Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 14: Tránh khỏi mối nguy



Một tối thứ Sáu nọ, Anne từ bưu điện về nhà thì gặp bà Lynde, bà vẫn đang bận túi bụi như thường lệ với việc vác tù và hàng tổng.

“Tôi vừa xuống nhà Timothy Cotton để xem có thể nhờ Alice Louise giúp vài ngày được không,” bà nói. “Tuần trước cô nàng tới giúp tôi, dẫu cô ta quá chậm chạp khó mà lo toan mọi chuyện nhưng có vẫn còn hơn không. Nhưng giờ cô ta bị ốm không đến được. Timothy cũng ngồi thừ ở đó; ho hen và than thở. Ông ta đã hấp hối suốt mười năm trời và sẽ còn tiếp tục hấp hối thêm mười năm nữa. Loại người đó đến chết cũng không thể chết cho dứt khoát được... họ chẳng thể kiên nhẫn đến cùng với bất cứ việc gì, không thể bệnh cho thật lâu để cho chết quách đi. Các gia đình ấy lười biếng khủng khiếp, chuyện gì sẽ xảy đến với họ tôi chịu không biết được, nhưng có lẽ Chúa thì biết đấy.”

Bà Lynde thở dài cứ như nghi ngờ cả Chúa trời cũng phải bó tay.

“Hôm thứ Ba Marilla đi khám lại mắt, phải không? Bác sĩ chuyên khoa nói sao?” bà tiếp.

“Ông ta rất hài lòng,” Anne vui vẻ. “ông ta nói mắt bác ấy tiến triển tốt và không còn nguy cơ bị mù hẳn nữa. Nhưng ông ta nói bác ấy không thể đọc sách nhiều hay thêu thùa may vá được. Bà chuẩn bị cho buổi bán hàng từ thiện sao rồi?”

Hội Từ thiện Phụ nữ đang chuẩn bị cho một hội chợ và bữa ăn tối, bà Lynde là người đứng đâu và đảm nhiệm việc giao tế cho hội.

“Khá ổn... và câu hỏi của cháu làm tôi nhớ ra một chuyện. Cô Allan nghĩ rằng sẽ thật hay nếu làm một gian hàng giống như nhà bếp thuở xưa và phục vụ một bữa ăn gồm đậu hầm, bánh rán vòng, bánh nhân thịt, vân vân. Chúng tôi đang thu thập những đồ dùng kiểu cũ từ mọi nơi. Bà Simon Fletcher sẽ cho chúngtôi mượn tấm thảm bện của mẹ bà ấy, bà Levi Boulter vài ba chiếc ghế cũ và dì Mary Shaw một tủ ly cửa kính. Tôi cho rằng Marilla sẽ cho mượn giá nến bằng đồng chứ? Và chúng tôi cần càng nhiều chén đĩa kiểu cũ càng tốt. Cô Allan rất muốn có một cái đĩa sứ men xanh Trung Hoa nếu ta có thể tìm ra một cái. Nhưng dường như chẳng ai có cả. Cháu có biết chúng ta có thể kiếm được nó ở đâu không?”

“Cô Josephine Barry có một cái đó. Cháu sẽ viết thư hỏi mượn cô ấy,” Anne nói.

“Ừ, tôi cũng mong cháu làm thế. Chắc chúng ta sẽ tổ chức bữa ăn trong vòng nửa tháng tới. Bác Abe Andrew dự báo lúc ấy sẽ có mưa bão; và đó là dấu hiệu khá chắc chắn rằng thời tiết hôm ấy sẽ tốt.”

Vị được mệnh danh là bác Abe có thể coi là một nhà tiên tri, ít nhất thì cũng như các nhà tiên tri khác, ông ta cũng có chút ít tiếng tăm ở quê nhà. Thực ra ông ta được coi là trò đùa sống của cả vùng vì chẳng có mấy lời dự báo thời tiết của ông ta thành hiện thực, ông Elisha Wright, người luôn hành xử cứ như mình là nhà thông thái địa phương, thường nói rằng chẳng ai ở Avonlea cần phải xem dự báo thời tiết hằng ngày trong báo Charlottetown. Không, họ chỉ cần hỏi bác Abe ngày mai trời thế nào và chờ đợi kết quả ngược lại. Không hề nản lòng, bác Abe vẫn tiếp tục tiên tri.

“Chúng ta muốn lo cho xong hội chợ trước khi cuộc bầu cử bắt đầu,” bà Lynde tiếp, “Vì các ứng cử viên chắc chắn sẽ đến tiêu rất nhiều tiền. Đám Đảng Bảo thủ đút lót tứ tung, vậy ta nên cho họ một cơ hội tiêu tiền cho chính đáng, ít nhất là một lần.”

Anne là một ủng hộ viên tích cực của Đảng Bảo thủ vì trung thành với những ký ức về bác Matthew, nhưng cô chẳng nói gì. Cô biết đừng nên tạo cơ hội cho bà Lynde mở đài nói về chính trị.

Cô nhận được một lá thư gửi cho bà Marilla, dấu bưu điện từ một thị trấn ở British Columbia.

“Chắc là từ cậu của mấy đứa trẻ,” cô kêu lên hồi hộp khi về đến nhà. “ôi, bác Marilla, không hiếu ông ta sẽ nói gì nhỉ.”

“Tốt nhất là cứ mở thư ra coi đi,” bà Marilla cộc lốc. Quan sát kỹ càng thì sẽ phát hiện ra bà cũng khá hồi hộp, nhưng thà chết chứ bà chẳng bao giờ chịu thú nhận như vậy.

Anne xé thư ra, liếc nhanh qua nội dung được viết khá tháu và sai chính tả bên trong.

“Ông ta nói không đón mấy đứa trẻ vào mùa xuân này được... ông ta bị bệnh gần cả mùa đông và phải hoãn đám cưới, ông ta hỏi liệu chúng ta có thể giữ chúng đến mùa thu, khi ấy ông ta sẽ cố tới đón chúng. Đương nhiên chúng ta sẽ làm vậy, phải không bác Marilla?”

“Ta cũng thấy chúng ta chẳng còn cách nào khác,” bà Marilla khô khan đáp lời, dẫu bà cảm thấy có phần nhẹ nhõm. “Dù sao thì bọn trẻ không còn gây chuyện nhiều như trước nữa... hay là chúng ta đã quen vớibọn chúng không biết. Davy đã tiến bộ rất nhiều.”

“Riêng về cách cư xử thì thằng bé rõ ràng đã khá hơn,” Anne dè dặt, cứ như cô không dám chắc về đạo đức của thằng bé.

Tối qua Anne từ trường về nhà, thấy bà Marilla đã đi họp Hội Từ thiện, Dora ngủ trên ghế xô pha trong bếp, Davy trong tủ phòng ăn, đang đê mê thưởng thức lọ mứt mận vàng ngon nổi danh của bà Marilla... “Mứt dành cho khách,” Davy gọi như vậy... mà nó bị cấm không cho động tới. Nó lộ vẻ biết lỗi khi Anne xông tới kéo nó ra khỏi tủ.

“Davy Keith, cháu không biết ăn món mứt đó là rất hư sao, nhất là khi cháu đã được dặn dò không được động vào bất cứ thứ gì trong cái tủ đó?”

“Vâng, cháu biết là sai,” Davy lúng túng thú nhận, “nhưng mứt mận ngon khủng khiếp, cô Anne à. Cháu chỉ thò đầu nhìn một chút, nhưng trông nó ngon quá nên cháu định nếm một tí xíu xiu thôi. Cháu thò mộtngón tay vào...” Anne rên rỉ... “rồi liếm sạch. Và nó còn ngon hơn cháu tưởng tượng gấp nhiều lần, nên cháu lấy một cái thìa và bắt đầu đánh chén.”

Anne giảng cho Davy một bài dằng dặc về tội ăn vụng mứt mận đến mức lương tâm nó bắt đầu cắn rứt và nó liên tục hôn cô vẻ hối hận, hứa là sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

“Dù sao thì trên thiên đường sẽ có rất nhiều mứt, cũng an ủi được đôi chút,” nó cười mãn nguyện.

Anne cố nén nụ cười.

“Có lẽ thế... nếu chúng ta muốn vậy,” cô nói, “nhưng vì sao cháu lại nghĩ vậy?”

“Ơ, trong giáo lý có viết thế mà,” Davy đáp.

“Ồ không, trong giáo lý không hề có nội dung như vậy, Davy ạ.”

“Nhưng cháu nói là có mà,” Davy khăng khăng. “Trong câu hỏi bà Marilla dạy cháu Chủ nhật tuần trước. 'Vì sao chúng ta yêu kính Chúa?' Câu trả lời là, 'Bởi vì Ngài làm bảo quản và cứu rỗi chúng ta.' Bảo quản là một cách gọi cao xa của mứt mà.”

“Cô phải đi uống một ly nước đã,” Anne vội nói. Khi quay lại, cô tốn không ít thời gian và công sức giải thích cho Davy rằng một dấu phẩy sẽ làm thay đổi nghĩa trong đoạn giáo lý trên rất nhiều.

“Ôi, cháu cũng nghĩ là đâu dễ có mứt ăn thế,” cuối cùng nó thở dài vẻ thất vọng. “Hơn nữa, cháu chẳng biết Ngài tìm đâu ra thời gian để làm mứt nếu trên thiên đường lúc nào cũng là một ngày Chủ nhật dài vô tận, như trong Thánh ca. Cháu không muốn lên thiên đường. Chẳng lẽ trên thiên đường không có ngày thứ Bảy sao, cô Anne?”

“Có chứ, thứ Bảy và đủ loại ngày tươi đẹp khác nữa. Và mỗi ngày trên thiên đường lại đẹp hơn ngày trước đó, Davy ạ,” Anne trấn an, mừng vì bà Marilla không có ở đó; nếu không bà sẽ bị sốc mất. Khỏi nói, bà Marilla dạy dổ hai đứa song sinh theo kiểu cũ trong Kinh thánh và không khuyến khích bất cứ mơ mộng hão huyền nào. Mỗi Chủ nhật, Davy và Dora lại được dạy một bài thánh ca, một câu hỏi giáo lý và hai tiết Kinh thánh. Dora ngoan ngoãn học thuộc và đọc lại như máy, có lẽ cũng với độ thấu hiểu và hứng thú của một cái máy. Ngược lại, Davy có trí tò mò sâu sắc, thường xuyên đặt những câu hỏi khiến bà Marilla run sợ cho số phận của nó sau này.

“Chester Sloane nói trên thiên đường chúng ta chẳng làm gì cả mà chỉ mặc váy trắng đi vòng vòng và chơi đàn hạc, nó còn nói nó hy vọng đến lúc già mới phải lên đó, may ra tới lúc ấy nó sẽ thích thiên đường hơn. Và nó cho rằng mặc váy thật tởm, cháu cũng nghĩ thế. Vì sao thiên thần nam không thể mặc quần hả cô Anne? Chester Sloane quan tâm đến những chuyện đó vì gia đình nó muốn nó thành mục sư. Nó phải trở thành mục sư vì bà nội nó để lại tiền cho nó học đại học, nhưng nó không thể lấy số tiền đó trừ phi trở thành mục sư. Bà nó cho rằng mục sư sẽ mang lại danh giá cho gia đình. Chester nói nó cũng chẳng phiền gì... dù nó thích làm thợ rèn hơn... nhưng nó nhất định sẽ chơi cho thỏa thích trước khi bắt đầu làm mục sư, vì sau khi làm mục sư thì chẳng còn gì vui vẻ nữa. Cháu sẽ không làm mục sư đâu. Cháu muốn làm chủ cửa hàng, như ông Blair, và có hàng đống kẹo với cả chuối. Nhưng cháu khá thích đi đến thiên đường kiểu cô miêu tả, nếu họ cho cháu chơi kèn thay vì đàn hạc. Cô nghĩ họ có đồng ý không?”

“Ừ, cô nghĩ nếu cháu muốn thì họ sẽ cho phép,” Anne chỉ nói được đến thế.

Tối hôm đó Hội cải tạo Làng Avonlea họp ở nhà ông Harmon Andrew và yêu cầu mọi thành viên phải có mặt, vì họ phải thảo luận một chuyện quan trọng. Hội đang phát triển và đạt được những thành tích vang dội. Hồi đầu xuân, ông Major Spencer đã thực hiện lời hứa của mình, đào gốc cây, san đất và gieo hạt cỏ ở lề đường phía trước nông trại. Hàng chục người khác, một số quyết tâm không để một người nào nhàSpencer giành lấy hết vinh quang, một số bị các cải tiến viên trong nhà thuyết phục, đã học theo ông ta. Kết quả là có một dải cỏ nhung mịn ven đường nơi trước đây chỉ là những bụi cây hay cỏ dại xấu xí. Những nông trại không làm như vậy ở phía trước nhìn xấu hơn hẳn, khiến cho chủ nhân của chúng cảm thấy thầm xấu hổ và quyết tâm sẽ làm thử vào mùa xuân tới. Mảnh đất tam giác ở ngã ba đã được dọn sạch và gieo hạt xong xuôi, luống hoa phong lữ của Anne được gây dựng ở giữa mà không bị con bò tham ăn nào tàn phá.

Tóm lại, các cải tiến viên cho rằng họ đang đi đúng hướng, dẫu khi một ủy ban được lựa chọn cẩn thận của bọn họ đến tiếp xúc với ông Levi Boulter về việc ngồi nhà cũ ở nông trại phía trên, ông ta đã lỗ mãng bảo không muốn ai động vào nhà ông ta hết.

Vào buổi họp đặc biệt hôm nay, bọn họ định sẽ viết đơn thỉnh nguyện cho ủy ban trường học xin xây một hàng rào quanh vườn trường, và thảo luận kế hoạch trồng vài ba cây cảnh bên cạnh nhà thờ nếu quỹ hội cho phép... bởi vì, như Anne nói, khi tòa thị chính vẫn còn được sơn xanh dương thì đừng hòng xin thêm được một đồng quyên góp nào. Các thành viên đang tụ tập trong phòng khách nhà Andrews và Jane vừa đứng dậy chuẩn bị đề cử một ủy ban có trách nhiệm tìm hiểu và báo cáo giá cả của cây cảnh thì Gertie Pye xông vào, tóc chải bóng bẩy và ăn mặc diện đến tận răng. Gertie có thói quen đến trễ... “đế gây ấn tượng đấy mà,” những người ác ý gièm pha. Lần này cô nàng quả thật đã gây ấn tượng, bởi cô nàng làm điệu làm bộ dừng lại giữa phòng, giơ tay lên trời, đảo mắt rồi kêu lên, “Tớ vừa nghe một chuyện thực sự khủng khiếp. Các cậu biết gì không? Judson Parker sẽ cho thuê toàn bộ hàng rào nhìn ra đường cái của nông trại anh ta để cho một công ty sáng chế thuốc sơn biển quảng cáo.”

Lần đầu tiên trong đời, Gertie Pye khiến mọi người chấn động như mình muốn. Dẫu có quăng bom thẳng vào các Cải tiến viên đang tự mãn, cô cũng chẳng làm họ sững sờ hơn thế này.

“Điều đó không thế là sự thật,” Anne ngẩn người.

“Tớ cũng nói y hệt như thế khi vừa nghe tin, cậu không biết sao,” Gertie nói với vẻ hết sức đắc ý. “Tớ nói điều đó không thể là sự thật... rằng Judson Parker không đời nào nỡ làm như thế, cậu không biết sao. Nhưng hồi trưa nay ba tớ gặp anh ta hỏi về việc đó và anh ta đã khẳng định như vậy. Cứ tưởng tượng thử xem! Nông trại của anh ta nằm ngay đường Newbridge, và nó sẽ trông khủng khiếp thế nào nếu được sơn đầy quảng cáo thuốc uống và thuốc cao, các cậu không biết sao?”

Các Cải tiến viên thực sự biết rõ, rất rõ là đằng khác. Ngay cả người kém sức tưởng tượng nhất cũng có thể hình dung cái hình ảnh kinh tởm là hàng rào gỗ dài nửa dặm được tô điểm toàn những loại quảng cáo kê trên. Mọi suy nghĩ về nhà thờ và sân trường đều biến mất trước mối nguy mới này. Luật dân chủ và các quy tắc đều bị bỏ quên, và Anne đã bó tay không thể tiếp tục ghi chép biên bản vì tuyệt vọng. Mọi người nhao nhao lên náo loạn không thể chịu nổi.

“Ôi, hãy bình tĩnh,” Anne van nài dẫu là người xúc động nhất trong bọn, “ráng nghĩ thử xem có cách nào ngăn anh ta lại hay không.”

“Tớ không biết cậu có thể làm sao để ngăn anh ta lại,” Jane kêu lên chua chát. “Ai cũng biết Judson Parker là hạng người gì. Anh ta sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền. Anh ta chả có chút xíu tinh thần cộng đồng hay tí tẹo khiếu thẩm mỹ nào.”

Tinh hình có vẻ không mấy tươi sáng. Judson Parker và chị gái anh ta là những người họ Parker duy nhất ở Avonlea, nên không thể nhờ người trong nhà khuyên ngăn được. Martha Parker là một quý bà đã đứng tuổi, bà ta phản đối đám thanh niên nói chung và các Cải tiến viên nói riêng. Judson là một người vui vẻ dẻo miệng, luôn tươi cười và ôn tồn đến mức thật đáng ngạc nhiên là anh ta có quá ít bạn. Có lẽ anh ta đã chiếm phần hơn trong quá nhiều vụ làm ăn... điều khiến sự mến mộ dành cho anh ta giảm đáng kể. Anh ta nổi tiếng là “ma mãnh” và mọi người cho rằng anh ta “chẳng có nguyên tắc.”

“Nếu Judson Parker có cơ hội 'làm ăn lương thiện', như anh ta vẫn ra rả, anh ta sẽ không bao giờ buông tay đâu,” Fred Wright tuyên bố.

“Không ai có thể tác động đến anh ta à?”Anne tuyệt vọng.

“Anh ta tán tỉnh Louisa Spencer ở White Sands,” Carrie Sloane đê xuất. “Có lẽ cô ta có thể khuyên anh ta đừng cho thuê hàng rào.”

“Không đời nào,” Gilbert nhấn mạnh. “Tớ biết rõ Louisa Spencer. Cô ta không 'tin' vào các Hội cải tạo Làng quê, mà chỉ tin vào tiền mà thôi. Cô ta có khi còn khuyến khích Judson không chừng chứ đời nào mà khuyên anh ta.”

“Chỉ còn cách bổ nhiệm một ủy ban đến gặp anh ta để phản đối,”Julia Bell nói, “Và ta phải chọn các cô gái, bởi vì anh ta chẳng tử tế gì với đám con trai đâu... nhưng tớ sẽ không đi, nên đừng ai đề cử tớ.”

“Tốt nhất là cho Anne đi một mình,” Oliver Sloane nói. “Nếu có ai thuyết phục được Judson thì đó là cậu ấy.”

Anne phản đối. Cô sẵn sàng đi thuyết phục anh ta, nhưng phải có ai khác đi theo để “ủng hộ tinh thần.” Do vậy, Diana và Jane được chỉ định đi ủng hộ cô, và các Cải tiến viên giải tán, phẫn nộ như ong vỡ tổ. Anne quá lo lắng đến mức gần sáng mới chợp mắt được, rồi cô mơ thấy ủy ban trường học đặt hàng rào quanh trường, trên đó sơn kín dòng chữ: “Hãy dùng thử thuốc tím.”

Chiều hôm sau ủy ban cải tiến đến gặp Judson Parker. Anne van vỉ anh ta với những lý lẽ hùng hồn chống lại ý định cho thuê đáng kinh tởm, Janevà Diana dũng cảm đứng bên ủng hộ tinh thần cho cô. Judson ăn nói khéo léo ngọt xớt, khen ngợi bọn họ dịu dàng như hoa hướng dương, cảm thấy thật khó xử khi từ chối các quý cô yêu kiều như vậy... nhưng làm ăn là làm ăn, không thể để tình cảm xen vào thời buổi khó khăn thế này được.

“Nhưng tôi sẽ làm thế này này,” anh ta nói, đôi mắt to màu nhạt lấp lánh. “Tôi sẽ bảo người đại diện chỉ được dùng các màu đẹp đẽ ngon mắt... đỏ, vàng, vân vân. Tôi sẽ bảo ông ta không được phép sơn màu xanh dương với bất cứ giá nào.”

Ủy ban cải tiến ảm đạm rút lui, trong đầu suy nghĩ những điều quá kinh khủng không thể nói ra miệng.

“Chúng ta đã làm hết sức và giờ thì chỉ tùy ý trời thôi,” Jane nói, bất giác bắt chước giọng điệu và thái độ của bà Lynde.

“Tớ tự hỏi ông Allan có làm gì được không,” Diana trầm ngâm.

Anne lắc đầu.

“Không, làm phiền ông Allan cũng vô ích thôi, nhất là hiện giờ con ông ấy đang bệnh như thế. Judson sẽtuột ra khỏi tay ông ấy trơn tru như với chúng ta thôi, dẫu hiện giờ anh ta bắt đầu đi nhà thờ khá thường xuyên. Đó chỉ vì cha của Louisa Spencer đã lớn tuổi và rất khó tính về những chuyện như thế.”

“Judson Parker là người duy nhất ở Avonlea dám nghĩ đến chuyện cho thuê hàng rào,” Jane căm phẫn. “Ngay cả Levi Boulter hay Lorenzo White cũng chẳng đến mức tệ hại như vậy, dẫu họ khá là keo kiệt tính toán. Họ rất để ý đến công luận.”

Công luận đương nhiên đã ném đá vào Judson Parker khi mọi người biết chuyện, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Judson cười thầm và bất chấp tất, trong cuộc họp kế tiếp, khi các cải tiến viên đang cố gắng cam chịu viễn cảnh phần đẹp nhất của đường Newbridge sẽ bị dán đầy quảng cáo thì Anne lặng lẽ đứng dậy lúc hội trưởng đề nghị các ủy ban báo cáo, cô tuyên bố rằng Judson Parker đã nhờ cô báo cho hội rằng anh ta sẽ không cho công ty sáng chế thuốc thuê hàng rào nữa.

Jane và Diana sững sờ như không tin vào tai mình. Quy tắc dân chủ được các cải tiến viên nghiêm ngặt tuân thủ không cho phép họ nhao nhao đặt câu hỏi để thỏa mãn trí tò mò; nhưng sau khi cuộc họp kết thúc, Anne bị vây lấy đòi giải thích. Anne chẳng có gì để giải thích. Judson Parker đuổi kịp cô trên đường chiều hôm trước, nói rằng anh ta đã quyết định chiều theo cái ý kiến kỳ lạ của Hội cải tạo đối với các quảng cáo. Lúc đó và cả về sau nữa, câu trả lời của Anne chỉ có vậy thôi và đó cũng là sự thật. Nhưng trên đường về nhà, Jane Andrews thú thật với Oliver Sloane rằng cô tin chắc có gì đó nằm sau sự thay đổi bí ẩn của Judson Parker nhiều hơn những gì Anne Shirley tiết lộ, và cô cũng đã nói sự thật.

Chiều hôm trước, Anne đi xuống nhà bà già Irving theo đường ven biển rồi về nhà bằng con đường tắt dẫn qua cánh đồng thấp ven biến, xuyên qua khu rừng sồi dưới nhà của Robert Dickson, men theo một lối mòn dẫn ra đường chính ngay phía trên hồ Lấp Lánh... mà những người không giàu óc tưởng tượng gọi là hồ Barry.

Có hai người đang ngồi trên xe ngựa ghìm cương tấp vào lề đường, ngay trước lối ra của con đường tắt. Một là Judson Parker; người kia là Jerry Corcoran, một người sống ở Newbridge mà chưa ai chứng tỏ được là ông ta có hành vi mờ ám nào, bà Lynde sẽ nhấn mạnh một cách hùng hồn như vậy. Ông ta là đại diện bán công cụ nông nghiệp và là một nhân vật nổi bật trong các vấn đê chính trị. Ông ta luôn nhúng tay... một số người nói là nhúng cả hai tay... vào mọi miếng bánh chính trị, và vì sắp có tổng tuyến cử ở Canada, Jerry Corcoran bận bịu suốt mấy tuần liền đi vận động khắp hạt cho các ứng cử viên đảng ông ta. Anne vừa bước ra khỏi lùm cây sồi um tùm thì nghe thấy Corcoran nói,

“Parker, nếu cậu bầu cho Amesbury... ừm, tôi sẽ tặng không cặp bừa cậu vừa mua vào mùa xuân. Tôi cho rằng cậu không phản đối lấy lại tiền chứ, thế nào?”

“Ààà..., nếu ông đã nói thế,” Judson dài giọng cười nhăn nhở, “tôi nghĩ là tôi sẽ làm thế. Phải biết tự bảo vệ lợi ích riêng trong thời buổi nhiễu nhương này.”

Cả hai chợt nhìn thấy Anne và cuộc nói chuyện đột ngột gián đoạn. Anne lạnh nhạt cúi chào rồi bước tiếp, cằm hơi hất lên so với bình thường. Chẳng mấy chốc Judson Parker đã đuổi kịp cô.

“Cần đi nhờ không, Anne?” anh ta ân cần.

“Không, cảm ơn,” Anne lịch sự đáp, giọng khinh khỉnh sắc như dao đủ để đâm xuyên qua lương tâm chẳng mấy nhạy cảm của Judson Parker. Mặt anh ta đỏ bừng lên, tay vặn vẹo dây cương một cách giận dữ; nhưng ngay sau đó, sự cân nhắc cẩn trọng quay lại với anh ta. Anh ta lo lắng nhìn Anne đang thoăn thoắt bước đi, mặt hướng thẳng về phía trước. Liệu cô có nghe thấy lời đề nghị trắng trợn của Corcoran và lời đồng ý rõ ràng của anh ta không? Corcoran chết tiệt! Nếu anh ta không nói năng cân nhắc, sớm muộn gì anh ta cũng sẽ gặp rắc rối to. Lũ giáo làng chết tiệt tóc đỏ quạch với thói quen nhảy bổ từ rừng sồi ra nơi mình chẳng có phận sự gì. Nếu Anne đã nghe thấy, Judson Parker lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử như lời xưa từng nói, rồi tự lừa dối mình như hạng tiểu nhân thường làm, tin chắc Anne sẽ bêu riếu chuyện đó khắp nơi. Judson Parker vốn không quá quan tâm đến dư luận, nhưng chuyện nhận hối lộ nếu bị lộ ra thì thật chẳng khác gì một vố điếng người; và nếu bằng cách nào đó Isaac Spencer biết được chuyện này, anh ta chỉ có nước vĩnh biệt hy vọng cưới được Louisa Jane với triển vọng thừa kế một nông trại sung túc. Judson Parker biết hiện giờ ông già Spencer cũng chẳng mấy đánh giá cao mình, anh ta không thể mạo hiếm được.

“Hừm... Anne, tôi đang định gặp cô về chút chuyện nhỏ chúng ta vừa thảo luận hôm trước. Tôi đã quyết định không cho thuê hàng rào nữa. Một hội với mục đích cao cả như các cô cần được ủng hộ.”

Anne dịu xuống một chút bé xíu gần như không nhận ra được.

“Cảm ơn,” cô nói.

“Và... và... cô không cần đề cập với ai về cuộc trò chuyện giữa tôi và Jerry.”

“Tôi không hề định đê cập chuyện này trong bất cứ trường hợp nào,” Anne lạnh lùng đáp, vì cô thà để mọi hàng rào của Avonlea bị sơn quảng cáo còn hơn là khom lưng mặc cả với một kẻ đi bán phiếu bầu.

“Chính thế... chính thế,” Judson đồng ý, tưởng lầm rằng cả hai đều hiểu ý nhau. “Tôi cũng không cho là cô sẽ làm vậy. Đương nhiên là tôi chỉ lừa Jerry thôi... hắn cứ tưởng hắn thông thái tháo vát lắm. Tôi không hề có ý định bầu cho Amesbury. Tôi sẽ bầu cho Grant như vẫn làm trước giờ... cô sẽ biết khi có kết quả bầu cử. Tôi chỉ dẫn dụ Jerry để xem hắn định đi đến đâu. Và đừng lo về vụ hàng rào... cô có thể báo với các cải tiến viên như thế.”

“Phải có đủ loại người từ thượng vàng đến hạ cám mới tạo nên được thế giới này, mình thường nghe nói vậy, nhưng mình nghĩ một số loại không có còn tốt hơn,” tối hôm đó Anne nói với bóng mình trong gương ở chái Đông. “Dù sao thì mình cũng sẽ không bao giờ nói cái chuyện đáng xấu hổ này cho bất cứ ai, do vậy lương tâm mình hoàn toàn trong sạch về vụ đó. Mình thật không biết phải cảm ơn ai hay cái gì cho kết quả này. Mình chẳng hề nhúng tay chút nào, và thật khó tin rằng Chúa trời làm việc theo cách giống như những trò chính trị mà Judson Parker và Jerry Corcoran hay chơi.”