẫn trẻ trung, dáng lực sĩ, vượt lên các quan khách, đi qua đường băng để chào quốc kỳ rồi đi duyệt đội quân danh dự, như lâu nay đã thành lệ từ khi ông trở về nước năm 1949. Chỉ là một nghi thức không giống lễ thức trong triều đình Huế, đã lùi xa về quá khứ. Cũng không phải như nghi thức ở Hà Nội, năm 1945, khi ông còn là cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh. Một thói quen vương giả mới mà điện ảnh đã muốn lưu danh muôn thuở trong hàng chục cuốn phim thời sự trong đó người ta thấy ông đứng sững, dáng vẻ hơi nặng nề, gần như thô kệch. Trang phục lúc nào cũng chỉnh tề không chê vào đâu được, với cặp kính đen không rời từ chuyến du ngoạn Poole, cặp kính đen khiến ông không gây được mấy cảm tình của dân chúng ở Pháp, Mỹ hay cả ở Việt Nam.

Buổi tối, buổi chiêu đãi bắt đầu. Việc đi lại tại trung tâm Sài Gòn bị cấm. Các xe ôtô Citroen, Peugeot sẫm màu nườm mượp thay cho đoàn xe tay lộn xộn, chiếc Mercedes to tướng kềnh càng chở Quốc trưởng đỗ trước dinh Thủ tướng. Buổi chiêu đãi ngắn gọn. Quốc trưởng đã cho biết sáng sớm mai ông sẽ bay từ 5 giờ, nên cần phải đi ngủ sớm.

Hôm sau ông và đoàn tuỳ tùng đi trên một máy bay riêng, chiếc Liberator. Cùng đi với ông có hoàng đệ Vĩnh Cẩn, người em họ luôn tháp tùng ông trong các chuyến đi xa và Nguyễn Duy Quang, phụ trách lễ tân, nguyên đại nội đại thần khi còn ở Huế, từ 12 năm nay không rời ông nửa bước chân.

Máy bay lên tầng cao rồi bất ngờ quay lại, phải hạ cánh cấp tốc do trục trặc về máy liên lạc vô tuyến. Lần nầy không có ban đón tiếp, không có đội danh dự, không cờ trống. Sự cố bất trắc nầy không phải đợi lâu. Bảo Đại ra khỏi máy bay, thả bộ trên đường băng. 

Ông không dám đi quá xa vì lực lượng an ninh đã ra về. Mặc dù vậy ông hít không khí ẩm ướt của đất nước. Ngày vừa rạng, ông đi thêm vài bước nữa rồi quay về chỗ trên máy bay, lần nầy ra đi để không bao giờ trở về nữa.

Chú thích:

(1) Báo cáo của Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, ngày 5 tháng 7 năm 1949 cho biết: Việt Nam không có một chút quyền hạn gì nếu không được Pháp thoả thuận hoặc được tham khảo ý kiến trước. Trích dẫn của Jacques de Folin trong sách Indochine 1946-1954, Nhà xuất bản Perrin.

(2) CAOM, Hồ sơ Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, SPCE (Vụ Báo chí quân đội viễn chinh) 376, năm 1950.

(3) Theo Yves Gras, tác giả cuốn Histoire de la guerre d’ Indochine, Nhà xuất bản Denoel, 1992, Bộ trưởng các quốc gia liên kết (nay là Bộ Pháp quốc Hải ngoại tương đương với Bộ Thuộc địa xưa kia) đã chỉ thị cho tướng De Lattre: Phải đem lại cho các quốc gia liên kết những phương tiện và ý chí đảm nhận lấy trách nhiệm chiến đấu chống Việt Minh, đòi hỏi chính phủ của họ cầm quyền và dẫn dắt họ theo một chương trình hành động cho phép ngay tức khắc thành lập ngay những đội quân quốc gia…

(4) Thời Bảo Đại trở lại cầm quyền đã năm lần thay đổi thủ tướng: Đó là Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Hoàng thân Bửu Lộc và sau cùng là Ngô Đình Diệm.

(5) Đại tá Leroy, Fils de la rizière (Những đứa con của đồng ruộng) Nhà xuất bản Robert Laffont, 1977.

(6) Piere Darcourt, Bay Vien, le Maitre de Cho Lon, (Bảy Viễn, ông chủ Chợ Lớn), Nhà xuất bản Hachette.

(7) CAOM. SPCE-376, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại Phòng báo chí quân đội viễn chinh, năm 1949.

(8) Có tên là Phạm Văn Hưng tức Jean Bùi, sinh năm 1944, được Bảo Đại đỡ đầu và gần gũi, quý mến từ nhỏ. Cuối năm 1953, theo mẹ sang Pháp, đỗ tiến sĩ Luật năm 1969, được Bảo Đại gửi gắm vào học trường ENA (trường Quốc gia hành chính chuyên đào tạo công chức cao cấp về nội trị và ngoại giao Pháp). Làm việc cho Ngân hàng của Pháp hỗ trợ cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

(9) Phương Thảo lấy chồng là một người Pháp dòng dõi quý tộc giàu có. Bà thường vận động các tổ chức quốc tế giúp đỡ trùng tu Văn Thánh và nhà Minh Lâu trong quần thể lăng Minh Mạng ở Huế. Năm 1996, bà cùng với mẹ là bà Mộng Điệp về thăm Huế.

(10) Jacques Massu – Jean Julien Fonde, Láventure Viet Minh, Nhà xuất bản Plon, 1980, tr.83.

(11) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại – SPCE (Phòng báo chí quân đội viễn chinh) 376, năm 1949.

(12) Hỏi chuyện Nguyễn Đức Hoá, một gia nhân của bà Hoàng thái hậu Từ Cung còn sống ở Đà Lạt (tháng 2 năm 1995).

(13) CAOM, Hồ sơ Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, SPCE 376 (Phòng báo chí Quân đội viễn chinh) 376, năm 1949.

(14) CAOM, Hồ sơ Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại – SPCE 376 (Phòng báo chí Quân đội viễn chinh), năm 1950, báo cáo đề ngày 7 tháng 1 năm 1950.

(15) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, SPCE, (Phòng báo chí Quân đội viễn chinh), năm 1949.

(16) CAOM. Hồ sơ Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại – SPCE (Phòng báo chí Quân đội viễn chinh), năm 1949